Một số nét tổng quan
Hạn ngạch phát thải khí nhà kính là lượng khí nhà kính tối đa mà một đơn vị phát thải được phép thải ra môi trường trong một khoảng thời gian nhất định.
Tín chỉ carbon (carbon credit) là chứng nhận đại diện cho quyền phát thải ra một tấn carbon dioxide (CO2) hoặc khí nhà kính khác được quy đổi tương đương 1 tấn CO2 (CO2tđ). Một tấn CO2tđ được xem là 1 tín chỉ carbon. Đây là đơn vị mua bán trên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2 tương đương.
Tín chỉ carbon hay định mức carbon được coi như một loại giấy phép cho phép chủ sở hữu thải ra một lượng khí CO2 nhất định hoặc khí thải nhà kính khác (CH4, NO2).
Mỗi doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất đều có một định mức về lượng khí thải nhà kính thải ra môi trường. Nếu cao hơn mức quy định, những đơn vị này sẽ phải mua thêm tín chỉ carbon để không vi phạm quy định chung về bảo vệ môi trường. Ngược lại, nếu lượng phát thải thực tế nhỏ hơn mức giới hạn thì cơ sở đó có thể bán số tín chỉ carbon chưa sử dụng cho các đơn vị khác.
Thị trường carbon chính là nơi diễn ra các giao dịch về việc mua bán, trao đổi tín chỉ carbon giữa các công ty, đơn vị, tổ chức hoặc giữa các quốc gia. Là cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon. Trên thị trường carbon, có hai loại hàng hóa chính là hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon.
Thị trường tín chỉ carbon xuất phát điểm từ Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu năm 1997 và được quy định cụ thể tại điều 6 Thỏa thuận Paris năm 2015. Thị trường tín chỉ carbon chỉ có hiệu quả, lợi ích thực sự nếu được áp dụng đồng bộ, rộng khắp và công bằng trên quy mô toàn cầu.
Việc hình thành thị trường tín chỉ carbon là thể hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero), là bước cụ thể hóa cho những chính sách về giảm phát thải khí nhà kính, phân bổ hạn ngạch phát thải, trao đổi tín chỉ carbon, tạo nguồn lực tài chính xanh… Thông qua thị trường carbon, các công ty hoặc cá nhân có thể bù đắp lượng phát thải khí nhà kính bằng cách mua thêm hạn ngạch phát thải hoặc tín chỉ carbon từ các đơn vị loại bỏ hoặc giảm phát thải khí nhà kính.
Hiện nay có hai loại thị trường carbon. Thị trường carbon tuân thủ được tạo ra từ sự cam kết của các quốc gia trong công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu – bắt buộc các quốc gia thành viên phải thực hiện theo quy định. Thị trường carbon tự nguyện là nơi việc phát hành, mua và bán tín chỉ carbon trên cơ sở tự nguyện giữa các tổ chức, công ty hoặc giữa các quốc gia. Ngoài ra, có một hình thức đơn giản là mang lên sàn mua bán, hiện chỉ có Singapore đang thực hiện...
Trên thị trường carbon, có 2 loại hàng hoá sẽ giao dịch. Loại thứ 1 là hạn ngạch phát thải khí nhà kính – Chính phủ sẽ phân bổ và doanh nghiệp có quyền phát thải trong hạn ngạch mình sở hữu. Còn phát thải thêm thì phải mua hạn ngạch từ các doanh nghiệp khác. Chính vì vậy, giá hạn ngạch ở thị trường lâu đời như liên minh châu Âu, hay Mỹ rất cao. Giá giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính tại thị trường châu Âu dao động ngưỡng 80-100 euro/tấn, Hoa Kỳ 40 USD/tấn… Loại thứ 2 là tín chỉ carbon mang tính chất tự nguyện. Khi doanh nghiệp đầu tư vào những mô hình kinh doanh giảm phát thải như trồng rừng, thì các cơ quan quản lý phê duyệt, thẩm định lượng giảm đó – sẽ tạo ra được tín chỉ carbon. Tín chỉ đó vì mang tính tự nguyện nên giá dao động từ 1 đến 15 đô la Mỹ/tấn, tùy vào loại hình công nghệ và mức đầu tư.
Cả 2 loại hàng hoá trên đều được giao dịch mạnh mẽ. Hiện trên thế giới có 58 quốc gia phát triển thị trường carbon, 27 quốc gia áp dụng thuế carbon và một số quốc gia áp dụng cả hai.
Sàn giao dịch tín chỉ carbon cũng như thuế carbon là các biện pháp mới nhất của nhiều nước trong nỗ lực giảm mức phát thải quốc gia.
Thực tiễn và những vấn đề đặt ra
Chuyên gia Sato của Viện Nomura nói rằng châu Á đang phải đối mặt với áp lực gấp rút thực hiện các sàn giao dịch tín chỉ carbon nhằm ứng phó với hàng rào thuế carbon do Liên minh châu Âu sẽ chính thức áp dụng từ năm 2026.
Đến nay, các quốc gia trên thế giới đã đạt được những đồng thuận về quy trình và phương thức để xây dựng và vận hành thị trường carbon nhằm tạo nguồn tài chính cho các hành động giảm phát thải khí nhà kính.
Tháng 5-2021, Sàn giao dịch chứng khoán Singapore (SGX), quỹ đầu tư Temasek thuộc chính phủ Singapore, ngân hàng DBS và Standard Chartered đã công bố thành lập thị trường carbon tự nguyện CIX bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn bán tín chỉ carbon chất lượng cao (từ các khu rừng lâu năm, có tác động tích cực đến chất lượng không khí) thông qua các hợp đồng tiêu chuẩn hóa. Trong ngày đầu tiên CIX khai trương, đã có 12.000 tấn CO2 được “mua bán” với giá trung bình 5,36 đô la Mỹ / tấn.
Sàn giao dịch tín chỉ carbon (BCX) thuộc Sàn giao dịch chứng khoán Malaysia (Bursa Malaysia) khai trương hôm 25-9-2022. Sàn giao dịch chứng khoán Indonesia (IDX) cũng ra mắt sàn giao dịch tín chỉ carbon ngày 26-9-2022 trong bối cảnh Indonesia là quốc gia phụ thuộc vào than đá đang nỗ lực tìm cách huy động các nguồn lực để giảm khí phá thải.
Đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc) cũng hình thành thị trường carbon tự nguyện Core Climate do Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông (HKEX) vận hành từ tháng 12-2022.
Ngày 11-10-2023, sàn giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) đã khai trương sàn giao dịch tín chỉ carbon có xác thực của chính phủ, trong nỗ lực giảm khí phát thải, đáp ứng các mục tiêu chống biến đổi khí hậu. Đây là sàn giao dịch tín chỉ carbon thứ ba của Nhật Bản được khai trương, với hy vọng các biện pháp này sẽ tăng thêm giá trị cho các sản phẩm và doanh nghiệp thân thiện với môi trường, đồng thời giúp thúc đẩy đầu tư cho năng lượng sạch. Chính sách cơ bản về chuyển đổi xanh (Green Transformation, gọi tắt là GX) đã được Nhật Bản công bố vào ngày 22-12-2022, vạch ra các trọng điểm về khung pháp lý, tài chính và công nghệ cho quá trình chuyển đổi xanh của các ngành công nghiệp tại quốc gia này.
Việc tạo ra và bán tin chỉ carbon không chỉ làm tăng thêm nguồn thu nhập bù đắp cho những chi phí đầu tư vào công nghệ xanh mà còn tăng cường uy tín và hình ảnh của tổ chức doanh nghiệp, thúc đẩy các nghiên cứu sáng tạo, và bảo vệ môi trường cùng đa dạng sinh học nơi chính địa bàn của doanh nghiệp.
Với sự bùng nổ về nhu cầu tín chỉ carbon sau COP26, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển thị trường carbon. Việt Nam có thể tạo ra các khoản tín dụng carbon chất lượng cao và bán chúng trong khu vực và toàn cầu.
Thực thi Thỏa thuận Paris, Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ bắt buộc giảm phát thải khí nhà kính kể từ năm 2021 theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Đặc biệt phải thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, giảm phát thải khí mê-tan 30% vào năm 2030, giảm dần và loại bỏ điện than trong giai đoạn 2030-2040, bảo vệ rừng theo cam kết tại hội nghị COP26. Việc phát triển thị trường carbon trong nước được xem là lối mở.
Luật Bảo vệ Môi trường 2020 lần đầu tiên đưa ra quy định về việc tổ chức và phát triển thị trường tín chỉ carbon trong nước (Điều 139).
Ngày 7/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định chi tiết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-zôn và hình thành, phát triển thị trường tín chỉ carbon theo Điều 139 của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Về lộ trình, dự kiến chia thành ba giai đoạn: Giai đoạn 2023-2024: thiết lập cơ sở pháp lý ban đầu để xây dựng đề án; Giai đoạn 2025-2027: thời gian giao dịch thí điểm trên thị trường carbon; Đến năm 2028, vận hành chính thức thị trường carbon và kết nối với các sàn giao dịch tín chỉ carbon trong khu vực và trên thế giới.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thách thức đặt ra xuyên suốt cả ba giai đoạn nêu trên là nhận thức của các doanh nghiệp, các tổ chức tham gia thị trường và của toàn xã hội.
Ngày 18/1/2022, Chính phủ ban hành Quyết định 01/2022/QĐ-TTg quy định danh mục lĩnh vực, cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, theo đó có 1.912 cơ sở sẽ tham gia vào thị trường tín chỉ carbon trong nước.
Thị trường tín chỉ carbon hiện nay mà Việt Nam muốn xây dựng mang yếu tố bắt buộc. Theo đó các doanh nghiệp sẽ bị kiểm soát việc phát thải khí nhà kính, nếu xả thải nhiều hơn hạn ngạch đặt ra, có thể mua thêm tín chỉ carbon trên thị trường bắt buộc, hoặc một phần nhỏ từ thị trường tự nguyện để bù trừ. Ngược lại, thị trường tín chỉ carbon tự nguyện đã hoạt động được một khoảng thời gian, nhưng hiện chủ yếu đến từ lâm nghiệp (rừng), do yếu tố lịch sử trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà chính chung của toàn cầu.
Với các văn bản đã được ban hành, có thể thấy thị trường carbon dần được định hình rõ nét hơn, tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá tín chỉ carbon quốc tế, tạo cơ hội liên kết với thị trường tín chỉ carbon trên thế giới và khu vực, nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.Hơn nữa, đây còn là một cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon, thúc đẩy doanh nghiệp chú trọng đầu tư chuyển đổi công nghệ để giảm thải khí carbon trong quá trình sản xuất.
Tuy nhiên, vẫn còn có những câu hỏi đặt ra: Mô hình thị trường (doanh nghiệp tự nguyện tham gia hay Chính phủ dẫn dắt, bước đầu vận hành trong nước hay tham gia ngay vào thị trường quốc tế); Cơ sở pháp lý, tổ chức bộ máy, xác định/phân bổ hạn ngạch phát thải đến từng chủ thể phát thải.Phạm vi triển khai, sản phẩm, mô hình hoạt động nhằm tạo ra khuôn khổ, môi trường pháp lý, năng lực tổ chức, cơ chế vận hành, yêu cầu năng lực kỹ thuật để thành lập và phát triển đồng bộ thị trường tín chỉ carbon, từ khâu đánh giá, phân bổ hạn ngạch phát thải, đến hình thành, chứng nhận tín chỉ carbon, phương thức giao dịch…; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể tham gia (doanh nghiệp, nhà nước, người dân).
Bên cạnh đó, hiểu biết của doanh nghiệp về Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) và thị trường carbon còn rất hạn chế. Trên 50% doanh nghiệp có nghe qua về ETS và thị trường carbon nhưng không biết về nguyên tắc hoạt động cơ bản, một số ít không biết ETS và thị trường carbon ở đâu, chỉ một tỷ lệ nhỏ (1,27%) doanh nghiệp hiểu cách ETS và thị trường carbon hoạt động.
Để thực hiện được mục tiêu tổ chức và và phát triển thị trường tín chỉ carbon, thì việc xây dựng khung pháp lý mang tính phổ quát vẫn là một trong những nhiệm vụ tiên quyết. Bên cạnh đó cần phải đào tạo đội ngũ, năng lực quản lý, tổ chức vận hành thị trường carbon. Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đáp ứng việc sẵn sàng tham gia thị trường carbon. Xác định tổng hạn ngạch phát thải và phân bổ cho các lĩnh vực, doanh nghiệp, xác định các lĩnh vực, dự án tiềm năng.
Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia để quản lý toàn bộ tín chỉ được tạo ra trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nghĩa vụ đăng ký tài khoản, cung cấp thông tin liên quan về loại tín chỉ carbon, lượng tín chỉ carbon đang sở hữu và các thông tin cần thiết khác.
Các cơ quan quản lý Nhà nước phải thực thi quyết liệt chức năng đã được phân công, Theo đó :
- Bộ Tài nguyên và Môi trường nâng cao năng lực xác định/phân bổ hạn ngạch phát thải cho các ngành, lĩnh vực theo kế hoạch cụ thể, rõ ràng; thực thi được các quy định, tiêu chuẩn về cơ chế thống kê, đo đếm, chứng nhận về hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn quốc tế, nhất là trong lĩnh vực vận tải, điện tử, nông nghiệp…
- Bộ Tài chính nghiên cứu đầy đủ, toàn diện, kỹ lưỡng việc hình thành các chính sách liên quan đến thị trường tín chỉ carbon ở các quốc gia khác như: Phân bổ hạn ngạch phát thải, mô hình vận hành, các công cụ kinh tế, tài chính,…
Trong bối cảnh thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam chưa chính thức hình thành thì việc thực hiện cơ chế thí điểm là phù hợp. Trước mắt triển khai thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Các tổ chức quốc tế cho rằng, Việt Nam cần chú trọng thúc đẩy cách tiếp cận nhiều bên, tăng cường hợp tác giữa các ngành, các lĩnh vực, các cấp, đặc biệt là thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, tạo điều kiện phát triển cung, cầu trong thị trường carbon.
Ngày 10/5/2023, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon tại EU (CBAM) của Ủy ban Châu Âu chính thức có hiệu lực bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, trong giai đoạn chuyển tiếp từ 1/10/2023 đến 31/12/2025, các nhà nhập khẩu có nghĩa vụ báo cáo theo quy định tại Điều 33, 34 và 35 của Quy định (EU) 2023/956. Doanh nghiệp sẽ phải báo cáo vào cuối mỗi quý phát thải được ghi trong hàng hóa CBAM (tuy chưa không phải thanh toán mức chi phí điều chỉnh), dành thời gian cho việc hoàn thiện hệ thống. Bắt đầu từ năm 2026 EU sẽ tính giá carbon đối với tất cả hàng nhập khẩu.
EU sẽ thí điểm CBAM trong giai đoạn 2023 - 2025 với 5 loại mặt hàng: sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, năng lượng điện. Thời gian thí điểm, các nhà nhập khẩu chưa cần trả phí mà phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu của họ. Bắt đầu từ 2026, thị trường này sẽ chính thức vận hành và ai đứng ngoài cuộc sẽ bị văng ra khỏi luật chơi.
Riêng thị trường Hoa Kỳ đã ban hành cơ chế áp đặt thuế carbon lên các nhà nhập khẩu năng lượng và công nghiệp từ đầu năm 2024. Mục tiêu của Mỹ bảo đảm lượng phát thải nhiều hơn ít hơn 50% so với mức trung bình của Mỹ trong sáu năm đầu tiên (giai đoạn 1). Lượng khí thải tăng thêm ít hơn 25% so với mức trung bình của Mỹ trong 6 năm tới (giai đoạn 2). Lượng phát thải nhiều hơn ít hơn 10% so với mức trung bình của Mỹ trong những năm tiếp theo (giai đoạn 3).
Trong bối cảnh vận hành thị trường carbon dường như là tất yếu, việc cân nhắc đến tiềm năng phát triển thị trường carbon rừng của Việt Nam không chỉ là giải pháp đóng góp vào các mục tiêu giảm phát thải mà còn góp phần đem lại lợi ích kinh tế cho những người dân có sinh kế phụ thuộc vào rừng.
Việt Nam là nước đầu tiên thuộc khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán dựa trên kết quả giảm phát thải từ Quỹ đối tác carbon lâm nghiệp (FCPF) của Ngân hàng Thế giới. Hiện có 2 dự án bán tín chỉ ra quốc tế là dự án ở bắc Trung bộ giá khoảng 6 đô la Mỹ/tín chỉ và dự án ở Quảng Nam là 10 đô la Mỹ/tín chỉ.
Theo điều 8, Nghị định 06/2022/NĐ-CP, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư là chủ rừng và thực hiện các biện pháp quản lý rừng bền vững, bảo vệ và nâng cao tỷ lệ che phủ, sinh khối và chất lượng rừng để tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính thì được tham gia các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế. Mặt khác, theo điều 61, Luật Lâm nghiệp, việc hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh được quy định là một loại dịch vụ môi trường rừng và được chi trả theo quy định của Luật Lâm nghiệp (Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp).
Tuy nhiên,một số khó khăn vướng mắc như: Hệ thống cơ chế chính sách quản lý tín chỉ carbon nông nghiệp, lâm nghiệp còn thiếu đồng bộ, tản mạn ở nhiều văn bản; phần lớn vùng sản xuất nông nghiệp và diện tích rừng chưa được phát triển tín chỉ carbon; thiếu sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; hạn chế trong đo đạc, kiểm đếm, thẩm định, chứng nhận tín chỉ carbon; xác định hàm lượng carbon trong hàng hóa…cũng cần sớm được giải quyết.
Các chính sách về carbon rừng còn đang thiếu những quy định chung nhằm hài hòa giữa giao dịch tín chỉ carbon theo thị trường và theo cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Bên cạnh đó, khoảng trống trong khuôn khổ pháp lý đối với việc xác định bản chất tài sản của tín chỉ carbon rừng hay mối quan hệ giữa sở hữu tín chỉ carbon rừng với quyền sở hữu rừng, quyền sử dụng rừng cũng sẽ dẫn đến những bất cập trong việc chuyển nhượng và chia sẻ lợi ích từ nó.
Vũ Huy Hùng
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT