Ngày 25/6/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4691/KH-UBND về việc thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn đến năm 2030 với mục tiêu tái cơ cấu ngành Công Thương nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành. Tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành Công Thương cùng một mô hình quản trị nhà nước năng động, hiệu quả, hiện đại và có tính thích ứng cao để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững. Phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Quảng Nam cơ bản đạt được các tiêu chí là tỉnh có cơ cấu nền công nghiệp hiện đại, vững mạnh với khả năng thích ứng, chống chịu cao.
Kế hoạch đưa ra mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt: 28,7 %; Đảm bảo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn cao hơn nhập khẩu và tăng bình quân khoảng 15 - 16%/năm; Tốc độ tăng bình quân hằng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (chưa loại trừ yếu tố giá) khoảng 17%/năm; Đảm bảo cân đối cung cầu về năng lượng; phát triển đồng bộ hạ tầng lưới điện truyền tải đáp ứng khả năng chuyển tải công suất nguồn điện được thực hiện; trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, phấn đấu hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.
Nhiệm vụ trọng tâm
Để đạt được mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, phát triển thị trường trong nước, lĩnh vực xuất nhập khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế.
1. Lĩnh vực công nghiệp
Triển khai thực hiện có hiệu quả Phương án phát triển các ngành công nghiệp trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đưa ngành công nghiệp trở thành động lực, tạo đột phá tăng trưởng kinh tế. Trong đó:
- Tập trung các nhóm dự án công nghiệp chủ lực: Mở rộng Khu phức hợp ô- tô Chu Lai - Trường Hải; phát triển công nghiệp chế biến - chế tạo theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực sản xuất có hàm lượng cao về công nghệ, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, trong đó ưu tiên các lĩnh vực sản xuất sản phẩm hướng vào xuất khẩu, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
- Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm đáp ứng nguyên liệu đầu vào, tăng tỷ trọng nội địa trong các sản phẩm công nghiệp, hướng vào phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực và ưu tiên thúc đẩy phát triển công nghiệp đi vào chiều sâu, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp, đảm bảo tính chủ động của nền kinh tế, tăng sức cạnh tranh, tạo điều kiện mở rộng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành công nghiệp. Tăng cường kết nối giữa các nhà cung cấp trong nước với các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam nhằm tăng cường khả năng tham gia mạng lưới sản xuất trong nước và toàn cầu của các doanh nghiệp nội địa.
- Phát triển các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, gồm: công nghệ vi điện tử, cơ khí chính xác, cơ - điện tử, quang điện tử và tự động hóa; công nghệ môi trường, công nghệ năng lượng mới; công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano,...
- Phát triển hệ thống hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu tăng tốc phát triển công nghiệp của tỉnh, nhất là các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn và các lĩnh vực khuyến khích phát triển, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất của doanh nghiệp.
- Tập trung xây dựng triển khai các đề án phát triển công nghiệp: Đề án hình thành và phát triển Trung tâm công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ Silica trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp silica, Đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai, thúc đẩy hình thành cụm ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí. Cơ cấu các khu, cụm công nghiệp theo hướng bền vững, sinh thái gắn với hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp, các mạng sản xuất, chuỗi giá trị công nghiệp có tính đến lợi thế so sánh của địa phương theo hướng tăng cường hỗ trợ và kết nối các chuỗi cung ứng nhằm thúc đẩy sự hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu hiệu quả hơn
- Xây dựng Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”. Triển khai hiệu quả Kế hoạch số 2604/KH-UBND ngày 28/4/2022 của UBND tỉnh thực hiện đề án “Phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030, Kế hoạch số 4909/KH- UBND ngày 26/7/2022 của UBND tỉnh thực hiện Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nhằm thúc đẩy phát triển các ngành này.
- Hình thành và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp công nghiệp nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn trong các ngành công nghiệp có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, đóng vai trò dẫn dắt phát triển ngành. Nâng cao khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ. Tăng cường kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp lớn, đa quốc gia.
- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp địa phương. Tăng cường các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; tập trung hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tăng cường hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; thúc đẩy các hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp nông thôn; phát huy vai trò và nâng cao năng lực thực hiện của tổ chức khuyến công; nâng cao vai trò và khuyến khích các địa phương đầu tư các nguồn lực để triển khai các chính sách, chương trình và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp trên cơ sở căn cứ các quy định của pháp luật và bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; triển khai di dời các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp ô nhiễm, nguy cơ ô nhiễm môi trường tại khu vực ven biển và đề xuất thành lập cụm công nghiệp di dời trên địa bàn tỉnh; đầu tư khu xử lý nước thải cho các CCN tại các địa phương và đề xuất mỗi địa phương một khu xử lý nước thải/cụm công nghiệp.
2. Phát triển năng lượng
- Nghiên cứu, phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo phù hợp với Nghị quyết số 55-NQ/TW, Quyết định số 500/QĐ-TTg, Quyết định số 893/QĐ-TTg và Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII.
- Thường xuyên rà soát, cập nhật Phương án phát triển mạng lưới cấp điện cập nhật trong quy hoạch tỉnh đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh; đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường và nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh.
- Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường; tiếp tục thực hiện Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020 - 2025, trong đó, đặt chỉ tiêu tiết kiệm 2% tổng sản lượng điện tiêu thụ.
- Yêu cầu sử dụng thiết bị, công nghệ, hệ thống quản lý vận hành thông minh, tiên tiến trong các dự án nhà máy điện, hệ thống lưới truyền tải điện, đơn vị sử dụng điện; giảm thiểu tối đa thời gian mất điện, giảm số lượng khách hàng mất điện khi có sự cố, đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định cho các phụ tải, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện trên địa bàn toàn tỉnh; đảm bảo việc tổn thất điện năng trong quá trình truyền tải điện theo thời gian.
3. Phát triển thị trường trong nước
- Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2578/QĐ-UBND ngày 08/9/2021 của UBND tỉnh ban hành Chương trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy về phát triển thương mại, du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đối với lĩnh vực thương mại. Tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 7501/KH-UBND ngày 23/10/2021 của UBND tỉnh về phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Phấn đấu đến năm 2030, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (chưa loại trừ yếu tố giá) tăng bình quân hằng năm khoảng 17%/năm.
- Phát triển thị trường trong tỉnh kết nối liền mạch với thị trường trong nước và thị trường xuất nhập khẩu nhằm đảm bảo không gian thị trường cho các ngành sản xuất phát triển bền vững trên cơ sở mở rộng tiêu dùng nội địa gắn với phát triển thương hiệu hàng Việt Nam. Ưu tiên phát triển các mô hình kinh tế tiêu dùng mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm, kinh tế du lịch, kinh tế xanh, kinh tế số, thương mại điện tử... Phấn đấu đến năm 2030, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khoảng 236.000 tỷ đồng.
- Xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại trong tỉnh đồng bộ, hiện đại và bền vững, phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn, trong từng giai đoạn, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa và hỗ trợ xuất khẩu; tập trung ưu tiên các loại hình hạ tầng thương mại có tính lan tỏa, có tác động đáng kể hỗ trợ sản xuất lưu thông. Đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng thương mại khu vực nông thôn, quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng thương mại thiết yếu vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiếu số theo Kế hoạch số 6217/KH-UBND ngày 16/9/2021 của UBND tỉnh. Tập trung hình thành được một hệ thống trung tâm logistics cơ bản hoàn chỉnh, có tính liên kết cao.
- Phát triển đa dạng các loại hình và phương thức kinh doanh thương mại hiện đại, bảo đảm hoạt động thương mại phát triển lành mạnh, văn minh và bền vững. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nhãn mác, bao bì sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa đáp ứng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
- Xây dựng hệ thống dịch vụ phân phối hàng hóa, cung ứng theo chuỗi, liên kết chặt chẽ trong quá trình kinh doanh nhằm đảm bảo ổn định cung cầu, giá cả hàng hoá và nguồn gốc xuất xứ. Rà soát, hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1757/QĐ-UBND ngày 28/6/2021 của UBND tỉnh về Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
- Phát triển thương mại điện tử thành một kênh phân phối quan trọng, hỗ trợ tích cực trong tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản, hàng công nghiệp tiêu dùng. Tiếp tục hoàn thiện và phát triển các trang thương mại điện tử của tỉnh (https://sanpham.quangnam.gov.vn/); kết nối các sàn trong nước và quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, dân số tham gia mua sắm trực tuyến đạt 75%, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 70%.
- Thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật về phòng vệ thương mại, quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng phù hợp với cam kết quốc tế. Tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh chuyển đổi số công tác quản lý thị trường. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, các Hiệp hội để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả cao nhất.
4. Lĩnh vực xuất nhập khẩu
- Tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Quyết định số 795/QĐ-UBND ngày 28/03/2022 của UBND tỉnh về Chương trình đẩy mạnh xuất khẩu đối với các sản phẩm có khả năng cao của Quảng Nam giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch số 1872/KH-UBND ngày 31/3/2023 về Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Quảng Nam đến năm 2030.
- Tập trung ưu tiên phát triển xuất khẩu các mặt hàng có quy mô xuất khẩu lớn, lợi thế cạnh tranh cao (dệt may, da giày, chế biến nông lâm thủy hải sản, nông sản, đồ gỗ, điện tử,..) gắn với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, tỷ lệ nội địa hoá lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng và phát triển bền vững của các thị trường. Giảm dần xuất khẩu đối với khoáng sản thô.
- Tăng cường đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để không phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ các cuộc xung đột thương mại. Chú trọng phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử, hệ thống phân phối nước ngoài. Thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao, sản xuất chế tạo và chế biến có giá trị gia tăng cao, các loại hàng hóa xanh và tuần hoàn, thân thiện môi trường và khí hậu... nhằm khai thác tốt lợi thế về thuế tại các thị trường Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định quan trọng như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)...
- Kiểm soát có hiệu quả gian lận thương mại và nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của doanh nghiệp phù hợp với các cam kết quốc tế. Ưu tiên nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư đầu vào được tạo ra từ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến mà trong nước chưa sản xuất được. Chú trọng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ các công nghệ tiên tiến gắn với việc chuyển giao công nghệ, bí quyết kỹ thuật công nghệ.
5. Hội nhập kinh tế quốc tế
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 6754/KH-UBND ngày 04/10/2023 về thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 05/7/2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; các Quyết định và Kế hoạch của UBND tỉnh triển khai các Hiệp định thương mại tự do trên địa bàn tỉnh nhằm khai thác có hiệu quả các FTA đã ký kết, tận dụng các ưu đãi từ các Hiệp định, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu.
- Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế gắn với giữ vững ổn định chính trị - xã hội; khai thác hiệu quả lợi thế của tỉnh nhằm tận dụng những cơ hội và giảm thiểu các thách thức, tác động tiêu cực trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
- Thực hiện hội nhập kinh tế có trọng tâm, trọng điểm theo hướng ưu tiên hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ hiện đại, công nghệ xanh, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, các ngành, lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam và của tỉnh như công nghiệp năng lượng, chế biến sâu nông – lâm thủy sản, công nghiệp xanh, công nghiệp môi trường...
- Kết hợp hài hòa giữa hội nhập bên ngoài với đẩy mạnh hội nhập bên trong theo hướng tập trung thực thi các cam kết trong hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm cải cách nền kinh tế theo hướng thị trường đầy đủ gắn với nâng cao năng lực hội nhập cho các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp để khai thác một cách hiệu quả các lợi ích từ hội nhập kinh tế quốc tế.
Các giải pháp thực hiện
Để thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu ngành Công Thương trên địa bàn giai đoạn đến năm 2030, UBND tỉnh Quảng Nam đề ra 5 nhóm giải pháp chủ yếu. Theo đó:
(1) Thường xuyên cập nhật, triển khai thực hiện nghiêm túc các thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh trong thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và số hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của ngành Công Thương đảm bảo thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp và người dân, đảm bảo phù hợp với bối cảnh mới và các cam kết quốc tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo lập môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh cao;
(2) Huy động hiệu quả các nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương;
(3) Cải cách tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành, tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước của ngành Công Thương; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn về lĩnh vực công thương thuộc Ủy ban nhân dân huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh phù hợp với quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Công Thương;
(4) Tăng cường công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững;
(5) Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quản lý ngành, bảo đảm phục vụ tốt cho việc theo dõi, giám sát và hoạch định chính sách phát triển ngành./.
Đỗ Thị Bích Thủy
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT