Sáng ngày 9/05/2025, tại hội trường tầng 2, trụ sở của Viện số 17 Yết Kiêu, Phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học với chủ đề “Kinh nghiệm thế giới về kết nối năng lượng”.
Hội thảo do TS. Nguyễn Quang Tuyển - Trưởng phòng Kế hoạch và Khoa học - Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương chủ trì. Tham dự Hội thảo còn có các chuyên gia, các nhà khoa học, lãnh đạo các Phòng, Ban của Viện và các đại biểu quan tâm đến dự.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các bài tham luận: “Cơ chế chính sách khuyến khích hợp tác năng lượng giữa các quốc gia trên thế giới” do bà Nguyễn Hồng Thơm - Phòng Nghiên cứu Năng lượng trình bày; “Kinh nghiệm từ Úc” do bà Trần Hải Anh - Cán bộ Chương trình năng lượng P4I Việt Nam (Chương trình quan hệ đối tác vì cơ sở hạ tầng), Đại sứ quán Úc trình bày; “Kinh nghiệm kết nối lưới điện khu vực Đông Nam Á - ASEAN Power Grid” do ông Hà Ngọc Thanh - Phòng Nghiên cứu Thương trình bày; “Blockchain và điều kiện hợp đồng mua bán điện PPA” do ông Nguyễn Nhật - đại diện EXABYTE GROUP trình bày.
Các tham luận đã phân tích kinh nghiệm thế giới về kết nối năng lượng như Châu Âu có thị trường điện chung EU, kết nối lưới điện xuyên biên giới; Khu vực Đông Bắc Á có tiềm năng lớn nhưng còn hạn chế do yếu tố địa chính trị; ASEAN có lưới điện ASEAN, dự án điện Lào, Thái Lan, Malaysia, Singapore; Bắc Mỹ có mạng lưới điện kết nối linh hoạt giữa Mỹ - Mexico - Canada. Các hiệp định và các chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo như USMCA (Mỹ - Mexico - Canada) trong đó Canada xuất 60% thuỷ điện sang Mỹ; EU Energy Agreement trong đó 70% hệ thống năng lượng EU được liên kết, Đức xuất 30 tỷ kWh điện tái tạo vào năm 2020. Các chính sách khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo như giá Feed - in Tariff ( FIT - là mức giá được quy định và hỗ trợ bởi chính phủ hoặc cơ quan điều hành năng lượng để mua lại năng lượng điện được tạo ra từ các nguồn tái tạo, như năng lượng mặt trời, gió, thủy điện, sinh khối, và biogas.), Đức tăng điện mặt trời từ 1,5GW năm 2000 lên 50 GW năm 2022.
Các nước trên thế giới cũng có các trợ cấp và ưu đãi thuế như Ấn Độ miễn thuế nhập khẩu thiết bị; Mỹ sử dụng tín dụng thuế sản xuất PTC và sử dụng tín dụng thuế đầu tư ( ITC) hỗ trợ 65 tỷ USD đầu tư năm 2021.
Phát biểu bế mạc hội thảo, TS. Nguyễn Quang Tuyển đã trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia và các đại biểu đến tham dự hội thảo và đóng góp những ý kiến thiết thực, có giá trị giúp buổi hội thảo có cái nhìn rất thực tế về chính sách, cơ sở pháp lý, các điều kiện áp dụng kết nối năng lượng tại Việt Nam./.
Lương Thanh Hải
Phòng Thông tin và Truyền thông - VIOIT
Một số hình ảnh tại Hội thảo:


