Để có cơ sở và căn cứ cho công tác thu thập dữ liệu phục vụ lập “Báo cáo đánh giá khả năng phát triển khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên trở thành trung tâm thép của Việt Nam” theo Quyết định số 578 ngày 28 tháng 7 năm 2023 của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương giao chủ nhiệm và phân công các thành viên thực hiện nhiệm vụ, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương đã thành lập đoàn khảo sát, trao đổi và làm việc với Lãnh đạo và Ban quản lý dự án khu gang thép Thái Nguyên.
Đoàn công tác do Phó Viện trưởng Nguyễn Khắc Quyền làm trưởng đoàn và các thành viên thực hiện nhiệm vụ. Đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tổng Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên để trao đổi và thu thập những ý kiến đóng góp, tài liệu tham khảo phục vụ công tác lập “Báo cáo đánh giá khả năng phát triển khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên trở thành trung tâm thép của Việt Nam”.
Qua trao đổi giữa Đoàn công tác với Lãnh đạo và Ban quản lý dự án thép Thái Nguyên, có thể thấy rằng:
- Vị trí địa lý thuận lợi: Thái Nguyên nằm ở phía bắc Việt Nam, gần các nguồn tài nguyên thiết yếu như quặng sắt và than mỡ luyện cốc. Điều này giúp giảm thiểu chi phí vận chuyển nguyên liệu và tối ưu hóa quá trình sản xuất thép.
- Hạ tầng và kỹ thuật: Để trở thành trung tâm sản xuất thép, một khu công nghiệp cần có hạ tầng hiện đại và kỹ thuật tiên tiến. Đầu tư vào các công nghệ sản xuất mới, quản lý chất lượng để có thể nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
- Sự hỗ trợ từ chính phủ: Sự hỗ trợ từ chính phủ thông qua chính sách hỗ trợ tài chính, giảm thuế và quản lý quy hoạch, cải tạo môi trường có thể thúc đẩy phát triển khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên trở thành trung tâm sản xuất và phân phối thép cho khu vực.
- Xu hướng tiêu dùng và xuất khẩu: Nhu cầu sử dụng thép trong xây dựng và sản xuất gia công là không thể thiếu trong nền kinh tế. Nếu có khả năng sản xuất thép chất lượng cao và đa dạng về chủng loại, Thái Nguyên có thể hướng đến thị trường nội địa và cả thị trường xuất khẩu.
- Tương quan với ngành công nghiệp khác: Sự phát triển của ngành công nghiệp thép cũng liên quan mật thiết đến sự phát triển của các ngành khác như xây dựng, ô tô, đóng tàu và nhiều lĩnh vực khác…
Tuy nhiên, để Thái Nguyên thực sự trở thành trung tâm thép của Việt Nam, cần phải đối mặt và giải quyết nhiều thách thức, bao gồm năng lực sản xuất, sản phẩm cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực, quản lý tài nguyên khai thác hợp lý và đảm bảo môi trường bền vững. Đặc biệt cần cải thiện kỹ thuật sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Qua việc đi khảo sát thực địa, đoàn công tác đã phần nào nắm bắt được tình hình phát triển của ngành cũng như tình hình hoạt động nhà máy trong dự án, những điểm còn tồn tại, hạn chế và đề xuất kiến nghị từ phía lãnh đạo và ban quản lý dự án thép Thái Nguyên đến cơ quan quản lý. Đoàn công tác ghi nhận ý kiến rà soát, điều chỉnh và cân nhắc để tổng hợp khi lập “Báo cáo đánh giá khả năng phát triển khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên trở thành trung tâm thép của Việt Nam” trong thời gian tới./.
Một số hình ảnh của đoàn công tác:




Tin bài và ảnh: Nguyễn Quang Tuyển
Phòng Quản lý Khoa học và đào tạo - VIOIT