Tại nhiều quốc gia, việc phát triển nông nghiệp được xác định là nguyên nhân chính của nạn phá rừng, trong đó chăn thả gia súc gây ra gần 40% nạn phá rừng toàn cầu, còn 50% rừng toàn cầu bị phá là vì mục đích trồng trọt.
Nhiều năm qua Liên minh châu Âu đã và đang ưu tiên phát triển nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa việc phát thải khí CO2 và tạo ra nông sản có lợi cho sức khỏe con người. Các nhà sản xuất châu Âu đã áp dụng các quy trình sản xuất đáp ứng các yêu cầu này dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao, khiến nông sản được sản xuất ở các nước châu Âu có giá cao hơn.
Ngày 19/4/2023, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua luật thương mại quốc tế liên quan quy định về chống phá rừng. Theo đó, nông sản chỉ được nhập vào EU nếu toàn bộ quy trình không diễn ra trên diện tích rừng bị chặt phá kể từ sau ngày 31/12/2020. Đây có thể nói là một quyết định mang tính lịch sử, là động thái nhằm chống lại nạn phá rừng bất hợp pháp lấy gỗ; đồng thời ngăn ngừa cả việc phá rừng để có thêm đất trồng trọt hay chăn nuôi. Quyết định này thể hiện bước đi mạnh mẽ, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh của châu Âu. Bởi vậy, Luật chống phá rừng được cho là giúp các nhà sản xuất và nông sản châu Âu có môi trường cạnh tranh công bằng với nông sản từ các nước khác tại thị trường châu Âu. Và Luật chống phá rừng cũng sẽ ngăn khả năng các nhà sản xuất châu Âu chuyển hoạt động sang các nước thứ ba và xuất ngược sản phẩm trở lại châu Âu.
Luật mới không chỉ là chìa khóa trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học của toàn châu Âu, mà còn phá vỡ thế bế tắc trong quan hệ thương mại giữa châu Âu với các quốc gia có chung các giá trị và tham vọng về môi trường.
Luật chống phá rừng - tồn tại nhiều bất cập
Tuy nhiên, sự đa dạng của hệ thống tiêu chuẩn đáp ứng "Luật Chống phá rừng" của Liên minh châu Âu (EU) đang khiến tình hình thương mại của nhiều nước, trong đó có Việt Nam rơi vào những phức tạp khó lường.
Theo thống kê của Tổ chức Greenpeace (Tổ chức hòa bình xanh), hiện có 9 hệ thống tiêu chuẩn (HTTC) tự nguyện phổ biến nhất thế giới gồm ISCC, Fairtrade, Rainforest Alliance & UTZ, RSPO, ISPO/MSPO, RTRS, ProTerra, FSC, PEFC và hàng trăm chứng chỉ khác do mỗi công ty thương mại/nhà phân phối bán lẻ tự xây dựng.
Hạn chế điển hình nhất của các HTTC hiện có là thiếu tính nhất quán và thiếu các tiêu chuẩn tối thiểu chung giữa "một rừng" chứng nhận. Chỉ xét riêng phạm vi 9 HTTC phổ biến nhất thế giới hiện nay được liệt kê ở trên đã cho thấy nhiều điểm khác nhau đáng kể.
Cụ thể 4/9 HTTC (Fairtrade, ISPO/MSPO, FSC, PEFC) vẫn dán nhãn xanh cho sản phẩm trên đất phá rừng hoặc chuyển đổi rừng thành rừng trồng và 6/9 HTTC (gồm ISCC, Fairtrade, RSPO, ISPO/MSPO, FSC, PEFC) vẫn dán nhãn sản phẩm xanh dù đến từ đất trồng chuyển đổi hệ sinh thái tự nhiên, trong khi đây là những điểm bị liệt vào định nghĩa suy thoái rừng của Luật Chống phá rừng.
Bên cạnh đó 7/9 HTTC (ISCC, Rainforest Alliance, RSPO, ISPO/MSPO, RTRS, ProTerra, PEFC) chưa coi trọng sự tham gia đại diện của khu vực tư nhân (bao gồm người bản địa, cộng đồng nông thôn, hộ sản xuất nhỏ và người lao động) trong việc giám sát và thiết lập hệ thống tiêu chuẩn sản xuất bền vững.
Theo đó có tới 5/9 HTTC (gồm Fairtrade, ISPO/MSPO, RTRS, ProTerra, PEFC) vẫn còn coi nhẹ việc tôn trọng quyền an sinh cư trú của người bản địa, trong khi đây là điểm được nhấn mạnh tại Luật Chống phá rừng.
Ngoài ra vì mục tiêu kinh tế, hầu hết các chứng nhận đều cho phép trộn lẫn các nguyên liệu thô được chứng nhận và không được chứng nhận, theo đó gây cản trở khả năng truy xuất nguồn gốc (theo Greenpeace). Dĩ nhiên điểm này sẽ không còn phù hợp với Luật Chống phá rừng khi việc truy xuất nguồn gốc được yêu cầu mức độ chính xác cao nhất.
Do còn nhiều bất cập chưa thể dễ dàng quy chuẩn đồng bộ và giám sát diện rộng, Nghị viện EU đã quyết định tiến lên một bước lịch sử khi cho phép luật thương mại chống phá rừng được giám sát bởi cộng đồng.
Tức nếu nghi ngờ có vi phạm, bất kỳ cá nhân, cộng đồng bản địa hay các tổ chức xã hội dân sự đều có quyền báo cáo đến các cơ quan thực thi ở các nước thành viên EU. Vai trò giám sát này thậm chí được củng cố hơn khi EU cung cấp cho công chúng quyền tiếp cận tòa án để khiếu nại các cơ quan chức năng khi họ không xử lý đúng đắn các mối quan ngại đã được đệ trình.
Nông lâm sản Việt Nam điều chỉnh để thích ứng với quy định mới
Thị trường EU đang có xu hướng tập trung nhiều hơn vào vấn đề môi trường, lao động. Mới đây, Ủy ban châu Âu cũng đã đăng công báo sửa đổi quy định về việc áp dụng tạm thời, các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU.
Khoảng 420 triệu ha rừng đã mất từ năm 1990 - 2020 tại ba lưu vực rừng lớn là Amazon (Nam Mỹ), Congo (Trung Phi) và Đông Nam Á, tương đương diện tích cả châu Âu (theo báo cáo FAO năm 2022). Trong đó, mức tiêu thụ hàng hóa của EU (thị trường tiêu thụ lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc) chính là nguyên nhân gián tiếp gây ra 16% tình trạng phá rừng này (báo cáo năm 2021 của Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên - WWF).
Nông nghiệp là động lực chính của nạn phá rừng ở tất cả các khu vực trừ châu Âu. Theo FAO, nếu chăn thả gia súc gây ra gần 40% nạn phá rừng toàn cầu thì ít nhất 50% rừng toàn cầu bị phá là vì mục đích trồng trọt.
Theo luật mới, các sản phẩm chịu sự điều chỉnh gồm: gia súc chăn thả, ca cao, cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ, cao su, kể cả các sản phẩm có chứa/được nuôi bằng/đã được tạo ra bằng cách sử dụng từ các nguyên liệu thô được liệt kê này (như thức ăn cho gia cầm gia súc, da, sô cô la, đồ nội thất, than củi, giấy in và một số dẫn xuất dầu cọ).
Hiện nay, Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản vào châu Âu, chiếm 13,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU nằm trong danh mục các sản phẩm được điều chỉnh theo luật mới của EU đó là cà phê, hạt điều, cao su. Do đó, nhiều nông sản Việt Nam sẽ nằm trong danh sách phải điều chỉnh để thích ứng với quy định mới. Việc thông qua luật mới này là thách thức đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa, hướng tới xây dựng thương hiệu theo hướng trách nhiệm, minh bạch.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan năm 2022, EU là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của nước ta (sau châu Á và châu Mỹ), chiếm 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản cả nước. Như vậy, có thể thấy gần như toàn bộ các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU hiện nay đều nằm trong danh mục sản phẩm bị điều chỉnh bởi luật chống phá rừng. Trong khi theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, trong giai đoạn 2012 - 2017, 89% diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, phục vụ các dự án phát triển kinh tế.
Do đó nếu các doanh nghiệp tiếp tục phá rừng để mở rộng sản xuất nông nghiệp, chắc chắn sớm nhất là trong năm 2024 sẽ bắt đầu có một số sản phẩm của Việt Nam có thể khó xuất sang châu Âu.
Bởi quy trình sản xuất dù đã và đang đạt chuẩn chất lượng xuất khẩu vẫn sẽ bị đánh giá lại về nguồn gốc đất nuôi trồng tạo ra hàng hóa đó tính từ khi luật thương mại chống phá rừng có hiệu lực (khả năng có thể sẽ bắt đầu sau 18 - 24 tháng tính từ tháng 5 năm 2023).
Ở chiều hướng tích cực, các hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, quy định mới của EU cũng là cơ hội để gia tăng thị phần. Bởi quy định của EU là cấm nhập khẩu nông sản sản xuất trên đất có nguồn gốc phá rừng, gây suy thoái rừng từ sau ngày 31/12/2020, mà theo Cục Lâm nghiệp, Việt Nam đã thực hiện chủ trương đóng cửa, dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên từ năm 2014. Tuy nhiên, việc hiểu đúng về quy định này sẽ là cần thiết để chúng ta đi đường dài.
Thêm vào đó, Nghị viện EU định nghĩa rộng hơn về suy thoái rừng bao gồm cả việc chuyển đổi rừng nguyên sinh hoặc rừng tái sinh tự nhiên thành rừng trồng hoặc thành đất có rừng khác. Điều này có nghĩa rừng sản xuất (chủ yếu trồng cây công nghiệp như cao su, hạt điều, cà phê, hồ tiêu, dừa, chè...) vốn đang chiếm tới hơn 52% diện tích rừng của Việt Nam không mang tính bền vững, nguy cơ cao có thể bị liệt vào khái niệm "suy thoái rừng". Do đó các cây công nghiệp thuộc rừng sản xuất có thể hoàn toàn không đạt yêu cầu xuất khẩu theo quy định mới này của EU.
Thêm một quy định nữa được Nghị viện EU nhấn mạnh là các công ty cũng sẽ phải xác minh rằng các sản phẩm này tuân thủ luật pháp liên quan của quốc gia sản xuất, bao gồm cả quyền con người, tức việc sản xuất phải tôn trọng đời sống an sinh của người dân bản địa.
Đây là một điểm rất đáng quan tâm khi điều kiện sản xuất nước ta còn nhiều hạn chế như lạm dụng phân bón gây hại cho vật nuôi, cây trồng và ô nhiễm nguồn nước. Theo số liệu tính toán của Ngân hàng Thế giới (2017), Việt Nam đang thuộc nhóm các nước quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón gây ra suy thoái đất, ô nhiễm nguồn nước và tăng lượng khí thải tác động xấu đến môi trường.
Thêm vào đó, báo cáo khảo sát năm 2018 của Tổ chức Lao động quốc tế đơn phương cho rằng ngành công nghiệp cà phê Việt Nam có trường hợp không chỉ liên quan đến nạn phá rừng mà còn sử dụng lao động trẻ em chủ yếu thuộc các nhóm dân tộc thiểu số.
Điểm nhạy cảm này theo quy định mới cà phê của ta xuất khẩu sang EU rất có thể sẽ là mặt hàng đầu tiên bị giám sát ở mức độ cao nhất, trong khi đây là hàng hóa xuất khẩu hàng đầu vào thị trường EU (chiếm tới 11% thị trường EU) theo Tổ chức Quan sát mức độ phức tạp kinh tế (OEC).
Hình 1: Diện tích cây bao phú bị mất hàng năm tại Việt Nam từ 2001-2021

Nguồn: Viện Tài nguyên thế giới - Dữ liệu: Phương Nguyễn - Đồ họa: N.KH.
Giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam
Để bắt đầu có hiệu lực, luật chống phá rừng vẫn cần Hội đồng EU chính thức xác nhận. Luật mới sẽ có hiệu lực sau 20 ngày kể từ khi được công bố trên tạp chí chính thức của EU. Các công ty lớn sẽ có 18 tháng để chấp hành quy định và các công ty nhỏ là 24 tháng.
Bên cạnh đó trong vòng 18 tháng kể từ khi quy định có hiệu lực, Ủy ban EU sẽ tiến hành phân loại các quốc gia theo ba nhóm: rủi ro thấp, rủi ro tiêu chuẩn và rủi ro cao dựa trên đánh giá khách quan và minh bạch.
Sản phẩm của những công ty đến từ các nước có rủi ro thấp sẽ hưởng quy trình thẩm định đơn giản hơn. Cụ thể, tỉ lệ kiểm tra lần lượt được tính như sau: 9% với rủi ro cao, 3% với rủi ro tiêu chuẩn và 1% với rủi ro thấp.
Các cơ quan có thẩm quyền của EU sẽ được phép truy cập vào thông tin liên quan do các công ty cung cấp (như tọa độ định vị địa lý về các khu vực canh tác), dùng các công cụ giám sát vệ tinh và phân tích ADN để kiểm tra xem sản phẩm đến từ đâu. Các hình phạt đối với việc không tuân thủ luật sẽ ở mức ít nhất là 4% tổng doanh thu hằng năm tại EU của bên vi phạm.
Với 9 hệ thống tiêu chuẩn (HTTC) tự nguyện phổ biến nhất thế giới gồm ISCC, Fairtrade, Rainforest Alliance & UTZ, RSPO, ISPO/MSPO, RTRS, ProTerra, FSC, PEFC nhưng vẫn chưa đạt quy chuẩn nông sản bền vững. Theo đó, các diễn đàn/hiệp hội nông sản EU vẫn đang tiếp tục nỗ lực cải thiện các HTTC này. Trong bối cảnh đó, rõ ràng rất cần sự hỗ trợ của các chính phủ, luật pháp quốc gia và sự giám sát rộng lớn của cộng đồng quốc tế để có thể tiến tới những cam kết đồng bộ theo Luật Chống phá rừng.
Đặc biệt Luật Chống phá rừng có nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp tại quốc gia bản địa, do đó ở vai trò là nước xuất khẩu, Chính phủ Việt Nam cần rà soát lại các cơ sở pháp lý liên quan.
Đồng thời kêu gọi EU hỗ trợ cho phép gia hạn thời gian chuyển giao hay nới lỏng tỉ lệ giám sát trong giai đoạn đầu để vừa đảm bảo quyền lợi cho nông dân, vừa có thời gian để huy động nguồn lực tháo gỡ những hạn chế và hỗ trợ bà con thích nghi tốt hơn với luật mới của EU.
Đánh giá về sự tác động của quy định mới của EU về phòng chống phá rừng tới xuất khẩu một số mặt hàng nông sản của Việt Nam, quy định của EU về chống phá rừng, suy thoái rừng đối với sản xuất nông sản, trong đó có cà phê, vừa là thách thức vừa là cơ hội để chúng ta cấu trúc lại các mặt nông sản, đặc biệt là cà phê để phát triển bền vững, chứng minh với thế giới là Việt Nam thực sự tăng trưởng xanh.
Yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm nông sản là đòi hỏi tất yếu từ thị trường, trong đó có thị trường EU. Để sớm đáp ứng và có lộ trình thực hiện quy định này của EU, đẩy mạnh truyền thông để các cơ quan chức năng và nông dân hiểu rõ quy định của EU về chống phá rừng, suy thoái rừng khi sản xuất nông sản.
Trong giai đoạn chuyển giao từ nay tới 2025 (khi Luật Chống phá rừng chính thức có hiệu lực), doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung vẫn buộc phải chọn lựa tham gia một trong các HTTC tự nguyện được chính quyền EU khuyến khích.
Tuy nhiên việc tham gia này cần chuyển hướng sang tập trung toàn diện hơn là chạy theo số lượng, tức là nên tham gia một HTTC cho toàn bộ quy trình của một sản phẩm, thay vì tham gia nhiều tiêu chuẩn khác nhau cho từng phần quy trình cung ứng của sản phẩm đó.
Bởi thực tế việc chạy theo nhiều tiêu chuẩn khác nhau không chỉ lãng phí mà còn tạo ra sự thiếu đồng bộ, gây khó khăn trong việc ràng buộc trách nhiệm pháp lý của bên cấp chứng chỉ khi có sai phạm.
Sức mạnh tập thể luôn hiệu quả trước mọi thách thức, nhất là khi Luật Chống phá rừng đề cao vai trò và tiếng nói của cộng đồng bản địa. Do đó đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để mỗi người nông dân Việt Nam thông qua các hội nông sản và hợp tác xã có quyền bày tỏ rõ những vấn đề phù hợp hay không phù hợp với thực trạng sản xuất và đời sống tại địa phương lên chính phủ EU./.
Lê Anh Tú
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT