Thực hiện Quyết định số 1814/QĐ-BCT ngày 09 tháng 9 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt nhiệm vụ xúc tiến thương mại thường xuyên năm 2023 và giai đoạn 3 năm 2023-2025, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương - VIOIT tổ chức chuỗi Hội thảo “Kết nối doanh nghiệp với các nhà thiết kế sản phẩm xuất khẩu trọng điểm” với mục tiêu tạo ra một diễn đàn linh hoạt, thuận tiện, khuyến khích việc tham gia, trao đổi của nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và xuất khẩu các sản phẩm trọng điểm của Việt Nam.
Căn cứ Quyết định số 735/QĐ-CLCT ngày 19 tháng 9 năm 2023 của Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương về việc thành lập đoàn công tác tại Vĩnh Phúc từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 10 năm 2023, đồng chí Đặng Hoàng Mai - Phó Trưởng Ban xúc tiến Hợp tác Quốc tế, chủ nhiệm nhiệm vụ - Trưởng đoàn công tác và đại diện các đơn vị thuộc viện, thành viên đoàn công tác đã có buổi làm việc với Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc và khảo sát thực tế tại một số doanh nghiệp thiết kế, cơ sở sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn.
Nội dung trao đổi tập trung vào những vấn đề sau:
- Thực trạng về số lượng, quy mô, phân bố và hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh;
- Thực trạng, tình hình sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng trọng điểm của doanh nghiệp;
- Thực trạng hoạt động thiết kế bao bì nhằm tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu;
- Quy trình sản xuất, thiết kế mẫu mã sản phẩm (lên ý tưởng, gia công, in ấn, ra thành phẩm);
- Đánh giá thực trạng công tác quản lý của nhà nước đối với việc tổ chức kết nối doanh nghiệp với các nhà thiết kế (thực trạng ban hành/ áp dụng chính sách, hỗ trợ về vốn, công tác tổ chức các sự kiện/ hội trợ/ triển lãm kết nối doanh nghiệp với các nhà thiết kế,…);
- Đánh giá một số điều kiện thuận lợi, khó khăn đối với hoạt động thiết kế sản phẩm phù hợp với các thị trường xuất khẩu khác nhau;
- Một số đề xuất, kiến nghị của sở ngành tại địa phương và doanh nghiệp nhằm phát triển hoạt động kết nối doanh nghiệp với các nhà thiết kế sản phẩm xuất khẩu.
Tổng hợp số liệu từ Sở Công Thương tỉnh, 8 tháng năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra sôi động với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 14,23 tỷ USD, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm 2023 của tỉnh đạt 6,61 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước, với thị trường xuất khẩu tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ với các sản phẩm chủ lực như linh kiện xe máy, điện tử, phụ tùng ô tô, hàng điện tử và linh kiện điện tử, hàng dệt may…; kim ngạch nhập khẩu đạt 7,62 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Để đạt được kết quả trên là nhờ sự chung tay vào cuộc của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành khi đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, rút ngắn thời gian thông quan, tận dụng tối đa các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao tay nghề cho người lao động và thực hiện nghiêm quy định của các hiệp định để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thông qua trao đổi, khảo sát, Đoàn công tác đã tổ chức buổi hội thảo, tọa đàm với nội dung kết nối doanh nghiệp với các nhà thiết kế sản phẩm xuất khẩu trọng điểm, thu thập tư liệu, tìm hiểu thực tiễn quy trình sản xuất và thực trạng thiết kế sản phẩm của các doanh nghiệp, phục vụ cho việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của VIOIT, tiếp thu đề xuất các chính sách, giải pháp nhằm phát triển hoạt động thiết kế các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm và cung cấp luận cứ khoa học phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, thông qua buổi làm việc với Sở Công Thương Vĩnh Phúc, Đoàn công tác tổng hợp được tài liệu, số liệu cũng như nắm bắt tình hình phát triển các mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của tỉnh; những thế mạnh và các vấn đề còn tồn tại; những đề xuất, kiến nghị của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, người dân;... đây là những thông tin quan trọng, cần thiết phục vụ quá trình triển khai nhiệm vụ của Ban Xúc tiến Hợp tác Quốc tế.
Qua chương trình hội thảo, đại diện doanh nghiệp đề nghị Bộ Công Thương, Sở Công Thương tiếp tục tổ chức tập huấn, hội thảo giúp các doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ hơn kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế; đổi mới các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến; ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực quản lý, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp./.
Một số hình ảnh Đoàn công tác:


Trần Thị Thúy Hằng
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT
Trần Mỹ Linh
Tạp chí Nghiên cứu công nghiệp và thương mại