NGHIÊN CỨU

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Nghiên cứu

Lý luận về chuyển dịch cơ cấu hàng hoá xuất khẩu của một quốc gia (Phần 1)

28/04/2023

Khái niệm về cơ cấu hàng hoá xuất khẩu và chuyển dịch cơ cấu hàng hoá xuất khẩu

Cơ cấu là một khái niệm mà triết học duy vật biện chứng dùng để chỉ cách thức tổ chức bên trong của một hệ thống, biểu hiện sự thống nhất của mối quan hệ qua lại, vững chắc giữa các bộ phận của nó. Trong khi chỉ rõ mối quan hệ biện chứng giữa các bộ phận và toàn thể, nó biểu hiện ra như là một thuộc tính của sự vật hiện tượng và biến đổi cùng với sự biến đổi sự vật, hiện tượng.

Đối với nền kinh tế, khi xem nó là một hệ thống phức tạp thì có thể thấy rất nhiều các bộ phận và các kiểu cơ cấu hợp thành, tùy theo cách tiếp cận khi nghiên cứu hệ thống đó. Đặc biệt, sự vận động và phát triển của nền kinh tế theo thời gian, bao hàm trong đó sự thay đổi bản thân các bộ phận cũng như sự thay đổi của các kiểu cơ cấu. Vì thế, có thể thấy rằng “Cơ cấu kinh tế là tổng thể các ngành, lĩnh vực, bộ phận kinh tế với vị trí, tỷ trọng tương ứng với chúng và mối quan hệ hữu cơ tương đối ổn định hợp thành”. Cơ cấu kinh tế là khái niệm phản ánh quan hệ tỷ lệ về lượng và mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau giữa các bộ phận cấu thành của nền kinh tế.

Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại, hầu hết các nước đều theo đuổi chiến lược mở cửa, hướng về xuất khẩu ở một mức độ nào đó. Do đó, mối quan hệ giữa sản xuất và xuất khẩu ngày càng trở nên chặt chẽ. Sản xuất với cơ cấu hợp lý sẽ đem lại khả năng xuất khẩu có hiệu quả cao. Ngược lại, xuất khẩu sẽ là động lực quan trọng để cải biến nền kinh tế phát huy một cách tối đa, có hiệu quả các tiềm năng sản xuất trong nước, đồng thời khai thác được những lợi ích từ thị trường thế giới. Do đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sẽ không thể tách rời khỏi việc xuất khẩu những nhóm hàng, mặt hàng nào với tỷ trọng bao nhiêu. Đó chính là cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, vừa là mục tiêu vừa là động lực để tổ chức sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Xuất khẩu hàng hoá là việc bán hàng hoá cho nước ngoài. Xuất khẩu hàng hoá đã được thừa nhận là một hoạt động rất cơ bản của hoạt động kinh tế đối ngoại, là phương tiện thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Việc mở rộng xuất khẩu để tăng thu nhập ngoại tệ cho đất nước và cho nhu cầu nhập khẩu phục vụ cho sự phát triển kinh tế là một mục tiêu quan trọng nhất của chính sách thương mại. Xuất khẩu hàng hoá có vai trò: Tạo nguồn vốn chủ yếu cho nhập khẩu hàng hoá phục vụ cho công nghiệp hoá đất nước; Đóng góp vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sản xuất phát triển; Tác động tích cực đến giải quyết công ăn việc làm và cải thiện đời sống của nhân dân.

Xuất khẩu là quá trình hàng hóa được sản xuất ở trong nước nhưng được tiêu thụ ở nước ngoài. Xuất khẩu thể hiện nhu cầu về hàng hóa của các quốc gia khác đối với quốc gia chủ thể. Xuất khẩu còn chỉ ra những lĩnh vực có thể chuyên môn hóa được, những công nghệ và tư liệu sản xuất trong nước còn thiếu để sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu đạt chất lượng quốc tế.

Hàng hóa xuất khẩu là những hàng hóa được sản xuất trong nước (sử dụng nguyên liệu nội địa hoặc nhập khẩu) nhưng được tiêu thụ ở nước ngoài.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu là tổng thể các bộ phận giá trị hàng hóa xuất khẩu hợp thành tổng kim ngạch xuất khẩu của một quốc gia cùng với những mối quan hệ ổn định và phát triển giữa những bộ phận hợp thành đó trong một điều kiện kinh tế - xã hội cho trước tương ứng với một thời kỳ xác định.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của một quốc gia có thể được phân chia theo những tiêu thức khác nhau tuỳ theo mục đích thống kê, nghiên cứu và cách thức tiếp cận. Thông thường, người ta tiếp cận theo hai hướng: Giá trị những gì đã được xuất khẩu (theo nhóm hàng hay mặt hàng) và giá trị xuất khẩu đã thực hiện ở đâu (theo thị trường). Vì vậy, có hai loại cơ cấu xuất khẩu phổ biến là cơ cấu hàng hóa xuất khẩu và cơ cấu thị trường xuất khẩu.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có nhiều khái niệm như:

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu là tỷ lệ tương quan giữa các ngành hàng, mặt hàng xuất khẩu trong tổng kim ngạch xuất khẩu của một quốc gia trong một thời kỳ xác định.

Cơ cấu xuất khẩu là tổ hợp các yếu tố cấu thành xuất khẩu, thể hiện cả về mặt định tính lẫn định lượng, chúng quan hệ chặt chẽ với nhau tác động với nhau trong không gian và thời gian, trong điều kiện kinh tế - xã hội nhất định, phù hợp với mục tiêu xuất khẩu đã được xác định.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu là tổng thể các nhóm hàng, mặt hàng xuất khẩu trong toàn bộ kim ngạch xuất khẩu với vị trí, tỷ trọng tương ứng và mối liên hệ hữu cơ tương đối ổn định hợp thành.

Theo nhóm tác giả, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của một quốc gia có thể được hiểu: Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của một quốc gia là tổng thể các nhóm hàng, mặt hàng xuất khẩu trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của quốc gia đó với vị trí, tỷ trọng tương ứng và mối quan hệ hữu cơ trong thời gian và điều kiện kinh tế - xã hội nhất định, phù hợp với mục tiêu xuất khẩu đã được xác định.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu phản ánh mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng các nhóm hàng xuất khẩu của một quốc gia trong một thời kỳ nhất định. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu là kết quả quá trình sáng tạo ra của cải vật chất của một nền kinh tế thương mại tương ứng với một mức độ và trình độ nhất định khi tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế. Nền kinh tế như thế nào thì cơ cấu hàng hóa xuất khẩu như thế và ngược lại, một cơ cấu hàng hóa xuất khẩu phản ánh trình độ phát triển kinh tế tương ứng của một quốc gia. Chính vì vậy, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu mang đầy đủ những đặc trưng cơ bản của một cơ cấu kinh tế tương ứng với nó, nghĩa là nó mang những đặc trưng chủ yếu sau đây:

- Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu bao giờ cũng thể hiện qua hai thông số: Số lượng và chất lượng. Số lượng thể hiện qua tỷ trọng của từng bộ phận trong tổng thể và là hình thức biểu hiện bên ngoài của một cơ cấu hàng hóa xuất khẩu. Còn chất lượng phản ánh nội dung bên trong, không chỉ của tổng thể kim ngạch xuất khẩu hàng hóa mà còn của cả nền kinh tế. Sự thay đổi về số lượng vượt qua ngưỡng giới hạn nào đó, đánh dấu một điểm nút thay đổi về chất của nền kinh tế.

- Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu mang tính khách quan.

- Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu mang tính lịch sử, kế thừa. Sự xuất hiện trạng thái cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sau bao giờ cũng bắt nguồn và trên cơ sở của một cơ cấu trước đó, vừa kế thừa vừa phát triển.

- Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cần phải bảo đảm tính hiệu quả.

- Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có tính hướng đích, có mục tiêu định trước.

- Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cũng như nền kinh tế luôn ở trạng thái vận động phát triển không ngừng từ thấp đến cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện hơn.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của một quốc gia sang một thị trường có thể được hiểu: Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của quốc gia sang một thị trường là tổng thể các nhóm hàng, mặt hàng xuất khẩu trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của quốc gia sang thị trường xác định với vị trí, tỷ trọng tương ứng và mối quan hệ hữu cơ trong thời gian và điều kiện kinh tế - xã hội nhất định, phù hợp với mục tiêu xuất khẩu đã được xác định và quan hệ hợp tác thương mại song phương.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của quốc gia sang một thị trường phản ánh mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng các nhóm hàng, mặt hàng xuất khẩu của quốc gia đó sang thị trường xác định trong một thời kỳ. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có thể được xem xét trên nhiều góc độ khác nhau, tùy thuộc vào quan điểm của từng nước, từng tổ chức cũng như từng mục đích nghiên cứu, từng thời kỳ, hiện có 3 cách phân loại cơ cấu hàng hóa xuất khẩu phổ biến:

- Cách 1: Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu phân loại theo danh mục tiêu chuẩn ngoại thương.

Danh mục phân loại thương mại quốc tế tiêu chuẩn  là bảng danh mục phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu dựa trên các công đoạn sản xuất của hàng hóa do Uỷ ban Thống kê Liên Hợp Quốc ban hành, sử dụng cho mục đích thống kê, phân tích kinh tế.

- Cách 2: Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu phân loại theo danh mục phân ngành hoạt động kinh tế tiêu chuẩn quốc tế

Danh mục phân ngành hoạt động kinh tế tiêu chuẩn quốc tế được ban hành lần đầu tiên vào năm 1948 theo đề nghị của Cơ quan Thống kê của Liên Hợp Quốc. Ngay sau khi ban hành, danh mục này đã được các quốc gia cũng như các tổ chức quốc tế sử dụng rộng rãi để phân loại số liệu theo các loại hoạt động kinh tế. Do sự phát triển của nền kinh tế, sự thay đổi của các tổ chức hoạt động kinh tế cũng như sự phát triển của nhiều loại hình kinh tế mới đã bộc lộ ra yêu cầu cần phải rà soát và sửa đổi bổ xung cho danh mục về cấu trúc, về các khái niệm định nghĩa cũng như về các loại hình hoạt động kinh tế mới.  Đồng thời xuất phát từ yêu cầu cần cải tiến và hài hoà giữa danh mục này với các bảng danh mục phân loại quốc tế. Từ năm 1956 Cơ quan Thống kê Liên Hợp Quốc đã thực hiện việc rà soát và sửa đổi danh mục.

- Cách 3: Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu phân loại theo hàm lượng chế biến của sản phẩm.

Đây là cách phân loại được một số nước công nghiệp mới trong ASEAN (Ma- lai-xi-a, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin) sử dụng trong tiến trình công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) đất nước. Việt Nam cũng sử dụng cách phân loại này trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, hàng xuất khẩu được phân chia thành 4 nhóm:

(1) Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản (nhóm hàng có lợi thế về tài nguyên nhưng bị giới hạn nguồn cung): Đây là nhóm hàng dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên của mỗi quốc gia.

(2) Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản (nhóm hàng có lợi thế và năng lực cạnh tranh dài hạn nhưng giá trị gia tăng còn thấp): Đây là nhóm hàng có sự kết hợp giữa nguồn lực tự nhiên (đất đai, khí hậu, bờ biển...) với lực lượng lao động và công nghệ.

(3) Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo (nhóm hàng có tiềm năng phát triển và thị trường thế giới có nhu cầu): Nhóm hàng này bao gồm những sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, có hàm lượng công nghệ ngày càng gia tăng, hàm lượng lao động giảm dần cùng với tiến trình công nghiệp hoá. Giá trị gia tăng của sản phẩm phụ thuộc vào trình độ công nghệ và kỹ năng của người lao động. Những nước công nghiệp mới trong ASEAN như Ma-lai-xi-a, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a thì hàng công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao hơn so với các nước như Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia...

(4) Nhóm hàng hóa khác (Nhóm hàng mới): Nhóm hàng này bao gồm các mặt hàng không thuộc 3 nhóm hàng đầu. Nhóm hàng mới nằm trong Nhóm hàng hóa khác. Nhóm hàng này mới được phát triển sản xuất và xuất khẩu, mới xuất hiện trong danh mục hàng hóa xuất khẩu của quốc gia.

Trong quan hệ thương mại song phương, những quốc gia đang phát triển thực hiện chiến lược hội nhập và công nghiệp hoá, hiện đại hoá hướng về xuất khẩu đều thực hiện chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu để phù hợp với yêu cầu phát triển trong từng thời kỳ. Đối với những thị trường xuất khẩu trọng điểm, đa phần các quốc gia này đều thực hiện chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang từng thị trường ở những thời kỳ nhất định không chỉ phù hợp với yêu cầu phát triển mà còn nâng cao hiệu quả xuất khẩu. Việc chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang từng thị trường trọng điểm vì cả lý do chủ quan và khách quan đòi hỏi mỗi nước sẽ thực hiện trong những thời kỳ thích hợp.

Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của một quốc gia sang một thị trường có thể được hiểu: Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của một quốc gia sang một thị trường là quá trình làm thay đổi cấu trúc, tỷ trọng và chất lượng các nhóm hàng xuất khẩu của quốc gia sang thị trường xác định nhằm đạt tới một cơ cấu hàng hóa xuất khẩu hợp lý hơn phù hợp với yêu cầu phát triển và nâng cao hiệu quả xuất khẩu sang thị trường này.

Trên thực tế, có những thị trường chiếm 20 - 30% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của một quốc gia. Trong một thời gian dài, quốc gia này cứ giữ nguyên cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang những thị trường trọng điểm thì sẽ bất lợi cho quốc gia xuất khẩu, hiệu quả thu được từ hoạt động xuất khẩu thấp và sản xuất nội địa chậm phát triển. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang những thị trường trọng điểm sẽ tạo áp lực cho sản xuất trong nước phát triển và nâng cao được hiệu quả xuất khẩu.

Đây là phần lý luận căn bản đầu tiên của chuỗi bài chuyển dịch cơ cấu hàng hoá xuất khẩu của một số quốc gia. Trong bài tiếp theo chúng ta sẽ cùng nghiên cứu về vai trò của chuyển dịch cơ cấu hàng hoá xuất khẩu đối với một quốc gia như thế nào?

Ths. Lương Thanh Hải

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

BÀI VIẾT KHÁC