Theo Chương trình công tác năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) là đơn vị được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng “Báo cáo đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025” báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ xem xét trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023. Trên cơ sở rà soát, nghiên cứu, đánh giá và tổng hợp báo cáo của các cơ quan, đơn vị liên quan, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã xây dựng dự thảo Báo cáo.
Để hoàn thiện dự thảo Báo cáo, trong khuôn khổ hoạt động của Dự án Cải cách kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng xanh, do Chính phủ Đức tài trợ qua Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo “Đánh giá giữa kỳ Kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025”. Hội thảo diễn ra vào sáng ngày 21/9/2023, tại Hội trường nhà D, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, do TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chủ trì. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia cao cấp, đại diện các cơ quan, đơn vị nghiên cứu có liên quan.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh cho biết: Ngày 12/11/2021, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, trong đó nêu rõ, cần cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bảo đảm ổn định vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế tự chủ, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.
Nghị quyết xác định cơ cấu lại nền kinh tế với đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế phát triển, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh kinh tế đô thị, các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn. Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng. Phát huy cao độ yếu tố con người, giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết của dân tộc gắn với khai thác tối đa các cơ hội, thuận lợi và phù hợp xu thế phát triển trên thế giới, không để lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục kinh tế thế giới cũng như quá trình tái cấu trúc chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Đại diện nhóm nghiên cứu CIEM, TS. Đặng Thị Thu Hoài, Trưởng ban Nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực trình bày dự thảo Báo cáo. Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 (Nghị quyết số 31 của Quốc hội) bao gồm các mục tiêu: Hình thành cơ cấu hợp lý; Phát triển nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, cao; Tạo bứt phá về năng lực canh trạnh (NLCT) một số ngành chủ lực; Chuyển đổi rõ nét về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu (28 chỉ tiêu). Trong đó, đề ra 5 nhiệm vụ chính, bao gồm: (1) Cơ cấu lại các lĩnh vực trọng tâm như đầu tư công, ngân sách nhà nước (NSNN), tổ chức tín dụng (TCTD), đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL); (2) Phát triển thị trường: tài chính, đất đai, khoa học công nghệ, lao động; (3) Phát triển doanh nghiệp (DN): DNNN, tư nhân trong nước, FDI; (4) Liên kết vùng nông thôn – đô thị, phát triển đô thị; (5) Cơ cấu lại ngành: nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.
Dự thảo Báo cáo đã đưa ra một số kết quả đạt được như sau:
1) Cơ cấu kinh tế dịch chuyển tích cực, đẩy mạnh theo hướng số hoá, xanh hoá, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo (tỷ trọng đóng góp của kinh tế số tăng, tỷ trọng sản xuất xanh, ứng dụng công nghệ cao tăng).
2) Cơ cấu lại một số lĩnh vực trọng tâm đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được đà tăng trưởng (triển khai các dự án đầu tư công lớn, xử lý các ngân hàng yếu kém, tăng vốn cho các tổ chức tín dụng, tái cơ cấu ngân sách nhà nước);
3) Không gian kinh tế được mở rộng, tạo các động lực tăng trưởng mới, bền vững hơn (Quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, các dự án giao thông kết nối vùng, các cơ chế đặc thù với các tỉnh/thành phố, Hải Phòng, Cần Thơ có tốc độ tăng năng suất lao động cao);
4) Xử lý một số dự án kém, tổ chức các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (chương trình cắt giảm thủ tục hành chính, chính phủ điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi ố, tham gia chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ pháp lý…)
5) Các loại hình thị trường phát triển hiệu quả hơn, bền vững hơn (kết nối, số hóa, các sàn giao dịch, hoạt động minh bạch, an toàn hơn...
Theo nhóm nghiên cứu, có được các kết quả trên là do sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo các cơ quan Đảng, Quốc hội, sự quyết liệt trong triển khai thực hiện của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối và các mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết số 31/2021/QH15. Một số địa phương xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, huy động mọi nguồn lực, triển khai thực hiện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 31 vẫn còn một số hạn chế như:
1) Cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chưa có nhiều thay đổi đáng kể (tốc độ tăng năng suất lao động thấp, 4,7% 2021-2022 và ước 4% năm 2023, thấp hơn so với mục tiêu 5,5%, chế biến chế tạo tăng thấp, ít thương hiệu quốc tế, sức chống chịu hạn chế).
2) Phát triển lực lượng doanh nghiệp có dấu hiệu chững lại, thậm chí suy giảm (năng lực hấp thụ vốn thấp, năng lực công nghệ còn hạn chế, chưa theo kịp tiến trình đổi mới).
3) Các ngành kinh tế chưa chuyển dịch mạnh về tăng năng suất, nhất là khu vực công nghiệp và dịch vụ (không đạt mục tiêu tăng năng suất lao động, vẫn gia công, vẫn dựa vào FDI, xuất nhập khẩu).
4) Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng (chậm đổi mới quản trị doanh nghiệp nhà nước, chậm cổ phần hóa, tự chủ, xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công lập).
5) Cơ cấu lại một số lĩnh vực trọng tâm còn gặp nhiều khó khăn, thách thức (nợ xấu, thị trường mua bán nợ, thủ tục đầu tư, dự án liên vùng, PPP, ngân sách nhà nước, khuyến khích đổi mới sáng tạo, xanh, số hóa, liên kết vùng).
9) Các loại thị trường hoạt động còn chưa hiệu quả, chưa bền vững (thị trường vốn chậm lại, thị trường lao động mất cân đối, chất lượng lao động thấp, thiếu nhân lực chất lượng cao cho các ngành chủ lực…).
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đề ra một số giải pháp tiếp tục phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025:
Tập trung vào một số trọng tâm trong cơ cấu lại nền kinh tế
1) Đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để nâng cao năng lực và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo bước tiến rõ nét trong cơ cấu lại nền kinh tế.
2) Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại các lĩnh vực trọng tâm;
3) Triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện phát triển một số doanh nghiệp dẫn dắt chuỗi giá trị.
4) Phát huy vai trò đổi mới mô hình tăng trưởng của các đô thị lớn, các cực tăng trưởng, thúc đẩy tăng năng suất
Các giải pháp về chỉ đạo điều hành
1) Quán triệt “lấy hoàn thiện thể chế phát triển, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát huy vài trò, tiềm năng, thế mạnh kinh tế đô thị, các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị, nông thôn làm đột phá chiến lược”.
2) Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, tập trung nguồn lực, trí tuệ, thay đổi cách làm, phương thức nhanh chóng chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện, xây dựng mới các văn bản pháp luật, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi tối đa, khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng mô hình kinh tế mới, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh.
3) Các bộ ngành, địa phương đưa mục tiêu tăng năng suất lao động là một trong các mục tiêu quan trọng trong kế hoạch hàng năm, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng các mô hình kinh tế mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành có năng suất lao động cao hơn.
4) Đẩy nhanh tốc độ ban hành và triển khai chương trình, đề án.
Trong phần thảo luận và góp ý cho Dự thảo Báo cáo, TS. Cao Viết Sinh, Chuyên gia cao cấp, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và PGS.TS Bùi Tất Thắng, Chuyên gia cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, cung cấp đầy đủ số liệu của nhóm nghiên cứu và đưa ra những bình luận và góp ý về kết cấu, các nội dung cần tập trung nhấn mạnh và định hướng giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết. Hội thảo cũng ghi nhận những ý kiến đóng góp, trao đổi của các đại biểu tham dự Hội thảo nhằm hoàn thiện Dự thảo Báo cáo.
Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh cảm ơn sự tham gia, đóng góp ý kiến của các chuyên gia và đại biểu tham dự. Viện sẽ cân nhắc, tiếp thu các ý kiến góp ý, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện Báo cáo trong thời gian tới.
Trương Thị Quỳnh Vân
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT