Trong những năm qua, ngành dệt may, da giầy đã góp phần quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, giải quyết thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Duy trì vai trò đầu tàu trong xuất khẩu và thu hút đầu tư, hằng năm ngành dệt may, da giày chiếm khoảng 20-25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh. Hàng được xuất khẩu đến hơn 30 thị trường trên thế giới với các chủng loại hàng hóa phong phú, đa dạng. Để tiếp tục hỗ trợ và phát triển ngành dệt may, da giầy trong thới gian tới, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 163/KH-UBND ngày 7/3/2024 về triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 trên địa bàn tỉnh, với các nội dung chủ yếu sau:
Mục tiêu chung: Phát triển ngành Dệt May, Da Giầy trở thành một trong những ngành công nghiệp chủ lực về xuất khẩu và đóng góp quan trọng vào GRDP của tỉnh trên cơ sở ưu tiên phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để phục vụ, đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu đầu vào cho các doanh nghiệp Dệt May, Da Giầy trên địa bàn tỉnh và khu vực miền Trung.
Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, nghiên cứu, thiết kế, xây dựng và phát triển thương hiệu để nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh sản phẩm.
Phát triển chuỗi liên kết hoàn thiện sản phẩm may mặc để thụ hưởng các chính sách xuất nhập khẩu từ các Hiệp định thương mại tự do, với điều kiện có quy mô đầu tư phù hợp, sử dụng công nghệ tiên tiến và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan.
Mục tiêu cụ thể: Tập trung thu hút đầu tư vào các khâu tạo giá trị gia tăng dựa trên quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa với nhóm sản phẩm chính gồm: Sợi, quần áo, giầy dép da xuất khẩu, nguyên phụ liệu hỗ trợ ngành Dệt May, Da Giầy.
-Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp ngành Dệt May, Da Giầy từ nay đến năm 2025 đạt 18 - 19%, giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến 2035 đạt 17 - 18%.
- Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ngành Dệt May, Da Giầy bình quân từ nay đến năm 2025 đạt từ 17 - 18%/năm, giai đoạn 2026 - 2030 đạt 16 - 17%/năm. Phấn đấu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng Dệt May, Da Giầy đạt khoảng 755 triệu USD; đến năm 2030 đạt khoảng 1.600 triệu USD.
- Nâng dần tỷ lệ nội địa hóa, đến năm 2030 phấn đấu tỷ lệ nội địa hóa ngành Dệt May, Da Giầy đạt trên 45%.
Định hướng phát triển ngành Dệt May, Da Giầy theo hướng chuyên môn hoá, hiện đại hóa và thân thiện môi trường; từng bước chuyển từ gia công sản xuất (CMT) sang sản xuất theo các hình thức cao hơn về quản lý chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị (FOB), thiết kế (ODM) và xây dựng thương hiệu (OBM) trên cơ sở công nghệ phù hợp, hiện đại gắn với nhu cầu thị trường, hệ thống quản lý chất lượng, quản lý lao động, quản lý bảo vệ môi trường theo các chuẩn mực quốc tế.
- Tập trung phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; chú trọng đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu ngành Dệt May, Da Giầy, đặc biệt chú trọng đến sản xuất vải từ sợi nhằm đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các FTAs thế hệ mới. Sản xuất gắn với công tác thiết kế phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm; hình thành và phát triển ngành công nghiệp thời trang gắn với ngành Dệt May, Da Giầy trên địa bàn tỉnh.
- Đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại, không sử dụng các công nghệ sản xuất cũ, lạc hậu, công nghệ không đảm bảo về môi trường. Khai thác tốt thị trường nội địa, đồng thời tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đối với ngành May mặc:
- Ưu tiên phát triển các dự án có quy mô lớn, tập trung vào các khâu có giá trị gia tăng cao, trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
- Phát triển các sản phẩm may mặc phù hợp với nhu cầu tiêu dùng nội địa, đủ khả năng cạnh tranh với các thương hiệu nhập khẩu (từ Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ,...) nhằm thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
- Xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, tạo ra các xu hướng thời trang cho thị trường trong nước và dần tạo xu hướng có sức ảnh hưởng lan tỏa ra thị trường quốc tế.
- Tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị, hợp lý hóa sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, phát triển khâu thiết kế tạo mẫu, cắt vải tự động, đa dạng hóa sản phẩm; giảm tỷ lệ sản xuất gia công trong toàn ngành.
- Dịch chuyển sản xuất các nhà máy may mặc về địa bàn nông thôn gắn với nguồn lao động tại chỗ dồi dào; ưu tiên thu hút bố trí dự án vào địa bàn các huyện miền Tây dọc tuyến đường Hồ Chí Minh và vùng phụ cận để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động.
Đối với ngành Dệt:
- Ưu tiên phát triển các dự án sản xuất mặt hàng vải dệt kim, dệt thoi, là sản phẩm có khả năng gắn kết các khâu sản xuất sợi, may mặc và sản phẩm vải cao cấp phục vụ may xuất khẩu đáp ứng nhu cầu các nhà máy may mặc trong nước. Thu hút các dự án mới trong ngành dệt có suất đầu tư lớn (trừ khâu nhuộm), đầu tư máy móc thiết bị hiện đại gắn với hệ thống quản lý chất lượng, quản lý lao động và bảo vệ môi trường.
- Quy hoạch phát triển một số vùng nguyên liệu để phục vụ ngành dệt, sản xuất sợi ở địa bàn các huyện có lợi thế (bông, sợi gai, đay, tre, chuối,...) đáp ứng nhu cầu các nhà máy dệt trong nước, giảm nhập khẩu nguồn nguyên liệu đầu vào.
Ngành Da Giày:
- Đẩy nhanh tiến độ các dự án sản xuất giầy dép đã được chấp thuận chủ trương đầu tư tại Khu công nghiệp Hoàng Mai 1, Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An (giai đoạn 1), Cụm công nghiệp Nghĩa Mỹ,... Khai thác có hiệu quả năng lực sản xuất hiện có và đầu tư phát triển theo nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm xuất khẩu.
- Khuyến khích và thu hút các dự án đầu tư phát triển thương hiệu giầy thể thao, giầy dép da, túi xách, cặp vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để khai thác thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu; các dự án cung cấp nguyên liệu phục vụ cho sản xuất trong nước và tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm (như: vải cao cấp, da nhân tạo, da thuộc,...).
Công nghiệp hỗ trợ sản xuất sản phẩm nguyên, phụ liệu:
- Tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất các sản phẩm: Xơ, kéo sợi phục vụ cho ngành dệt đặc biệt là sợi tổng hợp; xơ sợi chức năng, xơ sợi nguyên liệu mới thân thiện môi trường; nâng dần tỷ lệ nội địa hoá, giảm dần nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu.
- Thu hút đầu tư các sản phẩm nhựa hỗ trợ cho ngành dệt may như: ống nhựa, các sản phẩm hóa chất hỗ trợ cho ngành dệt (thuốc nhuộm, chất trợ, hóa chất cơ bản, chế phẩm sinh học); các loại sản phẩm như: Móc áo, ghim cài, kẹp nhựa, chỉ may, thêu các loại, nhãn mác, logo, khóa kéo, nút áo,... cho ngành may.
- Phát triển các dự án sản xuất và cung cấp thiết bị, phụ tùng cơ khí như: Bánh răng, trục truyền động, các chi tiết dẫn sợi, suốt sắt kéo dài, các loại gá lắp, suốt chỉ, kéo cắt vải, kéo cắt chỉ,... để thay thế trong quá trình vận hành cho các nhà máy may mặc, da giầy trên địa bàn tỉnh, nhu cầu thay thế các sản phẩm này rất lớn nhưng hiện tại chủ yếu vẫn phải nhập khẩu.
- Thu hút đầu tư các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành Da Giầy, trừ các sản phẩm mà quá trình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: Da thuộc, vải giả da, hóa chất thuộc da,...
Các giải pháp thực hiện
Thứ nhất, quy hoạch không gian phát triển
- Phân bố các doanh nghiệp dệt may, da giầy hợp lý đảm bảo thuận lợi về nguồn cung cấp lao động, giao thông, hạ tầng dịch vụ logistics,... Hình thành một số khu công nghiệp có phân khu công nghiệp hỗ trợ, cụm công nghiệp chuyên ngành Dệt May, Da Giầy theo hình thức tổ hợp khép kín từ khâu dệt, sản xuất nguyên phụ liệu, hoàn tất để giảm chi phí vận chuyển, hạ giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, tăng tỷ lệ nội địa hóa.
- Đối với những dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như dệt vải, giặt là bố trí vào các khu công nghiệp có hạ tầng đồng bộ như Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An, Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 – Nghệ An, Khu công nghiệp Hoàng Mai 1,... được đầu tư hệ thống xử lý môi trường hiện đại. Đối với các dự án khác về sản xuất nguyên liệu (như: Sợi, da,...), sản xuất phụ liệu, thiết bị phụ tùng cơ khí,... ưu tiên đầu tư vào các cụm công nghiệp vệ tinh khu vực ven biển như: Đô Lăng, Đô Lăng 2, Đồng Thái, Nghi Diên, Quỳnh Lộc, Quỳnh Châu, Quỳnh Hoa, Quỳnh Mỹ, Quỳnh Thạch và khu vực có các nhà máy may như cụm công nghiệp: Nghĩa Mỹ, Lạc Sơn, Thanh Liên, Vĩnh Thành, Nam Giang.
- Đối với lĩnh vực sản xuất gia công hàng may mặc, sản xuất gia công các sản phẩm dày giép định hướng bố trí ở các khu vực nông thôn và các huyện miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động địa phương.
Thứ hai, tập trung hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh
- Ưu tiên nguồn lực triển khai công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt để bố trí quỹ đất kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành Dệt May, Da Giầy.
- Đầu tư, xây dựng, hoàn thành hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp đảm bảo khả năng tiếp nhận, xử lý nước thải của hệ thống xử lý nước thải tập trung để thực hiện các dự án mới hoặc nâng công suất các dự án đang hoạt động có phát sinh nước thải vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tăng cường vai trò giám sát bảo vệ môi trường.
- Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đảm bảo bàn giao mặt bằng sạch cho doanh nghiệp theo đúng tiến độ. Hỗ trợ doanh nghiệp rút ngắn thời gian triển khai các thủ tục liên quan đến đất đai, sớm triển khai dự án đầu tư, kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ để bố trí cho những doanh nghiệp khác có nhu cầu.
Thứ ba, giải pháp phát triển thị trường tiêu thụ
- Đẩy mạnh và đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại; cung cấp thông tin thị trường thường xuyên, đầy đủ chính xác và kịp thời, hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa và mở rộng thị trường còn nhiều dư địa, tiềm năng; đa dạng hóa hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm Dệt May, Da Giầy. Hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản trên địa bàn tỉnh xây dựng, đăng ký sở hữu trí tuệ về thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến,... Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số, kết nối kinh doanh để mở rộng thị trường tiêu thụ cho các doanh nghiệp ngành Dệt May, Da Giầy.
- Đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, lấy thị trường xuất khẩu làm khâu đột phá; đẩy mạnh, phổ biến và nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về tác động của các Hiệp định thương mại tự do (trong đó có CPTPP và EVFTA), giúp các doanh nghiệp hạn chế được những rủi ro và hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp vận dụng tối đa lợi ích mà các Hiệp định thương mại tự do FTA thế hệ mới mang lại. Tăng cường công tác tuyên truyền về pháp luật thương mại quốc tế, trong đó chú trọng các nội dung về quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại.
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, có chế tài xử lý nghiêm đối với hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ để bảo vệ người tiêu dùng và nhà sản xuất trong nước, tạo thị trường lành mạnh, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp; có các biện pháp kiểm soát chống gian lận xuất xứ.
Thứ tư, giải pháp về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
- Tăng cường liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, Nhà trường và Doanh nghiệp trong các hoạt động đào tạo, giáo dục nghề nghiệp để gắn nhu cầu đào tạo và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.
- Tập trung đào tạo nghề phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư, thiết kế, để cung cấp nhân lực chất lượng cao của ngành Dệt May, Da Giầy.
Thứ năm, giải pháp về cơ chế chính sách
- Tập trung xây dựng và hoàn thiện, triển khai có hiệu quả đồng bộ các cơ chế, chính sách của tỉnh đảm bảo các điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành Dệt May, Da Giầy như: Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, chính sách khuyến công, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số,... Triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về đầu tư, tín dụng, thuế cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành Dệt May, Da Giầy.
- Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước và tăng tỷ lệ nội địa hoá cho sản phẩm. Xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành Dệt May, Da Giầy phù hợp với yêu cầu hội nhập.
Thứ sáu, giải pháp đổi mới khoa học, công nghệ và phát triển bền vững, xanh hoá ngành Dệt May, Da Giầy
- Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao năng lượng, giảm lượng nước xả thải, giảm phát thải khí nhà kính; tăng cường tái chế, tái sử dụng nguyên, nhiên vật liệu, chất thải; tập trung ưu tiên vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hoá, thân thiện với môi trường.
- Khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong sản xuất và phát triển các loại nguyên, phụ liệu trong nước chưa sản xuất được, các sản phẩm Dệt May, Da Giầy chất lượng cao, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn, thân thiện môi trường; tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong ngành Dệt May, Da Giầy đầu tư nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.
- Thực hiện chính sách đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (in 3D, vật liệu mới, tự động hoá, số hoá,...), ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo để tham gia sâu vào chuỗi giá trị, tạo bước chuyển biến thực chất trong quá trình sản xuất, quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ngành Dệt May, Da Giầy.
Thứ bảy, giải pháp phát triển nguyên liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất
- Tập trung triển khai công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt (trong đó có hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo quy định hiện hành) để bố trí quỹ đất kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành Dệt May, Da Giầy.
- Thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh liên doanh liên kết với doanh nghiệp nước ngoài xây dựng các dự án đầu tư sản xuất các mặt hàng nguyên vật liệu khuyết thiếu trong chuỗi giá trị ngành da (giả da, da nhân tạo,...).
- Tập trung nghiên cứu, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung để phục vụ ngành dệt, sản xuất sợi ở địa bàn các huyện có lợi thế (bông, sợi gai, đay, tre, chuối,...) đáp ứng nhu cầu các nhà máy dệt trong nước, giảm nhập khẩu nguồn nguyên liệu đầu vào./.
Đỗ Thị Bích Thủy
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT