Vừa qua đại dịch Covid 19 đã tác động làm chậm lại quá trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh do cả nước phải tập trung vào chống dịch gây ra sự đứt gãy, gián đoạn quá trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Do vậy, việc cải thiện MTKD trở thành vấn đề cấp thiết hiện nay.
Trong ngày 03 tháng 3 năm 2022 đã diễn ra Hội nghị “Nghị quyết số 02/NQ-CP: Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” do Bộ Kế hoạch - Đầu tư và cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức. Hội nghị đã giới thiệu những nội dung trọng tâm của Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trao đổi bài học kinh nghiệm trong cải cách, cải thiện MTKD, thảo luận về các vấn đề của doanh nghiệp và các đề xuất, kiến nghị liên quan đến việc triển khai Nghị quyết.
Việc cải cách MTKD luôn là yếu tố thực sự quan trọng giúp thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch. Những năm qua, Chính phủ đưa ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể dựa theo các chỉ số như chỉ số năng lực toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) hay chỉ số xếp hạng phát triển bền vững của LHQ (UN). Các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực cải thiện MTKD nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Cải cách, cải thiện MTKD sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Các doanh nghiệp luôn mong muốn một MTKD thuận lợi, an toàn, giảm thiểu chi phí để mở rộng và phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, do bị tác động rất lớn từ đại dịch Covid 19 đang diễn ra nên Việt Nam đã bị tụt hạng trong một số các bảng xếp hạng năm 2021 so với năm 2020 như chỉ số đổi mới sáng tạo giảm 2 bậc từ vị trí 42 xuống vị trí 44, chỉ số phát triển bền vững giảm từ thứ hạng 49 xuống thứ hạng 51... Trong tình hình đó, cần đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy cải cách, cải thiện MTKD trên nguyên tắc vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội. Nhìn chung, cần phải chú trọng đến việc cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm các quy định kinh doanh, xóa bỏ các rào cản, tăng cường độ an toàn và quyền tự do kinh doanh cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp, hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các Hiệp hội doanh nghiệp để đưa ra các đề xuất về cải cách, cải thiện MTKD trong những ngành, lĩnh vực liên quan. Như vậy Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ thực sự quan trọng và có tác động lớn trong bối cảnh hiện nay.
TS. Trần Thị Thu Hiền
Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương - VIOIT