An Giang là một trong 13 tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, là địa phương có sản lượng lúa lớn đứng thứ hai cả nước (sau tỉnh Kiên Giang) với tổng sản lượng gần 4 triệu tấn/năm, xuất khẩu đạt từ 500-550.000 tấn gạo/năm, với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 250 triệu USD, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và trở thành một trong bốn ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Năm 2023, các doanh nghiệp của tỉnh đã xuất khẩu gạo đến 60 thị trường khác nhau trên thế giới, đạt gần 580 nghìn tấn, tương đương 339 triệu USD; so với cùng kỳ tăng trên 9% về sản lượng và tăng gần 16% về kim ngạch. Năm 2024, An Giang đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 325 triệu USD.
Để hỗ trợ xuất khẩu gạo, ngày 26 tháng 5 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 583/QĐ - TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2030. Để triển khai thực hiện chiến lược này, ngày 15/3/2024, Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định số 381/QĐ - UBND về kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo tỉnh An Giang định hướng đến năm 2030 với các nội dung sau:
I. Mục tiêu
1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển các thị trường xuất khẩu gạo với quy mô, cơ cấu thị trường, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu hợp lý, ổn định, bền vững và hiệu quả; củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm và phát triển các thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng, các thị trường FTA; gia tăng thị phần gạo tỉnh An Giang tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt thị trường các nước phát triển.
Gắn thị trường xuất khẩu với sản xuất trong nước theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm gạo xuất khẩu; tăng cường đưa sản phẩm gạo tỉnh An Giang và các mặt hàng chế biến từ gạo vào các kênh phân phối trực tiếp tại các thị trường; xuất khẩu gạo và các mặt hàng chế biến từ gạo có chất lượng cao và giá trị cao, nâng cao giá trị, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu bền vững, khẳng định uy tín và thương hiệu gạo tỉnh An Giang.
Tăng cường liên kết gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu từ khâu sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi giá trị gạo toàn cầu; nâng cao giá trị, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu; thúc đẩy xuất khẩu góp phần tiêu thụ hết lúa, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân, thực hiện các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo.
2. Mục tiêu cụ thể
- Về tăng trị giá xuất khẩu gạo: Trong giai đoạn 2024 - 2030, lượng gạo xuất khẩu hàng năm khoảng 570.000-600.000 tấn vào năm 2030, trị giá xuất khẩu gạo tiếp tục được duy trì ổn định và dự kiến đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo của tỉnh đạt 330 triệu USD.
- Chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu: Trong giai đoạn 2023 - 2030, tỷ trọng gạo phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 27% tổng lượng gạo xuất khẩu; gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khỏang 32%; gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica chiếm khoảng 24%, gạo nếp chiếm khoảng 10%; các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng trên 8%.
- Tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp mang thương hiệu gạo tỉnh An Giang vào các thị trường
Nâng cao hiệu quả xuất khẩu qua kênh trung gian nhất là đối với các thị trường không thuận lợi trong vận chuyển và thanh toán; duy trì ổn định gạo xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối của các thị trường. Thực hiện đạt mục tiêu về tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp mang thương hiệu gạo An Giang; góp phần thực hiện thành công Đề án Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2023 và tầm nhìn đến năm 2030.
- Cơ cấu thị trường điều chỉnh phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu và xu thế diễn biến thị trường gạo thế giới
Đến năm 2030, thị trường Châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo, thị trường Châu Phi chiếm khoảng 12%, thị trường Châu Âu chiếm khoảng 5%, thị trường Châu Mỹ chiếm khoảng 3%, thị trường Châu Đại Dương chiếm khoảng 4%; tỷ trọng 6% còn lại là ủy thác xuất khẩu.
II. Định hướng phát triển thị trường xuất khẩu
Kế hoạch đưa ra định hướng phát triển các thị trường cụ thể sau:
1. Thị trường Châu Á
- Thị trường Đông Bắc Á: Phấn đấu tiếp cận thị phần gạo tỉnh An Giang vào thị trường nhập khẩu gạo của Hàn Quốc và Nhật Bản trong giai đoạn 2023-2025 và giữ vững ổn định thị trường đến năm 2030.
- Thị trường Đông Nam Á: Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ từ Bộ Công Thương và các đơn vị có liên quan hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục giữ vững thị phần xuất khẩu gạo sang các nước trong khu vực, nhất là các thị trường chủ chốt như Philippines, Indonesia, Malaysia; đồng thời tăng cường phát triển tốt thị trường Singapore, Hong Kong. Đẩy mạnh xuất khẩu gạo trắng chất lượng cao, gạo thơm, gạo nếp. Tiếp tục củng cố, duy trì và phát triển thị phần tại các thị trường lớn, truyền thống, nhất là thị trường Trung Quốc và các khu vực còn lại.
2) Thị trường Châu Phi, Trung Đông
Tăng cường quan hệ hợp tác về phát triển thị trường gạo với các nước, chú trọng việc đàm phán, ký kết các Bản ghi nhớ, thỏa thuận về thương mại gạo với các nước có nhu cầu nhập khẩu gạo. Đẩy mạnh thâm nhập các thị trường Châu Phi, đặc biệt ở các nước có nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu gạo lớn. Tăng cường tổ chức hoặc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham dự các hội thảo, hội nghị chia sẻ thông tin, tư vấn cho các doanh nghiệp tăng cường trao đổi, kết nối, hiểu rõ hơn về tiềm năng, cơ hội, thách thức và những điều cần lưu ý khi hợp tác thương mại với khu vực thị trường Châu Phi. Tham dự các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp bền vững nhằm thúc đẩy tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia khu vực Châu Phi.
Khai thác các kênh xuất khẩu gạo trắng chất lượng cao vào thị trường Ả rập Xê-út, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất. Phấn đấu tăng thị phần gạo An Giang trong tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của Ả rập Xê-út từ 0,13% năm 2020 lên khoảng 1% vào năm 2025 và lên khoảng 2% vào năm 2030; thị phần vào thị trường Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất từ 0,07% năm 2020 lên khoảng 0,1% vào năm 2025 và khoảng 1% vào năm 2030.
Phấn đấu tăng thị phần gạo An Giang trong tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của thị trường Nam Phi từ 0,009% năm 2020 lên khoảng 0,1% vào năm 2025, khoảng 0,5% vào năm 2030; duy trì ổn định thị phần tại thị trường Ghana và Bờ Biển Ngà.
3) Thị trường Châu Âu
Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do với khu vực như: EVFTA, UKVFTA, AEU để tăng khối lượng gạo xuất khẩu vào khu vực, tương xứng với tiềm năng của thị trường.
Phấn đấu tăng thị phần gạo xuất khẩu tỉnh An Giang trong tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của Liên minh kinh tế Á - Âu: Thị phần tại thị trường Liên bang Nga tăng từ 0,11% năm 2020 lên khoảng 0,5% vào năm 2025, khoảng 1% năm 2030. Định hướng đến năm 2030 phấn đấu tiếp cận thị phần gạo tỉnh An Giang vào thị trường nhập khẩu gạo của Bê-la-rút.
Phấn đấu tăng thị phần tại một số nước Châu Âu như: Pháp là từ 0,49% năm 2020 lên khoảng 0,7% vào năm 2025 và khoảng 1% vào năm 2030; Đức từ 0,0125% vào năm 2020 lên khoảng 0,1% năm 2025 và khoảng 0,5% vào năm 2030.
4) Thị trường Châu Mỹ, Châu Đại Dương
Tập trung phát triển thị trường gạo An Giang tại các nước thành viên CPTPP (Canada, Chile, Mexico và Peru).
Phấn đấu tăng thị phần tại thị trường Hoa Kỳ từ 0,31% năm 2020 lên khoảng 0,5% vào năm 2025, khoảng 1% vào năm 2030. Phấn đấu tăng thị phần tại thị trường Canada từ 0,34% năm 2020 lên 0,5% vào năm 2025, khoảng 1% vào năm 2030.
Phấn đấu tăng thị phần tại thị trường Úc từ 0,48% năm 2020 lên khoảng 0,5% vào năm 2025 và khoảng 1% vào năm 2030.
III. Giải pháp
Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu ngày càng tăng và thương mại gạo thế giới phải đối mặt với nhiều diễn biến khó đoán định như thiên tai, dịch bệnh, xung đột quân sự, chiến tranh thương mại,... Để phát triển thị trường xuất khẩu gạo tỉnh An Giang, trọng tâm là lấy nhu cầu thị hiếu của thị trường để định hướng cho sản xuất, xuất khẩu; do đó, đề nghị các Sở, ban, ngành, địa phương và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp cụ thể như sau:
1. Hoàn thiện thể chế
Thông tin các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo về chất lượng sản phẩm và môi trường trong các cam kết hội nhập quốc tế từ Bộ, ngành trung ương cung cấp/ tiếp cận. Tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho nông dân và thương nhân tham gia phát triển chuỗi giá trị lúa gạo hiệu quả cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị cao toàn cầu, ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phát triển chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo tỉnh An Giang 2023-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu chọn lọc, lai tạo giống lúa năng suất, chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu của thị trường. Chú trọng phát triển các giống lúa cho sản phẩm gạo trắng chất lượng cao, gạo thơm, gạo hạt tròn, gạo nếp và một số giống lúa đặc sản vùng miền, loại bỏ việc canh tác các giống lúa kém chất lượng, không hiệu quả. Tiếp tục nghiên cứu các chính sách hỗ trợ từ Bộ, ngành Trung ương nhằm đẩy mạnh hơn nữa những sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn cả trong nước (VGAP) lẫn tiêu chuẩn nhập khẩu của các thị trường yêu cầu cao về tiêu chuẩn như EU; nhân rộng điển hình sản phẩm gạo được công nhận trên thế giới.
Tiếp tục phối hợp với các tổ chức tài chính quốc tế và ngân hàng trung ương các nước để triển khai các hình thức thanh toán phù hợp nhằm hỗ trợ hoạt động xuất khẩu gạo. Tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương trong quản lý điều hành hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo phù hợp với diễn biến tình hình thị trường, đạt hiệu quả xuất khẩu, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030.
Tiếp tục triển khai Quyết định số 663/QĐ-UBND ngày 05 tháng 4 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Đề án “Xây dựng và Phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”.
2. Giải pháp về nguồn cung gạo
a) Tạo nguồn cung có chất lượng cho xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm gạo tỉnh, tăng cường quảng bá nâng cao thương hiệu.
Thực hiện tái cơ cấu ngành lúa gạo, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và các định hướng giải pháp về sản xuất (định hướng quy hoạch, tổ chức sản xuất, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác, ứng dụng cơ giới hóa, cải tiến công nghệ sau thu hoạch, phát triển kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất – tiêu thụ,...) tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng. Phát triển giống lúa có tính chống chịu cao với biến đổi khí hậu, thích hợp thổ nhưỡng của từng địa phương tỉnh An Giang, giảm tác động tiêu cực với môi trường, phục tráng và duy trì các giống lúa đặc sản chất lượng cao nhằm phục vụ nhu cầu thị trường về gạo chất lượng. Từ đó phát triển thành thương hiệu gạo thân thiện môi trường để hướng tới các thị trường tiêu chuẩn cao, giá trị cao.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong sản xuất, chế biến lúa gạo; tăng cường hợp tác, kết nối trao đổi thông tin, thiết lập quan hệ với các đối tác trong việc đào tạo nhân lực, chuyển giao kinh nghiệm và công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản lúa gạo nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường. Hợp tác đầu tư sản xuất lúa gạo tại các nước có nhu cầu và có tiềm năng, lợi thế về sản xuất lúa gạo.
Định hướng sản xuất, chú trọng điều chỉnh theo hướng tăng cường bảo quản, chế biến từng bước nâng cao và ổn định chất lượng gạo xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng các quy định ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm. Hỗ trợ các thương nhân thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc trong trường hợp đối tác nhập khẩu có đề nghị.
Hướng dẫn, hỗ trợ xác lập và phát triển tài sản trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm gạo, sản phẩm liên quan gạo theo Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn đến năm 2030.
Xây dựng cơ sở hạ tầng (công nghệ sau thu hoạch, kho chứa bảo quản để đảm bảo sản phẩm); đầu tư phát triển mạnh hơn các loại gạo giá trị cao, đã tạo được hình ảnh thương hiệu như: LOC TROI 1, LOC TROI 2,... nhằm tăng cường xuất khẩu các mặt hàng gạo thơm chất lượng cao. Chủ động nắm bắt thông tin để tổ chức triển khai các văn bản hướng dẫn, khuyến cáo của bộ, ngành để tuân thủ nghiêm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng, quy định của thị trường nhập khẩu cho các thương nhân xuất khẩu. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, thông tin, định hướng thị trường; hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong công tác đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc.
b) Kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hướng đến thực hiện sản xuất nông nghiệp xanh
Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất: (i) giảm phụ thuộc vào phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến chất lượng thóc, gạo, gây ô nhiễm môi trường; (ii) tăng năng suất và chất lượng của thóc, gạo, nâng giá xuất khẩu. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa, ngăn chặn việc sử dụng đại trà thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của thị trường.
c) Quản lý và kiểm soát nhập khẩu gạo, đảm bảo sản xuất trong nước
Tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng gạo nhập khẩu thông qua áp dụng các biện pháp phi thuế quan, hàng rào kỹ thuật, phòng vệ thương mại và hệ thống, cảnh báo sớm.
3. Giải pháp về phía cầu
a) Công tác phát triển thị trường: Tiếp tục tổ chức triển khai thực thi các FTA để hỗ trợ thương nhân khai thác lợi ích của các FTA như nội luật hóa các cam kết.
Đẩy mạnh các hoạt động đoàn công tác (cơ quan quản lý nhà nước, thương nhân xuất khẩu gạo) trao đổi và tìm hiểu tại thị trường nhập khẩu về nhu cầu thị trường,… tạo tiền đề để thương nhân xuất khẩu gạo tỉnh An Giang tiến tới đàm phán xuất khẩu. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong sản xuất, chế biến lúa gạo; tăng cường hợp tác, kết nối trao đổi thông tin, thiết lập quan hệ với các đối tác trong việc đào tạo nhân lực, chuyển giao kinh nghiệm và công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản lúa gạo nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường. Hợp tác đầu tư sản xuất lúa gạo tại các nước có nhu cầu và có tiềm năng, lợi thế về sản xuất lúa gạo.
b) Tăng cường đổi mới công tác thông tin
Phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các Văn phòng Xúc tiến thương mại, Trung tâm giới thiệu sản phẩm Việt Nam trong giới thiệu, hỗ trợ thương nhân xuất khẩu gạo kết nối thương mại, phối hợp đẩy mạnh hơn nữa quảng bá thương hiệu và sản phẩm gạo An Giang tại các quốc gia, vùng lãnh thổ. Tranh thủ thông tin từ Bộ Công Thương và các Bộ ngành có liên quan, kịp thời thông tin đến các thương nhân xuất khẩu gạo tỉnh An Giang và các Sở, ngành có liên quan để chủ động ứng phó với sự biến động của thị trường.
Thông tin kịp thời đến các thương nhân xuất khẩu gạo về các hiệp định, các thỏa thuận về sự phù hợp và công nhận lẫn nhau về kiểm dịch, chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm với các thị trường đến các doanh nghiệp và nông dân được biết, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu gạo tỉnh An Giang và làm cơ sở định hướng sản xuất và xuất khẩu. Đẩy mạnh việc đưa mặt hàng gạo tỉnh An Giang vào hệ thống phân phối nước ngoài và quảng bá sản phẩm gạo thông qua các kênh thương mại điện tử và hoạt động đối ngoại.
Hỗ trợ cung cấp chuyển tiếp thông tin để thương nhân và người dân tiếp cận các hệ thống, cơ sở thông tin thị trường định hướng cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu sau khi ban hành: hệ thống thông tin, dự báo về tình hình thị trường; cơ sở dữ liệu về các biện pháp kiểm dịch, an toàn thực phẩm tại các thị trường xuất khẩu chính. Thực hiện có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, RCEP để phát triển thị trường xuất khẩu gạo, trong đó tận dụng khả năng gạo xuất khẩu có điều kiện thâm nhập các phân khúc gạo cao cấp, giá trị cao; hỗ trợ các hoạt động quốc tế quảng bá gạo Việt Nam.
4. Giải pháp về hỗ trợ xuất khẩu
a) Đẩy mạnh và đổi mới công tác xúc tiến thương mại
Tiếp tục triển khai hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) hỗ trợ các thương nhân kinh doanh gạo, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo thông qua chương trình cấp quốc gia về XTTM, chương trình thương hiệu quốc gia và các chương trình, đề án liên quan của các bộ, ngành, địa phương. Tập trung hoạt động XTTM vào các thị trường trọng điểm, truyền thống và các thị trường mới, tiềm năng; đồng thời, kết hợp đẩy mạnh triển khai các giải pháp XTTM mới và hiện đại thông qua các hình thức trực tuyến, áp dụng nền tảng số để thích nghi với bối cảnh mới.
Hỗ trợ thương nhân xuất khẩu gạo tham gia trực tiếp các chương trình, chính sách do Bộ Công Thương triển khai, như: thiết lập sự hiện diện thương mại trực tiếp ở các thị trường nước ngoài; thiết lập kho chứa và hệ thống phân phối trực tiếp; thiết lập bộ phận chuyên trách về tiếp thị lúa gạo nói riêng và nông sản nói chung sang các thị trường xuất khẩu trọng điểm; thúc đẩy xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao có giá trị gia tăng cao của An Giang với khối lượng nhỏ để thâm nhập các thị trường khó tính, thị trường ngách.
b) Đối với công tác ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, những biện pháp bảo hộ quá mức, không phù hợp với cam kết quốc tế, gây khó khăn cho xuất khẩu gạo
Phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại - Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan: tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thương nhân hiểu về phòng vệ thương mại, thực tiễn cách ứng phó với các vụ kiện khi nước ngoài khởi động, giải thích và đấu tranh từ giai đoạn điều tra để giảm thiểu tác động bất lợi của biện pháp cuối cùng; tăng cường công tác thông tin cảnh báo sớm cho các thương nhân để chủ động phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài.
c) Đối với cơ sở hạ tầng, logistics, thương mại điện tử và chuyển đổi số
Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ ngành xuất khẩu gạo; tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ; hoàn thiện, tăng cường kết nối, tích hợp giữa hạ tầng thương mại điện tử với hạ tầng thanh toán.
Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động XTTM của các tổ chức XTTM, thương nhân, hợp tác xã tham gia sản xuất, cung ứng, xuất khẩu gạo. Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số trong thương nhân, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025 trong lĩnh vực sản xuất và chế biến gạo xuất khẩu.
Phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu; nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật trong quản lý, vận hành, đào tạo về chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics; khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến trong quá trình sản xuất, kinh doanh gạo, chú trọng triển khai các hoạt động logistics trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ mới trong logistics.
5. Giải pháp về phát triển năng lực khối tư nhân
Nâng cao năng lực của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo. Có định hướng phát triển sản phẩm, tiếp cận thị trường, phát triển hệ thống phân phối phù hợp với đặc thù của từng thị trường/khu vực thị trường mục tiêu; định hướng phát triển xuất khẩu các sản phẩm gạo có lợi thế cạnh tranh tại thị trường/khu vực thị trường.
Từng bước nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; áp dụng các mô hình quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong tổ chức sản xuất; nâng cao năng lực công tác thị trường, marketing quốc tế; nâng cao trình độ nghiệp vụ thương mại, năng lực đàm phán, ký kết thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế.
Chủ động nắm bắt thông tin, thị hiếu và nhu cầu thị trường, quy định về tiêu chuẩn chất lượng và khuyến cáo của cơ quan chức năng; thay đổi một cách cơ bản về tư duy tiếp cận và nhìn nhận về tầm quan trọng của thị trường, phương thức giao dịch, tổ chức sản xuất; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu để phối hợp truy xuất nguồn gốc khi có đề nghị của đối tác nhập khẩu.
Xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh lâu dài, mạng lưới phân phối, thương hiệu, mẫu mã, bao bì dành riêng và đăng ký bảo hộ tại các thị trường; hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa của từng thị trường.
Có giải pháp về xúc tiến thương mại bao gồm: Nghiên cứu thị trường; tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm, thực hiện các chiến dịch quảng cáo, tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, lập văn phòng đại diện ở nước ngoài. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước trong vấn đề thị trường, các thương nhân phải chủ động tìm khách hàng, đa dạng hóa khách hàng và phương thức kinh doanh thích hợp để xâm nhập, duy trì và mở rộng chỗ đứng trên thị trường gạo thế giới; đồng thời cũng có thể thiết lập quan hệ với các tập đoàn xuyên quốc gia là những tổ chức kinh tế vững mạnh có tầm hoạt động rộng, sự am hiểu về thị trường và khả năng về vốn lớn để đảm bảo thị trường xuất khẩu ổn định./.
Đỗ Thị Bích Thủy
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT