TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Kế hoạch triển khai chương trình hành động thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang

19/07/2024

Trong những năm vừa qua, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, lạm phát cao, nhu cầu tiêu dùng suy giảm, chuỗi cung ứng hàng hóa chiến lược bị đứt gãy… Vượt qua bối cảnh khắc nghiệt, kinh tế của tỉnh An Giang vẫn đạt nhiều thành quả ấn tượng. Trong đó, có sự đóng góp tích cực của ngành công nghiệp và thương mại.

- Về công nghiệp: Mặc dù ngành công nghiệp của tỉnh được phát triển mở rộng, có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ngành này chủ yếu gắn với chế biến nông thủy sản và các sản phẩm phụ trợ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, vì vậy phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của các lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Thiếu hoặc không có các doanh nghiệp phát triển dựa trên các nền tảng công nghệ hiện đại, đội ngũ tri thức khoa học chất lượng cao…Năng lực sản xuất công nghiệp thực tế đều thấp hơn nhiều so với năng lực thiết kế ở hầu hết các mặt hàng chủ lực. Không gian hoạt động sản xuất công nghiệp chủ yếu tập trung tại 03 địa phương: Thành phố Long Xuyên, huyện Châu Thành, huyện Chợ Mới. Riêng các cơ sở sản xuất cá thể phân bổ khá đồng đều ở hầu khắp các huyện, thị, thành phố trên phạm vi toàn tỉnh.Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh, tăng dưới 10% giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2021. Trong nội bộ khu vực sản xuất công nghiệp (SXCN), cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm cao nhất, trung bình chiếm khoảng 80% về giá trị sản xuất.

- Về thương mại: Các ngành dịch vụ thương mại nhìn chung đều có xu hướng tăng trưởng qua các năm. Hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiên ích,…được đầu tư phát triển mở rộng; thương mại điện tử được ứng dụng. Tuy nhiên, hoạt động thương mại nội địa với các loại hình truyền thống là chủ yếu, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn rộng lớn. Hoạt động xuất khẩu tăng trưởng khá ở một số mặt hàng chủ lực, đặc biệt là nông sản. Tuy nhiên, hàng hóa xuất khẩu nhìn chung chưa đa dạng, chưa phát huy hết tiềm năng phát triển của tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu tăng trưởng chậm và thấp hơn so với mức tăng trưởng trung bình của cả nước.

Để hỗ trợ ngành Công Thương của tỉnh tiếp tục phát triển trong những năm tới, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch số 178/KH-UBN ngày 28 tháng 2 năm 2024 triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu

Tái cơ cấu ngành Công Thương nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành. Tạo lập động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành Công Thương tỉnh An Giang đến năm 2030.

2. Mục tiêu cụ thể

Mục tiêu tái cơ cấu ngành công thương đến năm 2030, bao gồm các chỉ tiêu cơ bản như sau:

TT

Chỉ tiêu

2021-2025

2026-2030

I

Về phát triển công nghiệp

 

 

 

1

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) bình quân/năm

9,8%

≥ 10%

 

2

Tỷ trọng công nghiệp trong GRDP

12%

17% vào năm 2030

 

3

Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP

9,2

12%

II

Về phát triển năng lượng

1

Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng (Pmax theo Công ty Điện lực An Giang cung cấp năm 2023 tại đầu thanh cái 110kV)

55%

(256/462 MW)

52%

(402/774 MW)

III

Về phát triển thị trường trong nước

1

Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân/năm (chưa loại trừ yếu tố giá)

10%

12%

2

Tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hoá theo loại hình thương mại hiện đại

10% vào năm 2025

13% vào năm 2030

3

Tỷ lệ doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả tỉnh

5%

8% vào năm 2030

IV

Về phát triển xuất khẩu

1

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân/năm

5,23%

2,5%

2

Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến trong tổng kim ngạch xuất khẩu

62%

58%

 

3. Nhiệm vụ trọng tâm

Để hoàn thành các mục tiêu trên, Kế hoạch đưa ra 5 nhiệm vụ trong tâm về tái cơ cấu ngành công nghiệp, năng lượng, về lĩnh vực xuất nhập khẩu, thị trường trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, nhiệm vụ về tái cơ cấu ngành công nghiệp:

- Đến năm 2030, các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như: chế biến lương thực, thực phẩm (sản phẩm chế biến từ gạo, chế biến từ rau củ quả, chế biến từ thủy sản nuôi, chế biến từ nấm, chế biến dược liệu, các thực phẩm chế biến khác…); công nghiệp sản xuất may mặc, da giày; công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản; công nghiệp năng lượng... đạt trình độ phát triển khá và nằm trong nhóm các tỉnh, thành dẫn đầu về giá trị sản xuất công nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ số phát triển công nghiệp đạt bình quân trên 10%/năm. Đến năm 2030, ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng khoảng 17% trong GRDP của tỉnh.

- Tập trung phát triển mạnh công nghiệp về chiều rộng và chiều sâu theo hướng hiện đại, phù hợp với tiềm năng, lợi thế so sánh, sử dụng công nghệ sạch, đảm bảo môi trường; tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa và trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng của tỉnh.

- Nhiệm vụ trọng tâm trên một số lĩnh vực công nghiệp chủ yếu như sau:

+ Công nghiệp chế biến gạo và thủy sản: Phát triển các dòng sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng chế biến sâu, cùng với việc xây dựng thương hiệu uy tín để thâm nhập sâu vào chuỗi phân phối toàn cầu, giúp duy trì và phát triển vị thế dài hạn. Nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm giá trị gia tăng khác thông qua ứng dụng công nghệ.

+ Công nghiệp chế biến rau quả: Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến rau quả gắn với các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tiến tới hình thành các cụm ngành sản xuất chuyên môn hóa, đáp ứng tốt các quy định, tiêu chuẩn xuất khẩu. Nâng cao năng lực chế biến rau quả, tăng tỷ lệ chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm từ nguyên liệu rau quả và từ phụ phẩm sau chế biến.

+ Công nghiệp chế biến dược liệu, thuốc y học: Ưu tiên phát triển công nghiệp dược, sản xuất nguyên liệu làm thuốc; phát huy lợi thế nguồn dược liệu trong tỉnh, đặc biệt là các loại dược liệu đặc hữu, quý, có giá trị kinh tế cao; Thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp dược, trong đó chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài.

+ Công nghiệp may mặc: Tiếp tục phát triển ngành công nghiệp dệt may trở thành một trong những ngành chủ lực về xuất khẩu. Trong đó phát triển lĩnh vực may mặc từ mô hình CMT (gia công may mặc) hiện nay sang mô hình sản xuất ODM (từ thiết kế đến gia công); đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết hoàn thiện sản phẩm may mặc để thụ hưởngcác chính sách xuất nhập khẩu từ các Hiệp định thương mại tự do, với điều kiện có quy mô đầu tư phù hợp, sử dụng công nghệ tiên tiến và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

+ Công nghiệp hỗ trợ: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm phục vụ các ngành công nghiệp xuất khẩu lớn như: dệt may, da giày, cơ khí,… và tăng cường khả năng đáp ứng các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tăng cường kết nối giữa các nhà cung cấp trong tỉnh với các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam nhằm tăng cường khả năng tham gia mạng lưới sản xuất trong nước và toàn cầu của các doanh nghiệp địa phương.

+Không gian phát triển công nghiệp: Cơ cấu lại không gian phát triển công nghiệp của địa phương đảm bảo tính chuyên môn hóa cao, phát huy tốt nhất các lợi thế của địa phương về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực. Tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tạo lập không gian phát triển mới đối với các ngành công nghiệp và tham gia có hiệu quả vào các chuỗi giá trị trong nước, khu vực và toàn cầu.

+Đẩy mạnh phát triển công nghiệp tại các địa phương: Tăng cường các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; tập trung hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tăng cường hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; thúc đẩy các hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp nông thôn; phát huy vai trò và nâng cao năng lực thực hiện của tổ chức khuyến công.

4. Các động lực tăng trưởng mới của ngành Công Thương

Thứ nhất, phát triển công nghiệp gắn với tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ: Đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với quá trình tái cơ cấu ngành, đưa khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chính, thúc đẩy phát triển công nghiệp nhanh và bền vững.

Thứ hai, năng lượng tái tạo: Từng bước hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới, đồng thời đẩy mạnh thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Thứ ba, thương mại điện tử: Phát triển thương mại điện tử trở thành hình thức thương mại chủ đạo, khai thác có hiệu quả xu hướng số hóa với sự phát triển của phương thức thanh toán điện tử và các công cụ thanh toán mới, không dùng tiền mặt; tăng cường đầu tư, phát triển công nghệ, kết nối hạ tầng, đầu tư cho công nghệ thông tin để đảm bảo tính an toàn và thuận tiện cho người tiêu dùng trong quá trình tham gia giao dịch thương mại điện tử.

Về quy mô thị trường thương mại điện tử: giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đạt 50% dân số sử dụng internet của tỉnh có tham gia mua sắm trực tuyến; trên 50% các đơn vị cung cấp dịch vụ trên thị trường chấp nhận thêm phương thức thanh toán tiền điện tử. Giai đoạn 2026-2030, các chỉ tiêu trên đều đạt trên 70%.

+ Về ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp: Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu: trên 50% doanh nghiệp cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tham gia mô hình truy xuất nguồn gốc rau củ quả; 50% sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh được trưng bày và bán trên các sàn thương mại điện tử phổ biến; có ít nhất 50% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; hỗ trợ 100% doanh nghiệp có ngành nghề hàng hóa truyền thống, làng nghề, hàng đặc sản bán hàng trực tuyến trong nước hoặc xuất khẩu hiệu quả. Giai đoạn 2026-2030, phấn đấu các chỉ tiêu trên lần lượt đạt 70%; duy trì và nâng chất hỗ trợ 100% doanh nghiệp có ngành nghề hàng hóa truyền thống, làng nghề, hàng đặc sản bán hàng trực tuyến trong nước hoặc xuất khẩu hiệu quả.

Thứ tư, khai thác kinh tế ban đêm: Khai thác tiềm năng phát triển các khu kinh tế ban đêm, tuyến phố đi bộ ở trung tâm TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc…. Hình thành các chợ hoặc tuyến phố chuyên đề ẩm thực phục vụ khách du lịch, trong đó kết hợp các hoạt động mua bán và thưởng thức ẩm thực chế biến tại chỗ; hình thành các khu phố mua sắm, các trung tâm thương mại... thu hút các thương hiệu nổi tiếng có gian hàng tại An Giang; khuyến khích các cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24 giờ, đặc biệt tại các khu vực phát triển kinh tế ban đêm, khu vực trung tâm…

5. Giải pháp thực hiện

Để hoàn thành Kế hoạch này, UBND tỉnh yêu cầu triển khai các giải pháp thực hiện sau: (1) Cập nhật, triển khai thực hiện nghiêm túc các thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh trong thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và số hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của ngành Công Thương đảm bảo thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp và người dân. Đảm bảo phù hợp với bối cảnh mới và các cam kết quốc tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo lập môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh cao.(2) Huy động các nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu ngành công thương; (3) Cải cách tổ chức bộ máy theo hướng đẩy mạnh phân cấp phân quyền; thực thi Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành; (4) Tăng cường công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững và (5) Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quản lý ngành; tăng cường công tác thông tin và chia sẻ thông tin; nâng cao năng lực và nhận thức cho các bên liên quan về tái cơ cấu ngành Công Thương./.

Đỗ Thị Bích Thủy

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

TIN KHÁC