NGHIÊN CỨU

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Nghiên cứu

Lâm Đồng: Tập trung phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, gắn với vùng nguyên liệu và có lợi thế cạnh tranh

11/04/2020
Lâm Đồng: Tập trung phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, gắn với vùng nguyên liệu và có lợi thế cạnh tranh 

Lâm Đồng chủ yếu là một vùng nông nghiệp với rau, hoa ôn đới, chè và cà phê chất lượng cao. Nhưng để biến những lợi thế ấy phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội thì việc thúc đẩy công nghiệp Lâm Đồng hiện tại và xác định tầm phát triển trong tương lai được đặt ra như một yếu tố quan trọng.

Tuy nhiên, phải khẳng định công nghiệp của Lâm Đồng có phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Trên 9.133 cơ sở sản xuất công nghiệp tư nhân chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Vì vậy, hầu hết là doanh nghiệp quy mô nhỏ, tiềm lực kinh tế thấp, công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý thấp. Tính liên kết giữa các doanh nghiệp cùng ngành hàng không cao. 

Hơn nữa, do điều kiện địa lý, Lâm Đồng xa cảng biển và các thị trường tiêu thụ nên chi phí vận chuyển tăng cao, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp cũng khó khăn, quỹ đất sạch để thu hút doanh nghiệp còn rất thiếu. Cũng chính từ điều kiện tự nhiên và tính chất riêng, Lâm Đồng xác định phát triển những ngành công nghiệp dựa trên lợi thế sẵn có, có khả năng cạnh tranh và hàng hóa có thể xuất khẩu. Đặc biệt, Lâm Đồng xác định phát triển công nghiệp kết hợp chặt chẽ với phát triển nông thôn, thúc đẩy các ngành thương mại và dịch vụ liên quan, từ đó chuyển dịch cơ cấu lao động. Phát triển công nghiệp - nông nghiệp song hành đòi hỏi giữ gìn môi trường trong đó cực kỳ quan trọng là việc đổi mới công nghệ theo hướng xanh, sạch.

Trong thời gian tới Lâm Đồng xác định phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm sau thu hoạch, các nhà máy chế biến quy mô lớn tại các vùng nguyên liệu tập trung chất lượng cao; công nghiệp chế biến rượu và nước trái cây cũng cần được chú ý; ngành công nghiệp dệt may, đặc biệt chú ý tới dệt may từ sản phẩm lụa tơ tằm đặc sản Lâm Đồng cũng cần được đầu tư phát triển. 

Công nghiệp Lâm Đồng bao gồm 3 ngành sản xuất chính:

+ Công nghiệp chế biến;

+ Công nghiệp khai khoáng và khai thác vật liệu xây dựng;

+ Công nghiệp sản xuất, phân phối điện - nước.

Thời gian qua, ngành công nghiệp tỉnh Lâm Đồng có tốc độ tăng trưởng khá, năm 2019 tăng 13,32% so năm 2018; tốc độ tăng bình quân 5 năm 2016 - 2020 ước đạt 10,22%. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) năm 2019 ước đạt 16.305 tỷ đồng tăng 12,71% so với cùng kỳ năm trước và đạt 100,01% so với kế hoạch năm 2019. Toàn tỉnh hiện có khoảng 9.190 cơ sở sản xuất công nghiệp, gồm: kinh tế nhà nước: 17 cơ sở, kinh tế ngoài nhà nước: 9.133 cơ sở, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài: 40 cơ sở.

Giai đoạn 2016-2019 nhiều dự án chế biến nông sản, thực phẩm đi vào hoạt động như: Nhà máy chế biến cà phê, ca cao xuất khẩu của Công ty TNHH Thương phẩm Atlantic Việt Nam tại khu công nghiệp (KCN) Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc, công suất 50.000 tấn cà phê/năm, tại KCN Phú Hội, huyện Đức Trọng công suất 3.000 tấn cà phê/năm; Nhà máy chế biến Artichaut của Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng, công suất 300 tấn trà dược thảo/năm; Nhà máy chế biến củ quả xuất khẩu của Công ty cổ phần Viên Sơn tại huyện Đức Trọng, công suất chế biến rau, khoai lang 6.500 tấn/năm; Nhà máy chế biến nông sản của Công ty Cổ phần đầu tư và sản xuất nông sản Trình Nhi, KCN Phú Hội, công suất 8.100 tấn rau sơ chế/năm, 750 tấn rau cấp đông/năm, 200 tấn rau sấy khô/năm; Nhà máy sản xuất tơ và dệt lụa Công ty TNHH SunFeel Việt Nam, KCN Phú Hội, công suất dệt lụa xa tanh 2,2 triệu mét/năm, tơ 300 tấn sản phẩm/năm; Nhà máy bia Sài Gòn - Lâm Đồng, KCN Lộc Sơn, công suất 100 triệu lít/năm; Nhà máy sợi len lông cừu Đà Lạt, cụm công nghiệp Phát Chi, công suất 2.000 tấn/năm. Năm 2020 dự án sản xuất dược phẩm Nanogen, KCN Phú Hội, công suất 332 triệu đơn vị sản phẩm/năm; các dự án mở rộng của Công ty cổ phần thực phẩm Lâm Đồng; Công ty cổ phần Viên Sơn đi vào hoạt động; Nhà máy bia Sài Gòn - Lâm Đồng; Nhà máy sợi len lông cừu Đà Lạt hoạt động hết công suất.

Mục tiêu phát triển công nghiệp tỉnh Lâm Đồng giai đoạn đến năm 2030, định hướng 2045 là tập trung vào các ngành công nghiệp ưu tiên, gắn với vùng nguyên liệu và có lợi thế cạnh tranh. Cụ thể như sau:

1. Tiếp tục phát triển ngành công nghiệp có  thế mạnh của tỉnh

- Ngành công nghiệp chế biến nông sản: Thu hút đầu tư phát triển các trung tâm sau thu hoạch hiện đại, nhà máy chế biến quy mô lớn ở các vùng nguyên liệu tập trung chất lượng cao. Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến cà phê, chè, rau, hoa, điều, atiso, cây dược liệu, tơ tằm và các sản phẩm chăn nuôi khác…, đi vào chiều sâu, sử dụng công nghệ tiên tiến gắn với thương hiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh; đa dạng hoá sản phẩm, chú trọng tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm giá trị gia tăng cao và sản phẩm mới; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trung tâm giao dịch hoa tại thành phố Đà Lạt và chợ đầu mối nông sản chất lượng cao huyện Đức Trọng.

- Công nghiệp chế biến rượu và nước trái cây đặc trưng của tỉnh: Tập trung ưu tiên kêu gọi các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư phát triển các nhà máy chế biến rượu, nước trái cây,… với công nghệ tiên tiến, hiện đại tại các vùng thuận lợi về nguyên liệu. Phát triển theo hướng đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

2. Giai đoạn đến 2030, tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp

- Công nghiệp cơ khí, chế biến, chế tạo: Phát triển ngành cơ khí chế tạo máy móc để phục vụ các ngành kinh tế khác, trước mắt phục vụ cho công nghiệp sơ chế, chế biến nông sản thực phẩm (rau, hoa, chè, cà phê, tơ tằm,...) đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, chế biến lâm sản, khai thác và chế biến khoáng sản. Tập trung xây dựng một số cơ sở sửa chữa máy móc, thiết bị đặt gần các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản, các khu, cụm công nghiệp, cơ khí nhỏ ở vùng sâu vùng xa để sản suất, sửa chữa thiết bị, máy móc phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

- Công nghiệp hỗ trợ: Phát triển các ngành công nghiệp sản xuất, từ sản xuất nguyên liệu đến gia công chế tạo các sản phẩm, phụ tùng, linh kiện, phụ kiện, bán sản phẩm… để cung cấp cho ngành công nghiệp lắp ráp các sản phẩm cuối cùng là tư liệu, công cụ sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng; tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo chiều rộng và chiều sâu; góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và tạo thêm việc làm cho người lao động.

- Công nghiệp dệt may: Hình thành các cụm dệt may tập trung; phát triển sản xuất nguyên liệu và công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may nhất là các sản phẩm tơ tằm, lụa, các sản phẩm từ lụa tơ tằm; nâng cao năng lực tự thiết kế mẫu mã và phát triển sản phẩm mới; tạo mạng liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong ngành; đầu tư các công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện sản xuất tơ lụa, dệt, may mặc; các thiết bị thêu ren đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

- Công nghiệp vật liệu xây dựng: Phát triển đa dạng các chủng loại vật liệu xây dựng (VLXD) mà Lâm Đồng có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, trong đó tập trung vào sản xuất gạch ốp lát các loại, sứ vệ sinh. Nghiên cứu sản xuất các loại vật liệu xây dựng mới, vật liệu có thể thay thế vật liệu xây dựng tự nhiên. Đầu tư chiều sâu, đổi mới và nâng cấp công nghệ tiên tiến, hiện đại, tự động hóa, cơ giới hóa cao, phù hợp với trình độ chung của cả nước; Sản xuất được các sản phẩm VLXD có chất lượng tốt đạt tiêu chuẩn của các nước trong khu vực và quốc tế, từng bước loại bỏ công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, gây ô nhiễm môi trường.

- Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản: Khai thác khoáng sản theo hướng tập trung, bền vững nhằm cung cấp nguyên liệu tại chỗ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu theo hướng chế biến sâu, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư chế biến hyđrôxit nhôm và ô-xít nhôm, xúc tiến thu hút các dự án đầu tư sản xuất nhôm và các sản phẩm sau nhôm; hình thành Khu công nghiệp chế biến khoáng sản phù hợp với Luật khoáng sản và hạn chế được tình trạng sản xuất manh mún, kém hiệu quả và tác động đến môi trường; các dự án thu hồi quặng kim loại, sản xuất vật liệu không nung từ bùn đỏ qua khai thác, chế biến quặng bauxit, sản xuất alumin; sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến sâu cao lanh, bentonit. Chú trọng và khuyến khích thăm dò, điều tra, khảo sát tiềm năng tài nguyên khoáng sản; xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp khoáng sản dài hạn. Khuyến khích áp dụng công nghệ sử dụng triệt để tài nguyên, kiểm soát được ô nhiễm môi trường.

- Công nghiệp hoá chất, cao su, nhựa, dược phẩm: Đầu tư theo chiều sâu, đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm để mở rộng thị trường, phát huy tối đa công suất các cơ sở hiện có. Nghiên cứu, khuyến khích đầu tư nhà máy sản xuất nhựa gia dụng và công nghiệp, các loại vật dụng bằng vật liệu composit, ống nhựa, màng lợp, lưới nhà kính,....

- Công nghiệp sản xuất điện (thủy điện, điện gió, điện mặt trời...): Tập trung đầu tư, xây dựng, khai thác có hiệu quả các dự án thủy điện đã quy hoạch (không tác động đến rừng tự nhiên); khuyến khích đầu tư phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời, năng lượng tái tạo phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương.

- Đầu tư hạ tầng và thu hút các nhà đầu tư chiến lược và Khu công viên phần mềm Quang Trung Đà Lạt, Khu công nghệ thông tin tập trung tại huyện Lạc Dương để phát triển công nghiệp phần mềm, công nghệ thông tin - viễn thông nhằm đáp ứng yêu cầu và phần cứng nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác; phát triển công nghiệp lắp ráp các thiết bị điện tử và các thiết bị gia dụng.

3. Giai đoạn 2030 - 2045:

Tập trung ưu tiên phát triển thế hệ mới của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông, phổ cập công nghiệp kỹ thuật số, tự động hóa, thiết bị cao cấp, vật liệu mới, công nghệ sinh học.

Phát triển công nghiệp theo cơ chế thị trường, tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và các quy định của pháp luật. Tập trung đầu tư cho các ngành công nghiệp thế mạnh và ưu tiên của tỉnh, tránh đầu tư dàn trải.

Nguồn: Báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng

 

Trương Thị Quỳnh Vân

Phòng Thông tin Thư viện và Xúc tiến thương mại

BÀI VIẾT KHÁC