1. Mở đầu
Hiện nay, nguy cơ “Cách mạng màu” và “Diễn biến hoà bình” trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại có nhiều nét mới. Thời gian gần đây, các thế lực thù địch đẩy mạnh “Cách mạng màu” và chiến lược “Diễn biến hoà bình” với cấp độ ngày càng gay gắt, quyết liệt, hòng làm hỗn loạn về tư tưởng, tạo ra “những khoảng trống” để nhằm mục đích xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Các thế lực thù địch tập trung lợi dụng triệt để sử dụng internet, các trang mạng xã hội để truyền bá các quan điểm sai trái, tung tin xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực công nghiệp và thương mại; vu cáo, bịa đặt, bôi nhọ hình ảnh các đồng chí lãnh đạo ngành Công Thương nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Với lý do trên, bài viết chỉ ra mối quan hệ biện chứng giữa “Cách mạng màu” và “Diễn biến hoà bình”, nhận diện, phân tích những nguy cơ của “Cách mạng màu” và chiến lược “Diễn biến hoà bình” trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, từ đó đề xuất một vài giải pháp nhằm ngăn chặn mầm mống của “Cách mạng màu” và chiến lược “Diễn biến hòa bình” trong thời kỳ mới.
2. Mối quan hệ giữa“ Cách mạng màu” và chiến lược “Diễn biến hoà bình”
“Cách mạng màu” (tiếng Anh là Colour revolution) là thuật ngữ chỉ các cuộc bạo lực chính trị có tổ chức, chính biến phi vũ trang ở quốc gia có chủ quyền nhằm lật đổ nhà nước đương nhiệm, gây ra khủng hoảng chính trị, đồng thời lập ra bộ máy cầm quyền mới của lực lượng đối lập được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn. Đó là chiến lược toàn cầu của Mỹ sử dụng những phương thức, thủ đoạn điển hình là sự phản đối quy mô lớn bằng biện pháp phi bạo lực nhằm mục đích thay đổi chế độ đang tồn tại để thiết lập một chính phủ thân Mỹ và phương Tây kể từ thời kỳ hậu chiến tranh lạnh đến nay.
Các đối tượng của “Cách mạng màu” là đảng phái, lực lượng chính trị đối lập trong nước hình thành từ các trào lưu “dân chủ hóa xã hội” hoặc nảy sinh, phát triển từ sự mâu thuẫn, phân hóa, phân lập của nội bộ đảng, chính phủ cầm quyền. Lãnh tụ phe đối lập thường là những người bất mãn, cơ hội chính trị, bất đồng với đảng, chính phủ cầm quyền được các thế lực nước ngoài hậu thuẫn, thậm chí nuôi dưỡng để thực hiện chính biến khi có thời cơ thuận lợi. Các thế lực bên ngoài là kẻ khởi xướng, định hướng, kích động, thúc đẩy, vạch kế hoạch, huấn luyện, tài trợ vật chất, ủng hộ tinh thần và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong nước tổ chức và tiến hành hoạt động “Cách mạng màu”. Thế lực bên ngoài đóng vai trò “đạo diễn”, lực lượng trong nước giữ vai trò” thực thi”. Đây là một hiện tượng chính trị diễn ra thông qua nghị trường, đấu tranh chính trị (mít tinh, biểu tình, tuần hành), dựa trên cơ sở những tiền đề trong một quốc gia, dân tộc có quan điểm, chủ trương trái với lợi ích của Mỹ và phương Tây; được hậu thuẫn bởi lực lượng bên ngoài nước can thiệp một cách thô bạo, trắng trợn vào công việc nội bộ của nước đó nhằm lật đổ chính quyền hay sự cầm quyền của các đảng phái chính trị để thay thế bằng đảng phái đối lập phù hợp với lợi ích Mỹ và phương Tây.
Hiện nay, thế giới đang chứng kiến nhiều sự thay đổi sâu sắc. Do tác động của đại dịch COVID-19, thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang đến cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Các nước điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển nhằm thích ứng với tình hình mới. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục diễn biến phức tạp, dưới nhiều hình thức mới, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế. Hợp tác, cạnh tranh, sự va chạm, cọ xát, đấu tranh và sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước, các trung tâm quyền lực ngày càng gia tăng. Trong cách thức tiến hành, các nước lớn coi trọng sử dụng “quyền lực thông minh”, kết hợp giữa “quyền lực cứng” (chỉ huy, cưỡng bức, định đoạt dựa trên sức mạnh kinh tế, quân sự) với “quyền lực mềm” (khả năng thuyết phục, thu hút, tạo ảnh hưởng dựa trên sự hấp dẫn của giá trị) một cách uyển chuyển, khôn khéo. Trong bối cảnh quốc tế và các khu vực diễn biến phức tạp, khôn lường đó, để thực hiện mưu đồ của mình, các thế lực thù địch tiếp tục điều chỉnh chiến lược “Diễn biến hòa bình” dưới một bộ mặt mới, ngày càng bộc lộ rõ sự tinh vi, xảo quyệt và vô cùng thâm độc.
Theo đó, “Diễn biến hòa bình” là chiến lược cơ bản của các thế lực thù địch nhằm lật đổ chế độ chính trị - xã hội của các nước tiến bộ, trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa từ bên trong, chủ yếu bằng các biện pháp phi quân sự.
Nhìn lại quá trình hình thành, phát triển của chiến lược “Diễn biến hòa bình”, có thể thấy, đây không những là một bộ phận quan trọng trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng của các thế lực thù địch, mà còn chịu sự chi phối, tác động trực tiếp của cục diện quan hệ quốc tế qua các thời kỳ. Một trong những biểu hiện đó là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” - quá trình chủ thể chịu tác động từ chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, làm thoái hóa, biến chất về chính trị, xa rời mục tiêu, lý tưởng và đi chệch định hướng xã hội chủ nghĩa, làm cho đất nước ngày càng rơi vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” là quá trình diễn ra dần dần, không mang tính đột biến, vì thế khó nhận biết ngay. Một mặt, đây là hệ quả tác động từ chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, mặt khác là quá trình vận động tiêu cực từ bên trong chế độ.
Chủ thể bị rơi vào vòng xoáy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” vốn là lực lượng lãnh đạo, quản lý điều hành và tổ chức thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ yếu gồm những con người và tổ chức trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa. Nội dung “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” là ngày càng xa rời mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, từ bỏ những nguyên lý, nguyên tắc cơ bản của lý luận Mác - Lênin về xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cho đất nước ngày càng vận động chệch định hướng xã hội chủ nghĩa trên các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội như: Chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại...
Do vậy, cuộc đấu tranh phòng, chống “Diễn biến hòa bình” và “Cách mạng màu” hiện nay có mối quan hệ chặt chẽ. Trong đó, phòng ngừa “Cách mạng màu” là một bộ phận hữu cơ của cuộc đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình” và đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình” , đặc biệt là chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” đến lượt nó là yếu tố giữ vai trò quyết định để phòng ngừa “Cách mạng màu”.
3. Nhận diện nguy cơ “Cách mạng màu” và chiến lược “Diễn biến hòa bình” trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại thời kỳ mới
Hiện nay ở Việt Nam, mặc dù “Cách mạng màu” chưa phải là nguy cơ trực tiếp, nhưng sự thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” tiến tới “Cách mạng màu” là thủ đoạn chiến lược mới của các thế lực thù địch nhằm chống phá nền độc lập dân tộc và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta. Trong những năm tới, “Diễn biến hòa bình” sẽ được chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đẩy mạnh nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn ra “Cách mạng màu”. Khả năng diễn ra “Cách mạng màu” ở Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào mức độ phát triển và kết quả của “Diễn biến hòa bình”.
Đối với nước ta, “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ đã và đang là một nguy cơ đe dọa nền độc lập dân tộc và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nguy cơ này đã được nêu lên từ Hội nghị đại biểu Đảng toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII và tiếp tục được chỉ rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI: “Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có những diễn biến phức tạp”.
Trên thực tế, mọi kịch bản của “Cách mạng màu” đều gần như nhau. Những kẻ lợi dụng tự do, dân chủ khoét sâu vào những mâu thuẫn xã hội. Nó có thể là mâu thuẫn về lợi ích, mâu thuẫn về sắc tộc. Nó có thể là do hoàn cảnh kinh tế khó khăn dẫn đến khủng hoảng, người dân mất dần niềm tin vào chính quyền. Tất cả những điều đó có thể chỉ là manh nha, chưa đến mức tạo ra xung đột nhưng nếu nó bị kích động sẽ dẫn đến những hậu quả vô cùng tai hại.
Để có thể triển khai một cuộc “Cách mạng màu” thì phương Tây thường tổ chức theo các bước sau:
Một là, sử dụng tiền thông qua các quỹ để hình thành và phát triển phe phái đối lập ngay trong nước sở tại. Những nhà dân chủ đấu tranh ở trong nước nhận được nguồn tiền rất lớn từ nước ngoài gửi về để hoạt động, thông qua các quỹ trá hình để đầu tư cho các dự án nhân quyền mà những nhà dân chủ đang triển khai. Những nguồn tiền hỗ trợ thường được gán ghép với những cái tên rất đẹp: “giải thưởng tự do ngôn luận”, “giải thưởng nhân quyền”… Những người chống đối thường được gán ghép cho những cái tên rất mỹ miều như: “nhà bất đồng chính kiến”, “nhà dân chủ”, “nhà đấu tranh vì tự do”, “tù nhân lương tâm”… đa phần những người này đều được các tổ chức phản động ở nước ngoài đào tạo cách thức hoạt động bất bạo động một cách bài bản, họ được trang bị những phương tiện riêng biệt để tuyên truyền.
Các thế lực thù địch, phản động đã cấu kết với lực lượng trong nước thực hiện những thủ đoạn có quy mô ngày càng rộng, phức tạp, kéo dài, có tổ chức tinh vi và chuyên nghiệp. Một mặt, chúng cố thổi phồng lên những yếu kém, sai phạm của cán bộ, đảng viên, mặt khác, chúng không ngừng rêu rao rằng chế độ xã hội chủ nghĩa không có dân chủ, mà có chăng thì chỉ là “dân chủ giả hiệu”. Mới đây, lợi dụng các vụ việc sai phạm của một số cá nhân, một bộ phận lãnh đạo, những “con sâu làm rầu nồi canh” trong lĩnh vực xăng dầu và điện lực, các thế lực thù địch đã cố tình kích động, dùng những lời lẽ phê phán, lên án cực đoan đối với ngành Công Thương, nói đó là sự tha hoá biến chất của cả một bộ ngành. Chúng cố tình gây chia rẽ, làm mất uy tín, bôi nhọ, làm xấu đi hình ảnh của ngành Công Thương trong mắt người dân.
Hai là, tạo ra chấn động xã hội, tác động đến nhận thức tâm trí của mọi người. Theo đó, chúng tạo ra những sự kiện chấn động để hạ uy tín của chính quyền như: vu cho chính quyền đàn áp, xâm phạm quyền lợi của nhân dân, hoặc tạo ra các kịch bản người dân bị chính quyền đánh, giết hại. Để từ đó chúng tạo ra được dư luận của xã hội, làn sóng phản đối lên án chính quyền. Họ liên kết với các đài truyền thông quốc tế để lên án chính quyền. Chúng triệt để lợi dụng những vấn đề như tham nhũng, yếu kém trong bộ máy quản lý để lý luận cho hành vi chống đối của mình…
Cụ thể trong thời gian vừa qua, các thế lực thù địch, phản động đã triệt để lợi dụng những vụ việc được xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật, như vụ án: Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao, Công ty Việt Á, Công ty AIC, Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, FLC, những vụ án thuộc lĩnh vực công nghiệp và thương mại như Xuyên Việt Oil, EVN,… để xuyên tạc công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của Đảng. Chúng rêu rao công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là không hiệu quả; xuyên tạc và cho rằng công cuộc “đốt lò” lúc cháy lúc không, chỉ đốt được “củi nhỏ”, còn “củi gộc” thì bao che, dung túng. Các thế lực phản động, thù địch rêu rao rằng ở Việt Nam tham nhũng là “quốc nạn” và việc phòng, chống tham nhũng chỉ là “chữa ung thư bằng thuốc nhức đầu”. Chúng tìm mọi cách ngụy biện rằng muốn cho đất nước minh bạch và phát triển thì phải có nhiều đảng chính trị giám sát lẫn nhau, phải thực hiện “tam quyền phân lập” để kiểm soát quyền lực. Những luận điệu của các thế lực thù địch, phản động này nhằm mục tiêu giảm uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; lợi dụng một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, tham nhũng để cổ xúy và hướng lái cho sự hình thành chế độ đa đảng, tam quyền phân lập.
Ba là, cử đặc phái viên tới nước sở tại để tổ chức, hỗ trợ hoạt động chống đối. Kêu gọi phương Tây can thiệp, thông qua các đại sứ quán, những nhà dân chủ cuội được hỗ trợ tiền của vật chất cho hoạt động chống đối. Chẳng hạn ở Việt Nam, mọi người sẽ nhìn thấy những nhà dân chủ thường xuyên lượn lờ bên mấy đại sứ quán của các nước phương Tây. Hễ có nhà dân chủ cuội nào đó vi phạm pháp luật bị chính quyền điều tra thì nhất định hôm sau sẽ thấy mặt họ ở đại sứ quán một nước nào đó. Và những nhà dân chủ cuội này sẽ đưa ra các bằng chứng (được ngụy tạo) như mình bị đánh, bị hành hung, bị cấm xuất cảnh… từ đó kêu gọi quốc tế ủng hộ, kêu gọi giới cầm quyền phương Tây trừng phạt Việt Nam, hoặc là ngăn chặn kinh doanh buôn bán của Việt Nam.
Bốn là, tổ chức biểu tình, chuyển từ bất bạo động, ôn hòa thành bạo động, lật đổ: Khi đã làm nóng dư luận rồi thì điều cần thiết sẽ là tổ chức những buổi tuần hành quy mô, nhằm mục đích trá hình đòi dân chủ, những đoàn người này tiến đến trụ sở của chính quyền nhân dân tấn công, cướp bóc, đập phá tài sản của Nhà nước. Thế là một chế độ có thể rơi vào khủng hoảng chính trị, thậm chí bị sụp đổ chỉ trong một thời ngắn ngủi, âm mưu của phương Tây và những người bất mãn, cơ hội, tay sai đã đạt được và người dân chân chính sẽ phải gánh chịu những hậu quả bi thảm nhất do các thế lực này đem tới.
4. Một số giải pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ “Cách mạng màu” và chiến lược “Diễn biến hòa bình” trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại thời kỳ mới
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ với sự bùng nổ các phương tiện truyền thông, sự nhanh nhạy của thông tin trở thành công cụ mới để các thế lực phản động thực hiện chiến lược “Diễn biến hoà bình” cả trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Thông qua các trang mạng xã hội, “live stream”, website…cắt dán hình ảnh, xuyên tạc, tung tin thất thiệt với gán mác “tìm hiểu sự thật”, “sáng tỏ vấn đề” để nhào nặn thông tin, đưa ra những số liệu không kiểm chứng, căn cứ “giả khoa học” để làm sai lệch bản chất các sự kiện, bôi nhọ danh dự, uy tín lãnh tụ, anh hùng dân tộc; nghiêm trọng hoá các vấn đề xã hội nhằm gây tâm lý hoài nghi, dao động, hướng cộng đồng đến suy nghĩ lệch lạc, “tự diễn biến”, tự chuyển hoá”. Do đó, cần nhận diện và có những giải pháp thích hợp, vừa mang tính cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục. Đó là:
Thứ nhất, cần xác định công tác đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, phải được triển khai tích cực, thường xuyên và lâu dài. Trong đấu tranh phải kiên quyết, linh hoạt, chủ động, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là chính. Tuyên truyền giúp cán bộ, đảng viên toàn ngành Công Thương nâng cao cảnh giác, tạo sức đề kháng trước những thông tin, quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên ngành Công Thương nhất là giáo dục thế hệ trẻ nhận thức rõ về vai trò, sứ mệnh lãnh đạo của Đảng, về mô hình chính trị mà nước ta đã kiên định, về các chính sách công nghiệp và thương mại được xác định trong từng Nghị quyết của Đảng. Đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Thứ hai, cấp uỷ, chính quyền các cấp nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong ngành Công Thương phải chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, củng cố và giữ vững lập trường tư tưởng, chính trị cho cán bộ, đảng viên. Bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên là yếu tố cơ bản, then chốt tạo nên sức mạnh chiến đấu của các đơn vị; đồng thời, giữ vai trò định hướng thúc đẩy hành động và hành vi tích cực của cán bộ, đảng viên. Đối với tổ chức đảng bộ Công Thương, phải thường xuyên chăm lo xây dựng nội bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện, chủ động nắm bắt tình hình, định hướng dư luận không để bị động, bất ngờ khi có tình huống xảy ra, coi đây là yếu tố then chốt quyết định đến thắng lợi của nhiệm vụ phòng chống “Diễn biến hòa bình”. Để thực hiện nhiệm vụ này, cần quán triệt và thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tăng cường công tác kiểm tra, bảo đảm cho nghị quyết của tổ chức đảng được thực hiện thắng lợi. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo trong ngành mạnh về số lượng và chất lượng, thể hiện ở các khâu từ lựa chọn, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí đúng người, đúng việc, phát huy vai trò tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Kết hượp với việc phát huy hiệu quả vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, trong việc phát huy dân chủ, tinh thần đoàn kết, tính chủ động trong việc ngăn ngừa và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của địch.
Có thể thấy rõ phương pháp của “Cách mạng màu” và chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là thực hiện “chiến thắng không cần chiến tranh”. Chúng tập trung phá hoại về chính trị, tư tưởng của cán bộ, đảng viên. Do đó, phải nâng cao bản lĩnh chính trị cũng cố và giữ vững tư tưởng cho mỗi cán bộ, đảng viên ngành Công Thương là tất yếu trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, đấu tranh chống lại các quan điểm tư tưởng sai trái và phản động, các biểu hiện mơ hồ, ảo tưởng, hoài nghi, dao động, lơ là mất cảnh giác trong thực hiện nhiệm vụ.
Thứ ba, cần quán triệt sâu sắc phương châm, gắn “xây dựng với bảo vệ”, “bảo vệ với xây dựng”; xây dựng là một nội dung của bảo vệ và là biện pháp chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” quân đội hiệu quả nhất. Như đã phân tích, mục đích của các thế lực thù địch nhằm thúc đẩy “phi chính trị hóa” quân đội, công an hòng làm ta từ bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, phai nhạt bản chất giai cấp, lý tưởng cách mạng, xa rời phương hướng chính trị, mục tiêu chiến đấu và cuối cùng dẫn tới xa rời sự lãnh đạo của Đảng. Âm mưu của họ rất thâm hiểm. Do đó, cần phải tập trung xây dựng lực lượng quân đội và công an vững mạnh về chính trị trong tình hình mới. Bởi đây là lực lượng chủ công, nòng cốt trong việc đảm bảo an ninh trật tự và an ninh quốc gia, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và Nhân dân.
Thứ tư, xây dựng tổ chức lực lượng nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng chống “Diễn biến hòa bình”. Lực lượng tham gia đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình” phải được tổ chức bài bản và có các phương án, xây dựng, bố trí lực lượng chủ công trên từng lĩnh vực tư tưởng, chính trị, văn hóa, văn học, nghệ thuật, kết hợp giữa tin bài trên các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả mạng xã hội, báo cáo viên, thông tin chuyên đề thời sự trong sinh hoạt đảng, đoàn thể. Tổ chức các diễn đàn đối thoại, các hoạt động khoa học có tính chuyên sâu, tập hợp được chuyên gia, trí thức, văn nghệ sỹ bàn về những vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm, có liên quan đến lợi ích của đất nước, qua đó thu hẹp khoảng cách bất đồng quan điểm, chính kiến, không để xuất hiện các tổ chức, quan điểm chính trị đối lập.
Để thực hiện nhiệm vụ đó trước hết phải tăng cường và giữ vững sự lãnh đạo của Đảng trong mọi tình huống; nâng cao hiệu quả và chất lượng của công tác giáo dục, phải coi trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục lý luận chính trị, cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác những thông tin cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trước những vấn đề mà dư luận, xã hội đang quan tâm, không để các vụ việc xảy ra nội cộm, bức xúc.
Thứ năm, phát huy mạnh mẽ vai trò của báo chí, truyền thông đối với công cuộc đấu tranh phòng, chống “Diễn biến hoà bình”. Đảm bảo tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính định hướng, cần phát huy vai trò của báo chí trong việc tạo dòng thông tin chủ lưu tích cực, góp phần tăng cường sự đoàn kết, nhất trí về tư tưởng, chính trị trong nhân dân. Kiên quyết đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, khắc phục các biểu hiện thương mại hoá, xa rời tôn chỉ, mục đích và các biểu hiện tiêu cực, lệch lạc. Để chống “Diễn biến hoà bình”, báo chí cần tăng cường giáo dục ý thức xã hội chủ nghĩa cho quần chúng nhân dân, đặc biệt là thanh niên, sinh viên hiểu và nhận thức rõ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng… Báo chí cần tuyên truyền tinh thần yêu nước, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giữ vững phương hướng đúng đắn trong chỉ đạo dư luận, làm thất bại những âm mưu của “Diễn biến hoà bình”.
Thứ sáu, trong đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình” cần có sự đổi mới cách tiếp cận mục tiêu, tập trung, kiên quyết vạch trần những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, đồng thời tập trung sâu hơn vào việc hình thành khả năng “miễn nhiễm”, nâng cao “sức đề kháng” của xã hội trước những thông tin xấu độc. Trong đó, mỗi cán bộ, đảng viên ngành Công Thương đặc biệt là thế hệ trẻ cần trang bị những có kiến thức, kỹ năng để làm tốt công tác tham mưu, công tác đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình”, trong đó khi nói và viết bài hoặc phát ngôn trên diễn đàn, trên mạng xã hội, phải thể hiện rõ bản lĩnh chính trị không được phép phát ngôn mang tính hoài nghi, a dua với những luồng thông tin xấu độc. Điều đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên ngành Công Thương phải không ngừng tự nghiên cứu, học tập, trau rèn nhận thức, bản lĩnh chính trị, trước những tư tưởng sai trái, lệch lạc, không để mình bị “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn phát huy vai trò "hạt nhân" tại cơ sở để đưa những thông tin chính thống, tích cực, trở thành tấm gương sáng góp phần tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, để từ đó khiến các thế lực thù địch không còn "đất" để xuyên tạc, chống phá.
5. Kết luận
Từ thực tế các cuộc “Cách mạng màu” ở một số quốc gia Đông Âu và Trung Đông, Bắc Phi, có thể thấy, “Cách mạng màu” là một trong những thủ đoạn vô cùng nguy hiểm nằm trong âm mưu “Diễn biến hòa bình” mà các thế lực thù địch đã và đang thực hiện. Một trong những mục tiêu của âm mưu này là lật đổ các nước xã hội chủ nghĩa và vì thế, Việt Nam là một trong những mục tiêu mà các thế lực thù địch hướng đến. Trong đó, công nghiệp và thương mại là một trong những lĩnh vực “xương sống” của nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, nhận thức rõ dấu hiệu và kịp thời ngăn chặn nguy cơ “Cách mạng màu” và chiến lược “Diễn biến hòa bình” trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần củng cố, giữ vững và kiên định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng như độc lập dân tộc trong thời kỳ mới./.
Đàm Thị Ngọc Ánh
Tạp chí Nghiên cứu Công nghiệp và Thương mại - VIOIT
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, Hà Nội, 1994.
- Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Hà Nội, 2011.
- Lê Thị Cẩm Nhung (2022), Nhận diện chiến lược "Diễn biến hòa bình" trong giai đoạn hiện nay, https://tcnn.vn/news/detail/54536/Nhan-dien-chien-luoc-Dien-bien-hoa-binh-trong-giai-doan-hien-nay.html, truy cập ngày 11/4/2024.
- Lê Trung Kiên (2022), Bản chất cách mạng màu và những nguy cơ tiềm ẩn đối với Việt Nam hiện nay, https://dangcongsan.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/ban-chat-cach-mang-mau-va-nhung-nguy-co-tiem-an-doi-voi-viet-nam-hien-nay-605616.html, truy cập ngày 10/4/2024.
- Mộc Hằng (2023), Nhận th ức đúng bản chất của cái gọi là “Cách mạng màu”, https://congan.daklak.gov.vn/-/nhan-thuc-ung-ban-chat-cua-cai-goi-la-cach-mang-mau-, truy cập ngày 10/4/2024.
- Nguyễn Thị Minh Huệ, Trần Quốc Tuấn (2022), Nhận diện chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù trong thời kỳ mới, https://www.quangngai.dcs.vn/bao-ve-nen-tang/-/asset_publisher/TYL11bLVlGOH/content/nhan-dien-chien-luoc-dien-bien-hoa-binh-cua-cac-the-luc-thu-trong-thoi-ky-moi, truy cập ngày 11/4/2024.
- Trần Đức Tiến, Lưu Mạnh Hùng (2022), Bộ mặt mới của chiến lược “diễn biến hòa bình” trong cục diện thế giới hiện nay, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/dau-tranh-phan-bac-cac-luan-dieu-sai-trai-thu-dich/chi-tiet/-/asset_publisher/YqSB2JpnYto9/content/bo-mat-moi-cua-chien-luoc-dien-bien-hoa-binh-trong-cuc-dien-the-gioi-hien-nay, truy cập ngày 11/4/2024.