TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Tình hình phát triển ​công nghiệp và thương mại tỉnh Thái Bình ​6 tháng năm 2024

10/07/2024

Tình hình công nghiệp và thương mại tỉnh Thái Bình trong 6 tháng năm 2024 tiếp tục duy trì và phát triển hầu hết các ngành, lĩnh vực, tạo tiền đề, động lực để ngành công thương hoàn thành tốt nhiệm vụ, kế hoạch năm 2024.

1. Sản xuất công nghiệp

Theo số liệu của Cục Thống kê Thái Bình: 6 tháng đầu năm 2024, công nghiệp thương mại tăng trưởng tích cực cụ thể như sau:

Trong 6 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Thái Bình ước đạt 44.565 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 39% kế hoạch năm 2024. Tuy nhiên, các ngành cụ thể có những biến động khác nhau.

Ngành công nghiệp chế biến đạt 37.405 tỷ đồng, tăng 2,8%. Ngành sản xuất, truyền tải và phân phối điện cùng với sản xuất đá lạnh, đạt 6.871 tỷ đồng, tăng 52%. Sự tăng trưởng này cho thấy nhu cầu về năng lượng và các sản phẩm liên quan tiếp tục tăng cao. Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 171 tỷ đồng, tăng 2,4%. Mặc dù mức tăng trưởng không cao bằng các ngành khác, nhưng đây là lĩnh vực quan trọng góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

2. Thương mại và xuất nhập khẩu

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh Thái Bình ước đạt 39.118 tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 51% kế hoạch năm 2024. Các lĩnh vực cụ thể trong tổng mức này bao gồm:

Doanh thu thương mại đạt 34.284 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành ước đạt doanh thu 2.841 tỷ đồng, tăng 16,4%. Đây là dấu hiệu tích cực trong nhu cầu mua sắm và tiêu dùng hàng hóa trong tỉnh, phản ánh sự phục hồi và phát triển của thị trường nội địa.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Thái Bình ước đạt 1.285 triệu USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 46,5% kế hoạch năm 2024. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực bao gồm hàng dệt may, da giày, giày dép các loại, sản phẩm gốm sứ, sản phẩm gỗ, xơ sợi dệt, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện và sản phẩm từ sắt thép.

Kim ngạch nhập khẩu của tỉnh ước đạt 899 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 46,4% kế hoạch năm 2024. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm bông, vải, sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may da giày, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Một số mặt hàng có giá trị nhập khẩu lớn trong 6 tháng đầu năm nay: Vải các loại đạt 304 triệu USD, tăng 18,5%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 178 triệu USD, tăng 18,9%; phế liệu sắt thép 117 triệu USD, tăng 4,4%; xơ, sợi dệt các loại đạt 57 triệu USD, tăng 8,5%; bông các loại đạt 26 triệu USD, tăng 28,3%; hàng hóa khác 124 triệu USD, tăng 29,3%…Theo thị trường nhập khẩu hàng hóa, Châu Á là thị trường nhập khẩu lớn nhất của tỉnh đạt 774 triệu USD (chiếm 85,2%), tăng 13,4% so với cùng kỳ; tiếp đến là Châu Âu đạt 37 triệu USD (chiếm 4,2%), Châu Mỹ đạt 36,6 triệu USD. Sự gia tăng kim ngạch nhập khẩu phản ánh nhu cầu nguyên vật liệu và thiết bị phục vụ cho các ngành công nghiệp sản xuất và chế biến trong tỉnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành Công thương tỉnh Thái Bình đã triển khai nhiều biện pháp quản lý nhà nước để thúc đẩy sự phát triển công nghiệp, thương mại và năng lượng, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.

Tổ chức các cuộc phát động thi đua đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, và khen thưởng các doanh nghiệp tiêu biểu. Những hoạt động này không chỉ tạo cơ hội giao lưu, gắn kết giữa các doanh nghiệp mà còn là dịp để lãnh đạo tỉnh lắng nghe và giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp gặp phải.

Trên lĩnh vực thương mại, tỉnh Thái Bình đã triển khai nhiều kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thương mại trong nước và Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản. Việc tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại là một biện pháp quan trọng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và nhà sản xuất, đảm bảo sự minh bạch và công bằng trong kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc duy trì và cập nhật thông tin trên sàn thương mại điện tử với hơn 310 gian hàng và 2.313 sản phẩm OCOP giúp mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng cường quảng bá sản phẩm địa phương và hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ hiện đại trong kinh doanh.

Trong quản lý năng lượng, Sở Công thương đã tham mưu tỉnh phê duyệt phương án vận hành lưới điện và thực hiện kế hoạch phối hợp thi công dự án đường dây 500kV.  Ngành Công Thương cũng thẩm định và triển khai 22 dự án cấp điện sinh hoạt và chiếu sáng, 9 dự án xây dựng điện và 7 hồ sơ dự án công trình điện, cho thấy sự chú trọng đầu tư vào hạ tầng năng lượng. Đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định và an toàn là nền tảng cho sự phát triển bền vững, giúp các doanh nghiệp yên tâm mở rộng sản xuất và người dân có điều kiện sinh hoạt tốt hơn.

3. Nhiệm vụ trong thời gian tới

Để tiếp tục duy trì đà phát triển này, ngành Công Thương đã xác định những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới nhằm tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển.

* Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành Công Thương. Tập trung rà soát, tháo gỡ kịp thời các khó khăn trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các dự án lớn, dự án xây dựng hạ tầng KCN, CCN... để các dự án sớm đưa vào sản xuất, tạo năng lực sản xuất mới. Cụ thể là triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP; Chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội; Chương trình hành động của ngành Công Thương; bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong việc gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp.

Triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh về lĩnh vực công nghiệp, thương mại và năng lượng. Tập trung tham mưu kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng sớm bàn giao đất cho nhà đầu tư hạ tầng triển khai các dự án; đôn đốc nhà đầu tư hạ tầng đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, nhất là xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải tập trung; hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục đầu tư, tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình đầu tư, xây dựng và hoạt động trong cụm công nghiệp.

Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình điện để cấp điện cho các khu, cụm công nghiệp trọng điểm của tỉnh; đảm bảo cung cấp điện kịp thời, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Hỗ trợ triển khai dự án nhiệt điện LNG.

Phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh ven sông Trà Lý.

* Tăng cường công tác xúc tiến thương mại; hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, khai thác tối đa các điều kiện thuận lợi của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tiếp tục thực hiện hiệu quả việc phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử.

Thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án khuyến công, khuyến thương để hỗ trợ doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách hành chính lĩnh vực công thương, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào quản lý và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp để nâng cao vị trí xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI).

* Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp: Cần đổi mới mạnh mẽ hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động, có trọng tâm; thay đổi cách thức tiếp cận các đối tác nước ngoài có năng lực, chú trọng theo sát các bộ, ngành Trung ương để được hỗ trợ kết nối và kịp thời cung cấp thông tin, mời gọi nhà đầu tư khi có các đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam. Tổ chức Đoàn công tác của tỉnh đi xúc tiến đầu tư tại nước ngoài theo kế hoạch. Thành lập tổ công tác hỗ trợ phối hợp thực hiện các nội dung đã ký ghi nhớ hợp tác với các doanh nghiệp và đối tác nước ngoài. Chú trọng công tác tư vấn đầu tư; rà soát đơn giản hóa, cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng...

Tăng cường giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, vướng mắc trong thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ xâỵ dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp và các tuyến giao thông kết nối trọng điểm để thu hút đầu tư; xây dựng cơ chế chính sách mới tạo động lực phát triển chung. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách; nâng cao chất lượng thẩm  định các dự án.

Phát triển các loại hình doanh nghiệp, các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và các nội dung, nhiệm vụ sau các hội nghị về xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại... Tổ chức các hội nghị đối thoại, trao đổi tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trong trường hợp cần thiết. Nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp. Trung tâm Hỗ trợ Xúc tiến đầu tư và Phát triển, Trung tâm Phục vụ hành chính công…/.

Nguyễn Kiều Ly

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại- VIOIT

TIN KHÁC