Tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ “Phát triển chuỗi liên kết công nghiệp giữa Việt Nam và Lào đến năm 2030”, để có cơ sở và căn cứ trong xây dụng nhiệm vụ, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương đã thành lập đoàn công tác tới khảo sát, trao đổi và làm việc với Viện Nghiên cứu Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương Lào, Ban quản lý Khu kinh tế, khu công nghiệp và doanh nghiệp công nghiệp tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từ ngày 22 đến ngày 29/7/2023.
Đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Khắc Quyền - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương làm trưởng đoàn. Tham gia đoàn công tác còn có Đồng chí Tạ Đức Tuân - Giám đốc Trung tâm tham vấn WTO và FTAs, chủ nhiệm nhiệm vụ; Đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Quyền Chánh Văn phòng Viện cùng các thành viên nhiệm vụ là các chuyên viên, nghiên cứu viên các phòng ban của Viện.
Với thời gian làm việc và lịch trình công tác khẩn trương, khối lượng và nội dung làm việc khá lớn, đoàn công tác đã nỗ lực để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Một số nội dung làm việc và lịch trình công tác được tổng hợp như sau:
- Sáng ngày 24/7/2023, Đoàn công tác đến và làm việc với Ban quản lý Khu Thương mại & Công nghiệp Viêng Chăn (Còn được gọi là VITA Park, là đặc Khu kinh tế đầu tiên ở Viêng Chăn, Lào). Thủ đô Viêng Chăn hiện có 5 đặc khu kinh tế với 226 công ty đầu tư, tổng vốn đăng ký trên 916 triệu USD và vốn đầu tư dự kiến trên 5 tỷ USD. Trong đó, tổng giá trị đầu tư thực tế là 2.3 tỷ USD, thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước trên 40.2 tỷ Kip và tạo ra hơn 2.000 việc làm.
Đại diện Ban quản lý Khu kinh tế VITA Park đã trao đổi với đoàn về lịch sử hình thành, tình hình đầu tư và các chính sách thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp đến đầu tư tại khu công nghiệp. Bên cạnh đó, cũng đã chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và thách thức mà Khu công nghiệp đang gặp phải. VITA Park là khu đặc khu kinh tế liên doanh trong đó có 30% vốn của Chính phủ Lào và 70% vốn của nhà đầu tư Đài Loan. VITA Park hoạt động trên 3 mảng chính: (1) Khu công nghiệp, khu chế xuất; (2) Khu thương mại tự do; (3) Khu trung tâm kho vận và logistics.
Các ngành hoạt động kinh doanh được đẩy mạnh và đưa vào hoạt động tại VITA Park gồm: Doanh nghiệp 100% vốn tư nhân; doanh nghiệp nhà nước, chung doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp liên doanh. Trong đó, các ngành được khuyến khích: Sản xuất, chế tạo thành phẩm xuất khẩu; Lắp ráp linh kiện để sản xuất thành phẩm; gia công hàng nhập khẩu; Sản xuất nông công nghiệp; Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xí nghiệp đóng gói hàng hóa, thành phẩm;… Kinh doanh dịch vụ và hậu cần; Kinh doanh bất động sản nhà ở; cao ốc văn phòng cho thuê; các trường dạy nghề; trường phổ thông tiểu học và trung học cơ sở; trường đại học/học viện cấp đại học; bệnh viện;…
Với tổng diện tích 500ha được phê duyệt qua 3 giai đoạn, VITA Park giai đoạn 1 xây dựng 110 ha, tỉ lệ lấp đầy 100% và đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 diện tích 142 ha. Hiện nay, có 29/71 doanh nghiệp đã đầu tư vào Khu trên tổng số các doanh nghiệp đăng ký, thu hút và tao công việc cho hơn 5.000 người lao động bản sứ. Các sản phẩm của VITA Park chủ yếu là các sản phẩm về cơ khí, điện điện tử phục vụ xuất khẩu đi Đai Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc,…
Chính sách đang được áp dụng tại VITA Park: Chính phủ CHDCND Lào khuyến khích và thúc đẩy đầu tư trong khu vực đất đai của VITA Park bằng các chính sách ưu đãi khác nhau được quy định trong Nghị định hiện hành, Nghị định của Thủ tướng Chính phủ số 148/PM ngày 29 tháng 9 năm 2003 liên quan đến Đặc khu kinh tế VITA Park. Vùng; Các quy tắc về thủ tục và các quy định khác liên quan đến VITA Park; Luật Khuyến khích và Quản lý Đầu tư Nước ngoài tại CHDCND Lào và Luật Khuyến khích Đầu tư Trong nước.
Các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động kinh doanh trong VITA Park cũng như người nước ngoài làm việc trong doanh nghiệp đã đăng ký VITA Park có thể chuyển lợi nhuận và thu nhập cá nhân của họ về nước của họ hoặc nước thứ ba, thông qua các Ngân hàng đã được đăng ký với ban quản lý VITA Park hoặc thông qua một ngân hàng đặt tại Lào, sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế với nhà nước Lào.
- Chiều ngày 24/7/2023, Đoàn công tác tiếp tục có buổi làm việc với Viện Nghiên cứu Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương Lào (IIC). Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương - Bộ Công Thương Việt Nam (VIOIT) và Viện Nghiên cứu Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương Lào (IIC) đã có biên bản ghi nhớ hợp tác trong phát triển công nghiệp và thương mại của hai nước (MOU).
Tại buổi làm viêc, đồng chí Nguyễn Khắc Quyền - Phó Viện trưởng, Trưởng đoàn công tác của Viện đã có buổi trao đổi với ông Keo Morakoth - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghiệp và Thương mại (IIC) về tình hình phát triển kinh tế - thương mại giữa hai nước, tình hình phát triển và định hướng phát triển của hai Viện trong tương lai. Hai bên đã trao đổi về kinh nghiệm quản lý, xây dựng cơ chế chính sách trong thúc đẩy phát triển công nghiệp và thương mại Việt Nam và Lào. Hai bên nhất trí một số điểm, tiếp tục duy trì chặt chẽ mối quan hệ giữa Viện và tăng cường giao lưu học hỏi lẫn nhau, tích cực tìm kiếm khả năng tăng cường hợp tác giữa hai Viện.
Phối hợp với Đoàn công tác trong việc thu thập số liệu, thực hiện nhiệm vụ “Phát triển chuỗi liên kết công nghiệp giữa Việt Nam và Lào đến năm 2030”, Viện Nghiên cứu Công nghiệp và Thương mại (IIC) đã cử các cán bộ chia sẻ và cung cấp các tài liệu liên quan, cử cán bộ hỗ trợ đoàn đi khảo sát tại các Khu công nghiệp theo lịch trình của Đoàn.
- Ngày 25/7/2023, Đoàn công tác tới làm việc với Đặc khu kinh tế Long Thành - Viêng Chăn (đặc khu kinh tế duy nhất của Việt Nam trên đất bạn Lào). Ban lãnh đạo Đặc khu kinh tế Long Thành - Viêng Chăn đã có những chia sẻ về tình hình phát triển và những bổ sung, điều chỉnh phù hợp với cơ cấu và chính sách phát triển đặc khu kinh tế của Lào. Hạt nhân của Đặc khu kinh tế Long Thành sẽ là việc thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao hiện đại đang được hình thành.
Đặc khu kinh tế Long Thành - Viêng Chăn đặt tại quận Hadxaiphong, thủ đô Viêng Chăn (Lào). Đặc khu được thành lập năm 2008, với việc nâng cấp từ Dự án sân golf và bất động sản Viêng Chăn do Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành đầu tư. Cụ thể, với tổng diện tích 557,75 ha và tổng đầu tư khoảng 1 tỷ USD từ Việt Nam, đặc khu kinh tế Long Thành - Viêng Chăn sẽ bao gồm: (1) Khu đô thị cao cấp; (2) Khu sân golf 36 lỗ; (3) Khu công nghiệp công nghệ cao.
Đặc khu kinh tế Long Thành - Viêng Chăn là khu kinh tế đầu tiên được Chính phủ nước CHDCND Lào cấp giấy phép hoạt động lên đến 99 năm thay vì dự án ban đầu chỉ kéo dài 50 năm giống như các dự án đầu tư nước ngoài khác ở Lào được cấp phép. Đặc khu kinh tế này được quyền kêu gọi và cấp phép cho nhà đầu tư trong và ngoài nước theo chính sách một cửa - một dấu của Lào.
- Ngày 26/7/2023, Làm việc với Ban lãnh đạo Đặc khu Kinh tế That Luang Lake sez. Tại đây, Đoàn công tác đã được chia sẻ thông tin về tình hình phát triển và những chính sách trong thu hút các nhà đầu tư đến phát triển các đặc khu kinh tế của Lào. Đoàn công tác đã có buổi thăm quan và nghe ban lãnh đạo Đặc khu Kinh tế báo cáo về tiến độ của các công trình hạ tầng thuộc khuôn khổ dự án.
That Luang Lake SEZ là một khu đô thị mới ở Viêng Chăn được chỉ định là một đặc khu kinh tế. Còn được gọi là Khu kinh tế đặc biệt đầm lầy That Luang, diện tích 365 ha dự kiến có thể thu hút 300.000 người. Đầm That Luang đã lên kế hoạch xây dựng tượng Phật lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ được khởi công vào năm 2022 để quảng bá nét văn hóa, tín ngưỡng trên cơ sở quốc giáo của Lào là đạo Phật.
Trong giai đoạn 2021-2025, nhà phát triển dự án cũng dự định thực hiện công trình trung tâm triển lãm và hội nghị quốc gia Lào nhằm nâng cao hình ảnh của đặc khu Đầm That Luang trong khu vực.
Đặc khu kinh tế Đầm That Luang có tổng diện tích phát triển trên 8,77 triệu m2, với dân số quy hoạch tối đa 300.000 người, toàn khu được chia thành 100 phần với chức năng riêng biệt gồm hạ tầng tài chính, thương mại, nhà ở, vui chơi giải trí, y tế, văn hóa, giáo dục và tôn giáo.
Được khởi công vào cuối năm 2012 và thời gian phát triển dự kiến từ 15-20 năm, chính phủ Lào đặt nhiều kỳ vọng vào dự án đặc khu kinh tế Đầm That Luang sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế và tạo nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
- Chiều ngày 26/7/2023, Đoàn công tác tới làm việc với Ban quản lý Khu phát triển phúc hợp Xaysetha, đồng chí Nguyễn Khắc Quyền - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (VIOIT) trao đổi một số thông tin và tập trung vào các nội dung: (1) Hiện trạng tình hình sản xuất và phát triển của các doanh nghiệp trong Khu phát triển phúc hợp Xaysetha; (2) Chính sách thu hút đầu tư và hiện trạng về tình hình đầu tư trong Khu phát triển phúc hợp Xaysetha; (3) Định hướng phát triển của các Khu công nghiệp và thương mại Khu phát triển phúc hợp Xaysetha. Trả lời những nội dung làm việc của Đoàn, đại diện Ban lãnh đạo Khu phát triển phúc hợp Xaysetha đã cung cấp một số thông tin:
Khu phức hợp Xaysettha là một trong năm đặc khu kinh tế ở thủ đô của Lào, bao gồm một khu công nghiệp hiện đại, một khu dịch vụ thương mại và logistics. Đặc khu Xaysettha thành lập từ năm 2010, hiện có tổng cộng 86 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, bao gồm các doanh nghiệp của Lào, Thái Lan, Trung Quốc và một số quốc gia khác, với tổng vốn đăng ký 398 triệu USD và vốn đầu tư theo kế hoạch khoảng 2.1 tỷ USD.
Tình đến thời điểm hiện tại, tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, máy móc vào đặc khu Xaysettha đạt hơn 4.64 tỷ USD để phục vụ cho việc phát triển hạ tầng nội khu. Trong khi lượng việc làm cũng được tạo ra đáng kể, trong đó có 71% là người Lào, đóng góp vào việc tăng thu nhập lao động cũng như phát triển kinh tế-xã hội địa phương, cũng như đất nước. Sản phẩm của các doanh nghiệp được xuất khẩu sang Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và các nước khác trên thế giới.
Bên cạnh đó, một số các doanh nghiệp đang tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy quy mô lớn tại đặc khu này, trong đó có nhà máy của liên doanh lọc hóa dầu Lào-Trung Quốc đầu tiên.
Khu phức hợp Xaysettha được đầu tư, phát triển và vận hành bởi Công ty Đầu tư Liên doanh Lào-Trung, liên doanh của Công ty Đầu tư nước ngoài tỉnh Vân Nam và chính quyền thành phố Vientiane, trong đó phía Lào chiếm 25% cổ phần, phía Trung Quốc giữ 75% cổ phần.
- Sáng ngày 27/7/2023, Đoàn công tác tới làm việc và hỗ trợ ban tổ chức Hội chợ triển lãm Thương mại Việt Nam - Lào. Mọi công tác trưng bày sản phẩm và chuẩn bị cho lễ khai mạc VIETLAO EXPO 2023 đang được gấp rút hoàn thành. Đoàn công tác đã đến gặp gỡ và cùng chia sẻ các thông tin về cơ chế, chính sách thúc đẩy đầu tư của Việt Nam với các doanh nghiệp Việt - Lào.
Trong những năm qua, Hội chợ thương mại Việt - Lào đã trở thành sự kiện uy tín, nơi các doanh nghiệp Việt Nam và Lào tham dự để quảng bá và giới thiệu sản phẩm, là điểm đến cho những khởi đầu kinh doanh và đầu tư giữa thị trường hai nước. Hội chợ VIETLAO EXPO 2023 có sự hiện diện của hàng trăm doanh nghiệp hai nước trưng bày giới thiệu sản phẩm trên quy mô khoảng 250 gian hàng, trong đó Khu gian hàng Việt Nam có quy mô 120 gian hàng tiêu chuẩn thuộc các ngành hàng như: Dược phẩm và thiết bị y tế; Nông - lâm - thủy hải sản và thực phẩm chế biến; May mặc - thời trang; Thủ công mỹ nghệ và trang trí nội - ngoại thất; Nhựa và sản phẩm tiêu dùng… Hội chợ VIETLAO EXPO 2023 hướng tới các mục tiêu: Quảng bá hình ảnh quốc gia và doanh nghiệp Việt Nam - Lào; Thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng mạng lưới tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Lào và khu vực Đông Bắc Thái Lan; Tạo môi trường để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của doanh nghiệp trong các ngành kinh tế của Việt Nam… Hội chợ sẽ trở thành cầu nối hiệu quả cho các tổ chức thương mại, nhà sản xuất, đầu tư Việt Nam và Lào gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, đầu tư, liên doanh liên kết.
- Chiều ngày 27/7/2023, Họp Đoàn công tác, tổng hợp tài liệu và các dữ liệu đã thu thập được. Đồng chí Tạ Đức Tuân - Giám đốc Trung tâm tham vấn WTO và FTAs, chủ nhiệm nhiệm vụ đã tổng kết các nội dung đã hoàn thành, những điểm còn thiếu và đúc rút kinh nghiệm với cả đoàn.
Thông qua những góp ý, kiến nghị, đề xuất xây dựng với Đoàn công tác, giúp Đoàn công tác hoàn thành báo cáo nhiệm vụ “Phát triển chuỗi liên kết công nghiệp giữa Việt Nam và Lào đến năm 2030”. Các thông tin thu thập trong quá trình khảo sát tại CHDCND Lào sẽ là các căn cứ khoa học và thực tiễn để nhóm thực hiện nhiệm vụ đề xuất các giải pháp có tính khả thi, sớm hoản thàng nhiệm vụ theo kế hoạch đã được phê duyệt./.
Một số hình ảnh đoàn công tác:







Lê Anh Tú
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT