NGHIÊN CỨU

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Nghiên cứu

Kế hoạch thực hiện chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn tỉnh Bến Tre

06/10/2023

Với mục đích phát triển thương mại tỉnh Bến Tre hiện đại, văn minh, tăng trưởng nhanh, bền vững; đóng vai trò là động lực chủ yếu quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; kết nối tiêu dùng, tạo chuỗi cung ứng để phát huy năng lực, sức mạnh nội sinh của thị trường nội tỉnh; gắn với phát triển đa dạng về chế độ sở hữu, loại hình tổ chức và phương thức hoạt động của các thành phần kinh tế. Thu hút mạnh mẽ các nguồn lực xã hội để mở rộng mạng lưới kinh doanh, nhất là thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phát huy được hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, ngày 14 tháng 3 năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch số: 1409/KH-UBND thực hiện chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Theo đó, Kế hoạch đã xác định mục tiêu:

* Thị trường đô thị: Tập trung đầu tư phát triển các loại hình thương mại hiện đại như: Trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm mua sắm, chuỗi cửa hàng tiện ích, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng kinh doanh tổng hợp; các đường phố thương mại; các trung tâm bán buôn; các tổng đại lý, đại lý và nhượng quyền thương mại. Hình thành cấu trúc cân đối, hợp lý giữa các loại hình để hình thành mạng lưới thương mại với các trung tâm thương mại, siêu thị trung tâm mua sắm, ở thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư có hạt nhân là các chợ, các dãy cửa hàng, đường phố thương mại.

Phát triển các doanh nghiệp kinh doanh chuỗi để thu hút đầu tư từ nhiều nguồn cho mạng lưới phân phối hiện đại và thu hút nhiều hàng hóa có thương hiệu nổi tiếng, trong đó cần chú trọng phát triển các chuỗi liên kết theo phương thức nhượng quyền thương mại và các chuỗi liên kết tự nguyện của các siêu thị nhỏ, các cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tổng hợp để tăng cường năng lực cạnh tranh; có thể phát triển mạng lưới kinh doanh hàng vật liệu xây dựng, đồ dùng gia đình,... theo hướng phát triển kinh doanh theo chuỗi, quy mô lớn, tổng hợp.

Trên các đường phố thương mại cần khuyến khích thương nhân cải tạo, nâng cấp cửa hàng, cửa hiệu để trở thành các cửa hàng tiện ích làm hạt nhân của các tụ điểm kinh doanh thương mại, đảm bảo các yêu cầu hiện đại và mang bản sắc văn hóa truyền thống. Đẩy mạnh thực hiện giao dịch thương mại qua mạng internet, phương tiện truyền thông…

Nâng cấp và đa dạng chức năng của các chợ bán buôn theo hướng thành lập công ty kinh doanh, áp dụng các phương thức giao dịch hiện đại. Chuyển đổi một số chợ bán lẻ ở đô thị thành các siêu thị tổng hợp hoặc chuyên doanh.

Tại các thị trấn, trung tâm cụm xã: Phát triển các loại hình, tổ chức thương mại bán lẻ quy mô nhỏ và vừa, tiếp nhận hàng hoá từ thị trường trung tâm để phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn. Mục tiêu quan trọng hơn là trở thành đầu mối tổ chức khai thác nguồn hàng sản xuất trong huyện và vùng lân cận để cung ứng cho đô thị trung tâm của tỉnh và thị trường ngoài tỉnh.

* Thị trường nông thôn: Chú trọng phát triển hoạt động thương mại nhằm tạo nguồn hàng nông sản cho mục tiêu xuất khẩu, nhất là các mặt hàng trọng điểm. Tổ chức thị trường kết hợp chặt chẽ với chính sách bảo trợ, bảo hiểm sản xuất nông nghiệp để tạo điều kiện phát triển các vùng sản xuất hàng hoá chuyên canh, phát triển kinh tế gia đình và trang trại.

Phát triển hạ tầng thương mại phục vụ cho hoạt động cung cấp nguyên liệu cho sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ hàng nông sản, thuỷ sản.

Nâng cấp các chợ bán lẻ truyền thống; khuyến khích thương nhân hoạt động trong chợ thành lập liên minh mua bán hàng hóa, từng bước phát triển các cửa hàng tiện ích, các dịch vụ hỗ trợ trong các chợ bán buôn, chợ quy mô lớn.

Phát triển thương mại điện tử nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong phát triển thương mại, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, thực hiện tốt công tác quảng bá, giới thiệu và tìm kiếm thị trường cho hàng hóa, sản phẩm của các doanh nghiệp trong tỉnh.

1. Giai đoạn 2021 - 2030

- Tỷ trọng GRDP thương mại trong GRDP của tỉnh đến năm 2025 chiếm 11,5% và đến năm 2030 chiếm 13%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBLHH & DTDVTD): giai đoạn 2021-2025 tăng bình quân 14-15%/năm; giai đoạn 2026-2030 tăng bình quân 17-18%/năm.

- Thương mại điện tử phát triển nhanh, áp dụng công nghệ, hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đầy đủ, bảo đảm an toàn, thuận tiện cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trong giao dịch. Đến năm 2030, tỷ lệ siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại cho phép thanh toán không dùng tiền mặt đạt 100%, doanh thu qua thương mại điện tử chiếm khoảng 10% TMBLHH&DTDVTD, phấn đấu có 40% doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại (bao gồm các doanh nghiệp thương mại nhỏ và vừa, các doanh nghiệp chuyển đổi từ cơ sở kinh tế cá thể thương mại, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo) tham gia các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.

- Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh lành mạnh cho các thành phần kinh tế tham gia thị trường; phấn đấu hình thành khung chính sách về hỗ trợ triển khai, phát triển có hiệu quả hệ thống, các mô hình phân phối xanh bền vững.

- Ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại đồng bộ, đa dạng, kết hợp hài hoà giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại; tích cực áp dụng công nghệ số hoá trong quản lý, khai thác, vận hành hoạt động thương mại nội địa.

2. Giai đoạn 2031 - 2045

- Đến năm 2045, doanh thu qua thương mại điện tử chiếm khoảng 15% TMBLHH&DTDVTD cả tỉnh, đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 12%/năm; phấn đấu đạt trên 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại (bao gồm các doanh nghiệp thương mại nhỏ và vừa, các doanh nghiệp chuyển đổi từ cơ sở kinh tế cá thể thương mại, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo) tham gia các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.

- Triển khai thể chế, chính sách, tạo hiệu quả cao trong quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại và môi trường kinh doanh thông thoáng. Trong đó cơ quan nhà nước chỉ tham gia khi có bất ổn gây đột biến thị trường, ảnh hưởng đến an ninh trong tỉnh; đối với các vấn đề khác của thị trường, chỉ định hướng quản lý thông qua hệ thống thể chế, chính sách,... phù hợp với cam kết hội nhập.

- Hoàn thiện, hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại; bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hoá,…; 100% hệ thống hạ tầng thương mại khu vực thành thị vận hành theo công nghệ số hoá, hạ tầng thương mại nông thôn, vùng sâu, vùng xa phát triển đầy đủ theo quy hoạch, các loại hình như cửa hàng tiện lợi, siêu thị chuyên doanh, trung tâm thương mại chiếm đa số, chủ đạo trong phân phối bán lẻ hàng hoá trên thị trường.

Định hướng chủ yếu

Kế hoạch đưa ra 10 định hướng cần triển khai, thực hiện để đạt được các mục tiêu đề ra.

1. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút hoạt động kinh doanh thương mại với đa dạng, phong phú chủng loại, mặt hàng, sản phẩm và các loại hình hiện đại như: trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi,… Củng cố, thiết lập thị trường thích ứng tình hình mới, từng bước phát triển thương mại ổn định, bền vững; tăng dần tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực thương mại vào khu vực dịch vụ và GRDP của tỉnh.

2. Phát triển đa dạng phương thức và hình thức tổ chức kinh doanh thương mại; tổ chức và vận hành hiệu quả các hệ thống cung ứng, phân phối các nhóm hàng hoá chủ yếu; quan tâm định hướng các doanh nghiệp đầu đàn để dẫn dắt thị trường và kích thích sản xuất trên địa bàn để cung cấp tiêu dùng trong tỉnh, nội địa, cũng như vươn ra xuất khẩu.

3. Cơ cấu lĩnh vực thương mại theo hướng đổi mới, sáng tạo và số hoá, công nghệ hoá phương thức kinh doanh; tăng cường kết nối, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, các hệ sinh thái trong nước, toàn cầu và khu vực.

4. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử thành hình thức chủ đạo; tăng cường đầu tư, phát triển công nghệ, kết nối hạ tầng, công nghệ thông tin bảo đảm an toàn, thuận tiện cho người tiêu dùng tham gia giao dịch thương mại điện tử.

5. Quan tâm xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại, bền vững, phù hợp với điều kiện của tỉnh trong từng giai đoạn, vừa đáp ứng được nhu cầu lưu thông hàng hoá, vừa hỗ trợ xuất khẩu. Đặc biệt chú trọng đến hạ tầng thương mại thiết yếu vùng sâu, vùng xa. Phấn đấu liên kết vào hệ thống trung tâm logistics quốc gia và các chuỗi cung ứng, các trung tâm logistics vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

6. Thực hiện chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để các loại hình doanh nghiệp hoạt động thương mại phát triển đa dạng như các tập đoàn, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo phương thức hiện đại,…; khuyến khích các chủ thể tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hoá, nhất là hàng hoá nông sản để kết nối giữa vùng sản xuất và thị trường tiêu thụ.

7. Liên kết và hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm sản xuất tại tỉnh có chất lượng, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, được dán nhãn sinh thái.

8. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình phát triển kinh tế thương mại và hội nhập quốc tế.

9. Đổi mới công tác xúc tiến thương mại, đầu tư hạ tầng phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, thay đổi phương thức, lựa chọn các công cụ và biện pháp xúc tiến thương mại phù hợp, chú trọng các phương pháp xúc tiến thương mại mới, hiệu quả.

10. Đổi mới quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thương mại theo hướng tôn trọng quy tắc vận hành của thị trường; tăng cường bảo đảm trật tự, bình ổn thị trường; tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm soát chặt chẽ tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, thâu tóm thị trường.

Nhiệm vụ và giải pháp

Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng đưa ra 9 nhiệm vụ và giải pháp sau:

1. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và quản lý hoạt động thương mại theo cam kết quốc gia và quốc tế. Trên cơ sở đó, căn cứ thực tiễn của tỉnh để tạo thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp với quy định của Trung ương nhằm thúc đẩy phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh.

2. Gia tăng cầu tiêu dùng, phát triển doanh nghiệp phân phối, gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hoá. Trong đó, khuyến khích phát huy các sáng kiến kết nối cung cầu; hình thành các chuỗi liên kết dọc và liên kết ngang giữa nhà sản xuất, nhà phân phối, cung ứng. Đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hoá, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.

3. Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn, đặc biệt quan tâm đến việc rà soát để đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư hạ tầng thương mại; hỗ trợ kết cấu hạ tầng thương mại tại các địa bàn khó khăn; quản lý, sử dụng và khai thác hạ tầng thương mại hiệu quả; tích cực áp dụng hệ thống quản lý năng lượng trong lưu kho, phân phối; triển khai tốt Chương trình phát triển mạng lưới chợ, chuyển đổi mô hình quản lý và xã hội hoá đầu tư xây dựng, khai thác chợ; rà soát, đánh giá triển khai tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao; phát triển mạng lưới cơ sở thu mua nông sản và cơ sở cung ứng, phân phối, mô hình chợ đạt tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11856: 2017 chợ kinh doanh thực phẩm; triển khai công tác quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng bán buôn gắn vùng sản xuất; phát triển và quản lý các loại hình trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, máy bán hàng tự động, điểm bán sản phẩm OCOP…; phát triển dịch vụ logistics, hệ thống kho tổng hợp, chuyên dụng, kho lạnh phục vụ bình ổn thị trường trong tỉnh.

4. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hoá. Quan tâm thực hiện hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia; ứng dụng mô hình quản lý các sàn giao dịch thương mại điện tử, các website bán hàng, hoạt động giao dịch thông qua diễn đàn, mạng xã hội; triển khai nền tảng mã địa chỉ bưu chính gắn với bản đồ số Vpostcode, các ứng dụng giao thông mới hỗ trợ vận chuyển, giao nhận hàng hoá trong thương mại điện tử và logistic, hệ thống truy xuất nguồn gốc chuẩn hoá quy trình, nền tảng trực tuyến cho hoạt động phân phối, các chương trình, đề án thương mại điện tử hoá nông thôn, đào tạo kỹ năng kinh doanh thương mại điện tử.

5. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thương mại đáp ứng yêu cầu hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tổ chức các chương trình đào tạo , tập huấn về năng lực tổng hợp, phân tích thông tin thị trường, năng lực quản trị kinh doanh, an toàn thực phẩm, kỹ năng quản lý, kỹ năng chuyên môn,…

6. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thương mại; nâng cao việc thu thập thông tin sơ cấp, thứ cấp, nghiên cứu, dự báo xu hướng thị trường; tăng cường hoạt động cung cấp thông tin, phổ biến kiến thức thường xuyên, kịp thời cho doanh nghiệp, người sản xuất, người tiêu dùng; thu thập thông tin về cơ sở sản xuất cung cấp cho cơ sở phân phối và người tiêu dùng; tổ chức các kênh thông tin và thực hiện quảng bá sản phẩm; tuyên truyền, vận động, triển khai các hoạt động phân phối hàng hoá thân thiện với môi trường, tiêu dùng bền vững.

7. Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ; khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh thương mại đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ cao, hộ kinh doanh ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý điện tử trên máy tính, điện thoại di động, sử dụng ứng dụng, tiện ích mới để truy xuất nguồn hàng, QR code, Data, RFID tại các kênh phân phối như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; hỗ trợ phát triển mô hình nghiên cứu khoa học liên kết công tư, từng bước xã hội hoá, thị trường hoá sản phẩm khoa học, công nghệ thương mại; thúc đẩy phân phối xanh qua công nghệ hiện đại; ứng dụng công nghệ cao vào kiểm tra, xử lý vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại.

8. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao năng lực, thực thi hiệu quả hệ thống pháp luật, các đề án, chiến lược của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung cải cách phương thức quản lý theo hướng số hoá; tập trung công tác định hướng phát triển thương mại; quản lý, khai thác hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường.

9. Nâng cao ý thức, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong các hoạt động thương mại, không gây ô nhiễm, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn môi trường về xử lý chất thải lỏng, chất thải khí và chất thải rắn; sử dụng năng lượng tiết kiệm, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo; quản lý tốt công tác thu hồi, thu gom phục vụ tái chế, tái sử dụng các loại chất thải trong phân phối hàng hoá; tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra về môi trường./.

 

Đỗ Thị Bích Thủy

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại
BÀI VIẾT KHÁC