TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Kế hoạch phát triển ngành Công Thương tỉnh Ninh Thuận năm 2024

25/10/2023

Theo báo cáo số 1464/KH-SCT ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, kế hoạch phát triển ngành Công Thương năm 2024 như sau:

1. Dự báo tình hình

Trong bối cảnh có nhiều nhân tố chính trị, an ninh, môi trường và kinh tế tác động đan xen tới triển vọng kinh tế thế giới, đáng chú ý là rủi ro biến động về giá cả hàng hóa cơ bản, nhất là giá dầu mỏ, cạnh tranh địa - chính trị và cuộc xung đột Nga - U-crai-na sẽ tiếp tục chi phối sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Trong nước, đầu tư công tiếp tục sẽ là một động lực then chốt khác cho việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong 2024 và cuối nhiệm kỳ 2025 giúp thúc đẩy ngành công nghiệp-xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan khác, giải ngân đầu tư công được kỳ vọng mang lại tác động đa chiều, tạo ra động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế. Trong tỉnh, dự kiến một số dự án trọng điểm sẽ được khởi động vào năm 2024 nhất là các công trình trọng điểm phía Nam, Khu CN Cà Ná, Trung tâm điện lực Cà Ná, dự án hóa chất sau muối; trung tâm logictics Cà Ná, dự án dệt. Các dự án năng lượng: Thủy điện thượng Sông Ông 2/7MW, Thủy điện Phước Hòa/22MW, Điện gió (ĐG) Công Hải 1- GĐ 2 /25MW, ĐG Power số 1/30MW, ĐG Phước Hữu/50MW, ĐG Đầm Nại 3/39,4MW, ĐG Đầm Nại 4/27,6MW, công nghiệp chế biến,…sẽ tạo tăng trưởng cho ngành công nghiệp, đóng góp tăng trưởng chung kinh tế xã hội cho tỉnh.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu:

- Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) phấn đấu tăng từ 12-13% so cùng kỳ.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ: Phấn đấu tăng từ 14-15% so cùng kỳ.

- Kim ngạch xuất khẩu: Phấn đấu đạt 150 triệu USD, tăng 15-16% so cùng kỳ năm 2023.

- Kim ngạch nhập khẩu: Dự kiến đạt 120 triệu USD.

3. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:

Để thực hiện kế hoạch của ngành Công Thương năm 2024, Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận đã xác định các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như sau:

3.1. Tham mưu ban hành các Quyết định, Kế hoạch

Tập trung tham mưu UBND tỉnh ban hành các Quyết định, Kế hoạch để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại năm 2024. Triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, (sau khi Quy hoạch được phê duyệt) liên quan đến lĩnh vực ngành Công Thương.

3.2. Công tác quản lý công nghiệp

- Tiếp tục triển khai Đề án phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước; tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án năng lượng, hạ tầng truyền tải điện đang triển khai; phấn đấu trong năm 2024 khởi công một số dự án đã được phê duyệt Quy hoạch, dự án Thủy điện tích năng Bác Ái, khởi công dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 - 1.500MW;

- Tập trung phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng Cụm công nghiệp (CCN): đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng CCN hoàn tất thủ tục đầu tư để khởi công trong năm 2024 (CCN Phước Tiến, Hiếu Thiện). Triển khai các hoạt động kêu gọi, thu hút các dự án thứ cấp vào các CCN đã đầu tư hạ tầng, chủ động phối hợp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư và nâng tỷ lệ lấp đầy các CCN Hiếu Thiện, Phước Tiến ít nhất 30%, CCN Quảng Sơn nâng tỷ lệ lấp đầy lên 50%. Đôn đốc, hỗ trợ Chủ đầu tư hạ tầng các CCN Phước Minh 1 và Phước Minh 2 (sau khi được thành lập trong năm 2023) đẩy nhanh các thủ tục giai đoạn chuẩn bị đầu tư để đủ điều kiện khởi công các dự án trong năm 2024. Xúc tiến, kêu gọi đầu tư hạ tầng các CCN sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt như: CCN chế biến thủy sản tập trung, Lợi Hải 1, Lợi Hải 2, Tri Hải, Phước Minh 3,...

- Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng liên kết sản xuất, hội nhập và phát triển. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm phục hồi, tiến tới tăng tốc và đột phá các ngành sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp khai khoáng.

 - Triển khai các Đề án khuyến công, Sản xuất và tiêu dùng bền vững, Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để hỗ trợ các Doanh nghiệp/cơ sở công nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất, cải tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối cung cầu, tham gia hội chợ nhằm quảng bá và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm,...

3.3. Công tác quản lý nhà nước thương mại

 - Triển khai thực hiện các Kế hoạch, Quyết định về lĩnh vực thương mại được UBND tỉnh phê duyệt; triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Chương trình hành động hưởng ứng cuộc Vận động ”Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”;

- Theo dõi diễn biến tình hình thị trường, cung cầu hàng hóa thiết yếu; chủ động tham mưu thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường, đảm bảo hàng hóa lưu thông đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt trong các dịp lễ, tết, thiên tai, dịch bệnh...

- Triển khai thực hiện các Đề án, Kế hoạch, Chương trình xúc tiến thương mại để hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại đối với sản phẩm nông sản đặc thù, sản phẩm OCOP của tỉnh. Triển khai công tác chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó trọng tâm là phối hợp với bộ phận chuyên môn thuộc Bộ Công Thương xây dựng Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; đây là cơ sở dữ liệu phục vụ công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên cả nước thông qua các nền tảng số.

- Triển khai thực hiện nhiệm vụ thành viên Ban phát triển sản phẩm OCOP và đặc thù tỉnh; các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển chuỗi các “Điểm bán sản phẩm OCOP, đặc thù tỉnh” phù hợp với Bộ Tiêu chí thiết kế Biển hiệu/Biểu tượng cho điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

- Chủ trì, phối hợp các ngành, địa phương phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại: Quy hoạch phân khu Trung tâm Logistic Cà Ná; đề xuất danh mục xúc tiến đầu tư dự án kho xăng dầu Cà Ná; chợ, siêu thị, trung tâm thương mại ; triển khai chuyển đổi mô hình quản lý chợ; triển khaiĐề án Nhân rộng Mô hình Chợ an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận năm 2024

-Tập trung triển khai vận hành sàn thương mại điện tử tỉnh Ninh Thuận; triển khai hỗ trợ ứng dụng phát triển thương mại điện tử

- Triển khai công tác hội nhập quốc tế, phát triển ngoại thương, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa của tỉnh sang các nước, nhất là các thị trường Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do (CPTPP, EVFTA…) và thị trường Trung Quốc;

3.4. Công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thức hiện các văn bản quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực Công Thương:

- Thực hiện tốt việc cung cấp thông tin những vấn đề phát sinh có liên quan đến ngành để tỉnh có chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, giải quyết kịp thời; Triển khai kịp thời những văn bản quản lý nhà nước trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại đến các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu và áp dụng thực hiện theo quy định;

 - Duy trì công tác xuất bản thông tin ngành Công Thương định kỳ 2 lần/tháng; cập nhật những cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư và danh mục dự án kêu gọi đầu tư ngành Công Thương trên trang website của Sở Công Thương;...

3.5. Cải cách hành chính:

Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, rà soát, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh không thực sự cần thiết; tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, môt cửa liên thông; tập trung nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho doanh nghiệp. Tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm của công chức, viên chức, duy trì kỷ luật, kỷ cương hành chính, đảm bảo chất lượng và tiến độ công việc.

Trần Thị Thúy Hằng

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

TIN KHÁC