TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch và giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới tại Đảng bộ Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương

23/05/2023

Sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã và đang gặt hái được nhiều thành tựu vượt bậc: Đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, tình hình chính trị - xã hội ổn định, an ninh quốc phòng được củng cố vững chắc, quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng được mở rộng, uy tín và vị thế của đất nước ngày càng được nâng cao. Trong suốt quá trình đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ thường xuyên và hết sức quan trọng, quyết định bản chất và sự tồn vong của Đảng và chế độ Chủ nghĩa xã hội.

Trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa sâu rộng, với sự bùng nổ của Internet, sự ra đời của nhiều mạng xã hội và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đối mặt với những thách thức mới và nhiều đối thủ mới, do đó cần phải được tiến hành bằng sức mạnh tổng hợp trên nhiều lĩnh vực, huy động mọi lực lượng, nhân lực, phương tiện, với nhiều hình thức và thông qua các giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Trước những thách thức trên, chúng ta cần chủ động nghiên cứu, đánh giá sát tình hình, dự báo đúng những yếu tố tác động, nhất là những tác động tiêu cực, nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch để đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Là một đơn vị luôn nghiêm túc trong việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương luôn ý thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thực hiện công văn số 1296- CV/ĐUB ngày 03 tháng 4 năm 2023 của Đảng Uỷ Bộ Công Thương, Chi bộ thị trường, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương xin gửi đến bài dự thi với chủ đề: “”.

Nhận diện những hình thức tấn công của các thế lực thù địch

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thể hiện rõ là một đảng cách mạng chân chính, lãnh đạo nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam phát triển vượt bậc và đạt được những thành tựu to lớn. Mặc dù trong suốt quá trình phát triển đó, các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ dã tâm, thực hiện những ý đồ chống phá Đảng, Nhà nước với những phương thức, thủ đoạn tinh vi và ngày càng nguy hiểm hơn. Đúc kết từ kinh nghiệm phòng chống những thế lực thù địch, tổ chức phản động hoạt động trong suốt chiều dài lịch sử, chúng ta có thể nhìn nhận các hình thức tấn công như sau:

Thứ nhất, những tổ chức phản động, thù địch tấn công trực diện vào nền tảng tư tưởng của Đảng nhằm bác bỏ, phủ nhận thành quả Cách mạng, thành quả công cuộc đổi mới của Việt Nam, không ngừng xuyên tạc, tuyên truyền, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hòng làm thay đổi bản chất chính trị, ra sức làm lung lay nền tảng tư tưởng, đường lối chính trị của Đảng ta; làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hoang mang, dao động, khoét sâu, gây chia rẽ nội bộ, suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Chúng trích dẫn, cắt xén nửa vời những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, rêu rao rằng những quan điểm này đã lỗi thời, đã thất bại ở Liên Xô và Đông Âu, vì thế chắc chắn sẽ tiếp tục thất bại ở Việt Nam. Những chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được thực hiện song song với việc hình thành các lực lượng chính trị đối lập, kích động biểu tình, bạo động chưa bao giờ chấm dứt cả trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Thứ hai, lợi dụng những thông tin tiêu cực, những điểm yếu kém, hạn chế của chính quyền xã hội nhằm mục đích chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân; từng bước cô lập, tách các tổ chức đảng, đảng viên ra khỏi quần chúng, phi chính trị hóa lực lượng vũ trang, hướng lái những tư tưởng, tâm lý nghi kỵ, hẹp hòi, hành động sai trái chống đối, bất tuân, bạo lực và bạo động trong cộng đồng nhân dân và xã hội. Chúng tổ chức phát tán các “thư ngỏ”, “tuyên bố”, “kiến nghị” để lôi kéo kích động đồng bào ta ở trong và ngoài nước, kêu gọi chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ, gây sức ép đối với Việt Nam về các vấn đề nhân quyền, dân chủ.

Thứ ba, các lực lượng chống đối tiến hành móc nối, xâm nhập vào nội bộ của Đảng, tìm cách phân hóa tổ chức, hòng dựng lên “ngọn cờ” tập hợp lực lượng. Chúng không ngừng tìm kiếm những phần tử thoái hóa, biến chất trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, thông qua đó phát tán những tư tưởng phản động, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân. Để tăng thêm độ lan tỏa, tin cậy của thông tin, chúng chú ý tập hợp, dẫn dụ những ý kiến, phát biểu gây sốc trái với đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước từ những đối tượng chống phá, tuyên truyền các quan điểm, tư tưởng thù địch, sai trái nhằm phá hoại Đảng từ bên trong.

Thứ tư, triệt để lợi dụng công nghệ Internet, mạng xã hội và các hình thức truyền thông khác để tuyên truyền chống phá; đánh vào nhận thức, tâm lý đám đông theo kiểu mưa dầm thấm lâu, góp gió thành bão. Chúng tận dụng tối đa hệ thống phát thanh báo chí xuất bản ở nước ngoài, các nền tảng chia sẻ, mạng xã hội như facebook, youtube, twitter… để tung thông tin xấu độc dưới dạng “thật như giả, giả như thật”. Chúng dựng lên các video clip, phóng sự mô phỏng cách thức của Đài truyền hình Việt Nam và một số cơ quan báo chí chính thống để tuyên truyền các thông tin xuyên tạc, sai sự thật. Thủ đoạn của chúng là giật tít câu khách nhằm đánh trúng tâm lý tò mò của độc giả, đặc biệt là giới trẻ.

Nhìn chung, tính chất nguy hiểm của những phương thức, thủ đoạn nói trên ở chỗ chúng hướng đến tạo dựng nhận thức sai lệch, mơ hồ, hoài nghi, hoang mang, dao động, làm lung lay niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, tạo tâm lý bức xúc trong xã hội.

Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch và những nội dung quan trọng cần được bảo vệ

Để có thể bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần nhận diện rõ các quan điểm sai trái, thù địch, xác định những nội dung nào thường xuyên bị nhắm đến để có những phương án đối phó kịp thời và phù hợp. Các quan điểm sai trái, thù địch và những nội dung cơ bản thường xuyên bị các thế lực thù địch tuyên truyền tấn công bao gồm:

Phê phán, công kích nền tảng tư tưởng chính trị và thủ tiêu ý thức hệ của chủ nghĩa Mác - Lênin. Chúng chuyển từ bôi nhọ bằng cách gọi “du nhập”, “nhập khẩu lý luận”, đánh tráo, thay thế các khái niệm, thổi phồng các “chủ thuyết phát triển mới”; đối lập Hồ Chí Minh với V.I.Lênin, kêu gọi dùng chủ nghĩa Hồ Chí Minh thay thế chủ nghĩa Mác - Lênin.

Tấn công trực tiếp vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các lập luận, luận điệu chủ yếu mà các phần tử chống đối đưa ra là: Đảng tự cho mình đứng trên tất cả, nghị quyết của Đảng cao hơn và bất chấp Hiến pháp; “độc đảng” là tất yếu, không có dân chủ. Do đó chúng cho rằng cần phải đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; cổ suý “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, cho rằng lực lượng vũ trang độc lập không đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; giai cấp công nhân đã hết thời, đây là thời kỳ của trí thức…

Chia rẽ, phá hoại mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng. Các tổ chức thù địch nguỵ tạo, tô vẽ, quy kết những biểu hiện cá biệt, những khuyết điểm của một số tổ chức đảng và cá nhân đảng viên thành bản chất của Đảng cầm quyền. Các thế lực thù địch còn lấy những hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên để xuyên tạc về Đảng.

Xuyên tạc tình hình đất nước, khoét sâu các vấn đề xã hội, tôn giáo, dân tộc, nhân quyền, đất đai…, đối lập với thể chế xã hội chủ nghĩa nhằm phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc. Chúng rêu rao những khái niệm “khủng hoảng toàn diện”, “tình thế hiểm nghèo”, “Tổ quốc lâm nguy”; xuyên tạc vấn đề dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, kích động vấn đề dân chủ, nhân quyền với các thủ đoạn: đòi đất, đòi ly khai, đòi nơi thờ tự, hành lễ phi pháp luật, kích động giáo dân, đồng bào dân tộc thiểu số tụ tập đông người biểu tình. Chúng kích động, tiếp sức những thành phần phản động để biểu tình gây rối an ninh, trật tự.

Tấn công vào đội ngũ cán bộ các cấp, nguỵ tạo các mâu thuẫn trong các cơ quan Đảng, Nhà nước; thổi phồng sự khác biệt, mâu thuẫn giữa các thế hệ, cá nhân lãnh đạo; tung tin giả về gia đình, tài sản, sai phạm của các lãnh đạo cấp cao.

Phá hoại đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa trong hội nhập quốc tế của Đảng ta với các chiêu bài như “bài xích”, “thoát ly” nước này, liên minh nước kia, cổ súy chủ nghĩa ly khai. Đáng chú ý trong thời gian gần đây, các đối tượng này triệt để lợi dụng vấn đề chủ quyền biển, đảo để tung tin thất thiệt nhằm làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Đảng và Nhà nước.

Du nhập các trào lưu, tư tưởng, lý luận cực đoan: Chủ nghĩa tự do mới, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa bá quyền, chủ nghĩa cơ hội, bè phái, chủ nghĩa hưởng lạc từ bên trong…

Xuyên tạc, phủ nhận đường lối chính trị của Đảng và chống phá thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đặc biệt trong thời điểm hiện nay, các đối tượng đã tập trung công kích chống phá dự thảo các Văn kiện trình Đại hội Đảng, đánh tráo khái niệm những nội dung mang tính đột phá như: xây dựng Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị, vấn đề dân chủ…

3. Một số phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới tại Đảng bộ Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương

3.1. Phương hướng

- Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quán triệt triển khai các Nghị quyết của Đảng; đổi mới phương thức nghiên cứu, học tập nhằm nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên.

- Tiếp tục thực hiện tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền, quán triệt, cung cấp đầy đủ thông tin để cán bộ, đảng viên và quần chúng trong Chi bộ nắm vững và chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chủ trương của Bộ, quy chế của Viện; định hướng dư luận, tạo đồng thuận cao, phát huy dân chủ, đoàn kết nội bộ để phát triển.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi dưỡng cán bộ, cử cán bộ tham gia các khóa học, khóa đào tạo trong và ngoài viện, trong nước và nước ngoài, không ngừng nâng cao trình độ chính trị, nhận thức và năng lực chuyên môn, ngoại ngữ của cán bộ đảng viên trong Chi bộ.

- Tham gia và đóng góp trí tuệ để nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, đánh giá, luân chuyển cán bộ, chú trọng cán bộ nữ, cán bộ trẻ trong Chi bộ và trong toàn Viện. Tham gia cùng Lãnh đạo Viện xây dựng và thực hiện quy chế đổi mới công tác bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ, sắp xếp bộ máy, xây dựng quy chế làm việc hiệu quả.

- Tiếp tục thực hiện và nâng cao chất lượng việc học tập và làm theo tư tưởng tấm gương và phong cách đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị một cách sâu rộng, thiết thực; luôn ý thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

3.2. Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên trong Chi bộ về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; kiên quyết bác bỏ những quan điểm sai trái, phản động, cố tình phủ nhận, xuyên tạc những quan điểm cốt lõi, có tính nguyên tắc mà Đảng ta đã khẳng định trong quá trình lãnh đạo đất nước nói chung, công cuộc đổi mới nói riêng. Tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối phát triển kinh tế của Đảng, đẩy mạnh cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Đẩy mạnh nghiên cứu tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận nhằm bổ sung, hoàn thiện quan điểm, chủ trương, đường lối phát triển kinh tế phù hợp với tình hình mới; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về tính ưu việt của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, về phát triển kinh tế nhiều thành phần, đa dạng hóa các hình thức sở hữu, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu dựa trên phát huy tiềm năng trí tuệ, khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hai là, nâng cao tinh thần cảnh giác, không để bị mắc mưu trước các luận điệu tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch, chú trọng công tác nghiên cứu dự báo, phát huy vai trò trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước; nâng cao và phát huy hơn nữa tinh thần phê bình và tự phê bình trong sinh hoạt Đảng của chi bộ; tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề của chi bộ gắn chặt chẽ với các hoạt động chuyên môn nghiên cứu khoa học. Tuyệt đối tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng uỷ, lãnh đạo Viện, lãnh đạo đơn vị, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao phẩm chất và năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng và đảng viên chi bộ. Chủ động phát hiện, ngăn ngừa, đấu tranh có hiệu quả với những biểu hiện về tư tưởng và hành động (nói, viết, làm...) trái quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kịp thời nắm bắt và báo cáo diễn biến tư tưởng, không để xảy ra mất đoàn kết và tình huống tư tưởng phức tạp trong Chi bộ.

Ba là, thực hiện tốt cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội khác, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm trong toàn Chi bộ và toàn Viện; nâng cao hiệu lực quản lý trong phòng, chống “diễn biến hòa bình”, kết hợp chống “diễn biến hòa bình” của địch với chống “tự diễn biến” của ta. Tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội khác diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên biến chất làm cho nhân dân bất bình, mất lòng tin vào Đảng, vào chế độ; là mảnh đất màu mỡ để chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch lợi dụng thổi phồng, bóp méo, kích động nhân dân chống lại Đảng, Nhà nước, tiến hành “diễn biến hòa bình”, đồng thời, đây cũng là vấn đề “tự diễn biến” của ta mà kẻ thù đang mong đợi.

Bốn là, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh; chỉ đạo triển khai, học tập các chỉ thị, nghị quyết theo sự chỉ đạo của Đảng ủy Viện và Bộ Công Thương; thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, nề nếp sinh hoạt Đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ. Khuyến khích, giới thiệu quần chúng, đoàn viên công đoàn ưu tú tham gia và hoàn thành các lớp nhận thức về Đảng; kết nạp các quần chúng ưu tú, xuất sắc, có lý tưởng tham gia vào hàng ngũ của Đảng, góp phần vào công tác phát triển đảng viên của Chi bộ và Đảng bộ Viện.

Ths. Phạm Quang hiếu

Chi bộ Thị trường

TIN KHÁC