Khái niệm kinh tế chia sẻ
Kinh tế thế giới dựa trên thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất hàng loạt,vốn được ưa chuộng suốt thế kỷ 19 và 20, đã bộc lộ một số vấn đề về chi phí sản xuất,lãng phí tiêu dùng, tận dụng hiệu quả các nguồn lực sản xuất.Trong khi đó, người mua và người bán ngày càng có xu hướng tận dụng tốt hơn các sản phẩm và nguồn lực sản xuất của nền kinh tế.Kinh tế chia sẻ ra đời để đáp ứng những yêu cầu đó.Theo đó, kinh tế chia sẻ tạo nên chuỗi hệ thống giá trị kinh doanh, hợp tác giữa các bên để tạo ra giá trị cho sản phẩm, mỗi một cá nhân trong chuỗi đó sẽ hưởng một phần giá trị tạo ra trong chuỗi và cùng chia sẻ với nhau.
Kinh tế chia sẻ là một phương thức kinh tế mà ở đó tài sản hoặc dịch vụ được chia sẻ dùng chung giữa các cá nhân, giúp kết nối mới giữa người mua (người dùng) và người bán (người cung cấp) đối với một hoạt động kinh tế. Theo nghĩa rộng, kinh tế chia sẻ thể hiện sự thay đổi phương thức chuyển giao sản phẩm từ chỗ chuyển giao quyền sở hữu sản phẩm sang cung cấp hệ thống dịch vụ sản phẩm theo yêu cầu.Các nhà cung cấp dịch vụ liên quan đến sản phẩm sẽ kết nối với nhau để cung cấp sản phẩm với điều kiện tốt nhất.
Nền kinh tế chia sẻ được bắt đầu manh nha vào năm 1995, khởi điểm tại Mỹ với mô hình ban đầu có tính chất “chia sẻ ngang hàng” nhưng không rõ rệt. Rất nhanh chóng, kinh tế chia sẻ phát triển thành một mô hình kinh tế, tạo thành chuỗi hệ thống giá trị kinh doanh, có sự hợp tác giữa các bên để tạo ra giá trị, mỗi một cá nhân trong đó sẽ hưởng một phần phần giá trị và chia sẻ với nhau.
Nền móng cho sự xuất hiện của mô hình “kinh tế chia sẻ” là sự phát triển nhanh chóng của internet, tạo nền tảng giúp kết nối được giao dịch trên toàn thế giới. Các nguồn dữ liệu được cập nhật thường xuyên, dưới nhiều hình thức từ số liệu thống kê, đến mô tả, hình ảnh, video… Có đến gần 50% dân số thế giới ngày nay sử dụng internet để liên kết nối với người thân, bạn bè, để làm việc, thực hiện các giao dịch mua bán.
Lợi ích đạt được của nền kinh tế chia sẻ là rất lớn. Tiết kiệm chi phí, giúp bảo vệ môi trường, tăng tính hiệu quả của nền kinh tế, giảm bớt sự lãng phí tài nguyên xã hội và sự dư thừa năng lực của các sản phẩm dịch vụ. Đây chính là những yếu tố khiến kinh tế chia sẻ có những tiềm năng phát triển lớn mạnh hơn nữa trong tương lai, sẽ không chỉ là một thị trường ngách hay một hiện tượng nhất thời mà là tương lai của môi trường kinh doanh toàn cầu.
Mô hình kinh tế chia sẻ
Để thực hiện được mô hình kinh tế chia sẻ đòi hỏi mọi dịch vụ phải được tiêu chuẩn hóa và số hóa làm nền tảng để mở rộng trên quy mô và phạm vi lớn, tạo nên sự kết nối giữa các bên cung cấp dịch vụ và trung gian trên toàn thế giới. Thêm vào đó, cần phải có dữ liệu đầy đủ về các bên cung cấp dịch vụ. Các dữ liệu này sẽ được nhà cung cấp nền tảng kinh tế chia sẻ xử lý nhằm đảm bảo tính bảo mật thông tin, sự tin cậy khi tham gia nền tảng, sự linh hoạt trong điều phối các vấn đề vận hành dịch vụ và xử lý các sự cố phát sinh, đảm bảo minh bạch lợi ích của người cung cấp tài sản - dịch vụ và người sử dụng tài sản dịch vụ,về thông tin liên quan đến giao dich, về dòng tài sản - dịch vụ lưu chuyển, đồng thời cùng thực hiện việc quản trị nền tảng kinh tế chia sẻ một cách công bằng, khuyến khích được các thành phần tham gia. Như vậy, trong mô hình này nhà cung cấp nền tảng kinh tế chia sẻ đóng vai trò quyết định như một nhà lãnh đạo, điều hành hệ thống dịch vụ, giúp hệ thống hình thành và phát triển.
Các bên tham gia dịch vụ kinh tế chia sẻ gồm: Người cung cấp tài sản - dịch vụ và người sử dụng tài sản dịch vụ được hưởng lợi từ lợi ích kinh tế theo quy mô mà nền tảng mang lại khi tập hợp được số đông người tham gia dịch vụ, được sử dụng tài sản - dịch vụ với chi phí rẻ hơn nhờ tận dụng tốt nguồn lực, đóng góp vào bảo vệ phát triển xã hội bền vững. Song, để hệ thống vận hành tốt cần đòi hỏi tâm lý sẵn sàng chia sẻ giữa những người tiêu dùng, đặc biệt là sự tin tưởng vào công nghệ kỹ thuật số và có trách nhiệm với việc phát triển dịch vụ kinh tế chia sẻ.

Và ứng dụng ở nước ta
Tại Việt Nam, những năm gần đây đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ kinh tế chia sẻ làm thay đổi cách thức vận hành hoạt động kinh doanh và tiêu dùng.
Sự xuất hiện của 2 hãng dịch vụ Grab và Uber năm 2013 đã khiến cho các hãng vận tải hành khách lớn như Mai Linh hay Vinasun, Taxi Group phải lập tức thay đổi cung cách vận hành để cạnh tranh như cung cấp ứng dụng di động cho phép gọi xe taxi không cần thông qua tổng đài, dịch vụ đưa đón bằng đội xe Fortuner, Innova đời mới không có nhãn hiệu hay biển taxi.
Ngoài ra, cũng đã xuất hiện nhiều loại hình dịch vụ khác như dịch vụ cung cấp nền tảng cho phép người dùng tự xây dựng tour Việt Nam cung cấp cho khách du lịch thế giới (Trippme), cung cấp ứng dụng điện thoại kết nối người dùng với các nhà cung cấp dịch vụ như sửa chữa điện tử, điện lạnh, xây dựng… (Rada); dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ điển hình như cung cấp nền tảng kết nối bên cho vay và người đi vay như huydong.com…
Nghiên cứu của Nielsen (2014) cho thấy Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người sử dụng dịch vụ chia sẻ cao nhất (76%). Đứng thứ 13 thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ kinh tế chia sẻ chỉ sau Ai cập (77%), Ấn Độ (78%), Hồng Kong, Brazil (78%), Mexico, Bulgaria (79%), Thái Lan (84%), Philipin (85%), Slovenia (86%), Inđônêxia (87%) và Trung Quốc (94%).

Các nước có tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ KTCS cao nhất thế giới. Nguồn: Nielsen (2014)
Kinh tế chia sẻ là thách thức hay vận hội tùy thuộc vào tư duy quản lý nhà nước, nhận thức của các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ. Diện mạo mới này sẽ mở ra cơ hội cho nền kinh tế phát triển nếu quản lý nhà nước theo kịp nó. Bài học từ quốc gia láng giềng Trung Quốc, nơi có 600 triệu người tham gia nền kinh tế chia sẻ với giá trị giao dịch lên đến hàng trăm tỷ USD trong năm 2016 (Shuai Yang, 2016) cũng chỉ ra rằng, không nên ngược đãi với mô hình kinh tế chia sẻ. Cụ thể, Chính phủ nước này không những không cấm, mà đã tận dụng cơ hội để biến nền kinh tế chia sẻ thành đòn bẩy mới cho nền kinh tế trong nước, khi là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành luật liên quan đến kinh tế chia sẻ, thúc đẩy xây dựng Trung Quốc kỹ thuật số, trong đó ủng hộ sự sáng tạo dựa trên Internet.
Cơ hội đang rộng mở với các doanh nghiệp sẵn sàng đổi mới, sáng tạo, đón đầu của Việt Nam bởi lẽ: Thứ nhất, kinh tế chia sẻ còn khá mới, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Vì vậy, sẽ là cơ hội cho các start-up của Việt Nam và cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp thay đổi cách thức kinh doanh trên thị trường. Thứ hai, mỗi thị trường về cơ bản sẽ có đặc thù nên cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam học hỏi và ứng dụng kinh tế chia sẻ ở thị trường Việt Nam. Thứ ba, nhiều doanh nghiệp trẻ Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội lập nghiệp và rất nhiệt huyết tìm kiếm ý tưởng mới trong kinh doanh thông qua các nền tảng công nghệ, giúp giải quyết các vấn đề mà cách kinh doanh truyền thống chưa giải quyết được như gia tăng quyền hạn cho các doanh nghiệp nhỏ trong quá trình sản xuất kinh doanh, thay đổi cách thức marketing, mua bán sản phẩm, tạo ra luồng thông tin ngày càng công khai, minh bạch giữa người tiêu dùng, người sản xuất…
Bên cạnh những ưu điểm, mô hình chia sẻ cũng bộc lộ một số hạn chế về hài hòa lợi ích các bên, thiếu các chế tài về bảo hiểm, vấn đề trốn thuế, đạo đức kinh doanh và quản lý chất lượng các dịch vụ chia sẻ. Tuy vậy, dưới góc độ quản lý, phải khai thác triệt để giao dịch này vì đây là cách thức giao dịch có thể kiểm soát được và khá minh bạch, mô hình này chắc chắn sẽ có tác động mạnh tới tương lai của nền kinh tế và việc khắc phục hạn chế sẽ cần tới vai trò của Chính phủ và doanh nghiệp.
Vũ Huy Hùng
Phòng Thông tin, Thư viện và Xúc tiến thương mại - VIOIT