Tiếp nối chuyến khảo sát các khu vực đảo và hải đảo phía Bắc, đoàn công tác của Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công thương đã thực hiện 2 đợt làm việc và khảo sát tại Quảng Trị - Quảng Ngãi từ ngày 13 – 22 tháng 11 năm 2023 và các tỉnh Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận từ ngày 27 tháng 11- 06 tháng 12 năm 2023. Đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Khánh Linh - Phó trưởng phòng, Phòng Nghiên cứu chiến lược, chính sách thương mại - Chủ nhiệm nhiệm vụ làm trưởng đoàn cùng các thành viên nhiệm vụ.
Tại Kiên Giang, đoàn đã đến làm việc tại Sở Công Thương Kiên Giang. Tham dự buổi làm việc còn có đại diện lãnh đạo, chuyên viên các phòng ban của Sở; đại diện lãnh đạo và các chuyên viên của phòng kinh tế hạ tầng huyện Kiên Hải. Hai bên đã cùng nhau trao đổi về: thực trạng phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, huyện đảo Kiên Hải; những bất cập trong chính sách quản lý một số hạ tầng thương mại; những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ thương mại tại huyện đảo. Từ đó đề xuất những kiến nghị, giải pháp nhằm phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn huyện đảo.
Kiên Giang có vị trí nằm trên Hành lang kinh tế phía Nam thuộc tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, có điều kiện rất thuận lợi để thúc đẩy phát triển toàn diện các mặt KTXH trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Kiên Giang với bờ biển dài khoảng 200km, diện tích mặt biển khoảng 63.000km2 là một tỉnh có nghề đánh bắt hải sản phát triển. Huyện đảo Kiên Hải thuộc tỉnh Kiên Giang, nằm ở vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, gồm hơn 23 hòn đảo nổi lớn nhỏ, với 4 xã là Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn và Nam Du, diện tích tự nhiên gần 25km2, dân số hơn 22.000 người. Trung tâm Hành chính huyện đặt trên địa bàn xã Hòn Tre cách trung tâm Tp. Rạch Giá về hướng Đông khoảng 30 km đường biển, đảo xa nhất cách trung tâm TP. Rạch Giá 90 km là Quần đảo Nam Du. Quy mô thương mại của khu vực hải đảo còn rất nhỏ so với tỉnh. Thương mại chủ yếu để phục vụ nhu cầu của cư dân trên đảo hoặc du khách, khách vãng lai. Hàng hóa thương mại do đó là các loại nông phẩm thường ngày, đặc sản địa phương. Hàng hóa công nghiệp, chế biến hầu như không có. Công trình đầu tư tại các xã đảo, huyện Kiên Hải chưa đồng bộ; cơ sở hạ tầng và các dịch vụ du lịch chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Các loại hình tổ chức thương mại trên tại hầu hết các huyện đảo còn đơn điệu, chủ yếu là loại hình chợ và các cửa hàng kinh doanh truyền thống, phương thức kinh doanh lạc hậu, hạ tầng cơ sở thiếu thốn. Mạng lưới bán buôn, bán lẻ chưa phát triển, các loại hình thương mại hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, trung tâm logistics... chưa hình thành.
Bà Rịa-Vũng Tàu có những lợi thế quan trọng để phát triển thương mại và các ngành dịch vụ, đặc biệt, hệ thống hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có điều kiện phát triển để hỗ trợ cho việc hình thành và phát triển các kênh, luồng hàng hoá giữa các địa phương mà trước hết là với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Đối với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Côn Đảo là địa bàn được quan tâm ưu tiên đầu tư phát triển nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng tại Côn Đảo. Đến nay nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của Côn Đảo đã cơ bản được đầu tư hoàn thiện theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển dài hạn. Nhiệm vụ trọng tâm của Côn Đảo hiện nay là phát triển du lịch, lấy du lịch làm “trục xoay” để phát triển các ngành kinh tế khác, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Côn Đảo đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Để đón nhận những cơ hội, Côn Đảo cần có phương án bố trí không gian phát triển kinh tế hợp lý, trên cơ sở kế thừa hệ thống cơ sở kinh tế hiện có, phát huy các yếu tố phát triển mới, xây dựng định hướng phát triển dài hạn bảo đảm hạn chế tối thiểu hóa các tác động xung đột phát triển giữa các ngành, lĩnh vực đồng thời phát huy tốt nhất các tiềm năng, lợi thế phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Tại Bình Thuận, cơ sở hạ tầng thương mại được quan tâm đầu tư, phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng và trao đổi hàng hóa của nhân dân, góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất hàng hóa, kinh tế - xã hội của địa phương. Với thế mạnh về biển, huyện đảo Phú Quý đang nỗ lực xây dựng một thương hiệu du lịch hấp dẫn, thu hút du khách, trở thành ngành kinh tế trọng điểm của địa phương. Mục tiêu đưa Phú Quý cơ bản trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, phát huy tiềm năng lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo gắn với di sản, tìm hiểu văn hóa biển, ẩm thực biển; từng bước xây dựng Phú Quý là khu du lịch phát triển theo hướng du lịch xanh, bền vững. Việc phát triển kinh tế biển Đảo Phú Quý là việc làm tất yếu. Tuy nhiên, sự phát triển đấy cần có kế hoạch và lộ trình cụ thể trên cơ sở đánh giá chính xác tiềm lực và nguồn lực hỗ trợ sự phát triển. Sự phát triển đó cần hài hòa giữa vấn đề kinh tế - an sinh xã hội – an ninh quốc phòng và giữ gìn bản sắc văn hóa, cũng như khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, duy trì cho thế hệ tương lai.
Quảng Trị là tỉnh có tiềm năng, lợi thế về biển, là nơi tập trung nhiều loại hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao; có huyện đảo Cồn Cỏ với hệ sinh thái đa dạng, có nhiều rạn san hô quý hiếm, là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật biển. Mặc dù với diện tích không lớn nhưng Cồn Cỏ có vị trí chiến lược quan trọng án ngữ cửa ngõ phía Nam vịnh Bắc Bộ - một trong những vịnh lớn hàng đầu thế giới.. Đồng thời Cồn Cỏ còn là vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông và phát triển kinh tế-xã hội của hệ thống đảo và hải đảo Việt Nam…Với đặc thù là huyện đạo nhỏ nhất trong các huyện đảo của cả nước, quy mô dân số trên huyện đảo khá nhỏ bé (khoảng 500 người), nên các hoạt động kinh tế nói chung cũng như là các hoạt động thương mại trên địa bàn chưa phát triển. Các hoạt động thương mại trên đảo mới xuất hiện trong những năm gần đây, chủ yếu để phục vụ nhu cầu ăn, uống cho khách vãng lai và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho dân cư trên đảo. Các hoạt động kinh tế, thương mại trên huyện đảo còn kém phát triển, đặc biệt là các hoạt động thương mại hầu như chưa phát triển. Quy mô thương mại trên địa bàn huyện còn rất khiêm tốn, thương mại chưa phát huy vai trò đối với tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện.
Quảng Ngãi là tỉnh ven biển nằm ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam, nằm ở tâm điểm của cả nước, Quảng Ngãi có vị trí mang tầm chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam và Hành lang kinh tế Đông – Tây. Quảng Ngãi có Đảo Lý Sơn là đảo tiền tiêu của Tổ quốc với vị trí nằm trên con đường biển từ Bắc vào Nam và nằm ngay cửa ngõ của Khu Kinh Tế Dung Quất cũng như của cả khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung đang thu hút đông đảo lượng khách du lich. Nền kinh tế huyện đảo Lý Sơn gồm các ngành: thủy sản, nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ - du lịch. Trong đó, ngành thủy sản chiếm tỉ trọng lớn nhất và là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện đảo. Tại đảo Lý Sơn, kinh tế biển và du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Hạ tầng thương mại trên địa bàn huyện đảo Lý Sơn vẫn chưa có điều kiện phát triển, chủ yếu chỉ dừng lại ở mức phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trên đảo, vì vậy giá trị sản xuất của ngành thương mại, dịch vụ du lịch chiếm tỷ trọng trong tổng giá trị sản xuất đạt thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của huyện.
Qua chuyến khảo sát thực tế và làm việc trực tiếp tại địa phương, đoàn công tác đã thu thập tài liệu, số liệu, nắm bắt thực trạng phát triển hạ tầng thương mại phục vụ nhu cầu mua bán trên địa bàn thành phố cũng như những khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển hạ tầng thương mại tại các huyện đảo; những đề xuất, kiến nghị của cơ quan quản lý nhà nước;... để từ đó làm cơ sở phục vụ quá trình triển khai xây dựng nhiệm vụ.
Một số hình ảnh của đoàn công tác:




Nguyễn Khánh Linh
Phó trưởng phòng, Phòng Nghiên cứu chiến lược, chính sách thương mại