NGHIÊN CỨU

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Nghiên cứu

Quảng Ninh phát triển công nghiệp theo hướng bền vững

31/03/2020
Quảng Ninh phát triển công nghiệp theo hướng bền vững

Ngành Công nghiệp của Quảng Ninh trong thời gian qua đã phát triển đúng định hướng, đạt được mục tiêu, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có mức tăng trưởng khá, giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao.

Theo thống kê của Sở Công Thương, năm 2019 chỉ số phát triển sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 13,19%, là nhờ ở sự tăng trưởng đồng đều ở cả 4 ngành: Khai khoáng, điện, công nghiệp chế biến - chế tạocông nghiệp hỗ trợ đạt mức tăng trưởng cao. Cụ thể:

Ngành khai khoáng: Khai thác than chiếm tỷ trọng lớn nhất (khoảng 46%) trong cơ cấu sản xuất công nghiệp của tỉnh nhưng gặp rất nhiều khó khăn, bởi ngành than chịu sức ép từ than nhập khẩu giá thấp gia tăng đột biến và lộ trình tái cơ cấu tăng trưởng của Trung ương và tỉnh Quảng Ninh theo hướng phát triển từ nâu sang xanh sản lượng sản xuất than vẫn duy trì, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất cho các ngành kinh tế lớn, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Khai khoáng sản phi kim loại; sản xuất vật liệu xây dựng và cơ khí; gốm sứ và hàng thủ công mỹ nghệ được duy trì phát triển ở mức hợp lý đáp ứng nhu cầu xây dựng, tiêu dùng và nguồn tài nguyên có hạn không thể tái tạo. Sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm 2018: Than sạch 41,7 triệu tấn, tăng 8,62%; xi măng 3,9 triệu tấn, tăng 2,63%.

Ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt tăng 15%, Quảng Ninh tiếp tục trở thành trung tâm sản xuất nhiệt điện lớn của cả nước tổng công suất phát điện hết năm 2018 là 5.640 MW. điện sản xuất 36,3 tỷ kWh, tăng 24,02%;  Nguồn năng lượng đầu vào cho sản xuất đảm bảo đã và đang thu hút được nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn có năng lực, kinh nghiệm, thương hiệu trong khu vực và trên thế giới vào nghiên cứu, đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghệ sạch như: Công ty Amata - Thái Lan; Texhong - Hồng Kông; Tập đoàn Vingroup, Sungroup, Foxconn; FLC…

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng ở mức cao với 2 con số, tăng 12,8% so với năm 2018. Đây là lĩnh vực có mức tăng trưởng cao nhất trong 4 lĩnh vực công nghiệp. Có được kết quả này là nhờ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến, chế tạo trong và ngoài nước trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, sản phẩm tạo được sức cạnh tranh, thị trường tiêu thụ được mở rộng. Một số sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong lĩnh vực chế biến, chế tạo tăng mạnh như: Dầu thực vật đạt 276.000 tấn, tăng 12,6%; bột mì đạt 389.000 tấn, tăng 16,12%; bia các loại  đạt 30,6 triệu lít, tăng 12,5% so với cùng kỳ...

Sự tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành trong năm 2019. Đồng thời, tiếp tục từng bước trở thành động lực chính thúc đẩy sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Điều này là kết quả bước đầu cho định hướng của Quảng Ninh trong việc phát triển công nghiệp bền vững, tăng hàm lượng khoa học công nghệ, chuyển đổi phương thức từ “nâu” sang “xanh”.

Ngành Công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển và đạt được kết quả đáng ghi nhận trong một số lĩnh vực, đặc biệt là dệt may, lắp ráp ô tô, thiết bị điện và điện tử… Điển hình là: Công ty CP Công nghiệp Ô tô - Vinacomin; Công ty CP Cơ khí Yên Thọ; Công ty CP Đông Hà; Nhà máy Chế tạo thiết bị nâng hạ; Công ty TNHH Sợi hóa học Thế kỷ mới Việt Nam; Công ty TNHH Texhong Ngân Long; Công ty CP Thiết bị Điện - Vinacomin...

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất công nghiệp của Quảng Ninh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhất là công nghiệp hỗ trợ chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực đầu tư, tạo sức lan tỏa vào khu công nghiệp. Phát triển công nghiệp chưa thật vững chắc, các sản phẩm có hàm lượng chất xám, có giá trị gia tăng cao chưa nhiều; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển mạnh, tăng trưởng dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế; chưa có nhiều chuyển biến trong đổi mới công nghệ cho thiết bị khai thác khoáng sản. Môi trường một số nơi liên quan đến hoạt động sản xuất công nghiệp khai khoáng, khu vực vùng than có biểu hiện xuống cấp.

Trong thời gian tới, để công nghiệp Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững, trở thành nền kinh tế trọng điểm, tạo động lực cho phát triển của nền kinh tế. Quảng Ninh đã đưa ra những mục tiêu như: Phấn đấu đến năm 2030 tầm nhìn 2045 xây dựng Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; Hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là động lực phát triển kinh tế của miền Bắc và cả nước; Riêng với công nghiệp phải thu hút công nghiệp chế biến chế tạo áp dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; Là trung tâm của đổi mới sáng tạo…

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Quảng Ninh rất cần có những chính sách, chiến lược và và định hướng phát triển phù hợp trong thời gian tới.

Đối với ngành than: Cần quản lý, kiểm soát chặt chẽ để phát triển hợp lý đảm bảo cho an ninh năng lượng quốc gia và giảm dần sự phụ thuộc phát triển công nghiệp dựa vào khai thác tài nguyên khoáng sản; Yêu cầu các đơn vị hoạt động nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng khoáng sản; Khuyến khích áp dụng mô hình “kinh tế tuần hoàn” trong sản xuất công nghiệp.

Đối với nhóm công nghiệp sản xuất và phân phối điện: Duy trì các nhà máy nhiệt điện hiện có trên địa bàn; Nâng cao chất lượng cung cấp điện đặc biệt là các khu vực vùng sâu, vùng xa; Sớm hoàn thiện Dự án nhiệt điện Đồng Phát, để phục vụ nhu cầu sử dụng điện cho khu công nghiệp của Công ty Texhong dự kiến hoạt động vào năm 2023 – 2024; Đẩy mạnh nghiên cứu các dự án điện sạch, nhà máy khí Quảng Ninh.

Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Điều chỉnh chính sách về khoa học công nghệ đối với doanh nghiệp công nghiệp, tạo cơ chế hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp chế biến , chế tạo đang gặp khó khăn; Cần tập trung thu hút những dự án có quy mô lớn, có tiềm lực tài chính mạnh, có công nghệ hiện đại từ đó tạo động lực để kích thích nền công nghiệp hỗ trợ.

Ngành công nghiệp hỗ trợ: Xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi cụ thể để hình thành và phát triển các cụm công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp cốt lõi tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Cần có chính sách nhất quán, dài hạn phân bổ nguồn lực đủ lớn để hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao trình độ công nghệ, quản lý đáp ứng chuẩn mực quốc tế; Xây dựng các chương trình kết nối kinh doanh, liên kết giữa doanh nghiệp hỗ trợ trên địa bàn với các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài…

Những giải pháp trên sẽ góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh phát triển, là tiền đề quan trọng để Quảng Ninh hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2030./.

Nguồn: Báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh

                                                                                                 

Đinh Thị Bích Liên

     Phòng Thông tin Thư viện và Xúc tiến thương mại

 

BÀI VIẾT KHÁC