Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giúp đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh các tỉnh, thành phố tại Việt Nam dưới góc nhìn của doanh nghiệp. Trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều cải cách từ chính quyền các tỉnh, thành phố. Việc thực hiện tốt chính sách, pháp luật, sự năng động và sáng tạo trong giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn là động lực thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Một số chính sách quan trọng được Quốc hội và Chính phủ thông qua như Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, kèm theo các chương trình hành động và nỗ lực triển khai của chính quyền cấp tỉnh đóng vai trò rất quan trọng giúp nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, khôi phục lại sau đại dịch Covid-19 vừa qua. Các địa phương tại Việt Nam có những cải thiện về thủ tục hành chính, giảm chi phí không chính thức mặc dù vẫn còn tồn tại những khó khăn về thủ tục đất đai và thủ tục cấp phép sau đăng ký kinh doanh.
Đối với các doanh nghiệp thì môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ giúp các doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển, đồng thời thu hút thêm các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường, từ đó tạo thêm việc làm và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Điều tra PCI được bắt đầu triển khai từ năm 2005 đã thúc đẩy chính quyền các cấp quan tâm tới việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Việt Nam luôn xác định việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là một trong những trọng tâm chính sách kinh tế. Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, tiến hành nhiều giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Ngày 10/01/2022, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia năm 2022 đã đặt ra các mục tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cho năm 2022 và tầm nhìn tới năm 2025. Các giải pháp nêu ra trong Nghị quyết 02 năm 2022 sẽ góp phần thực hiện chủ trương tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình và triển khai cụ thể Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thông qua việc điều tra PCI đã giúp tìm hiểu và phản ánh kịp thời những biến động của môi trường kinh doanh của Việt Nam. Trong những năm trở lại đây, nỗ lực cải cách từ phía Chính phủ đã đem lại thay đổi tích cực đến chất lượng môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng với sự hỗ trợ của cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện. PCI giúp cho việc tập hợp tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước về chất lượng điều hành kinh tế của 63 tỉnh, thành phố từ những trải nghiệm thực tế của doanh nghiệp.
Chỉ số PCI đo lường chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh trên 10 lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Các tiêu chí để xác định một địa phương có chất lượng điều hành tốt như sau (1) Chi phí gia nhập thị trường thấp; (2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; (3) Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; (4) Chi phí không chính thức thấp; (5) Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; (6) Môi trường cạnh tranh bình đẳng; (7) Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; (8) Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; (9) Chính sách đào tạo lao động tốt; (10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì. (Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Việt Nam PCI 2021).
Trong Bảng xếp hạng PCI năm 2021 vừa qua, Quảng Ninh duy trì vị trí đứng đầu năm thứ 5 liên tiếp với 73,02 điểm trên bảng xếp hạng, thứ hai là Hải Phòng với 70,61 điểm, tiếp theo là Đồng Tháp đứng thứ ba với 70,53 điểm, thứ tư là Đà Nẵng 70,42 điểm, tiếp đến là Vĩnh Phúc (69,69 điểm), Bình Dương (69,61 điểm), Bắc Ninh (69,45 điểm), Thừa Thiên Huế (69,24 điểm), Bà Rịa - Vũng Tàu (69,03 điểm) và Hà Nội (68,60 điểm).
Bảng xếp hạng PCI năm 2021

Nguồn: Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam PCI 2021
Những mặt đạt được và những tồn tại của Môi trường kinh doanh tại Việt Nam qua đánh giá Chỉ số PCI như sau:
- Các chính quyền địa phương tiếp tục phát huy tinh thần năng động và sự ủng hộ đối với khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp luôn tìm tòi đổi mới, năng động, có trách nhiệm và góp phần rất lớn vào việc nâng cao hiệu quả trong phát triển kinh tế địa phương.
- Chi phí không chính thức tiếp tục xu hướng giảm trong các lĩnh vực thủ tục liên quan đến doanh nghiệp ví dụ như đăng ký doanh nghiệp, tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh hay chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải trả ở những thủ tục hoặc nghiệp vụ như quản lý thị trường, thanh tra môi trường, thuế, thanh tra phòng cháy chữa cháy và đất đai.
- Thủ tục hành chính có cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, thủ tục giấy tờ được đơn giản hóa, thời gian giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn so với quy định pháp luật, doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục, các cán bộ giải quyết công việc hiệu quả hơn.
- Các thủ tục kinh doanh có điều kiện vẫn gây khó khăn cho doanh nghiệp, các điều kiện kinh doanh luôn được cải tiến, thay đổi qua các năm thông qua các chính sách của Chính phủ. Mặc dù có những bước tiến xong vẫn còn tỉ lệ nhiều các doanh nghiệp chưa hài lòng khi thực hiện các thủ tục hành chính này. Có khaongr 38,9% doanh nghiệp không gặp khó khăn gì khi thực hiện thủ tục hành chính cấp phép kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện và 43,4% doanh nghiệp cho biết thời gian giải quyết thủ tục không kéo dài hơn so với quy định. Những khó khăn về cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện là nguyên nhân khiến 21,7% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh.
- Vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận đất đai, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp không gặp khó khăn với các thủ tục hành chính về đất đai tăng lên nhưng cảm nhận của doanh nghiệp về rủi ro bị thu hồi đất cũng đã tăng trở lại trong những năm vừa qua. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận, mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh do sự phức tạp của các thủ tục hành chính thuê, chuyển nhượng đất đai. Ngoài ra, quy hoạch đất đai của địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Một số vấn đề khác như giá đất theo quy định của Nhà nước cao, giá đất theoquy định của Nhà nước tăng quá nhanh, công tác giải phóng mặt bằng chậm, việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi và xử lý hồ sơ về đất đai lâu hơn quy định. Tất cả những nguyên nhân trên khiến cho hơn 50% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh.
- Các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ chưa nhiều, các doanh nghiệp được hỗ trợ từ các chương trình trong khuôn khổ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (năm 2018) còn rất ít, dưới 8%. Các chương trình hỗ trợ có tỉ lệ doanh nghiệp tiếp cận cao nhất là cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, chương trình có tỉ lệ doanh nghiệp được thụ hưởng thấp nhất là hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp với khoảng gần 5% doanh nghiệp.
- Cần phải tuyên truyền và hướng dẫn các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam hiện đã ký kết và thực hiện 17 FTA với rất nhiều đối tác quan trọng trong đó có CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu)…Qua khảo sát PCI 2021 cho thấy mức độ nhận biết của các doanh nghiệp Việt Nam về các hiệp định thương mại tự do là khá khiêm tốn. Các doanh nghiệp xuất khẩu có xu hướng quan tâm đến các hiệp định này hơn các doanh nghiệp kinh doanh trong nước. Việc phổ biến thông tin cũng như các cam kết trong các FTA ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tận dụng được các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do. Hiện còn khoảng 49% doanh nghiệp gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện các văn bản pháp luật liên quan đến thực thi các FTA. Do vậy Chính phủ cần phải xây dựng các chính sách kèm theo sự hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả tận dụng các cơ hội mang lại từ các FTA.
Nhìn chung, môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã có nhiều cải thiện trong những năm qua. Tuy nhiên cần phải có nhiều hơn nữa các cải cách từ phía Chính phủ cũng như những nỗ lực thực hiện từ phía doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Ngoài ra chính quyền các địa phương cũng cần tiếp tục nỗ lực để duy trì và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng của môi trường kinh doanh thông qua việc phản ánh cũng như phân tích PCI hàng năm. Thông qua chỉ số PCI cho thấy xu hướng thay đổi tích cực của môi trường kinh doanh Việt Nam cũng có sự đồng nhất với xu hướng cải thiện môi trường kinh doanh tại các địa phương. Việc thay đổi, cải thiện môi trường kinh doanh cũng có tác động trở lại đối với việc nâng cao chỉ số PCI của các địa phương những năm vừa qua cũng như sắp tới.
TS. Trần Thị Thu Hiền
Phòng Thông tin, Thư viện và Xúc tiến Thương mại - VIOIT