NGHIÊN CỨU

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Nghiên cứu

Phê duyệt quy hoạch tỉnh Phú yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

12/01/2024

Ngày 30 tháng 12 năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1746/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung sau:

1. Mục tiêu phát triển đến năm 2030

- Mục tiêu tổng quát: Phấn đấu đến năm 2030, Phú Yên trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Kinh tế phát triển dựa trên lợi thế biển với các trụ cột: Công nghiệp (luyện kim, lọc, hóa dầu, năng lượng,...); du lịch dịch vụ chất lượng cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vận tải biển và logistics. Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Có mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao, môi trường sống được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng, an ninh được tăng cường.

- Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về kinh tế:  Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 8,5 - 9%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 150 - 156 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế đến năm 2030: Công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 34%; dịch vụ chiếm 46%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 15%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) chiếm khoảng 5,0%. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt trên 40%. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 7,0 - 7,5%/năm. Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (không kể thu tiền sử dụng đất) bình quân 9 - 10%/năm. Tổng nhu cầu vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 95 - 98 nghìn tỷ đồng và giai đoạn 2026 - 2030 đạt khoảng 190 - 200 nghìn tỷ đồng. Tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên đạt 7.000.000 lượt khách, trong đó có 600.000 lượt khách quốc tế, đóng góp GRDP của ngành du lịch trong tổng GRDP của tỉnh đạt khoảng 15%.  Tỷ trọng kinh tế số chiếm 30% GRDP; Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 50%, đô thị phát triển theo hướng thông minh.

2. Tầm nhìn đến năm 2050

Phú Yên trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển đạt mức khá so với các địa phương trong cả nước, phấn đấu từ năm 2035 tỉnh Phú Yên tự cân đối được ngân sách nhà nước. Là một trung tâm kinh tế biển của vùng Duyên hải Trung Bộ; có hệ thống đô thị thông minh, xanh, bền vững, bản sắc, trong đó những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống của vùng và cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các hoạt động kinh tế - xã hội và quản trị công được vận hành chủ yếu theo cơ chế của nền kinh tế số, xã hội số. Các ngành kinh tế phát triển theo phương thức thông minh và các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh được bảo tồn, gìn giữ, phát huy hiệu quả, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng trên cơ sở tăng năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển một số ngành có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn trong không gian phát triển; cân đối, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; trong đó:

3. Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng

a) Ngành công nghiệp: Duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở mức cao, theo hướng bền vững và là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, đưa Phú Yên trở thành một trong những tỉnh có công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của vùng, các khu công nghiệp với công nghệ hiện đại thu hút đầu tư các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao. Phát triển các ngành công nghiệp và các sản phẩm quan trọng là thế mạnh của Tỉnh, song song với việc nâng cao trình độ công nghệ và áp dụng công nghệ cao, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu và bảo vệ môi trường; phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn.

Phát triển các ngành công nghiệp động lực gắn với kinh tế biển, mở rộng và phát triển các ngành công nghiệp hiện có theo hướng sản xuất sản phẩm tinh, sản phẩm chế biến sâu với hàm lượng công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường, có giá trị gia tăng cao. Phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như sau: Luyện kim; lọc, hóa dầu; sản xuất năng lượng (điện gió, điện mặt trời, các dạng năng lượng mới hydro, Amoniac xanh...); hóa chất (hóa dược, phân bón..); chế biến nông, lâm, thủy sản; cơ khí - chế tạo; sản xuất sản phẩm gắn công nghệ số (sản xuất các sản phẩm thiết bị điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin, công nghiệp phần mềm, công nghiệp tự động hóa, thiết kế và sản xuất chíp..); …

Hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn gắn với chế biến nông lâm thủy sản. Đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ giữa công nghiệp với nông nghiệp và các ngành dịch vụ liên quan (như thương mại, vận tải, logistics, xuất nhập khẩu…). Phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường và xây dựng thương hiệu làng nghề gắn với du lịch.

b) Ngành dịch vụ: Phát triển thương mại - dịch vụ tỉnh Phú Yên gắn với hiện đại hóa hạ tầng thương mại và cơ cấu hợp lý về số lượng, loại hình và không gian; kết nối thị trường thành thị và nông thôn trên địa bàn Tỉnh và kết nối mở rộng thị trường khu vực và cả nước.

Phát triển du lịch tỉnh Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực phát triển kinh tế - xã hội, có hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa; lấy du lịch nghỉ dưỡng biển đảo làm chủ đạo, phát triển theo hướng cao cấp, chuyên biệt, cùng với du lịch MICE, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với khám chữa bệnh; kết hợp thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí, khu đô thị. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, di sản văn hóa và các danh tham thắng cảnh,...

Thành lập Công viên địa chất Phú Yên hướng tới danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO để xây dựng thương hiệu địa phương trong chiến lược quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch quốc tế, hướng đến việc khai thác và phát huy đồng bộ, toàn diện giá trị các di sản địa chất, di sản văn hóa xã hội lịch sử, đa dạng sinh học một cách bền vững, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tập trung phát triển dịch vụ logistics gắn với cảng hàng không Tuy Hòa, bến cảng Vũng Rô và bến cảng nước sâu Bãi Gốc, cảng cạn ICD Đông Hòa trên cơ sở tập trung cải thiện các dịch vụ lưu kho nội địa, các dịch vụ giá trị gia tăng và cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Hình thành các trung tâm logistics gắn với các đô thị lớn của Tỉnh và các khu công nghiệp trên địa bàn.

Phát triển ngành dịch vụ theo hướng đa dạng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, là điểm tựa vững chắc cho sản xuất. Phát triển mạnh khu vực dịch vụ, tiếp cận với trình độ hiện đại, đảm bảo hội nhập quốc tế và khu vực. Tập trung đầu tư vào các ngành dịch vụ có tiềm năng: Tài chính - ngân hàng, dịch vụ y tế, giáo dục kỹ năng...

c) Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản: Phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sinh thái, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh; nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với các lợi thế của từng địa phương trong Tỉnh. Trong đó:

- Trồng trọt: Phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn với các mặt hàng chủ lực của Tỉnh, ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất theo chuỗi các sản phẩm chủ lực của Tỉnh trên cơ sở khuyến khích các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất; đồng thời phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Các sản phẩm chính: Cây lương thực trọng tâm là cây lúa; rau màu các loại; cây công nghiệp; các loại cây ăn quả; cây dược liệu.

- Chăn nuôi: Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp và liên kết chuỗi giá trị. Xác định các sản phẩm chăn nuôi chủ lực có lợi thế để tập trung đầu tư và phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn theo phương thức chăn nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường và khuyến khích phát triển chăn nuôi hữu cơ... Các sản phẩm chủ yếu như bò, lợn, gia cầm...

- Lâm nghiệp: Bảo vệ rừng tự nhiên hiện có, phục hồi hệ sinh thái rừng tự nhiên đang bị suy thoái; phát huy lợi thế mỗi vùng sinh thái của từng địa phương gắn với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực và phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, phù hợp với chiến lược phát triển lâm nghiệp và định hướng phát triển chung của Tỉnh. Hình thành các công viên cây xanh ở các đô thị theo mô hình rừng trong phố. Phát triển trồng cây dược liệu, cây rừng có giá trị kinh tế như: Mắc ca, Quế, Dó bầu, Sa Nhân tím... Huy động tối đa nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư, phát triển các giá trị của rừng trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng.

- Thủy sản: Phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, nuôi công nghiệp ở vùng biển hở, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; tối ưu hóa khai thác thủy sản vùng khơi, tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi; Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lao động; đầu tư, nâng cấp đồng bộ cơ sở hậu cần dịch vụ nghề cá. Phát triển chế biến, tiêu thụ thuỷ sản trong mối liên kết chuỗi sản xuất nuôi trồng, khai thác, chế biến, thương mại thuỷ sản để tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của người sản xuất.

- Diêm nghiệp: Đầu tư cơ sở hạ tầng tạo điều kiện ứng dụng tiến bộ khoa học -kỹ thuật sản xuất muối và các sản phẩm giá trị gia tăng sau muối, kết hợp sản xuất muối với các sản phẩm thủy đặc sản.

4. Phương án phát triển các khu chức năng

a) Khu Kinh tế Nam Phú Yên

Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên trở thành Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa chức năng với trọng tâm là các loại hình công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp gắn với việc phát huy lợi thế cảng biển, tập trung thu hút các ngành công nghiệp luyện kim, lọc hóa dầu, năng lượng,... vào Khu công nghiệp Hòa Tâm nhằm khai thác tiềm năng cảng Bãi Gốc. Xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên thành một trung tâm dịch vụ và du lịch cấp quốc gia và khu vực, tạo bứt phá về kinh tế - xã hội trong khu vực duyên hải Trung Bộ và liên kết phát triển giữa các tỉnh vùng duyên hải Trung Bộ với Tây Nguyên.

b) Các khu công nghiệp

Phát triển các khu công nghiệp (KCN) tại các vị trí thuận lợi về kết nối giao thông đường bộ, đường thủy, cảng biển và có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với tổng quy mô phù hợp với chỉ tiêu quy hoạch. Giai đoạn 2021 -2025, thực hiện theo chỉ tiêu phân bổ của Quy hoạch sử dụng đất quốc gia; sau năm 2025 phát triển khoảng 11 KCN với diện tích khoảng 3.462 ha khi được cấp có thẩm quyền bổ sung chỉ tiêu quy hoạch diện tích đất khu công nghiệp.

c) Các cụm công nghiệp

Phát triển các cụm công nghiệp (CCN) tại các vị trí kết nối giao thông thuận lợi, gần nguồn nguyên liệu, đảm bảo các điều kiện hạ tầng điện, nước, thu gom, xử lý rác thải, nước thải, các dịch vụ phục vụ người lao động... Đến năm 2030, tỉnh Phú Yên có 16 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 730 ha, trong đó thành lập mới 05 cụm công nghiệp. Đến năm 2050, trên địa bàn Tỉnh có 30 CCN với tổng diện tích khoảng 1.290 ha.

5. Phương án phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ

a) Hạ tầng thương mại, dịch vụ

Khu vực đô thị: Chú trọng phát triển trung tâm thương mại, siêu thị; các cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tổng hợp; phát triển các đường phố thương mại.

Khu vực nông thôn: Nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các loại hình chợ bán lẻ song song với phát triển mạng lưới cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hoá, siêu thị mini. Lấy chợ làm hạt nhân để tổ chức các hoạt động thương mại - dịch vụ.

Dành quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị tại các trung tâm kinh tế, nhất là đô thị lớn của Tỉnh. Đầu tư nâng cấp các hạ tầng thương mại tại các huyện, thị xã và thành phố của Tỉnh.

b) Hạ tầng logistics

Phát triển các trung tâm logistics gắn với cảng hàng không Tuy Hòa, bến cảng Vũng Rô, bến cảng nước sâu Bãi Gốc và cảng cạn ICD Đông Hòa; hình thành các các trung tâm logistics gắn với các đô thị lớn của Tỉnh và các khu công nghiệp trên địa bàn; tập trung xây dựng các cơ sở hạ tầng hỗ trợ vận tải đa phương thức như ga hàng hóa cho xe lửa và hệ thống đường dẫn, đường kết nối với cao tốc Bắc - Nam... Đến năm 2030, phát triển (1) Trung tâm logistics tại Đông Hòa và cảng cạn (ICD) phục vụ bến cảng Vũng Rô và bến cảng bãi Gốc; (2) Trung tâm logistics phía Tây thành phố Tuy Hòa (trạm trung chuyển); (3) Trung tâm logistics Sông Cầu gắn với các khu công nghiệp Sông Cầu.

c) Hạ tầng xăng dầu, khí đốt

Tiếp tục duy trì và đầu tư mở rộng các kho xăng dầu, khí đốt hiện có trên địa bàn Tỉnh; trong đó nâng cấp, mở rộng kho xăng dầu Vũng Rô. Thu hút đầu tư, xây dựng hệ thống kho xăng dầu, khí đốt, các khu bồn, bể chứa cung cấp cho các khu công nghiệp, khu kinh tế Nam Phú Yên và các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

6. Về giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch: Quy hoạch tỉnh đưa ra 6 giải pháp sau: (1) Giải pháp về huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút vốn đầu tư; (2) Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; (3) Giải pháp về bảo vệ môi trường, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; (4) Giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển; (5) Giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển các khu vực chức năng, phát triển đô thị và nông thôn và (6) Giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch./.

Trần Thị Thúy Hằng

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

BÀI VIẾT KHÁC