Chiều 29/12, tại Hội trường tầng 7, trụ sở 54 Hai Bà Trưng của Bộ Công Thương, Công đoàn Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ Công Thương năm 2022. Đoàn đại biểu gồm 16 cán bộ của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương tham dự Hội nghị do TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng làm trưởng đoàn.
Hội nghị đã bầu ra đoàn chủ tịch gồm 07 đồng chí: Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Phan Thị Thắng, ông Đỗ Văn Côi - Phó Chủ tịch phụ trách Công đoàn Bộ Công Thương.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ Công Thương chiều 29/12, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, năm 2022, với phương châm “đoàn kết, kỷ cương, muôn phương thắng lợi”, đến hiện tại, việc tổng kết công tác ngành và tổng kết công tác xây dựng Đảng đủ để khẳng định phương châm hành động ấy đã được cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ Công Thương thực hiện nghiêm túc và hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Người đứng đầu ngành Công Thương đã chỉ ra những thành quả tốt đẹp, ngoạn mục trong việc thực hiện những nhiệm vụ chính trị của ngành trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức của năm 2022 như sau: Tổng cục Thống kê vừa công bố tăng trưởng GDP của đất nước là 8,02%. Trong đó, ngành Công Thương đã đóng góp những phần rất cơ bản như: Tăng trưởng công nghiệp khoảng 9%, thương mại quốc tế tăng khoảng 10,6%, con số tuyệt đối là 732,6 tỷ USD. Đáng chú ý, chúng ta tiếp tục xuất siêu năm thứ bảy với số tuyệt đối xuất siêu khoảng 11,2 tỷ đô la. Về thương mại nội địa, tốc độ tăng trưởng 21% và cũng là tốc độ cao hơn rất nhiều trong 10 năm gần đây. Còn thương mại điện tử, chúng ta được xếp là một trong năm quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, bình quân là 20,5%.
Để đạt được kết quả trên là nhờ sự đoàn kết, thống nhất, kỷ cương, nề nếp được duy trì từ Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ, Đảng ủy và các thiết chế Công đoàn, Đoàn thanh niên, Cựu chiến binh, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ,…
Tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đã trình bày báo cáo đánh giá việc thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Bộ Công Thương; việc thực hiện nghị quyết hội nghị cán bộ công chức năm 2021 và việc thực hiện quy chế dân chủ của Bộ năm 2022,
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, bà Bùi Thị Bích Hiền - Phó Chủ tịch Công đoàn Vụ Pháp chế cho biết, năm 2022, Bộ Công Thương được giao chủ trì nghiên cứu xây dựng 05 văn bản gồm: 02 Luật; 01 đề nghị xây dựng Luật và 02 Nghị định. Đến nay, 01 Luật đã được Quốc hội ban hành (Luật Dầu khí); 01 Luật đã được Quốc hội cho ý kiến (Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); 01 đề nghị xây dựng Luật đã trình Chính phủ; 01 Nghị định đã được Chính phủ ban hành, 01 dự thảo Nghị định đang hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ. Theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2022, Bộ Công Thương phải trình và ban hành 42 văn bản gồm: 02 Nghị định; 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 38 Thông tư. Đến nay, Bộ Công Thương đã trình 01 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và ban hành 36 Thông tư.
Đại diện cho khối cơ quan truyền thông, Phó Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh chia sẻ, để đảm bảo đổi mới toàn diện, Báo Công Thương đã xây dựng Đề án đổi mới toàn diện Báo Điện tử đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Từ đó xác định Bộ Công Thương là bộ quản lý đa ngành, quan trọng của nền kinh tế đất nước nên Báo Công Thương phải vươn lên vị trí top đầu, xứng đáng với vị trí của ngành. Do đó, Báo Công Thương đã đổi mới toàn diện về nội dung tuyên truyền, trong đó đẩy mạnh nội dung tuyên truyền về kinh tế ngành. Đồng thời, đổi mới cách làm, với cái gốc là đổi mới con người, truyền thông đi trước nhưng phải chính xác.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường chia sẻ, năm 2022 là năm vất vả nhưng Tổng cục Quản lý thị trường đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Lực lượng quản lý thị trường đã trở thành lực lượng chính xử phạt hành chính, tiếp xúc với mặt trái thị trường hàng ngày. Cùng việc bình ổn xăng dầu, Tổng cục đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra. Đồng thời, quan tâm đời sống cán bộ công nhân viên; tổ chức nhiều phong trào thi đua như hiến máu, trồng cây xanh, văn nghệ, bóng đá toàn lực lượng…
Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, bà Lê Huyền Nga – Trưởng Phòng Công nghiệp hỗ trợ – Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương tham luận tại Hội nghị, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau hơn 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm vừa qua (2011-2020), quá trình công nghiệp hóa đất nước đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mức tăng trưởng đạt bình quân 6,17%/năm, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực với tỷ trọng đóng góp vào GDP của công nghiệp tăng nhanh, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Công nghiệp hỗ trợ có nhiều bước phát triển khởi sắc, góp phần cải thiện năng lực tự chủ của nền sản xuất nội địa.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng có hơn 30 kiến nghị, đề xuất tới Lãnh đạo Bộ để giải quyết về vấn đề tuyển dụng, lắng nghe giải đáp các kiến nghị của lực lượng tham tán thương mại ở nước ngoài…Giải đáp các kiến nghị tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ, có 9 vấn đề cần làm ngay và hoàn thành trước Tết Nguyên đán liên quan đến việc sửa chữa một số hạng mục tại các trụ sở làm việc. Các kiến nghị còn lại cần có câu trả lời trước ngày 31/3.
Hội nghị cũng đã tiến hành bầu Ban Thanh tra nhân dân Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2023-2025 gồm 11 đồng chí.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh về việc để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Bộ đề ra trong Chương trình công tác năm 2023, cần tập trung thực hiện tốt một số công tác chủ yếu sau:
Thứ nhất, căn cứ vào nội dung Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, từng đơn vị trong cơ quan Bộ phải cụ thể hoá thành chương trình, kế hoạch công tác của đơn vị mình; tổ chức quán triệt, động viên cán bộ, công chức trong đơn vị thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao; gắn với yêu cầu thường xuyên đôn đốc, giám sát kết quả công tác của từng cá nhân và tập thể.
Thứ hai, trên cơ sở Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ. Đồng thời kiện toàn về công tác tổ chức cán bộ; sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức các đơn vị thuộc diện hợp nhất, sáp nhập đảm bảo đúng quy định và hài hòa.
Thứ ba, thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch về cải cách hành chính, trọng tâm là đơn giản hóa thủ tục hành chính; kiểm soát thủ tục hành chính, rà soát, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; đổi mới mạnh mẽ việc giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức. Công khai, minh bạch hoạt động quản lý, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kết hợp với việc rà soát và bổ sung, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch đã được phê duyệt. Tăng cường công tác theo dõi, quản lý, kiểm tra giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch được phê duyệt.
Thứ năm, thường xuyên quán triệt, động viên cán bộ, công chức trong toàn cơ quan thực hiện nghiêm túc Chuẩn mực đạo đức trong thực thi công vụ, tăng cường văn minh công sở; vận động gia đình và người thân thực hiện tốt các quy định tại nơi cư trú.
Thứ sáu, thực hiện nghiêm túc Luật phòng, chống tham nhũng, Luật tiết kiệm, chống lãng phí, từng đơn vị, cá nhân phải đề cao tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài sản công. Động viên, khen thưởng kịp thời đơn vị và cá nhân có thành tích trong việc tiết kiệm, hiệu quả tài sản cộng, đồng thời xử lý những trường hợp do thiếu tinh thần trách nhiệm gây lãng phí hoặc thiệt hại tài sản công.
Thứ bảy, mỗi đơn vị, cá nhân cần phải nhận thức đầy đủ, đúng đắn về tầm quan trọng, ý nghĩa sâu sắc của việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Thực hiện nghiêm túc Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của Cơ quan Bộ Công Thương.
Thứ tám, tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thời các chủ trương, chính sách, sự lãnh đạo và quản lý điều hành của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là những vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của ngành Công Thương.
Thứ chín, thực hiện tốt các quy định mới của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức cán bộ; công tác đào tạo bồi dưỡng hoàn thành Kế hoạch năm 2022; góp phần nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ công chức.
Thứ mười, tiếp nhận, giải quyết kịp thời những đơn thư khiếu nại, tố cáo theo đúng quy trình./.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Tin bài và ảnh: Vũ Huy Hùng
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT
Nguyễn Trọng Nghĩa
Phòng Môi trường và phát triển bền vững - VIOIT