Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu “Cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp”, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương đã tổ chức đoàn công tác nhằm khảo sát, thu thập số liệu tại Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian từ ngày 24/9/2024 đến ngày 28/9/2024. Tham gia Đoàn công tác có ThS. Nguyễn Mạnh Linh - Phó Trưởng phòng, Phòng Nghiên cứu công nghiệp và năng lượng làm trưởng đoàn và các thành viên thực hiện nhiệm vụ.
Theo Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng được định hướng tập trung phát triển các cụm liên kết ngành: Điện tử, công nghiệp bán dẫn, sản xuất chíp và trí tuệ nhân tạo (tập trung chủ yếu ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu); công nghiệp cơ khí sản xuất và lắp ráp ôtô, xe máy, máy móc nông nghiệp (khu vực thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai); công nghiệp cơ khí đóng tàu và cấu kiện nổi phục vụ khai thác dầu khí (khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu - Đông Nam thành phố Hồ Chí Minh), công nghiệp hóa dược, sản xuất thuốc (khu vực thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai), công nghiệp dệt may, da giày (khu vực thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bình Phước).
Đoàn công tác đã làm việc và tổ chức buổi tọa đàm khoa học với Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, các tổ chức, doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn. Tại buổi làm việc, đoàn công tác tập trung trao đổi về thực trạng và định hướng phát triển công nghiệp của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; các ngành, lĩnh vực công nghiệp trọng yếu trên địa bàn; một số thành công và khó khăn, hạn chế trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy liên kết, hợp tác sản xuất theo mô hình cụm ngành công nghiệp.

Về hiện trạng, trong giai đoạn vừa qua ngành công nghiệp luôn giữ vai trò quan trọng và chiếm tỷ trọng đóng góp cao vào GRDP của thành phố, chiếm gần 20% GRDP của thành phố và chiếm khoảng 30% sản lượng công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và chiếm khoảng trên 10% quy mô sản xuất công nghiệp trên toàn quốc.
Về định hướng phát triển, thành phố xác định phát triển công nghiệp với ba trụ cột chính là: (1) Nhóm các ngành công nghiệp cần duy trì và tái cấu trúc: Giày da, quần áo, dệt may; Nội thất, gỗ và một số ngành khác; (2) Nhóm ngành công nghiệp chủ lực: sản xuất điện tử, chíp bán dẫn; ngành hóa chất; ngành cơ khí chính xác, tự động hóa, robotics và ngành chế biến thực phẩm, đồ uống; (3) Nhóm ngành công nghiệp tiềm năng: Công nghiệp sinh hóa; Dược phẩm; Công nghiệp bán dẫn; Công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao.
Đồng thời, đoàn công tác cũng nắm bắt được các chủ trương, chính sách của thành phố để thúc đẩy phát triển công nghiệp, nâng cao khả năng liên kết phát triển sản xuất theo cụm ngành công nghiệp như: Hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên; phát triển quỹ đất công nghiệp; hỗ trợ vốn và thu hút đầu tư; hỗ trợ phát triển công nghệ, khoa học, kỹ thuật; phát triển thị trường, xúc tiến thương mại; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; liên kết vùng; đề xuất cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp.
Thông qua cuộc khảo sát, đoàn công tác đã thu thập được nhiều thông tin hữu ích phục vụ công tác nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp tại Việt Nam nói chung./.
Nguyễn Đức Tùng
Phòng Nghiên cứu công nghiệp và năng lượng - VIOIT