NGHIÊN CỨU

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Nghiên cứu

Một số lý luận về phát triển quan hệ thương mại hàng hóa giữa hai nước: Kinh nghiệm của Thái Lan trong quan hệ hàng hóa với Lào (Phần 3)

23/02/2023

Thứ nhất, chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế tạo khung thể chế, pháp lý cho phát triển các quan hệ thương mại hàng hóa giữa hai nước. Trong thực tiễn, dù là các nước láng giềng và có quan hệ gần gũi về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, tập quán nhưng rất có thể quan hệ thương mại hàng hóa giữa Lào và Thái Lan không thể phát triển như hiện nay nếu Lào không thực hiện cơ chế kinh tế mới từ năm 1986. Đối với Thái Lan, chính phủ nước này đã thực hiện định hướng công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu từ rất sớm và trở thành thành viên sáng lập của nhiều tổ chức kinh tế thương mại quốc tế. Quan hệ thương mại hàng hóa giữa Trung Quốc và Lào cũng tương tự nhờ Trung Quốc thực hiện cải cách kinh tế từ 1979, gia nhập WTO từ 2001, tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN - Trung Quốc thông qua Hiệp định khung 2002, Hiệp định thương mại tự do ACFTA vào 2005. Hội nhập kinh tế quốc tế đã đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và tạo sức mạnh kinh tế kỹ thuật cho Trung Quốc phát triển quan hệ mọi mặt và gia tăng ảnh hưởng trên thế giới, trong đó có phát triển quan hệ thương mại hàng hóa với Lào. Từ phía Lào điều này cũng thể hiện rất rõ, dẫu hiện nay Lào vẫn chưa thoát khỏi nhóm nước kém phát triển trên thế giới, nhưng nhờ thực hiện Cơ chế kinh tế mới (NEM) từ năm 1986, Lào đã tham gia hội nhập song phương, khu vực và đa phương và với đà phát triển kinh tế ổn định thời gian gần đây, Lào sẽ đạt được mục tiêu thoát khỏi nhóm nước kém phát triển vào năm 2020. Như vậy, có thể nói chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế là điều kiện cần cho phát triển quan hệ thương mại hàng hóa giữa hai nước trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay.

Thứ hai, để phát triển quan hệ thương mại hàng hóa giữa hai nước, việc đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, tăng cường các đoàn thăm viếng lẫn nhau các cấp, từ lãnh đạo hai nước, đến các đoàn cán bộ cấp cao, các doanh nghiệp và hiệp hội cũng như quan hệ giữa nhân dân hai nước là rất quan trọng. Đặc biệt, tăng cường thăm viếng lẫn nhau của lãnh đạo cùng các bộ/ngành liên quan và đại diện doanh nghiệp hai nước thường mang tới kết quả to lớn trong phát triển quan hệ thương mại hàng hóa giữa hai bên. Tần suất thăm viếng lẫn nhau trở nên dày đặc hơn thời gian qua giữa Trung Quốc và Lào cũng như giữa Thái Lan và Lào giúp tăng cường hiểu biết, hợp tác lẫn nhau, nâng tầm quan hệ giữa các nước, ký kết các hiệp định phát triển kinh tế thương mại song phương...

Thứ ba, phát triển quan hệ thương mại hàng hóa giữa hai nước trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh của các nước. Nghiên cứu phát triển quan hệ thương mại hàng hóa  giữa Trung Quốc - Lào và giữa Thái Lan - Lào có thể thấy rõ điều này qua cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa hai bên. Thái Lan và Trung Quốc với lợi thế của nước phát triển hơn so với nước kém phát triển là Lào, xuất khẩu chủ yếu sang Lào các sản phẩm chế biến, chế tạo, máy móc thiết bị cơ khí, điện, điện tử, sản phẩm của công nghiệp luyện kim, trong khi cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Lào chủ yếu là hàng khoáng sản, nguyên nhiên liệu, nông, lâm sản do nước này rất giàu tài nguyên, khoáng sản, năng lượng...

Thứ tư, nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu bởi vì trong quan hệ thương mại hàng hóa giữa hai nước không ngang nhau, nước kém phát triển hơn sẽ là nước bị phụ thuộc nhiều hơn và thu được ít lợi ích hơn. Mối quan hệ thương mại không ngang nhau biểu hiện rất rõ trong hai trường hợp nghiên cứu về quan hệ thương mại hàng hóa Trung - Lào và quan hệ thương mại hàng hóa Thái Lan - Lào. Với cán cân thương mại với Thái Lan luôn trong tình trạng nhập siêu lớn thời kỳ 2006 - 2015, khiến cho kinh tế Lào trở nên phụ thuộc lớn vào Thái Lan và bất cứ sự thay đổi nào trong xuất nhập khẩu giữa hai nước cũng có thể ảnh hưởng tới kinh tế Lào. Quan hệ thương mại hàng hóa Lào - Trung Quốc cũng như vậy. Trung Quốc hiện đã vươn lên thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Lào và thị phần của Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Lào đã tăng lên mức 25 - 30% trong 3 năm qua (2012 - 2015), khiến cho Lào càng gia tăng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Do vậy, để hạn chế rủi ro và bất lợi trong các mối quan hệ thương mại hàng hóa với Trung Quốc và Thái Lan, Lào cần nỗ lực phát triển sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao hàm lượng chế biến, nâng cao giá trị gia tăng, tạo lợi thế so sánh cho hàng xuất khẩu của Lào.

Thứ năm, phát triển quan hệ thương mại hàng hóa của một nước với nước ngoài có quan hệ chặt chẽ với việc tăng cường thu hút và sử dụng FDI và các nguồn vốn nước ngoài khác. Như trường hợp của Lào, đầu tư và viện trợ ODA của chính phủ Trung Quốc và Thái Lan cho Lào có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển quan hệ thương mại Trung Quốc - Lào và Thái Lan - Lào. Trung Quốc và Thái Lan hiện đang là hai nước đầu tư FDI lớn nhất vào Lào. Đi liền với dòng vốn FDI là nhập khẩu máy móc thiết bị công nghệ vào Lào và dòng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Lào ra nước nước ngoài. Trong khi dòng vốn ODA tập trung cho việc xây dựng năng lực và cải thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho Lào, gián tiếp thúc đẩy phát triển quan hệ thương mại hàng hóa của Lào với nước ngoài.

Thứ sáu, cả Trung Quốc và Thái Lan đều quan tâm phát triển thương mại biên giới, coi đây là một trong những mục tiêu thúc đẩy thương mại với các nước có chung đường biên giới. Trung Quốc và Thái Lan đều quan tâm đến việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại khu thương mại biên giới như khu hội chợ thương mại, hệ thống chi nhánh ngân hàng, đường xã, kho bãi… làm nền tảng thúc đẩy tthương mại biên giới phát triển. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ về tài chính, thuế, cải cách thủ tục hành chính biên giới cũng giúp hàng hóa của Thái Lan và Trung Quốc thâm nhập tốt hơn vào thị trường Lào…

Thứ bảy, trong quan hệ thương mại hàng hóa hai chiều giữa Trung Quốc và Lào cũng như giữa Thái Lan và Lào, sự phụ thuộc quá mức của Lào vào hai thị trường này có thể dẫn tới những rủi ro và bất ổn đối với kinh tế vĩ mô, cũng như phát triển xuất nhập khẩu bền vững của Lào. Hơn nữa, việc thu hút FDI và tăng cường tiếp nhận ODA, bên cạnh những mặt tích cực đối với phát triển kinh tế, thương mại Lào thì cần phải xem xét tác động đa chiều và ảnh hưởng tiêu cực của các quan hệ này đối với Lào, nhất là ảnh hưởng của Trung Quốc tới Lào trong mối quan hệ kinh tế quốc tế giữa hai nước trên các phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường và phát triển bền vững. Trong đó có các vấn đề về khai thác khoáng sản, tài nguyên của Lào, gây ô nhiễm suy thoái môi trường, làn sóng di dân Trung Quốc và gia tăng tệ nạn xã hội ở vùng Bắc Lào tiếp giáp Trung Quốc - nơi có nhiều đầu tư của Trung Quốc nhất. Đây chính là mặt trái của phát triển quan hệ thương mại hàng hóa giữa hai nước trình độ phát triển không ngang nhau. Vì vậy, việc đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ kinh tế, thương mại với nước ngoài, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu, tăng cường hội nhập ASEAN và các hội nhập quốc tế khác có thể sẽ dung hòa được những ảnh hưởng tiêu cực trên./.

ThS.Lương Thanh Hải

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại -VIOIT

BÀI VIẾT KHÁC