Chiều ngày 19 tháng 03 năm 2024, tại trụ sở chính Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương số 17 Yết Kiêu, Hà Nội, đã diễn ra buổi Đối thoại VIOIT DIALOGUE số 29 với chủ đề “Hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng Việt Nam – Trung Quốc”. Đây là phiên thảo luận thứ 29 của chương trình “VIOIT Dialogue” diễn ra hàng tháng nhằm thảo luận các vấn đề liên quan đến công nghiệp và thương mại của Việt Nam do Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương khởi xướng vào tháng 10 năm 2021.
Buổi đối thoại diễn ra dưới hai hình thức trực tiếp tại trụ sở Viện số 17 Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và hình thức trực tuyến qua zoom. Buổi đối thoại do ông Ayumi Konishi - Điều phối viên, Cố vấn cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (VIOIT), Cố cấn cao cấp cho Giám đốc Điều hành - Trung tâm Hợp tác Đa phương về Tài chính Phát triển (MCDF) chủ trì điều hành. Tham dự buổi Đối thoại còn có lãnh đạo các phòng ban, các cán bộ nghiên cứu, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu quốc tế đã yêu thích, gắn bó với Chương trình VIOIT Dialogue của Viện trong thời gian qua.
Phát biểu khai mạc, ông Ayumi Konishi hoan nghênh các vị đại biểu tới dự chương trình.
Vào tháng 12 năm 2023, Việt Nam và Trung Quốc đã ra Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước lên một tầm cao mới, xây dựng Cộng đồng Việt Nam-Trung Quốc với một tương lai chung. Trong lĩnh vực thương mại, việc áp dụng các biện pháp thiết thực để mở rộng thương mại song phương, phát huy vai trò của RCEP, FTA ASEAN-Trung Quốc và nhiều nền tảng khác một cách cân bằng và bền vững là cần thiết. Trong lĩnh vực công nghiệp, cả hai nước cam kết tích cực tham gia và xây dựng quan hệ đối tác hợp tác năng lượng sạch toàn cầu nhằm thúc đẩy phát triển xanh, với ý định tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Trong thương mại Trung Quốc - Mỹ hiện đang căng thẳng, xuất khẩu thành phẩm trực tiếp của Trung Quốc sang Mỹ dự kiến sẽ được thay thế bằng xuất khẩu sản phẩm trung gian của Trung Quốc sang các nước trong khu vực, góp phần làm tăng thêm chuỗi giá trị khu vực. Nói cách khác, chúng ta nên đánh giá trước tác động lên cả thương mại và công nghiệp của Việt Nam, và tác động đó sẽ không chỉ đơn thuần là song phương mà còn vượt ra ngoài phạm vi Việt Nam đến khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hoặc thậm chí là toàn cầu. Trong bối cảnh trên, “Việt Nam cần làm gì trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại để tăng cường quan hệ đối tác với Trung Quốc?”
Buổi đối thoại đã nhận được nhiều bài tham luận của các chuyên gia, trong đó có bài tham luận “Quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc: động lực và thách thức trong một kỷ nguyên mới” của Ông Tạ Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm tham vấn WTO và FTAs. Nội dung bài tham luận phân tích mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, làm nổi bật các động lực và thách thức trong kỷ nguyên mới. Bài viết đồng thời đánh giá sự tăng trưởng trong khối lượng giao dịch thương mại, hợp tác trong thị trường giao dịch hàng hóa, và phát triển cơ sở hạ tầng, cùng với các chuyến thăm cấp cao và hoạt động xúc tiến thương mại. Bài viết cũng thảo luận về các thách thức như cân bằng thương mại, chất lượng sản phẩm và tiêu chuẩn, rào cản thương mại, và biến động chính sách. Các giải pháp như tăng cường đối thoại, tận dụng các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), cải thiện chất lượng sản phẩm, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, và hợp tác phát triển công nghệ được đề xuất cho một mối quan hệ thương mại bền vững và toàn diện.
Tiếp theo, là bài tham luận của ông Trịnh Quốc Vinh, Trung tâm tham vấn WTO và FTAs, VIOIT: “Quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc: Thực trạng, vấn đề và giải pháp”. Bài tham luận phân tích về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, từ đó làm rõ những thành tựu đạt được, những thách thức còn tồn tại và đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước phát triển bền vững trong bối cảnh mới.
Xoay quanh các chủ đề thảo luận trên, buổi Đối thoại đã nhận đươc rất nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp và chia sẻ từ các chuyên gia, các doanh nghiệp trong và ngoài Viện, với nội dung chủ yếu (i) thương mại trong tương lai giữa các quốc gia, (ii) chiến lược thúc đẩy đầu tư xuyên biên giới và (iii) các biện pháp tăng cường quan hệ đối tác kinh tế trong các lĩnh vực ngoài thương mại, bao gồm du lịch, di chuyển lao động và hợp tác trong khoa học và công nghệ.
Qua trao đổi cùng các chuyên gia, Ban tổ chức chương trình đã tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các tham luận, cũng như các ý kiến phát biểu của các đại biểu, các nhà khoa học làm cơ sở để đề xuất các kiến nghị, giải pháp đến các cơ quan chức năng trong thời gian tới.
Buổi Đối thoại đã kết thúc thành công tốt đẹp trong buổi chiều cùng ngày.
Dưới đây là một số hình ảnh buổi Đối thoại:
Ngô Mai Hương
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT
Trịnh Quốc Vinh
Trung tâm tham vấn WTO và FTAs