Kết quả đạt được
Thị trường Việt Nam với số dân đạt gần 100 triệu người được đánh giá là một thị trường có dung lượng lớn. Theo thống kê, ngành bán lẻ Việt Nam có quy mô vượt qua con số 180 tỷ USD. Năm 2015 mới đạt 3.223,2 nghìn tỷ đồng, năm 2020, cán mốc 5.059,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với 2019. Năm 2021 ước đạt 4789,5 nghìn tỷ đồng, giảm 3,8% so với năm 2020 (nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm đến 6,2%).
Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước (năm 2022 tăng 20%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,1% (năm 2022 tăng 15,8%). Nếu tính riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa, năm 2023 ước đạt 4.858,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức và tăng 8,6% so với năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,9%).
Năm 2023 đã có 519 Doanh nghiệp (DN) đạt chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn. Báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Cimigo cho thấy, 82% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên mua hàng Việt Nam nếu có sự lựa chọn.
Qua hơn 14 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt (đặc biệt là hàng hóa thiết yếu, hàng tiêu dùng) đã, đang và tiếp tục bao phủ rộng khắp các mạng lưới từ các kênh phân phối truyền thống tới các hệ thống phân phối hiện đại.
Trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng Việt chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90% như Co.opmart (90%), Winmart (90%), BRG Retail (80 - 90%),... Các hệ thống phân phối có vốn đầu tư nước ngoài như Aeon, Central Retail, MMMegaMarket, LotteMart… cũng có nhiều nỗ lực trong việc đóng góp cho cộng đồng bằng việc thu mua, hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm địa phương, đặc sản vùng miền (OCOP, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hàng chủ lực của địa phương,…) và giữ một tỷ lệ nhất định hàng Việt Nam trong kênh phân phối.
Báo cáo Thương mại điện tử năm 2023 vừa được Bộ Công Thương công bố, có đến 74% dân số Việt Nam thường xuyên tham gia mua sắm online (thông qua các website, mạng xã hội facebook, zalo hay các sàn thương mại điện tử). Doanh thu thương mại điện tử B2C (hình thức giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng) năm 2023 ước đạt 20,5 tỉ USD, chiếm tỉ trọng 7,8 - 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Kênh mua hàng trực tuyến đã và đang “vượt mặt” các kênh truyền thống, dần trở thành lựa chọn khi mua các nhu yếu phẩm.
Mạng lưới bán lẻ truyền thống và hiện đại từng bước đáp ứng được sự gia tăng cả về qui mô và trình độ phát triển nhu cầu mua sắm của các tầng lớp dân cư trên khắp các địa bàn cả nước.
Hiện cả nước có 1.241 siêu thị (ST) và 254 trung tâm thương mại (TTTM). Hơn 10 thương hiệu của các nhà phân phối đến từ châu Âu và châu Á đã đầu tư xây dựng cơ sở ở Việt Nam (Lotte, Central Group, TCC Group, Aeon, Circle K, KMart, Auchan, Family Mart…).
Toàn quốc đã thiết lập trên 100 điểm bán hàng cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại 61 địa phương. Chợ truyền thống với con số 8.517 chợ (61 chợ đầu mối) cùng gần 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa vẫn duy trì hoạt động. Kênh bán lẻ truyền thống đã có những thay đổi mạnh mẽ (sử dụng thanh toán điện tử, kết hợp cả bán hàng online với offline), tiếp cận xu hướng hiện đại từ trưng bày, giới thiệu hàng hóa,kết nối phản ánh người tiêu dùng với nhà sản xuất.
CBRE Việt Nam đánh giá, thị trường bán lẻ Việt Nam dần trở nên sôi động hơn với nhiều dự án mở mới trên khắp cả nước. Các nhà bán lẻ nước ngoài đã hiện diện đang tích cực mở rộng thêm mạng lưới.
Lotte đã khai trương Trung tâm thương mại Lotte Mall West Lake Hà Nội nằm tại quận Tây Hồ với diện tích cho thuê lên đến 72.000 m2. Đây là dự án có quy mô lớn nhất ở Hà Nội. Trong khi đó, tại TP.HCM, Trung tâm thương mại Hùng Vương Plaza trở lại với diện mạo mới sau thời gian đóng cửa sửa chữa và đổi chủ.
Central Group và Aeon Mall cũng đẩy mạnh việc mở rộng tại nhiều tỉnh thành ngoài TP.HCM và Hà Nội. Điển hình là Central Retail tung ra thị trường thương hiệu nội thất Come Home, Mini Go! Mở tại huyện Nhơn Trạch, (tỉnh Đồng Nai) và thị xã Điện Bàn, (tỉnh Quảng Nam). Aeon, nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản, sẽ mở trung tâm mua sắm Aeon Mall đầu tiên của miền Trung Việt Nam tại Huế vào đầu năm 2024, bên cạnh sáu trung tâm đã mở ở TPHCM, Hà Nội (hai trung tâm mỗi thành phố), Bình Dương và Hải Phòng (một trung tâm mỗi nơi).
Với 138 cửa hàng hiện tại vào cuối tháng 3-2023, chuỗi Ministop của Nhật Bản đặt mục tiêu lên 500 cửa hàng vào năm tài chính 2025.
Golden Resources Development International có trụ sở tại Hồng Kông đang vận hành chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle K tại Việt Nam. Nikkei Asia nói Công ty Hồng Kông có kế hoạch mở rộng mạng lưới khoảng 20% lên 500 địa điểm vào cuối năm 2024. Trong khi đó, sau khi vay được 20 triệu đô la từ Công ty Tài chính quốc tế (IFC), GS Retail của Hàn Quốc và Sơn Kim Retail thuộc Sơn Kim Group của Việt Nam dự định sẽ tăng tốc mở mới mạng lưới 200 cửa hàng GS25 hiện tại.
Trước xu thế các nhà bán lẻ ngoại ồ ạt gia nhập thị trường, các doanh nghiệp bán lẻ nội như Satra, FPT Retail, Vincommer, Saigon Co.op… đang tích cực mở rộng hệ thống, tăng tốc chuyển đổi số để giữ thị phần.
WinCommerce của Tập đoàn Masan đang có hơn 3.400 điểm bán trên cả nước. Thời gian tới thay vì mở rộng mô hình siêu thị/đại siêu thị, để củng cố vị thế chuỗi bán lẻ Winmart tập trung vào phát triển thêm 1.000 cửa hàng đa tiện ích, siêu thị mini ở khu vực thành thị, nông thôn.
Hệ thống siêu thị Co.op Mart đang sở hữu 130 siêu thị, cũng đang tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng mạng lưới phân phối để đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 4% trong năm 2023. Trong khi đó, Tập đoàn THACO, sau khi mở thêm siêu thị Emart Sala (TP Thủ Đức), đã đặt mục tiêu mở tiếp 20 siêu thị Emart trong 5 năm tới, doanh thu đến năm 2026 dự kiến là 1 tỷ USD. Ngoài kênh bán hàng trực tiếp, Emart Việt Nam cũng chú trọng đầu tư vào ứng dụng mua sắm trực tuyến, vận hành hệ thống lấy hàng tự động.
Thiso Retail (thuộc tập đoàn Thaco) đang ráo riết hoàn thiện dự án Emart thứ 3 của mình tại quận Gò Vấp, TP.HCM.
Với bốn siêu thị hiện có tại Hà Nội, tập đoàn tư nhân về thương mại và dịch vụ BRG Việt Nam đang hợp tác với công ty thương mại Nhật Bản Sumitomo Corp tập trung mở rộng chuỗi siêu thị FujiMart tại thủ đô.
Và những vấn đề đặt ra
Lãnh thổ nước ta trải dài trên nhiều vĩ tuyến, bề ngang hẹp, địa hình phức tạp, mang đậm nét của sự phân dị sâu sắc về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội. Ở các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ suất hàng hoá nhỏ, thu nhập thấp, hầu hết chưa có tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế. Trên các dải núi cao, vùng biên giới từ Bắc vào Nam, nhiều nơi sản xuất vẫn mang tính chất kinh tế tự nhiên. Những đặc điểm trên đã có ảnh hưởng lớn đến “công cuộc” xoá đói, giảm nghèo đang được thực hiện cũng như phát triển và làm thay đổi bộ mặt thương mại và thị trường.
Nhìn vào thực tiễn phát triển của các vùng, có thể thấy :
- Vùng Đồng bằng sông Hồng là mật độ dân số cao gấp 3 lần cả nước (300 người/km2), cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; thu nhập, sức mua thấp.
- Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có cơ sở hạ tầng chưa phát triển, số lượng doanh nghiệp khá thấp, chưa thu hút được đáng kể vốn FDI…
- Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có GRDP bình quân đầu người thấp thứ 3 trong các vùng, tỷ lệ nghèo cao thứ 3 cả nước…
- Tây Nguyên có tỷ trọng diện tích lớn thứ 3 trong các vùng, nhưng có tỷ trọng về dân số ít nhất. Tỷ lệ nghèo đa chiều cao thứ 2 trong các vùng. Thu nhập bình quân một tháng thấp thứ 5 trong các vùng…
- Đông Nam bộ đứng thứ nhất trong các vùng về nhiều chỉ tiêu, tỷ lệ nghèo đa chiều thấp nhất cả nước. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ổn định đời sống cho lao động nhập cư…
- Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đứng đầu cả nước về sản xuất và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, nhất là lương thực, thủy sản. Vùng này còn nhiều hạn chế, khó khăn cần khắc phục như: cơ cấu kinh tế cần chuyển dịch mạnh hơn nữa; hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng…
Năm 2022, thu nhập bình quân của Việt Nam đạt khoảng 4.010 USD, thuộc nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Sau giai đoạn COVID-19, các hộ gia đình đã bị bào mòn thu nhập. Năm 2023, sản xuất khó khăn, việc làm và thu nhập của người lao động suy giảm, sức mua thấp, thị trường ảm đạm do sức cầu yếu. Mức chi tiêu cho đời sống bình quân đầu người/tháng vẫn có xu hướng tăng, chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi tiêu. Khoản chi tiêu khác chiếm tỷ trọng thấp (dao động từ 6,6 đến 8,1%). Những quan trắc cho thấy diễn biến của thị trường bán lẻ khá ảm đạm, nhất là từ quý IV/2022 đến giữa năm 2023.
Hạ tầng thương mại phát triển không đồng đều, đặc biệt tại các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn; chưa thu hút được đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt các hạ tầng lớn có tính lan tỏa. Còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa (nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà vận chuyển, người tiêu dùng). Chưa thiết lập được mối liên hệ lâu dài giữa sản xuất với lưu thông, giữa bán buôn và bán lẻ theo những kênh lưu thông hợp lý, ổn định, đặc biệt là trong việc mua bán vật tư nông nghiệp, nông sản, thực phẩm để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hoá.
Thương mại và thị trường miền núi mới phát triển sôi động ở các đô thị trung tâm, nhưng phát triển chậm ở các khu vực hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nhiều nơi còn khá èo ợt. Số người kinh doanh buôn bán, dịch vụ tăng nhanh nhưng mang tính chất tự phát, phân tán, quy mô nhỏ, vốn ít…. Gần 45% tổng sản lượng nông sản của miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là tiêu dùng tại chỗ, còn xuất khẩu và bán ra vùng miền khoảng 25-28%. Chưa kể, sản lượng sản phẩm chưa lớn, nhiều loại nông sản của các địa phương vẫn rơi vào tình trạng được mùa mất giá hoặc khó khăn trong đầu ra. Khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc là khu vực yếu thế, việc hỗ trợ người dân khu vực này trong các vấn đề, bao gồm tiêu thụ nông sản là vấn đề mang tính thời sự. Thị trường nông thôn miền núi ở một số nơi đang có khuynh hướng bị khu vực hoá, có nơi thậm chí chưa có những tiền đề cần thiết cho kinh tế hàng hoá… vẫn được xem là bộ phận kém phát triển nhất của thị trường cả nước.
Cùng với hội nhập kinh tế quốc tế, hệ thống phân phối của Việt Nam đã và đang được tiếp cận, cũng như thụ hưởng nhiều thành tựu của khoa học công nghệ để phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Thông qua những dự án liên doanh với nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận không chỉ công nghệ và phương thức kinh doanh hiện đại mà cả những kinh nghiệm quản lý tiên tiến, qua đó góp phần đào tạo một đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ kinh doanh năng động, sáng tạo, mang lại cơ hội mới cho đội ngũ thương nhân Việt Nam hoạt động trong một môi trường cạnh tranh và cởi mở hơn. Tuy nhiên, với mạng lưới phân phối hiện đại, sức mạnh về tài chính, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài có thể khống chế hệ thống phân phối trong nước và giành quyền kiểm soát thị trường bán lẻ Việt Nam. Đây sẽ là khó khăn, thách thức lớn đối với các nhà phân phối nội địa Việt Nam trong cuộc cạnh tranh không cân sức khi chúng ta thực hiện lộ trình mở cửa thị trường phân phối. Nếu không có sự liên kết để nhanh chóng đổi mới, các DN bán buôn, bán lẻ của Việt Nam với những yếu kém từ con người, vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật, mặt bằng bán hàng và thông tin sẽ có nguy cơ bị thất bại ngay trên sân nhà...
Thương mại điện tử (TMĐT) là xu hướng mà các doanh nghiêp[j Việt chúng ta hướng tới khi kênh bán hàng trực tiếp sụt giảm mạnh, làn sóng trả mặt bằng vẫn tiếp diễn. Chi phí bán hàng trên sàn TMĐT đang có chiều hướng leo thang, hiện lên đến 30% - 50% giá bán sản phẩm.
Bên cạnh việc hàng chục ngàn nhà bán hàng trên các sàn TMĐT đang bị "loại khỏi cuộc chơi" thì không ít người bán hàng khác bị khóa shop vì những lỗi vô tình vi phạm. Điều này cho thấy các nhà bán hàng cần duy trì sự hiện diện của mình ở nhiều các sàn khác nhau, trên mạng xã hội và xây dựng website riêng. Để có thể kinh doanh trên sàn TMĐT, các doanh nghiệp phải có nhân sự chuyên trách, am hiểu loại hình kinh doanh này để xây dựng được chiến lược phù hợp.
Tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có 30.425 hợp tác xã (HTX) và 120.983 tổ hợp tác (THT), trong đó có 76.456 THT nông nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động liên kết vùng còn yếu, trong khi chủ thể liên kết quan trọng là doanh nghiệp (DN), là HTX và các tổ chức về kinh tế chưa phát huy được vai trò của mình.
Giải pháp cho thời gian tới
Những dự báo cho thấy quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới. Dân số 100 triệu dân và 20 triệu người trung lưu tạo ra sức cầu rất lớn. Đến năm 2026, có thể thêm khoảng 4 triệu người gia nhập vào tầng lớp trung lưu. Chi tiêu tiêu dùng trong nước chiếm khoảng 60-65% GDP, trong đó chi tiêu hộ gia đình khoảng 50-55% GDP cùng với quá trình đô thị hóa… chính là những yếu tố thuận lợi hỗ trợ tăng trưởng thị trường bán lẻ Việt Nam.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, hiện kênh bán lẻ hiện đại mới chiếm 25% thị phần nên thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển. Các nhà bán lẻ Việt Nam còn rất nhiều cơ hội, tăng doanh thu, lợi nhuận. Xu hướng bán lẻ thông qua các kênh hiện đại cũng sẽ diễn ra mạnh hơn và dần dần thay thế hình thức tạp hóa truyền thống, vốn tồn tại lâu đời ở Việt Nam gắn với tập quán sinh hoạt và tiêu dùng của người dân.
Tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam đã, đang có nhiều thay đổi, phát triển rõ nét theo cả bốn hướng: (1) ý thức hơn về giá trị, (2) thích các nền tảng đa kênh, (3) ít trung thành với thương hiệu và cửa hàng, đồng thời với (4) tìm kiếm mục đích trong những thứ họ mua.
Tổ chức nghiên cứu thị trường Euromonitor lại cho rằng: Thương hiệu và chất lượng sản phẩm vẫn là một trong những yếu tố then chốt trong quyết định mua hàng của người Việt khi 26,1% người tiêu dùng Việt thường xuyên mua hàng từ các thương hiệu nổi tiếng; 35,8% sẵn sàng mua ít hơn, nhưng sẽ lựa chọn các sản phẩm chất lượng cao.
Những yếu tố trên tạo ra cho Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ với các nhà bán lẻ. Đây cũng là thời cơ để các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, mở rộng kênh phân phối cho hàng Việt Nam có chất lượng và thương hiệu, sản phẩm của các địa phương, của các nghệ nhân và làng nghề... Tuy nhiên, tình trạng lạm phát cao được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2024, khiến áp lực ngày càng đè nặng lên người tiêu dùng.
Là chiếc “phong vũ biểu ” của đời sống kinh tế - xã hội, nơi phản ánh tập trung sự đúng đắn hoặc sai sót của các chính sách một cách nhanh nhạy nhất, thị trường nội địa không chỉ là tác nhân kích thích sản xuất hàng hoá, nâng cao dân trí, góp phần tạo tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế mà còn là cơ sở, chỗ đứng vững bền để mở rộng kinh tế đối ngoại. Với quan điểm như vậy thì định hướng và những giải pháp cần hướng tới là: Tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, Đề án về phát triển thị trường trong nước như: Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2023; Tiếp tục triển khai việc hỗ trợ xây dựng điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tại một số địa phương theo Chương trình OCOP…
Để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ việc (i) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; (ii) Rà soát, bổ sung, ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng trong nước, bảo vệ người tiêu dùng ; (iii) Hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước; (iv) Đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh công tác quản lý thị trường.
Tập trung hỗ trợ hình thành và phát triển một số Tập đoàn bán buôn, bán lẻ trong nước có thương hiệu lớn và có khả năng cạnh tranh trong khu vực với hệ thống phân phối hiện đại.
Phát triển và đa dạng hóa các trung tâm tiêu dùng của cả nước theo vùng và địa bản, gắn phát triển các trung tâm mua sắm với các trung tâm du lịch, các địa bàn tập trung sản xuất công nghiệp và dịch vụ; ưu tiên phát triển thị trường vùng nông thôn, miền núi.
Hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa tiêu dùng trong nước, ưu tiên phát triển các chuỗi cung ứng hàng nông sản thực phẩm thiết yếu.
Không có một mô hình hay phương thức chuyển đổi số cụ thể nào thích ứng và phù hợp cho mọi doanh nghiệp, tổ chức. Đây là một cuộc cách mạng tư duy, đòi hỏi các doanh nghiệp, tổ chức phải chủ động đổi mới và sáng tạo dựa trên những khung khổ mang tính quy luật và nguyên tắc của tiến trình chuyển đổi số để định hình nên chiến lược và mô hình chuyển đổi phù hợp riêng cho doanh nghiệp của mình.
Phát triển thương mại điện tử thành một kênh phân phối quan trọng, hỗ trợ tích cực trong tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản, hàng công nghiệp tiêu dung. Hình thành các tập đoàn thương mại điện tử lớn, có thương hiệu quốc gia và có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Ưu tiên phát triển hệ thống các sàn giao dịch thương mại điện tử có kết nối quốc tế. Thu hẹp về khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển thương mại điện tử.
Công nghệ số, internet phát triển nhanh chóng dẫn đến nhiều mô hình thương mại điện tử mới liên tục xuất hiện, không chỉ giới hạn ở 2 mô hình phổ biến là website thương mại điện tử, website cung cấp dịch vụ như trước đây. Các giao dịch, dịch vụ cũng không còn ở phạm vi một quốc gia mà đã xuyên biên giới, đa dạng về chủ thể tham gia, phức tạp về cách thức hoạt động... Điều đó cho thấy cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về quản lý thương mại điện tử cho phù hợp thực tế.
Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn cả nước. Chú trọng công tác xây dựng và phát triển lực lượng quản lý thị trường trong sạch, vững mạnh. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, các Hiệp hội để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả cao nhất.
Kết hợp giữa phát triển thị trường bán lẻ với phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn nông thôn, nhất là tiêu thụ nông sản. Trong đó, tại các vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung sẽ phát triển các khu vực bán lẻ tương đối tập trung với nhiều loại hình đa dạng. Các khu vực này có thể tương đối tách rời, hoặc liền kề với khu vực xây dựng các chợ đầu mối thu mua, phát luồng bán buôn nông sản và vật tư nông nghiệp.
Song song với sự phát triển các cụm công nghiệp, cần tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh công nghiệp và dịch vụ được tự do di chuyển đến các thị trấn, thị tứ, nơi gần đường giao thông để xây dựng cơ sở kinh doanh. Việc làm này vừa đáp ứng như câù trước mắt, vừa tạo ra những điều kiện để sớm hình thành các tụ điểm công - thương nghiệp - dịch vụ ở nông thôn. Đây là quá trình “đô thị hoá” - “công nghiệp hoá - hiện đại hoá” nhưng “phi tập trung hoá”.
Thương lái giúp người sản xuất có thể tiêu thụ nông sản nhanh chóng, thuận tiện, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn vì cách trở địa lý, vì không đủ phương tiện thu gom, không đủ nhân lực thu mua. Thương lái cần được xem là đối tác đồng hành với người sản xuất, doanh nghiệp, cần được tập hợp vào các nhóm, các câu lạc bộ trên cơ sở tự nguyện, để cùng trao đổi kinh nghiệm, cùng tiếp cận các nội dung tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật trong bảo quản, vận chuyển, chế biến. Như vậy, trong ngắn hạn, điều cần quan tâm là thúc đẩy sự vận hành linh hoạt, hài hòa của hệ sinh thái: doanh nghiệp - thương lái - hợp tác xã, nông dân, theo mô hình nền kinh tế chia sẻ: chia sẻ thị trường,chia sẻ nguồn vốn, chia sẻ hạ tầng logistics… từ lợi nhuận, lợi ích và đến cả rủi ro.
Vũ Huy Hùng
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT
TS. Phạm Vĩnh Thắng
Học viện Ngân hàng