Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2030, xây dựng ngành than Việt Nam trở thành ngành công nghiệp phát triển, có sức cạnh tranh cao, có trình độ công nghệ tiên tiến so với khu vực ở tất cả các khâu thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển, sử dụng than. Trong đó, phấn đấu sản lượng than thương phẩm khai thác đạt khoảng 47 triệu tấn/năm trong giai đoạn đến năm 2030. Giai đoạn 2031-2045, vận hành thị trường than cạnh tranh đầy đủ. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên than trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu than hợp lý nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng than của các ngành kinh tế trong nước, đặc biệt là cho sản xuất điện.
1. Ngành Than Việt Nam “Gánh nặng, đường xa”
Theo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), tình hình cung ứng than hiện nay cho nền kinh tế, nhất là than cho sản xuất điện đang là vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Khả năng thiếu than cho sản xuất điện khi nền kinh tế quay trở lại sau đại dịch COVID-19 đã được TKV nhận định và cảnh báo từ sớm, đặc biệt đối với những nhà máy điện sử dụng than nhập khẩu.
Trong giai đoạn phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19, nhu cầu tiêu thụ than trên thế giới đang tăng đột biến khiến giá than trên thị trường quốc tế liên tục xác lập mức cao kỷ lục. Đến thời điểm hiện tại, giá thế giới đã tăng gấp từ 2,5-3 lần giá trong nước.
Cùng với giá than tăng cao, nguồn cung than cũng khan hiếm do đứt gãy chuỗi vận tải xảy ra cục bộ ở nhiều nơi đã gây ra nhiều khó khăn đối với hoạt động cung ứng than cho sản xuất điện ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga - Ukraine.
Đối với Việt Nam, sau khi chuyển hướng thích ứng an toàn với dịch COVID-19, quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội khiến nhu cầu sử dụng năng lượng, cụ thể là nhu cầu than, điện từ đầu năm 2022 tăng rất cao. Vì vậy, áp lực đang dồn lên ngành than, làm sao để phát triển sản xuất, đảm bảo yêu cầu bức thiết cung ứng than cho nền kinh tế đất nước.
Hiện nay, nhiệt điện than đang chiếm hơn 30% tổng công suất nguồn điện của toàn quốc và có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia của Việt Nam. Đây cũng là một trong những nguồn cung cấp điện chính để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, duy trì hệ thống vận hành ổn định.
Mặc dù chịu ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu và của đại dịch Covid-19 rất nhiều, tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ than trong nước trong những năm tới theo dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được dự báo vẫn tăng do: Hàng loạt các nhà máy nhiệt điện chạy than đã và đang xây dựng; Sự phát triển ổn định và tăng trưởng trở lại của các ngành xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất…. Theo đó, dự kiến nhu cầu than trong nước sẽ vào khoảng 92 - 99 triệu tấn vào năm 2025 và tăng lên khoảng 171 - 182 triệu tấn năm 2045.
Tuy nhiên, theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII của Bộ Công Thương trình Chính phủ, dự báo công suất điện cực đại đến năm 2030 khoảng từ 86.500 - 93.300 MW, năm 2045 khoảng từ 155.000 - 189.900MW. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã kiến nghị lựa chọn phương án quy hoạch tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 khoảng 146.000 MW và đến năm 2045 khoảng 343.000 MW. Trong đó đáng chú ý, nguồn điện than đến năm 2030 tiếp tục giảm khoảng 6.000 MW và đến năm 2045, điện than giảm khoảng 12.000 MW. Trong khi đó, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, năm 2030 nhiệt điện than giảm khoảng 14.800 MW.
Điện than đến năm 2030 tại phương án mới này giảm 6.000MW do loại bỏ khỏi Quy hoạch các dự án nhiệt điện than: Quỳnh Lập 1 (1.200 MW), Quỳnh Lập 2 (1.200 MW), Vũng Áng 3 (1.200 MW), Long Phú 2 (1.320 MW); không đưa vào quy hoạch các dự án: Bảo Đài (600 MW), Phả Lại 3 (200 MW)...
Ngoài ra, theo phương án được chọn, có ít nhất 5 dự án nhiệt điện than với tổng công suất 7.100 MW đã thực hiện chuẩn bị đầu tư song rất khó thu xếp vốn để triển khai. Bao gồm các dự án nhiệt điện than: BOT Nam Định (1.200 MW), BOT Quảng Trị (1.200 MW), BOT Vĩnh Tận 3 (1.980 MW), BOT Sông Hậu 2 (2.120 MW), Công Thanh (600 MW).
+ Khó khăn và thách thức
Giai đoạn 2017 - 2020 nhu cầu than antraxit cho Việt Nam cho các nhà máy nhiệt điện chiếm 40 triệu tấn/năm. Sản lượng này tăng lên vào năm 2021 - 2030 từ 50 - 55 triệu tấn than; trong đó, Việt Nam chỉ có 2 đơn vị sản xuất than là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc, sản xuất được 40 - 41 triệu tấn than/năm. Như vậy, trong thời gian ngắn hạn việc tăng từ 10 - 15 triệu tấn than antraxit cho các nhà máy nhiệt điện Việt Nam là khó khả thi và dẫn đến vấn đề thiếu than cho các nhà máy nhiệt điện dùng than antraxit là hiện hữu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng quốc gia.
Mặt khác, trong kế hoạch 2017 - 2030, Việt Nam phải nhập khoảng 70 triệu tấn than nhiệt năng bitum và á bitum. Giá than liên tục tăng đạt các mốc kỷ lục và đến thời điểm hiện nay giá thế giới đã tăng gấp từ 2,5-3 lần giá trong nước; nguồn cung than khan hiếm dẫn đến việc nhập khẩu than với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) hiện nay rất khó khăn. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ than trong nước cũng tăng rất cao gây nên tình trạng khan hiếm than. Theo đó, trong thời gian dài (từ đầu năm 2019 đến cuối năm 2021), giá bán than trong nước cho sản xuất điện không tăng nên lợi nhuận từ sản xuất than ngày càng giảm. Một số dự án đầu tư, phát triển mỏ than theo quy hoạch không cân đối được hiệu quả kinh tế để triển khai thực hiện. Các doanh nghiệp không nhập khẩu được than, quay lại sử dụng than trong nước dẫn đến nhu cầu tiêu thụ than trong nước tăng rất cao gây nên tình trạng khan hiếm than mặc dù sản lượng than sản xuất của TKV không giảm so với các năm gần đây.
Với việc nhập khẩu này thì không thuần túy ở thương mại mà phải tìm nguồn ổn định đầu tư tại nước ngoài. Vì vậy, đến năm 2030, Việt Nam không còn độc lập về năng lượng mà phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ nước ngoài. Do đó, Chính phủ cần đổi mới tư duy về chiến lược an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030 và sau năm 2030.
Về những nguyên nhân và thách thức phát triển ngành than, cũng như ngành khai khoáng cung cấp đầu vào cho an ninh năng lượng quốc gia, riêng về than, tài nguyên than của Việt Nam hiện nay nằm chủ yếu ở Quảng Ninh nhưng đầu tư khai thác than hiện còn rất hạn chế. Bể than Đồng bằng sông Hồng hiện nay chưa có công nghệ để khai thác và cùng với đó, việc khai thác mỏ ngày càng xuống sâu và xa.
Hiện nay, ngành than Việt Nam đã khai thác ở mức -500 so với mực nước biển, áp lực mỏ lớn, mọi điều kiện sản xuất và tăng năng suất lao động rất khó khăn, chi phí ngày càng tăng lên. Bên cạnh đó, việc cấp phép, đầu tư, cơ chế, chính sách cho than hiện nay rất hạn chế.
Vấn đề tái đầu tư trở lại phát triển mỏ than gặp rất nhiều khó khăn. Đồng thời, nguồn nhân lực chính cho lao động làm than là thợ lò hiện nay đang suy giảm rất nhanh, trong khi đó chưa có công nghệ để thay thế lực lượng này.
2. Chuyển đổi năng lượng cho phát triển bền vững, ngành Than hướng đến các cam kết tại COP26
Tổng cộng 47 nước đã ủng hộ “Tuyên bố toàn cầu về chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch” tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) do Vương quốc Anh - nước Chủ tịch COP26 - khởi xướng nhằm thúc đẩy động lực quốc tế cho quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên, sự thiếu vắng của nhiều nước tiêu thụ than lớn của thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ và Australia đã phủ bóng lên nỗ lực giành được sự ủng hộ toàn cầu đối với thỏa thuận trên.
Bên cạnh năm nước phụ thuộc nhiều vào than đá là Indonesia, Việt Nam, Ba Lan, Hàn Quốc và Ukraine, trong số các nước đã ký tuyên bố có cả Pháp, Đức, Hungary, Ireland, Israel, Italy...
Trong tuyên bố, các nước này cam kết ngừng xây mới và cấp phép mới cho các nhà máy nhiệt điện than mới và chính phủ ngừng cung cấp các khoản hỗ trợ trực tiếp mới cho việc sản xuất điện than quốc tế. Ngoài ra, các nước này cam kết “nhanh chóng mở rộng quy mô” sản xuất điện sạch và tăng cường các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong 10 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển dịch khỏi than cho các nền kinh tế lớn vào những năm 2030 và trên quy mô toàn cầu vào những năm 2040.
Hội nghị COP26, 23 nước đã đưa ra những cam kết mới về lộ trình loại bỏ than, gồm cả các quốc gia sử dụng nhiều nguồn năng lượng này như Hàn Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong số những quốc gia đưa ra cam kết thì có 10 nước thực tế không hề sử dụng nguồn năng lượng này. Xét tổng thể, các quốc gia ký cam kết về than đá tại COP26 chỉ chiếm khoảng 13% sản lượng tiêu thụ toàn cầu.
Bên cạnh đó, những nước sử dụng than nhiều nhất trên thế giới lại không tham gia cam kết này, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Australia và Mỹ. Trung Quốc và Ấn Độ có mức tiêu thụ lượng than tổng cộng chiếm gần 2/3 lượng than toàn cầu. Australia là nước sử dụng than lớn thứ 11 trên thế giới và cũng là nhà xuất khẩu than chính. Trong khi đó, Mỹ cũng không ký kết cam kết mặc dù nước này sử dụng than để sản xuất 1/5 tổng sản lượng điện năng tiêu thụ trong nước.
3. Giải pháp cho phát triển ngành Than hiện đại, hiệu quả
Quá trình xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII, là một minh chứng thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ về thực hiện cam kết COP26. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành nhiều cuộc họp để rà soát, hoàn thiện Quy hoạch này nhằm giảm năng lượng hóa thạch, giảm điện than để hạn chế ô nhiễm môi trường. Qua rà soát, dự kiến sẽ giảm khoảng 20.000 MW điện than với hàng chục dự án và tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo như thủy điện, điện Mặt trời, điện gió ngoài khơi. Như vậy, chuyển dịch năng lượng không chỉ là vấn đề của nội bộ ngành năng lượng mà chính là chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế từ mô hình thâm dụng nhiều năng lượng sang mô hình sử dụng năng lượng một cách hiệu quả hơn.
Do đó, từ những vấn đề thách thức khó khăn trên, các Bộ ngành cần sớm đổi mới chính sách về quản lý tài nguyên, khoáng sản theo nguyên tắc thị trường, hội nhập ngay từ việc cấp giấy phép để các doanh nghiệp chủ động phát triển nguồn tài nguyên. Đồng thời, bổ sung và hoàn thiện cơ sở pháp lý, văn bản dưới luật về quản lý tiêu chuẩn phân cấp cho các doanh nghiệp than, khí có một môi trường đầu tư thuận lợi, kể cả nước ngoài và trong nước.
Ngoài ra, có cơ chế, chính sách bình đẳng giữa than nhập khẩu và than trong nước theo thông lệ quốc tế và theo giá quốc tế. Tập trung sản xuất để tăng sản lượng, đáp ứng tối đa cho tiêu thụ, đặc biệt là than cho điện; đảm bảo an toàn lao động, môi trường trong sản xuất. Đồng thời, thường xuyên theo dõi cập nhật diễn biến giá trên thị trường trong nước và quốc tế để điều hành nhập khẩu than theo kế hoạch. Đảm bảo cung cấp than cho ngành điện, trong thời gian tới cần chú trọng cân đối, phân bổ cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện phù hợp.
Kiểm soát tốt phòng chống, dịch bệnh COVID-19; triển khai các chương trình ứng dụng cơ giới hóa, tin học hóa, tự động hóa, chuyển đổi số nhằm tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Tiếp tục phát triển nhiệt điện than nhưng với công nghệ mới, hiệu suất cao, giảm tiêu hao than và giảm phát thải (cả khí thải và chất thải rắn); tăng cường tái chế sử dụng tro xỉ nhiệt điện than.
Xây dựng chính sách sử dụng tiết kiệm than, tận thu nguồn than chất lượng thấp (nhiệt trị thấp, độ tro cao) đưa vào sử dụng, hoặc chuyển sang sử dụng loại than chất lượng thấp hơn. Than sản xuất trong nước được ưu tiên đáp ứng tối đa cho các ngành công nghiệp trong nước và dân dụng, sinh hoạt; chỉ xuất khẩu các loại than trong nước không có nhu cầu.
Thực hiện tái cấu trúc một cách đồng bộ ngành than trên tất cả các mặt như công nghệ, tổ chức, quản lý, xã hội, tài chính, kinh tế và môi trường nhằm phát triển bền vững ngành công nghiệp than. Tập trung hoá sản xuất thông qua liên thông, sáp nhập, hợp nhất các mỏ, doanh nghiệp sản xuất than để tạo ra các doanh nghiệp có quy mô lớn, tăng hiệu quả hoạt động. Tổ chức lại công tác kinh doanh than theo hướng chuỗi cung ứng than đồng bộ, hiện đại.
Như vậy, để phát triển bền vững ngành than cần có chính sách khuyến khích nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong khai thác, nhất là khai thác than trong những điều kiện đặc biệt (dưới hồ nước, dưới các công trình công nghiệp, dân dụng...), và chế biến than cũng như các hoạt động bảo vê môi trường... Tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp các nước để phát triển công nghệ khai thác, sử dụng than theo cách thức thân thiện với môi trường và an toàn, tìm kiếm nguồn cung cấp than dài hạn đảm bảo an ninh lượng cho Việt Nam./.
Lê Anh Tú
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT