1. Cơ cấu một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam
Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, năm 2019 mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19, nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 49,91 tỷ USD. Năm 2022 đạt 57,99 tỷ USD và đến giữa tháng 12 năm 2023 là 50,28 tỷ USD. Tuy nhiên mặt hàng điện thoại và linh kiện có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2019-2023 không cao với mức tăng 0,18%/năm.
Những tập đoàn sản xuất điện tử, điện thoại lớn ở Việt Nam gồm Samsung, LG, Microsoft, trong đó Samsung là tập đoàn lớn nhất, những tập đoàn này đã sản xuất ra khối lượng sản phẩm rất lớn đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu.
Tiếp theo đứng thứ 2 là mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 55,53 tỷ USD, sang năm 2023 vẫn duy trì đạt 55,13 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2023 của mặt hàng này là 12,84%/năm. Mặt hàng này ngày càng đa dạng hóa để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và đáp ứng nhu cầu của các thị trường xuất khẩu. Từ đó thúc đẩy tốc độ tăng trưởng mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện rất nhanh qua các năm.
Các doanh nghiệp sản xuất luôn tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, có chiến lược phát triển dài hạn và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng được những ưu đãi và cơ hội tạo ra từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia.
Mặt hàng dệt may có giá trị kim ngạch xuất khẩu là 37,61 tỷ USD vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 0,53 %, đây cũng là một mặt hàng xuất khẩu chủ lực rất quan trọng của Việt Nam trong cơ cấu xuất khẩu. Hiện nay, ngoài các sản phẩm dệt may truyền thống, một số mặt hàng như vải, xơ sợi, phụ liệu dệt may, hàng may mặc như quần áo, đồ bảo hộ, áo len, quần áo thể thao….tăng lên nhanh chóng. Mặt hàng dệt may xuất khẩu sẽ có xu hướng tăng lên trong các năm tới và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Mặt hàng giày dép xếp vị trí tiếp theo trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2019, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19 nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn duy trì đạt 17,33 tỷ USD. Năm 2022 là 23,89 tỷ USD và đến 15/12/2023 là 19,36 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2023 là 2,81%/năm. Việt Nam là thị trường xuất khẩu giày dép lớn thứ 2 thế giới và trong giai đoạn tới vẫn tiếp tục duy trì và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.
Mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ có kim ngạch xuất khẩu đạt 16,01 tỷ USD vào năm 2022 và đến giữa tháng 12/2023 đạt 12,75 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,21%/năm giai đoạn 2019-2023. Một số sản phẩm gỗ có giá trị xuất khẩu tăng như dăm gỗ, viên nén gỗ, gỗ nguyên liệu và sản phẩm gỗ, mang lại doanh thu lớn cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu.
Thủy sản là mặt hàng đứng trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2022 là 10,92 tỷ USD, có xu hướng giảm xuống vào năm 2023, đến 15/12/2023 đạt 8,59 tỷ đô với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2023 là 1,32%/năm. Với lợi thế so sánh về nguồn thủy sản tự nhiên và nuôi trồng trong nước, xuất khẩu thủy sản sẽ có nhiều cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường các nước trong những năm tới.
Bảng 1: Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam giai đoạn 2019-2023
Đơn vị: Tỷ USD
TT
|
Mặt hàng
|
2019
|
2020
|
2021
|
2022
|
Đến 15/12
Năm 2023
|
Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2023 (%)
|
1
|
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện
|
34,01
|
44,58
|
50,79
|
55,53
|
54,15
|
12,84
|
2
|
Điện thoại các loại và linh kiện
|
49,91
|
51,18
|
57,53
|
57,99
|
50,28
|
0,18
|
3
|
Dệt may
|
31,12
|
29,81
|
32,75
|
37,61
|
31,78
|
0,53
|
4
|
Giày dép
|
17,33
|
16,79
|
17,75
|
23,89
|
19,36
|
2,81
|
5
|
Gỗ và sản phẩm gỗ
|
10,02
|
12,37
|
14,81
|
16,01
|
12,75
|
6,21
|
6
|
Thủy sản
|
8,15
|
8,41
|
8,88
|
10,92
|
8,59
|
1,32
|
Nguồn: Tổng cục Hải quan 2023
2. Cơ cấu thị trường xuất khẩu các mặt hàng chủ lực
Các thị trường như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản là những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, năm 2022 xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện sang thị trường Hoa Kỳ đạt 11,88 tỷ USD, Trung Quốc đạt 16,26 tỷ USD, đây là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất mặt hàng điện thoại và linh kiện, tiếp đó thị trường Hàn Quốc đạt 5,05 tỷ USD, Đức: 1,16 tỷ USD, Ấn Độ: 1,52 tỷ USD.
Mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện như máy tính xách tay, máy tính để bàn, máy tính bảng, máy ảnh kỹ thuật số, thiết bị lưu trữ…có thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Canada, Thái Lan. Trong năm 2022, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ ở mức cao nhất đạt 15,94 tỷ USD, thứ hai là thị trường Trung Quốc đạt 11,88 tỷ USD. Các thị trường trọng điểm khác như Đức, Canada, Thái Lan đạt mức thấp hơn tương ứng: 0,69 tỷ USD; 0,52 tỷ USD; 0,53 tỷ USD. Trong thời gian tới, tập trung xuất khẩu vào các thị trường EU, ASEAN để nâng cao kim ngạch xuất khẩu mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Tiếp theo các sản phẩm như dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản được xuất khẩu nhiều nhất vào thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt được khá lớn khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ, tuy nhiên có tỷ trọng nhỏ hơn nhiều mặt hàng điện thoại, máy vi tính khi xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm khác.
Thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc là 3 thị trường có kim ngạch nhập khẩu lớn hàng dệt may Việt Nam tính đến nay, chiếm khoảng 66% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang các nước.
Thị trường xuất khẩu giày dép của Việt Nam rất rộng lớn, lên đến hơn 150 quốc gia trên thế giới. Điều này chứng tỏ mặt hàng giày dép Việt Nam sản xuất đáp ứng tốt về chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã và giá cả, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của nhiều người tiêu dùng tại các nước trên thế giới. Đây cũng là mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam để mở rộng thị phần xuất khẩu trong tương lai.
Mặt hàng thủy sản hiện nay có kim ngạch xuất khẩu chưa cao bằng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác, các thị trường xuất khẩu lớn mặt hàng thủy sản là Hoa Kỳ năm 2022 đạt 2,13 tỷ USD, Nhât Bản đạt 1,71 tỷ USD, Trung Quốc đạt 1,57 tỷ USD. Tuy nhiên đây là mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh, do vậy cần có chiến lược thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường khác như thị trường các nước EU với yêu cầu rất khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật và thị trường ASEAN là một thị trường rất tiềm năng, tiêu thụ lớn mặt hàng thủy sản hàng năm.
Bảng 2: Cơ cấu thị trường xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam năm 2022
Đơn vị: Tỷ USD
TT
|
Thị trường
|
Điện thoại các loại và linh kiện
|
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện
|
Dệt may
|
Giày dép
|
Gỗ và sản phẩm gỗ
|
Thủy sản
|
1
|
Hoa Kỳ
|
11,88
|
15,94
|
17,37
|
9,62
|
8,66
|
2,13
|
2
|
Trung Quốc
|
16,26
|
11,88
|
1,20
|
1,71
|
2,15
|
1,57
|
3
|
Hàn Quốc
|
5,05
|
3,38
|
3,31
|
0,65
|
1,02
|
0,95
|
4
|
Nhật Bản
|
0,99
|
1,14
|
4,08
|
1,09
|
1,89
|
1,71
|
5
|
Đức
|
1,16
|
0,69
|
1,07
|
1,29
|
0,13
|
0,25
|
6
|
Ấn Độ
|
1,52
|
1,03
|
0,16
|
0,22
|
0,03
|
0,03
|
7
|
Canada
|
0,94
|
0,52
|
1,33
|
0,61
|
0,24
|
0,37
|
8
|
Thái Lan
|
1,01
|
0,53
|
0,24
|
0,07
|
0,07
|
0,33
|
Nguồn: Tổng cục Hải quan 2023
3. Một số giải pháp thúc đẩy các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam
3.1. Phát triển nguồn cung nguyên vật liệu
Cần phát triển nguồn cung nguyên vật liệu sản xuất các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như điện thoại và linh kiện, máy vi tinh, sản phẩm điện tử và linh kiện, dệt may, giày dép…, tập trung sản xuất nguồn nguyên liệu để từng bước giảm nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. Hiện nay, việc phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu và chủ yếu là sản xuất gia công là một thách thức lớn đối với phát triển xuất khẩu các mặt hàng chủ lực. Các doanh nghiệp cần phải chủ động sản xuất được nguyên liệu thì mới đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật, quy tắc xuất xứ, nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu và tận dụng được những ưu đãi về thuế, nhất là khi tham gia các hiệp định thương mại tự do.
Nếu các doanh nghiệp trong nước không chủ động về nguồn cung thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư vào sản xuất nguyên liệu và các doanh nghiệp trong nước sẽ mất đi lợi thế và khó tận dụng được những cơ hội mang lại.
Ngoài việc chủ động trong việc sản xuất nguyên vật liệu, các doanh nghiệp cần có cả những phương án nhập khẩu nguyên liệu từ các nước khác để đáp ứng nhu cầu về nguồn nguyên liệu sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Sau khi đã chủ động được nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào, từng doanh nghiệp cần phải có chiến lược tạo ra một nguồn cung ổn định và có tính cạnh tranh. Nguồn cung ổn định sẽ cung cấp nguyên vật liệu đủ cho sản xuất và giúp doanh nghiệp giữ được tiến độ trong các đơn đặt hàng. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu chất lượng sẽ giúp nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
3.2. Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu
Các doanh nghiệp cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu như điện thoại, máy vi tính thể hiện qua chất lượng, giá cả có sức cạnh tranh cao hơn so với các sản phẩm cùng loại khác trên thị trường. Luôn phải nâng cao chất lượng thông qua việc cải tiến sản phẩm, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. Ngoài ra, người tiêu dùng tại các nước khác nhau về văn hóa, phong tục, tập quán, tôn giáo, khác nhau về địa lý, khí hậu, giới tính, tuổi tác nên các mặt hàng, nhóm hàng xuất khẩu như dệt may, giày dép cần đa dạng và phải thường xuyên thay đổi mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc, chất liệu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng khác nhau. Yếu tố về tiêu chuẩn kỹ thuật, quy cách sản phẩm cũng tạo nên chất lượng cho các mặt hàng xuất khẩu.
Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực còn thông qua việc nâng cao trình độ công nghệ, trình độ lao động trong quá trình sản xuất, xuất khẩu. Từ đó còn làm giảm chi phí sản xuất, tạo ra giá cả có tính cạnh tranh.
3.3. Phát triển thị trường xuất khẩu
Cần mở rộng đến các thị trường xuất khẩu có tiềm năng trong khu vực và thế giới. Ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống, các doanh nghiệp cần thâm nhập vào các thị trường mới hoặc mở rộng thị phần tại các thị trường đã có. Các doanh nghiệp cũng cần năng động tìm kiếm thị trường ngách có lợi thế, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến tại các thị trường nước ngoài.
Cần có sự chủ động trong việc tìm kiếm thông tin, chủ động trong việc tiếp cận thị trường, thay đổi cơ cấu thị trường xuất khẩu sao cho phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp. Từ đó nâng cao năng lực tự chủ trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu.
3.4. Xây dựng và phát triển thương hiệu
Các doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình và nâng cao giá trị hàng xuất khẩu. Xu hướng tiêu dùng trên thế giới hiện nay là người mua luôn hướng đến những sản phẩm có thương hiệu, uy tín trên thị trường. Do vậy mục tiêu hướng đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, cho doanh nghiệp là cần thiết. Ngoài ra khi xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm xuất khẩu, doanh nghiệp cũng dễ xâm nhập và có sức sống lâu bền trên thị trường trong nước cũng như thế giới. Đây là khâu quan trọng để các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như dệt may, giày dép, gỗ, thủy sản…
3.5. Phát triển nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu là yếu tố rất quan trọng trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng chủ lực. Trình độ tay nghề của đội ngũ nhân công sẽ quyết định tới chất lượng của sản phẩm, hiệu quả trong sản xuất và xuất khẩu. Nếu nguồn nhân công có trình độ tay nghề cao, được đào tạo đúng với chuyên ngành, phù hợp với những công việc được giao ở từng khâu trong quá trình sản xuất và xuất khẩu thì sẽ đạt năng suất cao, chất lượng, tạo ra hiệu quả tối ưu trong sản xuất.
Doanh nghiệp cần chú trọng phát triển và quản trị nguồn nhân lực hiệu quả, có sự liên kết với các cơ sở đào tạo trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Phát triển nguồn nhân lực thể hiện qua chất lượng đào tạo về kỹ thuật, công nghệ nhất là trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ về công nghệ số như hiện nay, ngoài ra cần có kỹ năng mềm trong lĩnh vực quản trị, phát triển sản phẩm, thiết kế và nghiên cứu thị trường. Người lao động cũng phải được đào tạo về kỹ năng sống, phong cách làm việc năng suất, chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa doanh nghiệp với đội ngũ lao động cũng sẽ tạo ra môi trường làm việc hiệu quả, bền vững và tác động đến quá trình phát triển nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu./.
TS. Trần Thị Thu Hiền
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT