Thực hiện nhiệm vụ “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ưu tiên đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050” theo quyết định số: 25/QĐ-CLCT ngày 03 tháng 01 năm 2023 của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương về việc giao chủ nhiệm và phân công các thành viên thực hiện nhiệm vụ. Từ ngày 13 tháng 9 năm 2023 đến ngày 17 tháng 9 năm 2023, Đoàn công tác của Viện Nghiên cứu, chiến lược chính sách Công Thương do đồng chí Thái Quốc Hải, Nghiên cứu viên chính Phòng Quản lý khoa học và đào tạo, Chủ nhiệm nhiệm vụ làm Trưởng đoàn đã tổ chức chuyến khảo sát thực tế và làm việc với các Sở, ngành, các doanh nghiệp tại một số tỉnh khu vực phía nam: thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Qua các buổi làm việc với Sở Công Thương, một số doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đoàn công tác đã nắm bắt, thu thập thông tin, số liệu về thực trạng sản xuất, phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp hỗ trợ và thực trạng phát triển các khu, cụm công nghiệp. Qua thu thập tài liệu, Đoàn dã thu thập được một số kết quả như sau:
Thứ nhất, việc phát triển ngành Công nghiệp ưu tiên (CNUT) là hết sức quan trọng. Xác định một số ngành CNUT phát triển trong mỗi thời kỳ nhất định nhằm tập trung nguồn lực quốc gia để xây dựng và phát triển một số ngành CN mạnh, có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó làm nền tảng để phát triển CN ở những giai đoạn tiếp theo.
Xác định một số ngành CNUT phát triển hướng đến tập trung phát triển một số ngành CN sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, có giá trị xuất khẩu lớn, tạo thị trường cho CNUT phát triển, sử dụng công nghệ cao, tạo nhiều việc làm đòi hỏi trình độ cao, giảm dần các lĩnh vực sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản và lao động giản đơn.
Thứ hai, 8 tỉnh Đông Nam Bộ bao gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh. Vùng này phát triển CN khai thác và chế biến dầu khí, điện, chế biến nông, lâm, hải sản và đặc biệt là CN cơ khí, điện tử, CN phần mềm, hoá chất, hóa dược; phát triển CN dệt may, da giày chất lượng cao phục vụ xuất khẩu; phát triển CN trên cơ sở áp dụng công nghệ cao, phát triển các sản phẩm có hàm lượng trí thức cao, giảm dần tỷ trọng các ngành sử dụng nhiều lao động.
Trong giai đoạn 2011-2020, CN của vùng Đông Nam Bộ có tốc độ tăng 5,23%/năm và luôn là khu vực có đóng góp lớn nhất về giá trị tăng thêm (VACN) trong 06 vùng CN cả nước. Cụ thể, vùng đã đóng góp 2,59 điểm % trong tăng trưởng của ngành CN cả nước thời kỳ 2011-2020. Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, tỷ trọng CN của Vùng trong cơ cấu CN cả nước đã và đang có xu hướng giảm dần, từ 57,9% năm 2010, giảm còn 47,9% vào năm 2015 và đến năm 2020 còn chiếm 39,1% trong cơ cấu CN cả nước.
Thứ ba, cần phải khai thác và sử dụng một cách hiệu quả nguồn lực của đất nước phù hợp với tình hình trong nước và bối cảnh quốc tế trong mỗi thời kỳ. Cần phải tập trung nguồn lực, khuyến khích một số ngành được ưu tiên lựa chọn trong từng thời gian nhất định. Các ngành CN ưu tiên được lựa chọn sẽ thay đổi phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong mỗi thời kỳ khác nhau.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với sự bùng nổ của cuộc CMCN 4.0, Việt Nam cần phải xác định và lựa chọn mội số ngành CN quan trọng đối với quốc gia nhưng đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng như ngay cả thị trường nội địa.
Việc xác định các ngành CNUT phát triển phù hợp, có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, cùng với những cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển ngành CN sẽ góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu CNH, HĐH, cơ bản trở thành nước CN theo hướng hiện đại đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Thông qua buổi làm việc với các Sở Công Thương, Đoàn Công tác ngoài việc thu thập thêm thông tin về các thế mạnh và các vấn đề tồn tại; Đoàn cũng đã ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của Sở Công thương và ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn từ đó làm cơ sở xây dựng đề án “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ưu tiên đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050”.
Một số hình ảnh Đoàn công tác:

Viết bài và đưa tin
Ths. Lương Thanh Hải
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT