NGHIÊN CỨU

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Nghiên cứu

Xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam - cơ hội và thách thức trong giai đoạn tới

16/09/2023

1. Thực trạng xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam hiện nay

1.1.Tình hình chung về xuất khẩu nông sản của Việt Nam

Chính phủ đã ban hành Quyết định 1684/2015/QĐ-TTg ngày 30/9/2015 về việc phê duyệt chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, trong đó Việt Nam thể hiện quyết tâm hội nhập, mở cửa và tuân thủ các cam kết quốc tế. Ngành nông nghiệp Việt Nam đã và đang đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của gần 100 triệu dân và xuất khẩu. Thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTAs), Việt Nam đã tăng cường xuất khẩu các sản phẩm nông sản có lợi thế cạnh tranh. Quá trình hội nhập quốc tế đã tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong nước, thay đổi trong cơ cấu sản xuất và xuất khẩu nông sản, tập trung vào các mặt hàng Việt Nam có lợi thế và năng lực cạnh tranh quốc tế, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm xuất khẩu, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp ngành nông nghiệp Việt Nam tham gia thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, nằm trong nhóm 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới và đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng góp phần cải thiện cán cân thương mại. Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 48,7 tỷ USD năm 2021 và đạt 53,22 tỷ USD trong năm 2022. Việt Nam đã có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD (gồm gỗ và sản phẩm lâm sản đạt 17 tỷ USD; tôm 4,3 tỷ USD; cà phê 4 tỷ USD; gạo 3,5 tỷ USD; cao su 3,3 tỷ USD; rau quả 3,3 tỷ USD; hạt điều 3,1 tỷ USD). Sản phẩm xuất khẩu ngày càng đa dạng, được chú trọng nâng cao chất lượng, tăng hàm lượng chế biến và tăng giá trị. Sản phẩm sơ chế, chế biến chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong đó xuất khẩu tiêu và điều đứng thứ nhất, sắn và sản phẩm từ sắn đứng thứ hai, gạo đứng thứ ba và cà phê đứng thứ năm thế giới.

Trong cơ cấu xuất khẩu năm 2022 kim ngạch xuất khẩu thủy sản chiếm tỉ trọng tăng lên so với các năm trước. Trong đó, mặt hàng tôm và cá tra có nhu cầu tiêu dùng và giá bán tăng cao, mặt hàng phân bón, và thức ăn gia súc, nguyên liệu cũng lần đầu tiên đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng lên qua các năm, năm 2017 là 36,51 tỷ USD, đến năm 2021 đạt 48,70 tỷ USD và năm 2022 đạt 53,22 tỷ USD. Tuy nhiên tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lại có xu hướng giảm, điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng chung của xuất khẩu. Tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2017-2022 đạt 9,87% thấp hơn so với mức tăng trưởng bình quân tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2017-2022.

Bảng 1: Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2017-2022

Năm

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản

(Tỷ USD)

Tổng kim ngạch xuất khẩu của

Việt Nam

(Tỷ USD)

Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản so với Tổng KNXK của Việt Nam (%)

Tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2017-2022

(%)

Tăng trưởng bình quân tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2017-2022

(%)

2017

36,51

215,12

16,97

9,87

14,62

2018

39,22

243,69

16,09

 

 

2019

41,12

264,27

15,55

 

 

2020

41,20

282,63

14,58

 

 

2021

48,70

336,17

14,49

 

 

2022

53,22

371,31

14,33

 

 


Nguồn: Tổng cục Thống kê 2023 và tính toán của tác giả

 Biểu đồ 1: Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản  giai đoạn 2017-2022

1.2.  Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam    

Việt Nam là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới nhiều mặt hàng nông sản như rau quả, gạo, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ…Đây là những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đã đáp ứng ngày càng tốt hơn tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường, ngay cả những thị trường nhập khẩu yêu cầu cao về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng. Nhiều mặt hàng giữ được vị thế quan trọng trên thị trường thế giới. Nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng nước ngoài như rau quả, gạo, cà phê.

Ngành nông nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất chất lượng, khả năng cạnh tranh và tăng cường hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó khuyến khích các doanh nghiệp trong nước nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng nhiều nước yêu cầu cao về tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các tiêu chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm và kiểm dịch cũng được áp dụng để đáp ứng hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp từng bước nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thế giới và tạo sự bứt phá đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều…

 

Biểu đồ 2: Cơ cấu kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam năm 2022

Trong bảng 2 cho thấy các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây như gạo với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2017-2022 là 5,66%, cao nhất là gỗ và các sản phẩm từ gỗ với tốc độ tăng bình quân là 15,88%, sau đó đến thủy sản tăng 5,59%, cà phê tăng 4,62%, chỉ có rau quả và hạt điều có xu hướng giảm nhẹ với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2017-2022 là (-0,81)% và (-2,64)%.

Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường và phát huy lợi thế cạnh tranh quốc gia. Tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực và tăng nhanh chóng qua các năm là Gỗ và sản phẩm gỗ chiếm 38%, thủy sản 26%, cà phê 10%, và tiếp theo là rau quả, gạo, hạt điều có tỉ trọng tương đương khoảng 8% (năm 2022).

1.3. Một số thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam

Thị trường xuất khẩu nông sản ngày càng đa dạng hóa với nhiều thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia….Trong đó Mỹ, Nhật Bản và một số nước Châu Âu có những quy định cao về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, đồng thời áp dụng quá trình kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo nông sản nhập khẩu không có virus gây bệnh, đây là một trong những khó khăn khi xuất khẩu nông sản vào các thị trường này.

Quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện, mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức mới trong thời gian tới, có sự cạnh tranh mạnh mẽ đối với các thị trường xuất khẩu. Việt Nam hiện nay vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng và thế mạnh sẵn có, cần phải tập trung nguồn lực để phát triển xuất khẩu nông sản chủ lực, nâng cao giá trị gia tăng của các mặt hàng nông sản xuất khẩu.

Năm 2022, xuất khẩu nông sản chủ lực tăng trưởng ở hầu hết các thị trường. Thị trường Trung Quốc chiếm tỉ trọng khá cao với giá trị KNXK mặt hàng rau quả là 1,56 tỷ USD, sau đó là Hoa Kỳ 0,25 tỷ USD, Hàn Quốc 0,18 tỷ USD và Nhật Bản 0,17 tỷ USD, Australia là 0,08 tỷ USD. Gỗ và các sản phẩm gỗ có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong các mặt hàng xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam với KNXK sang thị trường Hoa Kỳ là 8,66 tỷ USD vào năm 2022, tiếp đó là thị trường Trung Quốc là 2,15 tỷ USD, thị trường Nhật Bản: 1,89 tỷ USD, thị trường Hàn Quốc: 1,03 tỷ USD, Australia: 1,09 tỷ USD.

Trong Bảng 3 cho thấy mặc dù gạo được xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ nhưng chưa xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc do chất lượng gạo chưa ổn định trong khi yêu cầu của các nước nhập khẩu ngày càng cao, quy trình sản xuất và chế biến phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đạt chứng nhận quốc tế. Thời gian qua thủy sản xuất khẩu sang các thị trường cũng tăng lên đáng kể, chiếm tỉ trọng lớn trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Trong đó KNXK thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ lớn nhất đạt 2,13 tỷ USD năm 2022, Nhật Bản: 1,71 tỷ USD, Trung Quốc: 1,57 tỷ USD năm 2022.

Các mặt hàng nông sản xuất khẩu hiện nay khi xuất khẩu sang các nước hầu như chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác của Việt Nam. Đây là một trong những hạn chế lớn làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm đồng thời hạn chế tham gia sâu vào hệ thống phân phối bán lẻ của các nước nhập khẩu.

Bảng 3: Một số thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam

 Đơn vị: Tỷ USD

TTXK

 

Mặt hàng

Hoa Kỳ

Trung Quốc

Nhật Bản

Hàn Quốc

Australia

KNXK

KNXK

KNXK

KNXK

KNXK

2022

6T/2023

2022

6T/2023

2022

6T/2023

2022

6T/2023

2022

6T/2023

Rau quả

0,25

0,12

1,53

1,76

0,17

0,09

0,18

0,11

0,08

0,04

Gạo

0,02

0,02

0,43

0,39

 

 

 

 

0,03

0,01

Cà phê

0,31

0,18

0,14

0,07

0,28

0,16

0,09

0,06

0,05

0,02

Hạt điều

0,84

0,43

0,44

0,26

0,05

0,03

 

 

0,09

0,04

Hồ tiêu

0,28

0,10

 

 

0,02

0,01

0,03

0,01

0,01

0,01

Thủy sản

2,13

0,71

1,57

0,63

1,71

0,72

0,95

0,36

0,36

0,15

Gỗ và các sản phẩm gỗ

8,66

3,27

2,15

0,71

1,89

0,81

1,03

0,39

0,19

0,06

Nguồn: Tổng cục Hải quan

 Biểu đồ 3: KNXK nông sản chủ lực của Việt Nam sang một số thị trường chính

                                                                                                            Đơn vị: Tỷ USD

2. Cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu nông sản chủ lực

2.1. Cơ hội

Hội nhập quốc tế mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực nhờ cắt giảm thuế quan như các mặt hàng gạo, cà phê, thủy sản, rau quả. Nông sản Việt Nam có nhiều cơ hội lựa chọn thị trường, đối tác phù hợp, có nhiều lợi thế hơn trong thương mại. Bên cạnh đó, với những lợi thế về nông nghiệp và điều kiện tự nhiên, nông sản Việt Nam có những thế mạnh nhất định để cạnh tranh trên thị trường thế giới với nông sản xuất khẩu.

2.1.1. Xu hướng nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu nông sản của thị trường thế giới tăng lên

Nhu cầu về lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng mạnh trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, sự mất ổn định và biến động về kinh tế, chính trị thế giới, mối lo ngại về an ninh lương thực mở ra nhiều cơ hội trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Giai đoạn 2019-2028 tiêu dùng các sản phẩm nông sản của thế giới tăng bình quân 1,5-3%/năm, trong đó nhu cầu tiêu thụ thịt và cá bình quân đều tăng 3%, nhu cầu tiêu thụ cá cũng dự báo tăng 2,12%, nhu cầu ngũ cốc dự báo tăng khoảng gần 2%, nhu cầu về nội thất sử dụng các nguyên liệu từ gỗ, tre nứa tăng 10,6% (Theo dự báo của FAO).

Nông sản Việt Nam được xuất khẩu sang rất nhiều thị trường trên thế giới đặc biệt là những thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản… Với nhiều thuận lợi trong sản xuất các mặt hàng nông sản chủ lực như hoa quả vùng nhiệt đới đặc trưng cho khí hậu của nước ta và nhiều mặt hàng đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng được nhu cầu nhiều thị trường, trữ lượng ngày càng lớn và có thể cung cấp cho những thị trường có nhu cầu tiêu thụ cao như Trung Quốc. Nhiều nông sản của Việt Nam giữ những vị trí đứng đầu trong xuất khẩu trên thế giới như cà phê, lúa gạo, hạt điều…

2.1.2.Tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới

Trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam đã ký kết với nhiều cam kết rất chặt chẽ. Trước tiên là lộ trình giảm thuế về 0% cho hầu hết các mặt hàng xuất khẩu, đồng thời có nhiều quy định mới về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động, môi trường . FTAs tác động tích cực tới hoạt động thương mại, xuất khẩu thông qua thúc đẩy các dòng thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ.

Như hiệp định EVFTA từ khi có hiệu lực từ tháng 8/2020, các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam xuất sang EU đã tăng lên hơn 20% trong những năm vừa qua. Các FTAs thế hệ mới cũng góp phần giúp xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với các nước trong thị trường nội khối có mức tăng trưởng khá cao.

2.1.3.Phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số

Sự phát triển ngày càng nhanh và mạnh mẽ của khoa học công nghệ với việc ứng dụng nền tảng số sẽ đem lại nhều cơ hội cho chuyển đổi chuỗi giá trị nông sản Việt Nam. Công nghệ số sẽ hỗ trợ, góp phần chuyển từ hệ thống canh tác và phân phối truyền thống sang hệ thống canh tác thông minh, phân phối hiện đại tích hợp với các nền tảng trực tuyến và kết nối các quốc gia với nhau.

Công nghệ số được ứng dụng để đẩy mạnh các khâu tự động hóa của quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm và mở ra cơ hội phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay. Xu hướng nền nông nghiệp thế giới đang chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững, phát triển kinh tế cùng với việc bảo vệ môi trường sinh thái. Xu hướng của nền nông nghiệp hiện đại là một nền nông nghiệp sinh thái thông minh, dựa trên việc ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo, kết hợp với phương thức quản lý hiệu quả nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn và tiết kiệm nguồn lực.

2.1.4.Phát triển chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu

Chuỗi cung ứng nông sản bao gồm doanh nghiệp, nhà thu gom hàng nông sản, nhà sản xuất, chế biến và phân phối, các đơn vị cung ứng dịch vụ logistics tham gia vào quá trình chuyển đổi hàng nông sản từ trang trại nuôi trồng cho đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Mục tiêu của chuỗi là đảm bảo cung cấp một cách hiệu quả cho thị trường quốc tế sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, an toàn, tiện lợi với mức giá phù hợp và sự lựa chọn đa dạng, cũng như thân thiện với môi trường, thỏa mãn nhu cầu của khách hàng trên thị trường.

Chuỗi cung ứng nông sản bao gồm doanh nghiệp, nhà thu gom hàng nông sản, Thúc đẩy xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam sẽ góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ nuôi trồng, sản xuất, chế biến và xuất khẩu, phân phối ngay tại các quốc gia xuất. Các chính sách quản lý của Nhà nước sẽ hỗ trợ cho quá trình vận hành chuỗi cung ứng, trong đó có phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, cải thiện cơ sở hạ tầng, quản lý thị trường, tăng năng lực logistics, hải quan, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư.

Để tăng cường hoạt động xuất khẩu nông sản, các sở ban, ngành và các tổ chức khác như Trung tâm Khuyến nông, trồng trọt, Trung tâm Xúc tiến thương mại, đầu tư, các Hiệp hội ngành hàng nông sản, ngân hàng, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ vận tải, công nghệ thông tin và marketing cũng góp phần quan trọng để chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản xuất khẩu cải thiện cả về hiệu quả và hiệu suất.

2.2.  Thách thức

2.2.1.Quá trình hội nhập quốc tế làm gia tăng cạnh tranh

Việt Nam đã ký kết tham gia và đàm phán 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA),  tham gia FTA sẽ thu hút nhiều vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, đây là một thách thức lớn đặt ra, xu hướng đầu tư vào ngành nông nghiệp của các nhà đầu tư nước ngoài với lợi thế cả về tài chính, công nghệ và thị trường. Với lợi ích thu được từ Hiệp định nhất là những ưu đãi về thuế quan, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ dịch chuyển nhà máy từ nhiều quốc gia khác sang Việt Nam, gây áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nông nghiệp trong nước. Khi đó nông sản trong nước sẽ bị cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là cạnh tranh về giá cả và chất lượng sản phẩm. Hiện nay, một số ngành hàng đã vượt qua được thách thức và tận dụng tốt cơ hội mang lại khi hội nhập như lúa gạo, cao su, cà phê, thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ. Ngoài ra còn có sự cạnh tranh mạnh mẽ của hàng hóa trong nước đối với các hàng hóa nhập khẩu, nhiều mặt hàng có lợi thế cạnh tranh thấp như mía đường, sản phẩm chăn nuôi, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi… sẽ chịu sự cạnh tranh rất lớn.

Quá trình hội nhập làm thu hẹp một số lĩnh vực sản xuất có khả năng cạnh tranh thấp. Các nước đang phát triển mạnh sản xuất nông sản với chất lượng cao cũng trở thành đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên các thị trường xuất khẩu gạo như Campuchia, Myanmar, xuất khẩu thủy sản như Ấn Độ, Mexico, Indonesia.

2.2.2. Yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng nông sản xuất khẩu ngày càng cao

Thị trường tiêu dùng hàng nông sản hướng đến các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, trách nhiệm xã hội đòi hỏi các sản phẩm nông, lâm, thủy sản được khai thác hợp lý, từ đó đưa ra các tiêu chuẩn tương ứng về nguồn gốc sản phẩm như thủy sản, rau quả, gỗ... Các quốc gia và người tiêu dùng trên thế giới đang đặt mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải cacbon. Nông sản Việt Nam đối mặt với nguy cơ chịu mức thuế đối với sản phẩm có mức phát thải lớn. Đây cũng là một trong những thách thức với xuất khẩu nông sản Việt Nam trong khi hệ thống truy xuất nguồn gốc, quản lý khai thác chưa được thực hiện bài bản, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp bắt đầu quá trình đổi mới để thích ứng được với bối cảnh mới.

Ngoài ra, nông sản cũng sẽ đối mặt với nhiều rào cản thương mại, chính sách nhập khẩu của các nước với những yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường và xã hội.

2.2.3.Chủ nghĩa bảo hộ thương mại xuất hiện trở lại

Những biến động kinh tế, chính trị, xã hội trên thế giới như dịch bệnh Covid-19, xung đột Nga- Ukraina, xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, xung đột lãnh thổ trong các khu vực và giữa các nền kinh tế lớn, thay đổi trong chính sách thương mại của các quốc gia dẫn đến xu hướng bảo hộ gia tăng. Thêm vào đó giá nguyên liệu đầu vào tăng ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành và hiệu quả sản xuất, giảm sức cạnh tranh về giá của nông sản Việt Nam, giá xăng dầu biến động tạo bất ổn trong hệ thống sản xuất kinh doanh.

Các nước bảo hộ nền kinh tế trong nước bằng cách gia tăng các rào cản kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ khẩn chấp… với mục đích bảo vệ nền sản xuất trong nước tạo ra những thách thức đối với xuất khẩu nông sản.

2.2.4.Đáp ứng yêu cầu cao về công nghệ

Đây vừa là thuận lợi, vừa là khó khăn đối với phát triển công nghệ ngành nông nghiệp. Việt Nam có nông nghiệp chưa thực sự phát triển, sản xuất còn manh mún, năng suất thấp, công nghệ lạc hậu. Để đảm bảo các quy định về kỹ thuật, quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn về chất lượng, đáp ứng yêu cầu về môi trường đối với xuất khẩu nông sản chủ lực, cần đáp ứng các yêu cầu về công nghệ sản xuất hàng nông sản xuất khẩu, đặc biệt là công nghệ số như hiện nay. Để làm được cần đầu tư mạnh vào công nghệ, máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại, ứng dụng nền tảng số, công nghệ số vào quy trình sản xuất, kinh doanh, đây là một thách thức nhưng cũng là điều kiện để tạo ra năng lực cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

2.2.5.Nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm cùng với biến đổi khí hậu

Nguồn tài nguyên đang dần bị suy thoái và cạn kiệt, sự gia tăng dân số, phát triển công nghiệp, đô thị hóa làm thu hẹp diện tích đất đai, diện tích rừng đầu nguồn. Nước sông, biển đang bị ô nhiễm nặng nề, chất lượng nước ngày càng xấu đi do có nhiều độc tố từ các chất thải kim loại nặng, chất thải hữu cơ, vô cơ từ sinh hoạt, sản xuất, các dư lượng hóa dược nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ các tác động của thiên tai như biến đổi khí hậu dẫn đến các hình thái thời tiết xảy ra bất thường, nhiệt độ tăng cao, mưa đá, nước biển dâng, xâm nhập mặn mức độ nghiêm trọng hơn, dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh hàng nông sản trong đó đặc biệt là các hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê, rau quả, thủy sản, gỗ…. Biến đổi khí hậu đang là thách thức lớn đối với toàn cầu, tác động nghiêm trọng tới sản xuất, đời sống và môi trường trong đó đặc biệt ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.

TS. Trần Thị Thu Hiền

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

Tài liệu tham khảo

  1. Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 phê duyệt chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030.
  2. Quyết định 1684/QĐ-TTg ngày 30/9/2015 về việc phê duyệt chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030.
  3. Bộ Công Thương (2023), Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2022.
BÀI VIẾT KHÁC