TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

23/04/2024

Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam đã trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng sức mạnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay hội nhập kinh tế quốc tế cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bài viết phân tích những kết quả đạt được trong quá trình hội nhập và chỉ ra những tồn tại, hạn chế để từ đó đưa ra những giải pháp nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Từ khóa: hội nhập quốc tế, nền tảng tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng.

 

1. Khái quát về hội nhập kinh tế quốc tế

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ rất quan tâm đến hội nhập kinh tế. Nhận thức rõ tầm quan trọng của chiến lược hội nhập quốc tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh, ngay từ rất sớm, Đảng ta đã xây dựng chiến lược phát triển, có các chỉ đạo triển khai quyết liệt. Điều đó đã thể hiện trong các Nghị quyết, văn bản của các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc qua các thời kỳ, đặc biệt là từ Đại hội Đảng lần thứ VIII cho đến nay.

Từ năm 1996, trong Văn kiện Đại hội VIII của Đảng đã đề cập đến khái niệm hội nhập như sau: “Xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới, hướng mạnh về xuất khẩu, đồng thời thay thế nhập khẩu bằng những sản phẩm trong nước sản xuất có hiệu quả”.

 Năm 2001, Đến Đại hội IX chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục được nhấn mạnh: “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, giữ vững an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường”.

Đại hội X của Đảng (năm 2006) tái khẳng định chủ trương chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế và nêu định hướng “đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác”.

Năm 2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW “Về hội nhập quốc tế”. Đây là văn kiện có ý nghĩa chiến lược, thống nhất nhận thức về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, xác định mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và phương hướng nhiệm vụ hội nhập quốc tế của Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021), Đảng ta xác định mục tiêu “Chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”.

Theo đó, nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và cộng đồng doanh nghiệp và người dân từng bước được nâng cao. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường trong nước từng bước phát triển đồng bộ, gắn với thị trường của khu vực và thế giới. Công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế đã mang lại những hiệu quả vô cùng to lớn, toàn diện, góp phần thúc đẩy phát triển của đất nước, cũng như khẳng định uy tín, vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

2. Những thành tựu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế

2.1. Những kết quả đạt được

Những năm qua, với đường lối của Đảng về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối ảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Sức mạnh về mọi mặt được tăng cường, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Hội nhập kinh tế quốc tế đã mang lại kết quả như sau:

- Đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa: Quy mô xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh, cơ cấu mặt hàng xuất, nhập khẩu có chuyển biến tích cực. Năm 2012, Việt Nam xuất khẩu 114,5 tỷ USD và nhập khẩu 113,8 tỷ USD và là năm đầu tiên Việt Nam đạt thặng dư trong lĩnh vực xuất khẩu. Đến năm 2014, thặng dư thương mại là 2,37 tỷ USD. Năm 2020 ghi dấu ấn đặc biệt đối với thương mại toàn cầu với sự bùng phát và diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19, khiến thương mại toàn cầu đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, dẫn tới làn sóng phá sản nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu. Vượt qua khó khăn, năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,54 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020. Mặc dù tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 ở trong nước và tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2022 đạt mức kỷ lục 730,21 tỷ USD, trong đó xuất siêu 11,2 tỷ USD. Năm 2023 Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 683 tỷ USD, trong đó trong đó xuất khẩu đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu đạt 328,5 tỷ USD.

- Ký kết và thực hiện các cam kết kinh tế quốc tế:

Việt Nam hiện đã có thực lực đủ mạnh để hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả. Việt Nam đã và đang tham gia 19 FTA song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Trong đó, 16/19 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục, với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu... đây cũng chính là cơ sở, là nền tảng đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương. Tính đến hết năm 2023, Việt Nam đã tham gia 09 FTA thế hệ mới, bao gồm: Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Chi Lê (VCFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu (VN-EAEU FTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Israel (VIFTA).. Việt Nam cũng là thành viên tích cực, có trách nhiệm của nhiều tổ chức đa phương như WTO, APEC, ASEAN.

- Củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế: 

Vị thế của Việt Nam trên thế giới đã được củng cố toàn diện trong thời gian vừa qua, như vai trò của một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; ảnh hưởng ngày càng lớn, tiếng nói ngày càng quan trọng của Việt Nam trong ASEAN và nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế; là sự tham gia của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA).

Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, đến năm 2020, Việt Nam có 30 đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện; có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước, có quan hệ kinh tế với 160 nước và 70 vùng lãnh thổ. Đến năm 2022, tổng số quan hệ kinh tế - thương mại của Việt Nam đã nâng lên thành 230 nước và vùng lãnh thổ. Với việc thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế, vị thế của đất nước tiếp tục được cải thiện đáng kể. Có thể khẳng định, hội nhập kinh tế quốc tế đóng góp quan trọng vào việc mở rộng và đưa quan hệ của nước ta với các đối tác đi vào chiều sâu, tạo thế đan xen lợi ích, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

- Trở thành một trong 20 nền thương mại lớn nhất thế giới: WTO ghi nhận việc Việt Nam trở thành một nền kinh tế có độ mở cao, tới 200% GDP và cải thiện cán cân thương mại hàng hóa, chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu trong giai đoạn 2016 - 2020. Theo Tổng cục Thống kê, từ năm 2016 đến năm 2022, cán cân thương mại của Việt Nam luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu tăng dần qua các năm, từ 1,77 tỷ USD (năm 2016) lên 2,1 tỷ USD (năm 2017), 6,8 tỷ USD (năm 2018), 10,9 tỷ USD (năm 2019). Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn đạt mức xuất siêu gần 4 tỷ USD. Báo cáo rà soát thống kê thương mại thế giới năm 2020 của WTO ghi nhận trong số 50 quốc gia có nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, Việt Nam có mức tăng trưởng lớn nhất khi dịch chuyển từ vị trí thứ 39 vào năm 2009 lên vị trí thứ 23 vào năm 2019 và lọt vào tốp 20 năm 2021. Năm 2022, cán cân thương mại xuất siêu đạt 12,4 tỷ USD, là năm thứ 7 liên tiếp cán cân thương mại hàng hóa ở mức thặng dự mặc dù gặp nhiều khó khăn sau ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19. Năm 2023, cán cân thương mại xuất siêu đạt 26,3 tỷ USD.

- Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) cải thiện mạnh: Trong năm 2019, trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên thế giới, Việt Nam được coi là quốc gia có nền kinh tế ổn định, tăng trưởng nhanh, đứng tốp đầu khu vực và thế giới, được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá nằm trong số 20 nền kinh tế có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu. Cũng trong năm 2019, Việt Nam lọt vào tốp 10/163 nước “đáng sống nhất thế giới” trong bảng xếp hạng của HSBC Expat; đứng thứ 83/128 nước trong xếp hạng các nước an toàn nhất; xếp thứ 94/156 nước trong Bảng xếp hạng quốc gia hạnh phúc. Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đứng thứ 44 thế giới, đứng thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á và bình quân GDP/đầu người đứng thứ 6 khu vực. Đến năm 2022, tốc độ tăng GDP đạt 8,02% (cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022), GDP bình quân đầu người đạt 4.109 USD/người, tăng 392 USD so với năm 2021, đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt.

2.2. Những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những thành quả và ưu điểm nêu trên, hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế và bất câp. Những hạn chế và bất cập này đã được nêu lên trong nhiều văn kiện của Đảng, đặc biệt gần đây là Nghị quyết số 06-NQ/TW về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, cũng như trong nhiều công trình nghiên cứu và trên các diễn đàn kinh tế. Những hạn chế, bất cập chủ yếu là:

(1) Hội nhập kinh tế quốc tế nhìn chung thể hiện chủ yếu trong chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà chưa biến thành yếu tố nội sinh trong hành động của các cấp, các ngành và doanh nghiệp.   

Các chủ trương, chính sách hội nhập kinh tế quốc tế chậm được lồng ghép, nhìn nhận đầy đủ trong chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chưa gắn kết chặt chẽ với công tác quản lý điều hành phát triển kinh tế - xã hội, và thiếu nguồn lực để thực hiện.Tính gắn kết giữa các ngành, lĩnh vực chưa cao, nhiều vấn đề mang tính liên ngành chậm được xử lý hoặc xử lý cục bộ, ngắn hạn. Ở cấp độ vi mô, chủ trương, chính sách hội nhập chưa được cụ thể hóa dẫn đến tình trạng thụ động,các doanh nghiệp chưa nhận thức hết tính cấp thiết và lợi ích của hội nhập đối với hoạt động kinh doanh của mình.

Cơ chế giám sát, theo dõi việc thực hiện các kế hoạch, đề án, chương trình về hội nhập kinh tế quốc tế chưa thực sự được chú trọng, gây khó khăn trong việc tổng hợp đầy đủ, kịp thời cũng như đánh giá kết quả của việc triển khai một cách xác đáng và toàn diện.

(2) Quá trình đổi mới ở trong nước, nhất là đổi mới, hoàn thiện thể chế, trước hết là hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách chưa được thực hiện một cách đồng bộ, chưa gắn kết chặt chẽ với yêu cầu hội nhập và  quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh. Mặt khác tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế bộc lộ nhiều bất cập so với yêu cầu bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, môi trường sinh thái, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Việc cải cách thể chế kinh tế trong nước vẫn chưa đáp ứng và theo kịp các yêu cầu của việc thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Việc đẩy mạnh quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện các cam kết quốc tế chưa tạo sức ép đổi mới trong nước, nhất là về thể chế kinh tế, cải cách hành chính. Tuy đã có nhiều chính sách, pháp luật để hội nhập và thực hiện các cam kết trong khuôn khổ WTO và tham gia các FTA, song vẫn thiếu các chính sách cụ thể và hiệu quả để thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ lớn về phát huy nội lực, phát triển doanh nghiệp trong nước, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ... nhằm phát huy hiệu quả của hội nhập,thúc đẩy quá trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

(3) Việc phối hợp hội nhập kinh tế quốc tế với hội nhập trong các lĩnh vực khác chưa  chặt chẽ để phát huy tổng lực và hạn chế rủi ro. Chưa tạo được sự đan xen chặt chẽ lợi ích chiến lược, lâu dài với các đối tác, nhất là các đối tác quan trọng. Việc ứng phó với những biến động và xử lý những tác động từ môi trường khu vực và quốc tế còn bị động, lúng túng và chưa đồng bộ.

Khả năng nhận định, đánh giá và dự báo xu thế hội nhập kinh tế quốc tế chưa cao. Các vấn đề về xây dựng cơ chế nhận biết, cảnh báo sớm tác động trong các lĩnh vực hội nhập kinh tế trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới nhìn chung còn yếu. Công tác tham mưu, tư vấn chính sách vẫn còn hạn chế trong việc phân tích, định hướng và dự báo những vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế phát sinh.

(4) Nền kinh tế vẫn mang tính gia công,chưa tạo ra các thương hiệu Việt Nam có uy tín trên thị trường thế giới. Xuất khẩu tăng nhanh nhưng chưa thực sự vững chắc, chất lượng tăng trưởng và hiệu quả xuất khẩu còn thấp, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua phát triển chưa bền vững. Giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu còn thấp do chủ yếu dựa vào khai thác các yếu tố về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động rẻ; hàng hóa thô và sơ chế, bao gồm cả dầu thô, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu của các mặt hàng dựa vào tài nguyên chiếm dưới 10% tổng kim ngạch xuất khẩu, và tỷ lệ này gần như không thay đổi. Giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu thấp. Hàng hóa xuất khẩu ngoài khoáng sản, nhiên liệu thô thì hàng hóa nông nghiệp 90% là sản phẩm thô và sơ chế. Hàng công nghiệp chế biến chủ yếu là gia công, lắp ráp dựa trên việc nhập khẩu nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện, chi tiết máy, bán thành phẩm, điều đó phản ánh một nền kinh tế trình độ thấp, chủ yếu khai thác tài nguyên và lao động rẻ.

(5) Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và các sản phẩm chủ lực còn thấp và chịu sức ép cạnh tranh với các doanh nghiệp và sản phẩm nước ngoài ngay trên thị trường nội địa

Tác động lan tỏa về công nghệ, kỹ năng của khu vực FDI ở Việt Nam còn yếu. Một số lĩnh vực sản xuất được bảo hộ quá lâu, hạn chế cạnh tranh và cả sự tham gia trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ phát triển chưa mạnh, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, vì vậy, khả năng tiếp nhận hiệu ứng lan tỏa tích cực từ FDI còn rất hạn chế.

(6) Một thách thức nữa là sự gia tăng của các rủi ro thương mại.

Việt Nam đã ký kết nhiều FTA với các đối tác lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Những FTA này đã mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội để mở rộng thị trường và tăng cường cạnh tranh. Tuy nhiên, những FTA này cũng đặt ra những yêu cầu cao về nguồn gốc hàng hóa, tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và quyền lao động. Nếu không tuân thủ những yêu cầu này, Việt Nam có thể bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hoặc bị kiện trước các tòa án quốc tế.

2.3. Một số nguyên nhân của hạn chế

Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập nêu trên về khách quan là do nền kinh tế đang ở trong giai đoạn phát triển thấp xét cả về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất vì vị thế, mức độ tham gia vào nền kinh tế thế giới phụ thuộc vào thực lực của nền kinh tế của một quốc gia.Tuy nhiên,những nguyên nhân chủ quan có vai trò quyết định đối với những hạn chế, bất cập nêu trên nếu xét về phương diện thực thi và hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong số các nguyên nhân chủ quan, trước hết phải nói đến việc đổi mới tư duy và nền tảng tri thức về kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế của chúng ta chưa theo kịp thực tiễn. Quan điểm về xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong hội nhập, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN còn có các cách hiểu khác nhau đã trở thành rào cản của nhiều chủ trương, quyết sách và chỉ đạo thực tiễn.

Một nguyên nhân chủ quan khác là quy trình chính sách chưa được xây dựng và tổ chức thực hiện một cách khoa học dẫ đến tính khả thi thấp, trách nhiệm không rõ.Tổ chức bộ máy cồng kềnh, chồng chéo và công tác cán bộ chậm đổi mới, thực lực của đội ngũ cán bộ hoạch định và thực thi chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, lợi ích cục bộ, tư duy nhiệm kỳ,tham nhũng là những nguyên nhân quan trọng của những hạn chế, bất cập nêu trên.

3. Giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, cả hệ thống chính trị nói chung và ngành Công Thương nói riêng cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong việc quán triệt và thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước thời kỳ đổi mới, tích cực và chủ động nhận diện những quan điểm sai trái, thù địch để kịp thời đấu tranh, phản bác trong tình hình mới. Theo đó, một số giải pháp đối với ngành Công Thương trong việc đẩy mạnh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế bao gồm:

Thứ nhất, kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế vì lợi ích quốc gia - dân tộc là định hướng chiến lược lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vận dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn, nhất là mối quan hệ giữa tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Thứ hai, nghiên cứu, xây dựng Chiến lược mới về tham gia các hoạt động thương mại tự do theo hướng tham gia có chọn lọc và thực thi có hiệu quả các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới nhằm thúc đẩy các quan hệ kinh tế quốc tế theo chiều sâu, hiệu quả, thiết thực gắn với bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc. Khẩn trương kết thúc đàm phán, sớm ký kết FTA với UEA; khởi động đàm phán các FTA mới với các đối tác còn nhiều tiềm năng ở khu vực Châu Phi, Nam Á, Tây Á và Nam Mỹ, tạo dư địa cho hàng hóa Việt Nam xâm nhập vào các thị trường này; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các FTA mà Việt Nam là thành viên để mở rộng, đa dạng hoá thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu bền vững.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thể chế, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, bảo đảm đồng bộ, khả thi để thực hiện đầy đủ, tương thích với các nghĩa vụ và cam kết hội nhập KTQT, đặc biệt với các FTA thế hệ mới theo lộ trình đã đề ra. Tận dụng tối đa không gian chính sách mà Việt Nam được phép trong các cam kết để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể của Việt Nam và tạo cơ sở phát triển các ngành, lĩnh vực SXKD mới, phù hợp với xu thế phát triển của Kinh tế số, Cách mạng Công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực tham gia vào chuỗi SX, cung ứng toàn cầu.

Thứ tư, kết hợp chặt chẽ giữa hội nhập kinh tế với hội nhập toàn diện trên các lĩnh vực về: Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng và các vấn đề về xã hội như lao động, công đoàn… tạo mối quan hệ gắn kết hài hòa giữa các lĩnh vực hội nhập, trong đó phát huy vai trò trọng tâm của hội nhập trong lĩnh vực kinh tế để phát huy sức mạnh tổng thể, đóng góp vào quá trình phát triển chung của đất nước.
Thứ năm, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế và đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hội nhập quốc tế cũng như ý nghĩa, vai trò, thời cơ, thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tạo đồng thuận xã hội trong tổ chức thực hiện.

Thứ năm, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tiến trình hội nhập quốc tế. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là công đoàn, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.

4. Kết luận

Có thể thấy, dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng ta đối với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong những năm qua, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế, thị trường toàn cầu, là quốc gia nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu.

 Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, “đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ những biến động bên ngoài; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.

Thực hiện nhiều hình thức hội nhập kinh tế quốc tế với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước trong từng giai đoạn”. Tuy nhiên, trước bối cảnh phát triển mới, nước ta cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời nắm bắt xu thế phát triển của thế giới để tận dụng cơ hội, hạn chế thách thức nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước các trong giai đoạn tiếp theo./.

ThS. Hoàng Thị Hương Lan

Phòng Nghiên cứu và dự báo thị trường

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Báo Công Thương (2020), “Tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập kinh tế quốc tế”.

2. Bộ Công Thương (2021), Cổng thông tin điện tử về Hiệp định thương mại tự do, www.fta.moit.gov.vn.

3. Bộ Công Thương (2023), Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2022, NXB Công Thương.

4. Bộ Công Thương (2021), Sổ tay Hội nhập kinh tế quốc tế, Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Nxb. Dân trí, Hà Nội, 2021

5. Báo điện tử Chính phủ (2023), “Các FTA đã 'chắp cánh' cho xuất khẩu như thế nào?”

6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội Đại biểu lần thứ XII. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội Đại biểu lần thứ XIII, tập 1, 2. Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

8. Hội đồng Lý luận Trung ương (2018). Phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về chính trị trong Đảng. Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.

TIN KHÁC