NGHIÊN CỨU

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Nghiên cứu

Biến đổi khí hậu và Thương mại

25/11/2022

Trong vòng 200 năm trở lại đây, đặc biệt là trong mấy chục năm vừa qua khi công nghiệp hoá phát triển, nhân loại bắt đầu khai thác than đá, dầu lửa, sử dụng các nhiên liệu hoá thạch...Cùng với các hoạt động công nghiệp tăng lên, nhân loại bắt đầu thải vào bầu khí quyển một lượng khí CO2, nitơ ôxít, mêtan...khiến cho nhiệt độ bề mặt Trái đất nóng lên. Hầu hết giới khoa học đều công nhận biến đổi khí hậu là do nồng độ của khí hiệu ứng nhà kính  tăng lên trong khí quyển ở mức độ cao. Bản thân nó đã làm cho Trái đất ấm lên, nhiệt độ bề mặt Trái đất nóng lên, nhiệt độ nóng lên này đã tạo ra các biến đổi trong các vấn đề thời tiết hiện nay. Bài viết tập trung đánh giá tác động của biến đổi khí hậu tới thương mại.

Biến đổi khí hậu và những tác động

Kết quả của sự của sự trao đổi không cân bằng về năng lượng giữa trái đất với không gian xung quanh, dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ của khí quyển trái đất. Hiện tượng này diễn ra theo cơ chế tương tự như nhà kính trồng cây và được gọi là "Hiệu ứng nhà kính". Nhờ hiệu ứng nhà kính mà nhiệt độ trung bình của bề mặt trái đất theo quan trắc là 15oC. Nếu không có hiệu ứng này xảy ra thì theo tính toán, nhiệt độ trung bình bề mặt trái đất sẽ là -18 oC. Như vậy có thể nói rằng hiệu ứng nhà kính không hoàn toàn bất lợi. Vì hoạt động của con người làm phát thải khí nhà kính tăng, dẫn đến xuất hiện hiệu ứng nhà kính tăng cường. Điều này sẽ làm nhiệt độ bề mặt trái đất tăng, gây nên biến đổi khí hậu (BĐKH).

Biến đổi khí hậu Trái Đất là sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thuỷ quyển, sinh quyển, thạch quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo trong một giai đoạn nhất định từ tính bằng thập kỷ hay hàng triệu năm. Sự biển đổi có thế là thay đổi thời tiết bình quân hay thay đổi sự phân bố các sự kiện thời tiết quanh một mức trung bình. Sự BĐKH có thế giới hạn trong một vùng nhất định hay có thế xuất hiện trên toàn địa cầu. Trong những năm gần đây, đặc biệt trong ngữ cảnh chính sách môi trường, BĐKH thường đề cập tới sự thay đổi khí hậu hiện nay, được gọi chung bằng hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nguyên nhân chính làm BĐKH trái đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ và bể chứa khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác.

Hầu hết giới khoa học đều công nhận BĐKH là do nồng độ của khí hiệu ứng nhà kính tăng lên trong khí quyển ở mức độ cao. Bản thân nó đã làm cho Trái đất ấm lên, nhiệt độ bề mặt Trái đất nóng lên, nhiệt độ nóng lên này đã tạo ra các biến đổi trong các vấn đề thời tiết hiện nay. Theo báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc, nguyên nhân của hiện tượng BĐKH 90% do con người gây ra và 10% là do tự nhiên. Hiện nay, nhiệt độ trung bình đã tăng lên tới 0,3 - 0,4 độ C trong mấy chục năm vừa qua và hiện đang có xu hướng tăng tiếp.

Theo các mô hình nghiên cứu, trong thế kỷ 21 nhiệt độ trung bình của Trái đất có thể tăng từ 1,1 - 6 độ C, khả năng xảy ra từ 1,8 - 4 độ C tùy theo sự phát thải hiệu ứng nhà kính cắt giảm đến mức độ nào để làm giảm bớt các khí CO2 và các khí khác gây hiệu ứng nhà kính. Nếu như ngay từ lúc này, nhân loại  dừng phát thải khí nhà kính thì nhiệt độ bề mặt Trái đất vẫn tiếp tục nóng lên, nước biển vẫn tiếp tục dâng lên trong vòng 50 năm nữa. Mực nước biển dâng lên từ 28 - 43 cm. Nhưng có thể mực nước biển này còn cao hơn nữa tùy theo sự phát thải của hiệu ứng nhà kính và tác động của con người gây ra.

Vùng chịu ảnh hưởng của BĐKH lớn nhất của Trái đất là Bắc cực và Nam cực, hai nơi này nhiệt độ tăng lên nhanh nhất, sau đó đến các vùng núi cao như Himalaya, Tây Tạng... Theo nghiên cứu những vùng lạnh nhất có nhiệt độ tăng lên nhanh nhất. Trái đất có 7 tỷ người và hiện giờ, có đến hơn một nửa số người này sống ở vùng duyên hải của Trái đất trong phạm vi 100 km trở lại vùng bờ biển. Khi nước biển dâng lên làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng tỷ người.

Biến đổi khí hậu là nguy cơ chung cho đời sống nhân loại. Hiện tượng BĐKH đang diễn  ra, còn mức độ nghiêm trọng đến đâu là hoàn toàn do con người quyết định. Báo cáo của Ủy ban liên chính phủ IPCC về BĐKH (IPCC, thuộc Liên Hợp Quốc) dựa trên 29.000 dẫn chứng và các mô hình nghiên cứu bằng máy tính cảnh báo tình trạng Trái đất nóng lên là “rõ ràng” và “các nước nghèo sẽ chịu ảnh hưởng trước tiên”. Đây là báo cáo thứ tư trong lịch sử 20 năm của IPCC, tổ chức vừa nhận giải Nobel hòa bình 2007 cùng với cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore.  Bản báo cáo nói trên được coi là ảm đạm nhất từ trước tới nay với lời cảnh báo rằng, tác động của tình trạng ấm lên trên toàn cầu là "bất ngờ và không thể đảo ngược", đồng thời không loại trừ bất cứ quốc gia nào. Ông Ban Ki Mun - Nguyên Tổng thư ký LHQ nhận xét : Bản báo cáo lịch sử này sẽ giúp tạo ra bước đột phá trong nỗ lực đối phó với tình trạng BĐKH.

Báo cáo Phát triển con người cũng đã dành nội dung chủ yếu cho BĐKH, vấn đề được ghi nhận là "tình huống khẩn cấp" của một cuộc khủng hoảng gắn liền với hôm nay và mai sau. Đứng thứ hạng cao về khả năng dễ bị tổn thương do tác động của BĐKH, Việt Nam đã được Liên hợp quốc chọn là quốc gia để tiến hành nghiên cứu điển hình về BĐKH và phát triển con người.

Các nhà khoa học cho rằng để chăn chặn thảm họa BĐKH, nhiệt độ không được phép tăng hơn 2 độ C. Các nước giàu chỉ chiếm 20% dân số thế giới, nhưng thải tới 80% lượng khí thải toàn cầu.Theo Nghị định thư Kyoto, họ đã đồng ý cắt giảm lượng khí thải xuống ít nhất 5% dưới mức năm 1990 vào năm 2012. Cho đến nay, các nước giàu nói chung đã chấp nhận cam kết từ nay đến năm 2020 giảm từ 11% đến 15% lượng khí thải khí nhà kính của họ so với mức của năm 1990. Liên minh châu Âu hứa sẽ đơn phương giảm 20% lượng khí thải trong khu vực, thậm chí giảm 30% nếu những nước khác làm theo gương của họ… Tuy nhiên, lời hứa vẫn chỉ là lời hứa.

Theo ước tính, chỉ trong vòng 10 năm -15 năm nữa, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ vượt ngưỡng cho phép để có thể duy trì tình trạng ấm lên ở mức "chấp nhận được" như hiện nay. Một số ý kiến cho rằng, ngay cả khi lượng khí CO2 trong khí quyển dừng lại ở mức như hiện nay thì mực nước biển vẫn sẽ tăng từ 0,4m - 1,4m. Theo Phờ-len-nơ-ry - tác giả cuốn sách "Những người dự báo thời tiết" thì dữ liệu khoa học mới cho thấy, lượng các-bon đi-ô-xít và các khí thải gây hiệu ứng nhà kính khác đã đạt khoảng 455 phần trên một triệu vào giữa năm 2005, vượt so với nhiều tính toán khoa học trước đó.

Theo nghiên cứu, nhiệt độ của đại dương năm 2019 cao hơn 0,0750C so với nhiệt độ trung bình giai đoạn 1981-2010. Điều này đồng nghĩa với việc Trái Đất đã hấp thụ 228 Zetta Joules năng lượng trong những thập kỷ gần đây. Trưởng nhóm nghiên cứu Cheng Lijing, Phó Giáo sư Trung tâm Khí hậu và khoa học môi trường quốc tế của Viện Vật lý khí quyển (IAP), đánh giá lượng nhiệt mà con người đã thải ra đại dương trong 25 năm qua tương đương với 3,6 tỉ vụ nổ bom nguyên tử Hiroshima.

Năm 1992 tại Rio de Janeiro - Brazil, Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về môi trường và phát triển đã đưa ra Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), đến nay đã có 197 các Bên tham gia với mục tiêu cao cả là giữ cho nhiệt độ khí quyển của Trái Đất tăng không quá 20C vào cuối Thế kỷ 21.

Năm 2015, COP21 tại Paris đã đạt được một bước tiến mới trong đàm phán về biến đổi khí hậu toàn cầu đó là tất cả các Bên đã thông qua Thỏa thuận Paris với mục tiêu và cam kết cụ thể giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho giai đoạn từ 2021 - 2030. Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đặt mục tiêu giảm mức tăng nhiệt độ của Trái đất ở mức 1,5-20C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, do đại dương có khả năng hấp thụ nhiệt cao hơn hẳn so với khí quyển, các nhà khoa học tin rằng nó sẽ tiếp tục ấm lên kể cả khi con người có thể giảm khí thải theo mục tiêu của Hiệp định Paris.

Tốc độ thay đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn so với dự đoán của giới khoa học và tình trạng đó có thể gây nên những hậu quả đáng sợ sau nửa thập kỷ nữa - Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) dự báo.Theo WWF, những thảm họa thời tiết, chẳng hạn như mùa hè kinh khủng từng giết chết 35 nghìn người ở châu Âu trong năm 2003, sẽ xảy ra thường xuyên hơn. WWF nhận thấy Bắc Băng Dương có thể hết băng sớm hơn ít nhất 30 năm so với dự báo của IPCC. Nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn, trong vòng 5 năm nữa chúng ta sẽ không nhìn thấy băng ở Bắc Cực vào mùa hè - điều chưa từng xảy ra trong hơn một triệu năm qua. Hiện tượng đó có thể mở màn cho một giai đoạn mà trong đó, các thay đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng và bất ngờ, chứ không chậm và đều như hiện nay. Báo cáo của WWF mang tên "Thay đổi khí hậu: Nhanh hơn, mạnh hơn và sớm hơn" cũng cho rằng, tình trạng mùa màng thất bát, lũ lụt ở Bắc Âu và hạn hán kéo dài ở Địa Trung Hải sẽ xảy ra thường xuyên. Số lượng và cường độ những cơn lốc xoáy tại Anh và nhiều nơi khác sẽ tăng lên.

Chỉ với việc tăng thêm 10C so với thời kỳ tiền công nghiệp, BĐKH đã khiến Trái Đất phải trải qua hàng loạt thảm họa như hạn hán, siêu bão, lũ lụt, cháy rừng. Biến đổi khí hậu làm cho tần suất, cường độ cực đoan của khí hậu tăng lên rất nhiều.

Năm 2019, Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH của Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng vào cuối thế kỷ này, hàng chục triệu người có thể phải di dời khỏi các vùng ven biển do tình trạng xâm thực. Biến đổi khí hậu có thể khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại 7.900 tỷ USD vào năm 2050 do hạn hán, lũ lụt và các vụ mùa thất thu ngày càng gia tăng làm cản trở tốc độ tăng trưởng và đe dọa hạ tầng cơ sở. Dự báo được đưa ra trong một báo cáo phân tích công bố ngày 19/11/2019, dựa trên chỉ số ứng phó BĐKH của Cơ quan Tình báo kinh tế (EIU) tính tới hoạt động chuẩn bị ứng phó của 82 nền kinh tế lớn nhất thế giới.Theo báo cáo, căn cứ vào xu hướng nhiệt độ toàn cầu ấm lên như hiện nay, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2050 sẽ giảm 3%.

Khi nhiệt độ toàn cầu ấm lên sẽ tạo điều kiện cho dịch bệnh cũ và dịch bệnh mới phát triển mà con người khó có thể kiểm soát được.Trong báo cáo gần đây của IPPC đã khẳng định dưới tác động của nhiệt, các căn bệnh đã gia tăng như: sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não (truyền qua muỗi); các bệnh đường ruột (qua môi trường nước), các bệnh suy dinh dưỡng, bệnh phổi... Những bệnh này đặc biệt ảnh hưởng lớn đến các vùng kinh tế kém phát triển, đông dân và có tỷ lệ đói nghèo cao. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: BĐKH làm tăng tỷ lệ bệnh sốt rét, tiêu chảy và suy dinh dưỡng. Trong 15 năm trở lại đây, thiên tai đã làm chết và mất tích hơn 10.711 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm đến 1,5% GDP/năm.Dự báo mỗi năm BĐKH sẽ làm khoảng 150.000 người chết và 5 triệu người ốm.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Biến Đổi Khí Hậu Thiên Nhiên có trụ sở tại London (Anh) cho thấy nhiệt độ và độ ẩm không khí tăng cao ở những tháng nóng nhất khiến năng suất lao động giảm 10%. Nghiên cứu cũng cảnh báo nếu hiện tượng nóng dần lên của Trái đất cứ tăng đều, đến năm 2050 khả năng duy trì hiệu quả làm việc của con người trong các công việc ngoài trời sẽ giảm 20%. Nghiên cứu được thực hiện bằng mô hình máy tính mô phỏng tác động của nhiệt độ, độ ẩm đến con người khi tham gia lao động.

Mối quan hệ, tác động qua lại giữa biến đổi khí hậu và thương mại

Hơn nửa thế kỷ qua, đã chứng kiến sự phát triển chưa từng có của nền thương mại toàn cầu.Về mặt khối lượng, thương mại thế giới đã tăng hơn 32 lần so với năm 1950. Cùng một so sánh, tổng thu nhập quốc nội của thế giới (GDP) chỉ tăng chưa đến 8 lần kể từ thời gian đó. Điều này cho thấy, lưu lượng thương mại giữa các quốc gia đã và đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ, kết quả từ quá trình tự do hóa thương mại toàn cầu. Cũng trong thời gian đó, thế giới phải chứng kiến sự nóng lên một cách bất thường của trái đất. Các lục địa đều trải qua tình trạng ấm lên, nhiệt độ trung bình của trái đất tăng 0,6 độ C trong 50 qua. Mực nước biển tăng thêm 3 cm kể từ năm 1993, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trung bình của thế kỷ 20. Kéo theo đó là sự gia tăng về thiên tai bão lũ, cả về tần suất và mức độ tàn phá, nhấn chìm các vùng lục địa thấp.  Những câu hỏi được đặt ra là :

i. Thương mại và BĐKH có mối quan hệ thế nào?

ii. Liệu thương mại và tự do hóa thương mại có phải là nguyên nhân làm gia tăng khí thải nhà kính?

iii. Các lĩnh vực, ngành hàng nào tác động mạnh nhất đến BĐKH?

iv. Biến đổi khí hậu, ngược lại sẽ có những tác động như thế nào đối với thương mại; lĩnh vực thương mại nào sẽ chịu tác động lớn nhất?

v. Làm sao để hài hòa giữa mục tiêu phát triển thương mại, tự do hóa thương mại với giảm thiểu các mối nguy về sự gia tăng khí thải nhà kính?

Mối quan hệ tác động qua lại giữa thương mại và BĐKH cần được xem xét dựa trên mối quan hệ của các loại hình hoạt động thương mại có tác động, ảnh hưởng đến việc tăng hoặc giảm lượng phát thải các loại khí nhà kính cũng như những tác động của việc tăng/giảm khí nhà kính đối với các lĩnh vực hoạt động thương mại. Đồng thời mối quan hệ này cũng phải được xem xét và nhìn nhận dựa trên các cấp độ của mối quan hệ.Theo đó :

-  Cấp độ quốc tế

Trong những thập kỷ gần đây chúng ta dễ dàng nhận thấy sự phối hợp quốc tế để xử lý các vấn đề môi trường toàn cầu và đẩy nhanh tự do hoá thương mại.Các hiệp định thương mại và hiệp định/công ước môi trường đa biên chủ yếu tập trung vào các vấn đề môi trường toàn cầu cấp bách hiện nay như BĐKH, phá huỷ tầng ôzôn, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ sức khoẻ người và động vật cũng như tạo ra môi trường thuận lợi cho tăng trưởng thương mại, hạn chế đến mức tối đa việc tạo ra các rào cản trong thương mại, những nguyên tắc trái với những quy định của WTO cũng như các Hiệp định đa phương. Như vậy các chính sách thương mại đa biên tạo thuận lợi cho quá trình tự do hoá phải tính đến lợi ích môi trường toàn cầu và không được tạo ra rào cản không cần thiết cho tự do thương mại và bất bình đẳng giữa các quốc gia trong việc chia sẻ lợi ích do thương mại mang lại. Ngược lại, các chính sách môi trường đa biên với mục đích cuối cùng là bảo vệ môi trường toàn cầu, hạn chế các hoạt động kinh tế và thương mại có tính huỷ diệt môi trường, làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu, điều hoà lợi ích trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, không được tạo ra những cản trở không cần thiết cho quá trình tự do hoá thương mại, làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

- Cấp độ quốc gia

Quan điểm về tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường trong từng giai đoạn nhất định và ở các nước có trình độ phát triển khác nhau thường không giống nhau.Tuy nhiên có thể nhận thấy rằng,xu hướng tự do hoá thương mại đang là sức ép đối với các nước, nhất là các nước đang công nghiệp hoá trong việc giải quyết hài hoà giữa kinh tế, môi trường và BĐKH. Quá trình này khuyến khích sự khai thác nhanh hơn và sử dụng ngày càng nhiều hơn nguồn tài nguyên để đạt được hiệu quả kinh tế (Tự do hóa thương mại có xu hướng làm tăng các hoạt động kinh tế. Điều đó có nghĩa là sẽ có nhiều hơn nữa nguyên liệu, năng lượng được sử dụng vào các hoạt động kinh tế. Đó chính là “tác động tăng trưởng” của tự do hóa thương mại. Sự gia tăng này là cần thiết, song không nhất thiết phải duy trì thường xuyên. Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, nếu năng lượng đầu vào cho mỗi đơn vị sản phẩm giảm theo thời gian, thì việc mở rộng sản lượng đầu ra không dẫn tới sự gia tăng tiêu dùng năng lượng).Chính vì vậy, việc thực thi các quy định về môi trường còn gặp phải rất nhiều trở ngại do nhận thức khác nhau giữa những người làm công tác thương mại và những người làm công tác môi trường.Thực tế cho thấy,ở các quốc gia đang phát triển, người ta dành nhiều ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trong ngắn hạn. Chính vì vậy, trong chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề lồng ghép các mục tiêu kinh tế và mục tiêu môi trường thường bị xem nhẹ, sự phối hợp trong việc đề ra chính sách thương mại và chính sách môi trường chưa được coi trọng đúng mức. Phần lớn các nước vẫn bị ảnh hưởng của quan điểm trước đây về phát triển bền vững là phải đạt được tăng trưởng về kinh tế và trên cơ sở đó mới giải quyết các vấn đề về môi trường.

- Cấp độ doanh nghiệp và sản phẩm

Những xung đột giữa chính sách thương mại và chính sách môi trường thể hiện rõ nét nhất ở cấp độ này. Ở cấp độ sản phẩm hàng hoá, đó là mâu thuẫn về giá cả giữa những sản phẩm hàng hoá mà trong giá thành của nó có chứa các các chi phí môi trường với các sản phẩm bỏ qua chi phí này (sự bóp méo về giá cả). Cấp độ doanh nghiệp, đó là mâu thuẫn giữa những doanh nghiệp chấp hành các quy định môi trường trong quá trình sản xuất và kinh doanh với các doanh nghiệp khác. Các lý thuyết về kinh tế môi trường đã chứng minh rằng việc bỏ qua các chi phí về môi trường trong sản xuất sẽ làm xuất hiện ngoại ứng tiêu cực (Ngoại ứng xảy ra khi giá cả thị trường không phản ánh hoạt động của những người sản xuất hay của những người tiêu dùng. Ngoại ứng tiêu cực nảy sinh khi hoạt động của một bên áp đặt những chi phí cho bên khác. Ngoại ứng tích cực xuất hiện khi hoạt động của một bên làm lợi cho bên khác. Ngoại ứng tiêu cực trong kinh tế môi trường là những ngoại ứng xuất hiện khi giá cả sản phẩm không tính đến các chi phí môi trường của nó làm thiệt hại kinh tế đối với các hàng hoá khác và không bù đắp chi phí xã hội dể phục hồi trạng thái môi trường do sử dụng những chi phí đó) và kết quả là thiệt hại chung cho xã hội, cả người sản xuất và người tiêu dùng. Việc không tính đến các chi phí về môi trường và tuân thủ nhưng quy định về môi trường giúp doanh nghiệp có được lợi thế trong cạnh tranh.Chính vì vậy, xu hướng chung là các doanh nghiệp đều tìm mọi cách để bỏ qua các chí phí môi trường và những quy định về môi trường của Chính phủ. Điều này cũng lý giải một tình trạng khá phổ biến ở các nước đang phát triển là những quy định pháp luật về môi trường không được tuân thủ và thực hiện một cách triệt để (Banerjee,1998).

Mối quan hệ tác động qua lại giữa thương mại và BĐKH cũng có thể được tiếp cận theo hướng  xem xét, đánh giá: tác động của quy mô (nghĩa là phát khí thải hiệu ứng nhà kính tăng lên khi gia tăng các hoạt động thương mại); tác động của cơ cấu (nghĩa là phương thức mở cửa thương mại và ảnh hưởng của nó đến giá cả, quy mô của nền sản xuất trong một nước, làm thay đổi cơ cấu sản xuất và ngành hàng - xuất phát điểm của các tác động tích cực hay tiêu cực tới phát thải khí nhà kính); và tác động của công nghệ (nghĩa là phương thức mà việc cải tiến công nghệ áp dụng để giảm mức phát thải khi sản xuất, cung ứng hàng hóa và dịch vụ cho thị trường). Theo đó :

- Tác động của quy mô

Thương mại quốc tế ngày nay mang tính toàn cầu. Do đặc tính này mà thương mại có thể mở rộng quy mô của sản xuất thông qua sử dụng các phương pháp sản xuất ngày càng hiệu quả, sản xuất nhiều hàng hoá hơn trên cùng một đơn vị lao động, tài nguyên và công nghệ. Như vậy thương mại góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Tăng quy mô thương mại cũng làm tăng nhu cầu bảo vệ môi trường sống của con người. Tuy nhiên, sự gia tăng quy mô sản xuất do tác động của thương mại tự do cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Một mặt, hoạt động này làm tăng các yếu tố đầu vào, khuyến khích khai thác và sử dụng ngày càng nhiều các nguồn tài nguyên, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Mặt khác, quy mô thương mại và sản xuất gia tăng sẽ làm tăng chất thải ô nhiễm từ hoạt động sản xuất và tiêu dùng; mở rộng sản xuất phục vụ thương mại theo đó làm tăng nhu cầu sử dụng năng lượng do vậy dẫn tới sự phát thải khí nhà kính ở mức độ cao hơn. Điều này có thể thấy rất rõ về tình trạng rác thải và chất phát thải gây hiệu ứng nhà kính ở các nước phát triển.

- Tác động của cơ cấu

Tác động của cơ cấu xét đến biện pháp mà mở cửa thị trường làm thay đổi thị phần sản xuất mà một nước nắm giữ đối với việc thay đổi giá cả do mở rộng hay thu hẹp một lĩnh vực này hay các lĩnh vực khác theo nguyên tắc lợi thế so sánh.Việc tăng hay giảm phát khí thải hiệu ứng nhà kính sẽ tùy thuộc vào các lĩnh vực đó được mở hay thu hẹp ra sao. Những thay đổi trong cơ cấu sản xuất của một nước tự do hóa sẽ tùy thuộc vào lợi thế tương đối của nước đó ở đâu (về nguồn lực và năng lực): nếu lợi ích trong các lĩnh vực làm phát ra ít khí thải hơn thì mở cửa thương mại sẽ dẫn đến giảm phát khí thải hiệu ứng nhà kính,tuy nhiên, nếu lĩnh vực đó làm phát nhiều khí thải hơn thì tự do hóa sẽ làm phát ra nhiều khí thải hiệu ứng nhà kính hơn.

- Tác động của công nghệ

Tác động của yếu tố công nghệ nhấn mạnh đến các phương thức mà hàng hóa và dịch vụ được tạo ra để số lượng khí thải giảm bớt trong quá trình sản xuất.

Việc mở cửa thị trường có thể dẫn đến những cải tiến trong việc sử dụng năng lượng một cách hiệu quả hơn - ảnh hưởng mang tính kỹ thuật - để sản xuất ra những hàng hóa và dịch vụ phát thải khí nhà kính ít hơn thông qua cách thức sau: Trước tiên, tự do hóa thương mại sẽ làm tăng tính hữu dụng và giảm giá thành của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, công nghệ thân thiện với môi trường. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển nơi mà khả năng tiếp cận nhóm sản phẩm này còn hạn chế. Thứ hai, tăng thu nhập do thương mại mang lại có thể dẫn đến những yêu cầu về chất lượng môi trường tốt hơn từ xã hội, nói cách khác điều này sẽ làm giảm ảnh hưởng, tác động đến BĐKH.

Biến đổi khí hậu tác động đối với thương mại và quá trình tự do hóa thương mại thông qua các kênh chủ yếu sau :

- Thứ nhất, BĐKH làm thay đổi cơ cấu hàng hóa, qua đó khuyến khích việc phát triển các loại hàng hóa thay thế các hàng hóa có ảnh hưởng đến khí thải nhà kính, khuyến khích chuyển giao công nghệ thân thiện môi trường, thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ thân môi trường…. làm xuất hiện các mặt hàng mới, thị trường mới - mặt hàng, thị trường thời BĐKH;  cách thức "buôn bán" mới, buôn bán quyền phát thải.

- Thứ hai, BĐKH, gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động thương mại gần gũi và có mức độ nhạy cảm lớn đối với khí hậu như nông - lâm - thủy sản do các tác động đến  diện tích, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt.

- Thứ ba, BĐKH sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động thương mại của ngành công nghiệp toàn cầu - đối tượng chủ yếu gây ra khí nhà kính, thông qua việc thực thi các cam kết về giảm nhẹ khí thải nhà kính.

- Thứ tư, BĐKH ảnh hưởng lớn đối với các hoạt động thương mại dịch vụ, đặc biệt là các hoạt động du lịch sử dụng các tài nguyên biển, sông, hồ...    

- Thứ năm, BĐKH sẽ là nhân tố quan trọng làm cho quá trình tự do hóa diễn ra nhanh hay chậm thông qua các chính sách môi trường hay chính sách thương mại vì mục đích môi trường, có thể gây ra các cản trở đến hoạt động thương mại như các chính sách trợ cấp trong nông nghiệp hay các rào cản môi trường trong thương mại quốc tế;

- Thứ sáu, BĐKH sẽ khiến các nước gia tăng các rào cản kỹ thuật và các rào cản khác nhằm hạn chế xuất, nhập khẩu các loại hàng hóa, thiết bị, công nghệ... có nguy cơ phát thải khí nhà kính cao…

Mối quan hệ, tác động qua lại giữa BĐKH và thương mại không diễn ra một cách trực tiếp, mà thường có ảnh hưởng gián tiếp. Theo đó có thể xuất hiện các kiểu (phương thức) tác động chủ yếu sau:

- Trước hết, BĐKH có thể làm thay đổi lợi thế so sánh của các quốc gia và dẫn đến sự chuyển dịch cơ cấu  thương mại quốc tế. Tác động này sẽ trở nên mạnh hơn tại các quốc gia - nơi mà lợi thế so sánh bắt nguồn từ các nguyên nhân do khí hậu hay địa vật lý. Các nước hay khu vực còn dựa nhiều vào nông nghiệp, có thể sẽ đối mặt với nguy cơ suy giảm sản lượng hàng nông sản xuất khẩu nếu khí hậu ấm lên trong tương lai và thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên hơn sẽ làm giảm năng suất mùa vụ. Tuy nhiên việc khí hậu nóng lên không phải luôn tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu, bởi vì nó lại có thể làm tăng năng suất nông nghiệp tại một số khu vực khác. Những tác động của BĐKH  không chỉ làm cản trở hoạt động thương mại hàng hóa mà còn tác động đến thương mại dịch vụ.

- Thứ hai, BĐKH có thể làm gia tăng khả năng tổn thương tới hoạt động cung cấp và chuỗi phân phối thương mại toàn cầu. Bản báo cáo đánh giá thứ tư của Ủy ban liên Chính phủ về BĐKH (IPCC) nhấn mạnh đến một số khả năng tổn thương như: Thời tiết khắc nghiệt (ví dụ bão tố) có thể làm các cảng biển tạm thời đóng cửa hay làm gián đoạn giao thông và làm hư hỏng cơ sở hạ tầng tối cần thiết cho thương mại. Cơ sở hạ tầng ven biển và các phương tiện phân phối dễ bị ảnh hưởng do ngập lụt. Vận chuyển hàng bằng đường thủy nội địa có thể bị gián đoạn do khô hạn. Gián đoạn trong hoạt động cung cấp, vận tải và chuỗi phân phối có thể làm tăng giá thành khi thực hiện các giao dịch thương mại. Trong khi việc tăng chi phí là điều bất lợi cho hoạt động thương mại nói chung, thì tại nhiều nước đang phát triển, việc tham gia ngày càng nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu, nguy cơ dễ bị tổn thương ngày càng tăng hơn so với các nước phát triển.

- Thứ ba, BĐKH, sẽ khiến các quốc gia thắt chặt hơn các quy định, tiêu chuẩn môi trường. Do vậy, sẽ làm hạn chế việc mở rộng quy mô thương mại đối với các lĩnh vực này. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ tạo ra các áp lực nhằm cải tiến công nghệ, thay đổi quy trình sản xuất theo hướng giảm thiểu phát thải khí nhà kính, qua đó, có lợi cho sự phát triển khoa học công nghệ, gián tiếp phát triển thương mại.

Một số dự báo

Đứng thứ hạng cao về khả năng dễ bị tổn thương do tác động của BĐKH,Việt Nam đã được Liên Hợp Quốc chọn là quốc gia để tiến hành nghiên cứu điển hình về BĐKH và phát triển con người.

Biến đổi khí hậu tác động đến thương mại Việt Nam, rõ nét nhất sẽ tập trung vào các lĩnh vực hoạt động như xuất khẩu nông sản hàng hóa, thương mại nội địa, thương mại dịch vụ (kho cảng, bến bãi…) hay kết cấu hạ tầng thương mại sẽ là những đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó:

- Kim ngạch xuất khẩu có nguy cơ suy giảm do suy giảm sản lượng, đặc biệt tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam như hàng hóa nông sản, thủy sản, khoáng sản…

- Hoạt động nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu các máy móc thiết bị hay nguyên liệu cho sản xuất tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng bởi sự thắt chặt các quy định về tiêu chuẩn khí thải

- Hoạt động thương mại nội địa, đặc biệt là các kết cấu hạ tầng thương mại như hệ thống cầu cảng, bến bãi, kho, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị… sẽ bị ảnh hưởng lớn do nước biển dâng, làm gia tăng các chi phí di dời, nâng cấp, sửa chữa, làm gia tăng các chi phí vận tải hàng hóa, dịch vụ.

- Hoạt động thương mại đối với các hàng hóa công nghiệp sẽ bị ảnh hưởng lớn, chủ yếu là các mặt hàng rất quan trọng trong bối cảnh hiện tại như xi măng, thép, nhiệt điện, than sẽ phải cắt giảm, đóng cửa hoặc phải nâng cao mức độ hiện đại gây ra tổn thất về chi phí đầu tư và làm tăng giá thành sản phẩm của công nghệ để giảm nhẹ phát thải…

- Bên cạnh những tác động do BĐKH mang lại, thương mại Việt Nam sẽ phải chịu những tác động khác do việc phải chấp nhận những cam kết về môi trường trong hoạt động thương mại, cả ở cấp độ trong nước và cấp độ quốc tế. Điều này thể hiện qua doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa sang các nước do các đòi hỏi cao hơn về mức độ đáp ứng các yêu cầu môi trường đối với các mặt hàng xuất khẩu…

Giải pháp cho lĩnh vực thương mại

1. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước:

- Tiến hành rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật (đặc biệt cần xem xét đối chiếu 2 bộ luật quan trọng là luật Thương mại và luật Bảo vệ môi trường), cũng như các chính sách, cơ chế quản lý hiện hành về thương mại (xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, quá cảnh, lưu thông trong nước....) có liên quan đến môi trường.Phối hợp với Tổng cục tiêu chuẩn và đo lường chất lượng, Bộ Tài Nguyên và Môi trường và một số Bộ/ngành khác trong việc xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn xuất, nhập khẩu các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ, công nghệ... có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Từng bước xây dựng các tiêu chuẩn môi trường và kỹ thuật nhằm ngăn ngừa ô nhiễm môi trường qua biên giới. Ban hành nghị định hướng dẫn về xử phạt hành chính thực hiện Luật Cạnh tranh và Luật Thương mại sửa đổi.

- Xây dựng cơ chế phối kết hợp giữa các bộ, ngành,Trung ương và địa phương, cơ chế quản lý các chương trình, dự án.

- Nâng cao năng lực thẩm định các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại của các cơ quan cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng, bao gồm cả năng lực thẩm định về tác động môi trường của dự án. Rà soát việc quy hoạch các hệ thống hạ tầng thương mại.

- Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư và báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình lập và thẩm định đánh giá tác động môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT).

- Về lâu dài, việc thường xuyên cập nhật thông tin phản hồi để hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hoạt động quản lý nhà nước về BVMT, góp phần tạo môi trường pháp lý cần thiết cho sự phối hợp giữa phát triển kinh tế, thương mại và bảo vệ môi trường. Nhiều quy định pháp luật liên quan đến môi trường như Bộ luật Hình sự..., thanh tra, kiểm tra cũng cần được nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

- Chủ động lập kế hoạch, phương án, chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật để ứng phó , khắc phục hậu quả do BĐKH gây nên.

- Tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác kiểm tra nguồn công nghệ và thiết bị nhập khẩu;

- Hoàn thiện các công cụ kinh tế để hạn chế tác động xấu đến môi trường, khuyến khích các hoạt động thương mại thân thiện môi trường như áp dụng các loại thuế, phí môi trường, áp dụng các chính sách ưu đãi như thuế nhập khẩu công nghệ thân thiện môi trường.

- Thực thi Chương trình quản lý và giám sát môi trường nhằm:

i) Thực hiện chương trình giám sát và đánh giá môi trường, bao gồm giám sát hiệu quả ĐMC và chất lượng môi trường.

ii) Điều chỉnh quy hoạch và các biện pháp giảm thiểu tác động xấu của quy hoạch đến môi trường.

iii) Thực hiện truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cho các đối tượng có liên quan đến thực hiện các quy hoạch kết cấu hạ tầng thương mại.

iv) Các Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý các công trình, dự án hạ tầng thương mại trên địa bàn. Chỉ đạo công tác đánh giá tác động môi trường đối với từng dự án cơ sở hạ tầng thương mại trên địa bàn. Định kỳ báo cáo việc triển khai quy hoạch cho Bộ Công Thương.

2. Đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp.

Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường, BĐKH với các nội dung cơ bản:

- Biên soạn tài liệu, bài giảng về các vấn đề môi trường và BĐKH có liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp. Ra bản tin hàng tháng để cập nhật kịp thời những thông tin về các vấn đề môi trường, BĐKH  trong nước và quốc tế liên quan đến doanh nghiệp.

- Mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo , tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau đây:

Kinh nghiệm quản lý và xử lý các vấn đề môi trường, BĐKH trong thương mại quốc tế.

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin về các vấn đề môi trường trong hội nhập KTQT

- Phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến các thông tin có liên quan đến thương mại -  môi trường và BĐKH. Tập trung hoàn thiện, nâng cấp trang Web chạy trên mạng VINANET của Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại. Cơ sở dữ liệu thương mại - môi trường cần được nâng cấp và mở rộng để có thể bao chứa các module mới. Mục tiêu đặt ra là mỗi năm phải có ít nhất  một module mới.

3. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức.

- Tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý Trung ương và địa phương các kiến thức về thương mại và môi trường, kinh nghiệm xử lý các vấn đề môi trường và BĐKH  trong hoạt động thương mại…

- Đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng một đội ngũ báo cáo viên có  kiến thức và hiểu biết nhất định về các quy định, tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam và quốc tế, các kinh nghiệm về đối phó với các rào cản môi trường, BĐKH trong thương mại, vấn đề hạch toán môi trường trong kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với việc kinh doanh các sản phẩm hàng hoá thân thiện với môi trường…

4. Tiếp tục hoàn thiện các chính sách, cơ chế xuất nhập khẩu có liên quan đến môi trường và BĐKH.

Nhìn một cách tổng thể, trong những năm tới xuất khẩu sẽ tăng nhưng không quá đột biến. Do đó, hoạt động xuất khẩu cần phải nhanh chóng chuyển sang dựa vào các điểm tựa là các nhân tố năng suất, chất lượng, hiệu quả .

- Về chính sách xuất khẩu:

+ Có chính sách nhằm đa dạng hoá mặt hàng xuất khẩu, để vừa khai thác các tiềm năng vừa tránh được tình trạng khai thác quá mức một số loại tài nguyên, gây cạn kiệt.

+ Xây dựng chế tài kiểm soát xuất khẩu hàng lâm sản (gỗ và tài nguyên rừng), khoáng sản.... Khuyến khích xuất khẩu những hàng hoá sử dụng các loại lâm sản thông dụng, có khả năng tái tạo nhanh.

- Về chính sách nhập khẩu:

+ Nên sử dụng kết hợp thuế bảo vệ môi trường vào hệ thống thuế nhập khẩu. Việc áp dụng thuế bảo vệ môi trường đối với hàng nhập khẩu sẽ đạt được nhiều mục tiêu: bảo vệ môi trường, bảo hộ sản xuất, tăng thu ngân sách nhà nước… Điều này không trái với nguyên tắc của WTO, mà về một ý nghĩa nào đó còn được dư luận xã hội ủng hộ.

+ Khuyến khích nhập khẩu máy móc, thiết bị có công nghệ tiên tiến (kết hợp xem xét với yêu cầu của công nghệ xanh). Hạn chế nhập khẩu thiết bị, công nghệ trung gian. Đây là một chính sách quan trọng, nhằm ngăn chặn dòng thương mại và thiết bị - công nghệ cũ và lạc hậu đổ vào nước ta, và theo đó là sự tiêu tốn tài nguyên, phát thải các chất độc làm tổn hại đến môi trường sinh thái.

+ Thử nghiệm đấu giá các giấy phép nhậu khẩu đối với những hàng hoá gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái. Đây là chính sách cần thiết có tác động điều chỉnh trực tiếp đối với các sản phẩm gây hại đến môi trường, phát thải các chất gây hiệu ứng nhà kính, làm thủng tầng ô - zôn (như ô tô bốn chỗ ngồi, các hoá chất có gốc CFC,...), thông qua đó số tiền mà Nhà nước  thu được để lập quỹ bảo vệ môi trường.

Tài liệu tham khảo

1.“Glossary – Climate Change”. Education Center – Arctic Climatology and 2.Nguyễn Quang Huy , Cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu - Thách thức và cơ hội với ngành Công Thương, Bộ Công Thương 07/01/2020

3.Quy tắc thương mại quốc tế và biến đổi khí hậu. NXB Đại học sư phạm; Hà Nội - 2011.

4.Thủ tướng Chính phủ, 2004, Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/08/2004 của Thủ tướng Chính phủ ban hành định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam).

5.Thủ tướng Chính phủ, 2005, Quyết định số 34/2005/QĐ-TTg ngày 22/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW.

6.Trade and Climate Change. UNEP and WTO 9/2009. Meteorology. NSIDC National Snow and Ice Data Center.

Vũ Huy Hùng

Phòng Thông tin, Thư viện và Xúc tiến thương mại - VIOIT

BÀI VIẾT KHÁC