Giải ngân vốn đầu tư nước ngoài vượt mốc 20 tỷ USD
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/11/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ, tăng nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với 10 tháng năm 2023. Ngoài vốn đầu tư điều chỉnh giảm thì vốn đầu tư mới và GVMCP vẫn tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ.
Cụ thể, có 2.865 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 58,1% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 16,41 tỷ USD (tăng 42,4% so với cùng kỳ). Có 1.152 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 15,9% so với cùng kỳ), tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 6,47 tỷ USD (giảm 32,1% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó, có 3.166 giao dịch GVMCP của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 4% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt gần 5,97 tỷ USD (tăng 46,4% so với cùng kỳ).
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 20,97 tỷ USD, chiếm gần 72,71% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 40,2% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 2,87 tỷ USD, chiếm gần 10% tổng vốn đăng ký, giảm 31,4% so với cùng kỳ. Các ngành tài chính ngân hàng, bán buôn, bán lẻ xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 1,54 tỷ USD và gần 1,04 tỷ USD.
Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô, ước đạt 237,16 tỷ USD, giảm 6,9% so với cùng kỳ, chiếm 73,3% kim ngạch xuất khẩu. Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 192 tỷ USD, giảm 11,1% so cùng kỳ và chiếm 64,3% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu giảm trong 11 tháng năm 2023, khu vực đầu tư nước ngoài vẫn xuất siêu 45,1 tỷ USD kể cả dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu hơn 20,4 tỷ USD.
Cũng tính tới ngày 20/11/2023, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 20,25 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022, tăng nhẹ 0,5 điểm phần trăm so với 10 tháng năm 2023.
Kỳ vọng đón làn sóng đầu tư nước ngoài lần thứ tư
Những số liệu này đã thể hiện khá rõ xu hướng được nhận định của trong báo cáo "Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10/2023" do Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố ngày 22/11.
Theo đó, WB đánh giá cam kết vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lũy kế 10 tháng năm 2023 tiếp tục tăng hơn 14,7% so với cùng kỳ năm 2022, bất chấp những bất ổn toàn cầu, chủ yếu nhờ niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự ổn định và cởi mở của Việt Nam.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục là lĩnh vực thu hút FDI chính vào Việt Nam và lĩnh vực này tiếp tục được cải thiện.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) hàng tháng đã bắt đầu tăng trưởng dương kể từ tháng 4/2023. Trong tháng vừa qua, IIP đạt tốc độ tăng trưởng là 2,89% so với tháng 9 và 5,83% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với các mức tăng trưởng tương ứng 0,03% và 5,51% đạt được trong tháng 9.
Sự cải thiện này, theo WB, xuất phát từ việc tiếp tục mở rộng sản xuất công nghiệp của các sản phẩm xuất khẩu chủ chốt như giày dép và sản phẩm da, điện tử, máy tính, điện thoại di động, phương tiện cơ giới và thiết bị vận tải. Những diễn biến này phản ánh nhu cầu bên ngoài tiếp tục phục hồi.
Tuy nhiên, WB cũng cảnh báo, dù dữ liệu IIP cho thấy sự suy giảm trong sản xuất công nghiệp đã thoát đáy, nhưng triển vọng phục hồi mạnh mẽ vẫn chưa chắc chắn, nhất là khi chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Việt Nam vẫn ở trong vùng suy giảm trong tháng 10 (49,6), so với mức 49,7 trong tháng 9.
Mới đây, tờ báo kinh tế hàng đầu Nhật Bản Nikkei đã có bài viết nhận định Việt Nam có thể sắp đón làn sóng đầu tư mới sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 9.
Trong quá khứ, Việt Nam chứng kiến ba đợt bùng nổ FDI đáng kể. Lần đầu tiên xảy ra khi Honda Motor bắt đầu sản xuất xe hai bánh tại Việt Nam vào năm 1997. Làn sóng thứ hai kéo dài từ những năm 2000 đến năm 2008 khi ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ) sụp đổ, gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong khoảng thời gian này, Samsung Electronics đầu tư cơ sở sản xuất điện thoại thông minh tại Bắc Ninh năm 2009.
Lần bùng nổ thứ ba, dường như đã diễn ra mạnh mẽ vào giữa những năm 2010. Với sức mua ngày càng tăng, Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp tiêu dùng nước ngoài.
Và chuyến thăm vừa qua của Tổng thống Biden có thể kích thích làn sóng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam, cơ hội hình thành làn sóng FDI thứ tư. Trước đó, FDI của Mỹ vào Việt Nam được nhìn nhận là rất khiêm tốn so với các nước châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Tính đến cuối năm 2022, tổng vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam là 11,4 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có rót vốn vào thị trường hơn 100 triệu dân này.
Hiện, Việt Nam muốn chuyển hướng từ các ngành sử dụng lao động truyền thống như dệt may, lắp ráp điện tử sang các ngành công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn. Sự hợp tác với các công ty công nghệ Mỹ, đặc biệt là các công ty chiếm vị thế trong lĩnh vực bán dẫn, AI, sẽ rất quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu công nghiệp đất nước./.
Từ Quỳnh Châu
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT