Những năm gần đây, ngành Công nghiệp Phú Yên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng sản xuất công nghiệp của tỉnh phát triển mạnh, quy mô và năng lực tăng lên rõ rệt, đóng góp lớn vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh. Tuy nhiên cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh vẫn còn chưa hợp lý và chuyển dịch chậm, chưa phát huy được tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Đặc biệt, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp Phú Yên cần có những định hướng phù hợp để phát triển.
Những kết quả đạt được
GRDP công nghiệp (theo giá so sánh năm 2020) tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 9%/năm;
Tổng giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 7,9%/năm.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, nhiều cơ sở mới được đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại và đưa vào hoạt động như: các Nhà máy chế biến thủy sản của Công ty TNHH Xin Bang, Công ty Cổ phần Thủy sản Linh Đan, Công ty Hùng Bang với tổng công suất 10.000 tấn/năm; Các nhà máy đồ hộp của Công ty TNHH Đồ hộp Tấn Phát, Công ty TNHH Nguyễn Hưng, Công ty TNHH Đồ hộp Blue Sea với tổng công suất trên 10.000 tấn sản phẩm/năm; Các nhà máy chế biến dăm gỗ của Công ty TNHH Bình Nam, Công ty TNHH Năng lượng Xanh Phú Yên với tổng công suất 300.000 tấn/năm; Nhà máy sản xuất phân NPK tạo hạt bằng công nghệ tháp cao của Công ty TNHH Hoàng Long Vina công suất 60.000 tấn/năm; Nâng công suất các Nhà máy đường lên 14.300 tấn mía/ngày của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam và Công ty Cổ phần Mía đường Tuy Hòa; Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH CCIPY Việt Nam công suất 500 triệu sản phẩm/năm; Nhà máy sản xuất điện sinh khối KCP Phú Yên của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam công suất 60 MW (đã đưa vào hoạt động 30 MW giai đoạn 1); Các nhà máy thủy điện Sơn Giang và Đá Đen với tổng công suất 19 MW; 5 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 413,3 MW… Tuy nhiên, hầu hết năng lực sản xuất của các doanh nghiệp chưa có sự phát triển mạnh mẽ; một số dự án đầu tư còn chậm, kéo dài như nhà máy đường ăn kiêng, lắp ráp xe máy… nhất là dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô đã dừng đầu tư gây nên áp lực khó đạt được mục tiêu mà kế hoạch phát triển ngành công nghiệp 5 năm 2016 - 2020 đề ra.
Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cùng đã và đang triển khai đầu tư, hoàn thiện. Trong đó: Khu Công nghiệp An Phú (68,4 ha) đã đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật chính như hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thoát nước thải, trạm xử lý nước thải, đường giao thông nội bộ. Tại khu công nghiệp này hiện có 33 dự án đi vào hoạt động, 02 dự án đang triển khai xây dựng; tổng số vốn đầu tư là 472 tỷ đồng và 7 triệu USD. Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu khu vực I (105,8 ha) đã được đầu tư hoàn thành hạ tầng, hiện có 19 dự án đi vào hoạt động, 01 dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư. tổng số vốn đầu tư là 595 tỷ đồng và 2,6 triệu USD. Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu khu vực II đã có 02 dự án đang trong quá trình lập thủ tục chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 2.532 tỷ đồng. Khu công nghiệp Hòa Hiệp: Nằm trong Khu kinh tế Nam Phú Yên, bao gồm khu vực I (101,5 ha) đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật bên trong, hiện có 23 dự án đi vào hoạt động, 02 dự án đang triển khai xây dựng, tổng số vốn đầu tư là 4.497 tỷ đồng và 7,6 triệu USD. Khu vực II (106 ha) tuy hạ tầng chưa được đầu tư hoàn chỉnh nhưng đã có 01 dự án đi vào hoạt động, 01 dự án đang triển xây dựng với tổng vốn đầu tư là 210 tỷ đồng và 4,9 triệu USD, đã lấp đầy 2/3 diện tích được giao.
Về các cụm công nghiệp: Đến nay, có 13 cụm công nghiệp được UBND tỉnh quyết định thành lập, trong đó có 8 cụm công nghiệp đã được phê duyệt chi tiết. Hiện có 55 dự án đăng ký đầu tư vào các cụm công nghiệp, có 38 dự án đang hoạt động, hàng năm giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động địa phương, đóng góp ngân sách bình quân trên 10 tỷ đồng.
Những tồn tại chủ yếu
Cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh tuy đã có thay đổi nhưng vẫn còn chưa hiệu quả và chuyển dịch chậm, hiệu quả sản xuất của ngành công nghiệp trong thời gian qua chưa ổn định, quy mô công nghiệp chế biến còn nhỏ chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, phần lớn chỉ dừng lại ở hoạt động gia công, lắp ráp, chưa có sản phẩm mang tính đột phá, chưa hình thành được các ngành công nghiệp đầu tàu, công nghiệp hỗ trợ chưa định hình, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn thấp, nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, thiếu lao động kỹ thuật lành nghề đáp ứng được nhu cầu phát triển công nghiệp, công tác trợ giúp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của ngành còn nhiều bất cấp, thiếu cơ sở pháp lý… Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu; việc thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp còn nhiều bất cập. Những tồn tại trên đã làm cho ngành công nghiệp chưa tạo được sự đột phá về chất để góp phần đẩy mạnh sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp.
Định hướng và giải pháp phát triển
Từ những kết quả đạt được của ngành công nghiệp và những nhận định về sự tác động, cơ hội, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành công nghiệp Phú Yên định hướng phát triển công nghiệp giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực; phát triển nhanh các ngành, sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao, phù hợp với xu thế phát triển của công nghiệp 4.0.
Trong đó, mục tiêu tổng quát là gia tăng tốc độ tăng trưởng công nghiệp, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, phát triển nhanh các ngành, sản phẩm công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao, phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp ưu tiên, công nghiệp hỗ trợ tạo sự phát triển đột phá, thúc đẩy cơ cấu tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp; phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Phú Yên có một số ngành, sản phẩm công nghiệp có sức cạnh tranh cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị trong nước, khu vực và từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cụ thể, đến năm 2030, tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp có khả năng phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế như: Chế biến nông, lâm, thủy sản; dược phẩm; dệt may; sản phẩm từ công nghệ mới; công nghiệp phần mềm và nội dung số; hóa chất; năng lượng; thiết bị điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin; cơ khí chế tạo; công nghiệp hỗ trợ. Chú trọng tập trung vào các khâu giá trị gia tăng cao gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa. Giai đoạn 2030 - 2045, tập trung ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông; áp dụng sâu rộng công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa, thiết bị cao cấp, vật liệu mới, công nghệ sinh học…
Từ những định hướng trên, ngành Công Thương Phú Yên đã đưa ra một số giải pháp để phát triển ngành công nghiệp dưới tác động của 4.0. Trong đó, với lĩnh vực công nghiệp phải tổ chức phân bố không gian sản xuất công nghiệp trên từng vùng, địa bàn theo hướng tập trung, dựa trên tiềm năng, lợi thế, vùng nguyên liệu và đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường; từng bước chuyển dịch các ngành chủ yếu dựa vào tài nguyên, lao động, tác động xấu đến môi trường sang các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường; Ưu tiên phát triển khu, cụm công nghiệp tại các địa phương có lợi thế về giao thông, địa lý kinh tế, tài nguyên, vùng nguyên liệu, lao động, có khả năng trở thành động lực tăng trưởng. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.
Đồng thời thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp thông qua tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển nhân lực công nghiệp. Có chính sách xã hội hóa đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài, chuyên gia giỏi trong từng chuyên ngành công nghiệp về làm việc tại tỉnh; Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo với hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động công nghiệp; Có cơ chế, chính sách định hướng, hỗ trợ dịch chuyển lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp.
Cuối cùng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, minh bạch hóa cơ chế, chính sách; tạo điều kiện thuận lợi về quỹ đất, mặt bằng đất đai và hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao tỉ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh./.
Nguồn: Báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Phú Yên
Trương Thị Quỳnh Vân
Phòng Thông tin Thư viện và Xúc tiến thương mại