TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại tỉnh Thái Nguyên năm 2023

20/12/2023

2023 là một năm đầy khó khăn, thách thức đối với sản xuất công nghiệp, do tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến khó lường. Những áp lực do vật tư đầu vào tăng, thiếu nguyên liệu, nhu cầu thị trường giảm, cung cấp điện không ổn định... khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất, tạm dừng hoạt động, thậm chí một số đơn vị phải giải thể.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo sở, ngành chuyên môn và các địa phương thành lập nhiều đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn. Qua đó nắm bắt những thuận lợi, khó khăn cần tháo gỡ, động viên doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất. Đồng thời tổ chức hội nghị đối thoại, bàn và thống nhất các giải pháp cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng.

Về sản xuất công nghiệp

Theo báo cáo của Cục thống kê tỉnh Thái Nguyên, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 của tỉnh ước đạt 972,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5,13% so với năm 2022. Kết quả tăng trưởng này tuy không đạt so với kế hoạch đề ra là 9,5%, nhưng diễn biến sản xuất cho thấy nhiều chuyển biến tích cực vào dịp cuối năm. Trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, sản lượng và đơn hàng một số sản phẩm dần tăng trở lại, sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu. Cụ thể, Chỉ số sản xuất công nhiệp (IIP) từ tháng 8 đến tháng 11-2023 liên tục tăng, tháng sau cao hơn tháng trước. Trong đó, IIP của tháng 11 có mức tăng cao nhất trong năm 2023 với 8,28%, đây là tháng có chỉ số IIP so với cùng kỳ tăng cao nhất từ đầu năm 2023 đến nay. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động cũng lớn hơn nhiều so với số đơn vị dừng hoạt động.

Một trong những yếu tố quan trọng sẽ giúp sản xuất công nghiệp của tỉnh bứt phá là sự tham gia của các dự án đầu tư mới hoặc bổ sung vốn, mở rộng quy mô sản xuất các dự án hiện hữu.

Tính đến cuối năm, toàn tỉnh có 31 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp mới, với tổng số vốn đăng ký 209,9 triệu USD và 10 dự án tăng vốn với tổng quy mô 19,53 triệu USD. Thái Nguyên đã cấp quyết định chấp thuận nhà đầu tư cho 10 dự án có vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách, với tổng số 7.000 tỷ đồng. Lũy kế tới nay, toàn tỉnh có 201 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là 10,58 tỷ USD và 868 dự án vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn 162,7 nghìn tỷ đồng.

Một trong những điểm nhấn quan trọng về thu hút đầu tư của tỉnh là việc Tập đoàn Trina Solar (Trung Quốc) vừa quyết định đầu tư thêm 420 triệu USD vào dự án thuộc lĩnh vực quang điện trên địa bàn. Ở Thái Nguyên, Trina Solar đã đầu tư 2 dự án trong Khu công nghiệp Yên Bình, với tổng số vốn đăng ký 478 triệu USD, là: Dự án Nhà máy phát triển năng lượng Trina Solar với mục tiêu sản xuất tấm tế bào quang điện (pin năng lượng mặt trời), tấm mô-đun năng lượng mặt trời; Dự án Công ty TNHH Trina Solar Wafer, sản xuất thanh Silic và tấm Silic đơn tinh thể.

Về thương mại, dịch vụ

Tiếp nối đà hồi phục tích cực từ năm 2022, hoạt động thương mại, dịch vụ trong năm 2023 có sự phát triển tích cực, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh Thái Nguyên. Thị trường hàng hóa trong tỉnh tiếp tục sôi động, các hoạt động kích cầu tiêu dùng được ngành chức năng, các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tích cực triển khai thực hiện như: tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu dùng sản phẩm dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm dịch vụ, kết nối các nhà sản xuất với các hệ thống kênh phân phối, các doanh nghiệp với người tiêu dùng thông qua các hoạt động trưng bày, giới thiệu, mở bán với giá khuyến mãi hấp dẫn qua cả hai hình thức truyền thống và thương mại điện tử. Do đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 ước đạt 67,3 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với cùng kỳ (năm 2022 tăng 26,5%). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 48,1 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022. Nhờ đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm để thu hút khách du lịch nên doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lữ hành ước đạt 11,4 nghìn tỷ đồng, tăng 57,4% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 7,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với năm 2022.

Bên cạnh đó, để tăng cường công tác quản lý nhà nước, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng và triển khai kế hoạch đảm bảo bình ổn thị trường, kích cầu tiêu dùng, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Thái Nguyên đã ban hành các văn bản đề nghị các doanh nghiệp hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai một số biện pháp đảm bảo ổn định giá cả hàng hóa phục vụ nhân dân, như: Lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu bố trí kho dự trữ các mặt hàng thiết yếu và sắp xếp mạng lưới cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp, góp phần bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa; tăng cường theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là hàng có biên độ biến động mạnh về giá để cơ cấu hợp lý, hiệu quả danh mục hàng hóa của đơn vị, xác định nhóm mặt hàng chủ lực. Đồng thời phối hợp với các sở, ban ngành, đơn vị liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi trái pháp luật về lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.


Về hoạt động xuất nhập khẩu:

Giá trị xuất khẩu năm 2023 của tỉnh đạt 35 tỷ USD, tăng 9% so với thực hiện năm 2022, trong đó xuất khẩu địa phương đạt 765 triệu USD, tăng 10%. Nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu chiếm tỷ trọng lớn trên địa bàn tỉnh như điện thoại thông minh, máy tính bảng, linh kiện điện tử và phụ tùng khác ước đạt 24,8 tỷ USD. Các nhóm hàng khác có giá trị xuất khẩu trong năm 2023 ước giảm so với năm 2022 gồm: Sản phẩm từ sắt thép; giấy và các sản phẩm từ giấy; kim loại màu và tinh quặng kim loại; chè các loại; phụ tùng vận tải… Ở chiều ngược lại, một số nhóm hàng có giá trị xuất khẩu ước tính năm 2023 đạt cao hơn năm 2022 như sản phẩm may mặc đạt 499,2 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ.

Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt 16,3 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước ước đạt 510,9 triệu USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 15,8 tỷ USD. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) duy trì ổn định, bình quân tăng 0,92% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 8/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng; 2 nhóm có chỉ số giá giảm; 1 nhóm ổn định chỉ số giá.

Đánh giá chung, mặc dù nhiều chỉ tiêu kinh tế không đạt được như kỳ vọng và không thể hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2023 là 8,5% nhưng những kết quả đạt được trong phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn  tỉnh như trên là rất đáng ghi nhận, thể hiện sự quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành của các cấp ngành, địa phương, sự chung sức, đồng lòng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Để sản xuất công nghiệp bứt phá đạt mục tiêu đề ra trong năm 2024 và những năm tiếp theo, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp để thu hút nhà đầu tư thứ cấp; tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất - kinh doanh; triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh để thúc đẩy sản xuất công nghiệp./.

                                                    Đinh Thị Bích Liên

                                                      Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

TIN KHÁC