Từ đầu năm đến nay, ngành công nghiệp của cả nước liên tục gặp khó khăn, thách thức do kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động khó lường. Trong bối cảnh chung đó, sản xuất công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực vượt khó, duy trì tốc độ tăng trưởng tốt. Trong quý I/2023 (giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 186,74 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ và đạt 18,3% kế hoạch) mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các hoạt động kinh tế của tỉnh trong tháng 4/2023 tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng và phát triển.
Về sản xuất công nghiệp
Theo báo cáo của UBND Tỉnh Thái Nguyên, tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn và có xu hướng giảm tốc do chi phí đầu vào, lãi suất tăng cao... trong khi các động lực tăng trưởng đều suy giảm như: xuất khẩu giảm, nhu cầu giảm, giải ngân đầu tư công chậm... Hầu hết các chỉ số quan trọng của những ngành chủ lực đều có xu hướng giảm, đặc biệt là chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lâu nay vẫn là động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh song tháng 4/2023 chỉ tăng 0,48%, ngành sản xuất kim loại giảm 11,5%, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 9,61% so với cùng kỳ... Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2023 ước tính tăng 1,25% so với tháng trước và tăng 1,41% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 5,99%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,34%; ngành sản xuất, phân phối điện giảm 4,94%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,29% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, IIP trên địa bàntỉnh Thái Nguyên tăng 4,54% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có một số ngành có mức tăng trưởng khả quan như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,56%; ngành sản xuất phân phối điện tăng 4,59%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 24,21%; chỉ có ngành khai khoáng giảm 1,79%. Đây là lần đầu tiên, là năm có IIP 4 tháng đầu năm tăng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây (chỉ cao hơn IIP năm 2020 do giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 nên giảm 10,3%). Tuy nhiên, chỉ số IIP của Thái Nguyên vẫn là điểm sáng được ghi nhận trong bối cảnh chỉ số IIP cả nước tăng trưởng âm (4 tháng đầu năm 2023, IIP cả nước ước tính giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước). Trong số các sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng sản xuất ước đạt cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 như: Quặng sắt và tinh quặng sắt chưa nung 46 nghìn tấn, tăng 11,1%; Than sạch khai thác 503,4 nghìn tấn tăng 3,6%; đá khai thác 697,6 nghìn m3 tăng 15,2%; xi măng 929,3 nghìn tấn tăng 1,2%; sản phẩm may 33,9 triệu cái, tăng 3,9%; phụ tùng khác của xe có động cơ 22,8 triệu cái, tăng 2,4%; thiết bị và dụng cụ khác trong y khoa 557,5 triệu triệu cái, tăng 55,8%); nước máy thương phẩm 11,4 triệu m3 triệu m3, tăng 25,8%; điện sản xuất 581,4 triệu kwh tăng3%; điện thương phẩm 873 triệu kwh tăng 5,9%.
Ở chiều ngược lại, do tình hình thế giới biến động khó lường, chi phí đầu vào tăng cao tạo sức ép lên hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, cầu nhập khẩu từ Việt Nam giảm mạnh... Một số nhóm sản phẩm có sản lượng sản xuất tính chung 4 tháng đầu năm 2023 ước tính giảm như: Quặng sắt và tinh quặng sắt chưa nung 503,4 nghìn tấn, giảm 11,8%; gạch xây dựng bằng gốm sứ 16,6 nghìn tấn, giảm 2,3%,vonfram và sản phẩm của vonfram 2 nghìn tấn, giảm 9,1%; điện thoại thông minh 32,1 triệu cái, giảm 2%; camera truyền hình 27,2 triệu cái, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Về thương mại, dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tháng 4/2023 ước đạt 5.674,9 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 41,5%so với cùng kỳ. Nguyên nhân tăng cao so với cùng kỳ một phần là do nhu cầu tiêudùng của người dân tăng trở lại, một phần là do gốc so sánh năm trước thấp bởi tácđộng của dịch Covid-19. Chia theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 4/2023 ước đạt 4.029,2 tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 29,7% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng mức bản lẻ hàng hóa và doanh thutiêu dùng ước đạt 22.633,8 tỷ đồng, tăng 44,7% so với cùng kỳ. Chia theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 16.095,6 tỷ đồng, tăng 30,4% so với cùng kỳ (Các nhóm ngành hàng đều có doanh thu bán lẻ tính chung 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt cao hơnso với cùng kỳ, trong đó, tăng cao nhất là nhóm xăng dầu các loại ước đạt 2.155,4 tỷ đồng, tăng 46,2%, tiếp đến là nhóm vật phẩm, văn hóa giáo dục ước đạt 184,8 tỷ đồng, tăng 43,7%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 1.021,8 tỷ đồng, tăng 35,9%...). Có thể thấy, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 4 tháng đầu năm 2023 đạt cao hơn cả về quy mô và tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi có dịch Covid-19 cho thấy ngành thương mại, dịch vụ đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Về xuất, nhập khẩu hàng hoá
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá trên địa bàn tỉnh tháng 4/2023 ước đạt trên 4 tỷ USD, tăng 9,34% so với tháng trước và giảm 24,72% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá trên địa bàn tỉnh ước đạt 15,5 tỷ USD, giảm 19,3% so với cùng kỳ. Năm 2023 là năm có kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá 4 tháng đầu năm giảm sâu nhất so với cùng kỳ trong vòng 05 năm trở lại đây. Tuy nhiên, đây cũng là năm có giá trị xuất siêu đạt cao thứ 3 với giá trị xuất siêu đạt gần 4,1 tỷ USD (sau năm 2019 và năm 2022 đạt giá trị xuất siêu lần lượt là 4,6 tỷ USD và 4,2 tỷ USD). Tỉnh Thái Nguyên là địa phương xuất siêu lớn nhất trong 63 tỉnh thành (cả nước là 6,35 tỉ USD). Đây là giá trị xuất siêu kỷ lục của kỳ 4 tháng từ trước đến nay và là một trong những điểm sáng của nền kinh tế Tỉnh trong những tháng đầu năm nay, trong bối cảnh tăng trưởng GDP giảm tốc bất ngờ và dòng vốn đầu tư nước ngoài giải ngân suy giảm so với cùng kỳ.
- Xuất khẩu hàng hóa
Trong tháng 4/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn tỉnh ước đạt 2.515 triệu USD, tăng 9% so với tháng trước và giảm 23,3% sovới cùng kỳ. Phân theo khu vực kinh tế, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 60,3 triệu USD, tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 16,6% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 2.454,7 triệu USD, tăng 9,1% so với tháng trước và giảm 24% so với cùng kỳ (chủ yếu do xuất khẩu của Côngty TNHH Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên giảm so với cùng kỳ).Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 9.775,5 triệu USD (đạt 27,9% kế hoạch), giảm 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 232,6 triệu USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 9.543 triệu USD (chiếm 97,6% tổng giá trị xuất khẩu) và giảm 16,8% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm hàng hóa có giá trị xuất khẩu tính chung 4 tháng đầu năm 2023 ước giảm so với cùng kỳ là: Sản phẩm từ sắt thép đạt 12,2 triệu USD giảm 15,3%; kim loại màu và tinh quặng kim loại màu đạt 89,3 triệu USD giảm 16,4%; nhóm điện thoại, máy tính bảng và điện tử khác đạt 9.211,4 triệu USD giảm 16,7%; chè các loại đạt 0,5 triệu USD, giảm 34,8%... nhưng ở chiều ngược lại, vẫn còn một số nhóm hàng hóa có giá trị xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt cao hơn cùng kỳ như: Sản phẩm may đạt 176,7 triệu USD, tăng 22,1%; phụ tùng vận tải đạt 2,3 triệu USD, tăng 13,1%...
- Nhập khẩu hàng hoá
Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá trên địa bàn tỉnh tháng 4/2023 ước đạt 1.483,2 triệu USD, tăng 10% so với tháng trước và giảm 26,9% so với cùng kỳ. Chia theo khu vực kinh tế, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 37,4 triệu USD, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 1.445,8 triệu USD, tăng 10,2% so với tháng trước, giảm 27,5% so với cùng kỳ (chủ yếu do Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên, Công ty TNHH Trinar solar Việt Nam nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất giảm so với cùng kỳ). Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá trên địa bàn tỉnh ước đạt 5.697,6 triệu USD, giảm 23,9% so với cùng kỳ. Chia ra, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 149,4 triệu USD, tăng 8,5%13; khu vực kinh tế có vốn đầutư nước ngoài ước đạt 5.548,2 triệu USD (chiếm 97,38% tổng kim ngạch nhập khẩu), giảm 24,5%. Nhóm mặt hàng chủ yếu có giá trị nhập khẩu tính chung 4 tháng đầu năm 2023 ước giảm so với cùng kỳ 2022 như: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 45,6 triệu USD giảm 0,4%; sản phẩm từ sắt thép đạt 12,6 triệu USD giảm 4,5%; nguyên liệu và linh kiện điện tử đạt 5.288,8 triệu USD giảm 25,5%; giấy các loại đạt 1,9 triệu USD giảm 25,8%... Một số nhóm hàng có giá trị nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2023 ước tăng cao so với cùng kỳ 2022 như: Nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc đạt 23,3 triệu USD tăng 54,7%; chất dẻo (plastic) nguyên liệu đạt 32 triệu USD tăng 25,2%; vải các loại đạt 56,2 triệu USD tăng 9,3%; nguyên phụ liệu dệt may đạt 23,6 triệu USD tăng 4,2%...
Nhìn chung, kinh tế của tỉnh trong tháng 4/2023 đạt được kết quả tích cực khi một số chỉ số kinh tế quan trọng vẫn duy trì được tăng trưởng so với cùng kỳ như: Chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, doanh thu vận tải kho bãi... Tuy nhiên, với mức tăng trưởng 6,53% của quý I và kết quả một số ngành kinh tế chủ yếu tháng 4/2023 như trên thì mục tiêu tăng trưởng 8,5% cả năm 2023 là thách thức lớn trong bối cảnh các khó khăn, thách thức của nền kinh tế còn tồn tại, đặc biệt xuất khẩu hàng hoá 02 tháng liên tiếp giảm sâu so với cùng kỳ; những biến động từ kinh tế thế giới còn tiếp tục ảnh hưởng đến kinh tế trong nước nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng... Do vậy, kinh tế của tỉnh trong quý II chưa thể có bứt phá nhưng dự báo sẽ cải thiện hơn quý I.
Một số nhiệm vụ, giải pháp
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giữ vững ổn định của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng; kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các dự án có tính chất lan tỏa, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và ổn định đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, động viên, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp mới sớm đi vào ổn định sản xuất để tăng năng lực mới cho nền kinh tế... Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Chương trình hành động số 30-Ctr/TU ngày 30 tháng 9 năm 2022 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-TW ngày 10 tháng 2 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên các lĩnh vực như sau:
Tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được đặt ra tại Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27 tháng 7 năm 2021 của Quốc Hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 05 năm 2021- 2025. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, công nghiệp, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, chú trọng phát triển công nghiệp xanh. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất để trở thành động lực nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, thích ứng với cơ chế thị trường. Tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư thực hiện đầu tư phát triển các dự án xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp khu vực phía Nam của tỉnh để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư trong năm 2023; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường liên kết sản xuất với các tỉnh trong vùng Trung du - miền núi phía Bắc và vùng thủ đô; chú trọng hình thành cụm liên kết sản xuất trong ngành công nghiệp điện, điện tử, chế biến chế tạo với các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Khôi phục và phát triển các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như ngành cơ khí chế tạo, thu hút đầu tư chế biến sâu trong khai thác khoáng sản để tạo đầu vào cho các ngành cơ khí chế tạo, điện tử. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các lĩnh vực dự án công nghiệp chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp. Trong phát triển thương mại dịch vụ, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử để giới thiệu sản phẩm, phát triển mở rộng thị trường, giao thương, xúc tiến và thu hút đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên; khuyến khích đưa hàng Việt Nam về nông thôn và các khu đô thị; đẩy mạnh cuộc vận động” người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” , tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trong nước chiếm lĩnh thị trường trong nước và phát triển, mở rộng thị trường nước ngoài. Thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, giá cả, chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp để tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư sớm triển khai thực hiện các dự án; đồng thời kiên quyết thu hồi các dự án không thực hiện theo đúng tiến độ và cam kết đầu tư. Tăng cường công tác đào tạo nghề, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về quản lý, kỹ thuật, cập nhật tiến bộ khoa học kĩ thuật tiên tiến, tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu cho cán bộ quản lý. Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng ưu tiên lựa chọn các dự án có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, môi trường đầu tư, phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở các ngành, lĩnh vực. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh từ công tác quản lý khoa học, quản lý công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ, theo hướng hiệu lực, hiệu quả. Trong đó tập trung đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ để thu hút, động viên, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội trong hoạt động khoa học và công nghệ. Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đảm bảo đo lường và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Tiếp tục thực hiện đề án tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tập trung các nhiệm vụ trọng tâm như: tập trung giải quyết các vấn đề về rác thải; xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường; đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, khắc phục ô nhiễm môi trường xung quanh các cơ sở sản xuất công nghiệp, khai thác, chế biến khoáng sản, khu dân cư, đô thị; bảo vệ đa dạng sinh học, cảnh quan sinh thái lưu vực sông cầu, bảo vệ và cải thiện môi trường nông nghiệp nông thôn. Quản lý hoạt động khai thác tài nguyên, trong đó tập trung quản lý tốt hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường trên địa bàn tỉnh, đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Tiếp tục đôn đốc các doanh nghiệp khai thác khoáng sản chấp hành các nghĩa vụ về tài chính như tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, chi phí bảo vệ môi trường nhằm chống thất thu ngân sách trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản của tỉnh./.
Đinh Thị Bích Liên
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT