Bối cảnh thực hiện kế hoạch phát triển năm 2023
Kinh tế của cả nước nói chung và trong tỉnh nói riêng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng, các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết có hiệu lực và dần đi sâu vào các cam kết về miễn giảm thuế xuất, nhập khẩu tạo ra môi trường cạnh tranh mạnh mẽ tại thị trường trong nước, đồng thời, cũng tạo cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Trong đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (viết tắt RCEP - là một hiệp định thương mại tự do bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand), Hiệp định mới nhất vừa đi vào thực thi từ ngày 01/01/2022 được đánh giá là Hiệp định có quy mô lớn nhất, là thị trường đầu ra của gần 40% hàng xuất khẩu Việt Nam. Đây được xem là khu vực bao trùm chuỗi giá trị toàn cầu và các nguồn FDI lớn nhất của nền kinh tế. Vì vậy, Hiệp định này được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, bên cạnh đó cũng có những thách thức cạnh tranh lớn, bởi vì nền kinh tế trong RCEP có cơ cấu tương tự Việt Nam, trong khi kinh nghiệm, nguồn vốn và sức cạnh tranh lại tốt hơn. Mặt khác, tình hình dịch Covid-19 mặt dù được kiểm soát tương đối ổn trong năm 2022, những vẫn đối diện nhiều nguy cơ xuất hiện biến chủng mới, dịch đậu mùa khỉ cũng đang là mối quan ngại lớn của thế giới nói chung và nước ta nói riêng. Cùng theo đó nền kinh tế được đặt trong bối cảnh giá cả hàng hóa thế giới đang tăng cao, lạm phát của Việt Nam dự báo trong năm 2023 sẽ tăng cao hơn so với cùng kỳ sẽ là những thách thức lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Trên cơ sở tình hình chung đó, Sở Công Thương Tiền Giang xây dựng kế hoạch năm 2023 của tỉnh với các chỉ tiêu và nhiệm vụ định hướng như sau:
Các chỉ tiêu chủ yếu
- Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 tăng 8% so với cùng kỳ.
- Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 ước đạt 3,9 tỷ USD, tăng 8,3% so với ước thực hiện năm 2022.
- Kim ngạch nhập khẩu năm 2023 ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 9,5% so với ước thực hiện năm 2022.
- Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2023 dự kiến đạt 82.000 tỷ đồng, tăng 8,8% so với năm 2022.
Nhiệm vụ và định hướng phát triển của ngành
1. Công nghiệp
- Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về tình hình hoạt động, thị trường tiêu thụ, nguyên liệu sản xuất, lao động,...
- Tập trung rà soát lại tình hình sản xuất ở từng ngành, đặc biệt là các ngành như: dệt may, da giày, chế biến thủy sản, sản xuất kim loại, cơ khí; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ,... tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để đánh giá tác động của dịch bệnh đến từng ngành nhằm có giải pháp hỗ trợ cụ thể doanh nghiệp ổn định sản xuất; xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp.
- Tiếp tục triển khai thực hiện: Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn trước ảnh hưởng của tình hình dịch.
- Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Tái cấu trúc ngành công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình khuyến công, Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả,...
- Hoàn chỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu đất 200ha thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước và khu đất 54,97ha xã Tam Hiệp và Long Định, huyện Châu Thành.
- Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư; sẵn sàng hạ tầng cả trong và ngoài hàng rào khu, cụm công nghiệp để mời gọi đầu tư; vận dụng cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, huy động tối đa mọi nguồn lực về vốn. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, kết nối vùng nguyên liệu, đào tạo lao động, xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm,…
- Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, cần thiết để thu hút lấp đầy diện tích các khu công nghiệp đang hoạt động hoặc đã triển khai xây dựng hạ tầng ở giai đoạn trước và đầu tư mở rộng diện tích khi có nhu cầu. Chú trọng công tác xử lý môi trường theo đúng các tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước trong quá trình hoạt động và sản xuất của khu, cụm công nghiệp. Thu hút đầu tư các ngành nghề tạo ra các sản phẩm công nghiệp theo hướng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Khuyến khích các cơ sở công nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất. Không tiếp nhận các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường cao.
2. Đầu tư lưới điện
- Tiếp tục theo dõi, đôn đốc ngành điện thực hiện đầu tư cải tạo, phát triển lưới điện trên địa bàn tỉnh theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035 đảm bảo cung cấp đủ điện, ổn định cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung đầu tư hoàn thành một số công trình, dự án lưới điện như sau:
+ Nâng công suất trạm biến áp 110kV Bình Đức từ 2x40MVA lên 2x63MVA; xây dựng mới Trạm biến áp 110kV Châu Thành công suất 40MVA.
+ Thực hiện dự án “Cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện trung, hạ thế khu vực trung tâm thị xã, thành phố của tỉnh Tiền Giang” (do Tổng Công ty Điện lực miền Nam làm chủ đầu tư), gồm: 87,2km đường dây trung áp, 357,4km đường dây hạ áp, 88 trạm biến áp với tổng dung lượng 8.552,5kVA, tổng vốn khoảng 207,7 tỷ đồng.
- Phối hợp hỗ trợ ngành điện, chủ đầu tư trong công tác đầu tư thi công các công trình điện, năng lượng.
3. Thương mại
- Tiếp tục theo dõi việc tiến độ đầu tư dự án Trung tâm thương mại Lương Phú; Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ kinh doanh nông sản; Dự án Khu thương mại dịch vụ Phường 6; Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ tỉnh Tiền Giang; Dự án Chợ và khu phố Tân Lập 1; tiến độ đầu tư mới các dự án chợ từ ngân sách tỉnh theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.
- Rà soát, đánh giá việc triển khai tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả công tác phát triển chợ nông thôn theo mục tiêu đề ra.
- Thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động và những ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh các doanh nghiệp để kịp thời tham mưu, đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để duy trì ổn định hoạt động sản xuất.
- Theo dõi, nắm bắt thông tin tình hình tiêu thụ của các doanh nghiệp/HTX cung ứng hàng hóa nông sản cho các hệ thống cửa hàng, siêu thị, chợ... để có giải pháp hỗ trợ điều phối hàng hóa kịp thời khi có hiện tượng khan hiếm, ách tắc.
- Kịp thời thông tin đến các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh về các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.
- Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các cuộc kết nối song phương, các sự kiến xúc tiến thương mại do doanh nghiệp đề xuất và tổ chức.
- Theo dõi, tình hình và thông báo các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Thường xuyên liên hệ và nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang để thông tin đến doanh nghiệp. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch để giảm thiểu rủi ro pháp lý cũng như từng bước xây dựng thương hiệu.
- Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền cho doanh nghiệp nắm rõ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết để doanh nghiệp nắm bắt được những ưu đãi mà Hiệp định mang lại cho xuất khẩu Việt Nam./.
Trần Thị Thúy Hằng
Phòng Thông tin, Thư viện và Xúc tiến Thương mại - VIOIT