TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Khảo sát thực tế và hội thảo khoa học trong khuôn khổ thực hiện nhiệm vụ xây dựng “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tại Tp. Hồ Chí Minh và tỉnh Lâm Đồng

01/11/2022

Từ ngày 13 tháng 10 năm 2022 đến ngày 18 tháng 10 năm 2022, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương đã tổ chức chuyến khảo sát thực tế và hội thảo khoa học trong khuôn khổ thực hiện nhiệm vụ xây dựng “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Lâm Đồng. Đoàn công tác do ThS. Đặng Hoàng Mai, Chủ nhiệm nhiệm vụ làm trưởng đoàn và các thành viên tham gia thực hiện xây dựng Chiến lược.

Trong thời gian khảo sát thực tế tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Lâm Đồng, đoàn công tác đã nắm bắt được tình hình tổng quan về thực trạng và định hướng phát triển ngành công nghiệp tô tô trên địa bàn trong tương lai; các thông tin về thuận lợi, khó khăn trong quá trình phát triển ngành công nghiệp ô tô trên địa bàn trong giai đoạn vừa qua và một số các tài liệu, dữ liệu bổ trợ có liên quan như: hạ tầng về giao thông; hệ thống cửa hàng cung ứng xăng dầu; hệ thống cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng ô tô,.. Đặc biệt là các thông tin liên quan đến hiện trạng và khả năng đáp ứng hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển xe ô tô điện trong tương lai, như là: hiện trạng số lượng trạm sạc ô tô trên địa bàn thành phố; khả năng đáp ứng của lưới điện để mở rộng mạng lưới trạm sạc điện ô tô,…Theo đó, tính đến tháng 8/2022 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã có 51 trạm, trên địa bàn tỉnh Lâm Đông có 08 trạm sạc điện ô tô do Công ty Vinfast đầu tư. Các trạm sạc này chủ yếu nằm trong các khu đô thị , khu trung tâm thương mại, bãi đậu xe,…Qua quá trình khảo sát thực tế, đoàn công tác cũng nắm bắt được các khó khăn đối với đơn vị đầu tư xây dựng trạm sạc, cũng như đơn vị quản lý nhà nước như: chưa có các quy chuẩn hướng dẫn về xây dựng trạm sạc, hệ thống bảo vệ trạm sạc (hiện Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ ban hành tiêu chuẩn quy chuẩn về trụ sạc); mỗi địa phương cụ thể có hướng dẫn lắp đặt khác nhau, chưa có nhiều các hướng dẫn cụ thể cho công tác quản lý về an toàn điện, an toàn phòng chống cháy nổ tại các trạm sạc,…

Cũng trong chương trình công tác này, đoàn công tác đã tổ chức Hội thảo khoa học tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Lâm Đồng. Tại các hội thảo, thành viên nhóm công tác cùng các đại biểu tham dự đã thảo luận và chia sẻ thông tin, đề xuất các kiến nghị, đóng góp ý tưởng về điều kiện, lộ trình, định hướng, mục tiêu cũng như các giải pháp để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2045, như sau:

Một là, mục tiêu và định hướng phát triển được lựa chọn phải dựa trên nền tảng phát triển, năng lực sản xuất hiện có của ngành ô tô, nhu cầu của thị trường, đặc điểm và xu thế phát triển của ngành ô tô thế giới trong tương lại. Theo đó, cần phải có những đánh giá cụ thể hơn về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức đối với ngành ô tô Việt Nam trong bối mới.

Hai là, định hình rõ các dòng xe ô tô cần phát triển trong tương lai, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển tiếp - từ nay tới khi phổ biến hoàn toàn dòng xe điện. Trong giai đoạn phát triển đến 2045 cần nhấn mạnh tập trung phát triển các dòng xe thân thiện với môi trường, xe ô tô điện đảm bảo phát triển hài hòa và hoàn thành các mục tiêu “phát thải ròng bằng 0” vào năm 2050  mà Việt Nam cam kết tại COP26. Lộ trình chuyển đổi sang xe điện cần phải được xây dựng và tính toán hợp lý dựa trên năng lực sản xuất, khả năng phát triển đồng bộ của hạ tầng giao thông, lưới điện,…

Ba là, để phát triển các dòng xe ô tô điện cần phải xây cơ chế, chính sách pháp lý, hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn để đồng bộ phát triển trạm sạc, tích hợp hệ thống giao thông tĩnh có thể sạc điện khi đỗ xe.

Bốn là, cần làm rõ thêm các giải pháp giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, phát triển các cụm liên kết sản xuất linh phụ kiện, phụ tùng phục vụ phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước. Xây dựng các cơ chế hỗ trợ, chính sách ưu đãi, biểu giá thuế, nhằm tạo hành lang pháp lý, tạo động lực thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp tập trung vào các hoạt động sản xuất lắp ráp ô tô, công nghiệp hỗ trợ cho ô tô,… tiếp tục thu hút các nguồn vốn FDI đầu tư trong lĩnh vực phát triển công nghiệp ô tô.

Năm là, quan tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cả về chất lượng và số lượng. Đảm bảo nhu cầu cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong bối cảnh CMCN 4.0.

Cuối cùng, các đại biểu tham dự hội thảo mong muốn “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” sớm trình Chính phủ phê duyệt. Từ đó, tạo tiền đề căn cứ pháp lý, định hướng phát triển, góp phần nâng cao vị thế ngành ô tô Việt Nam trong tương lai./.

Một số hình ảnh đoàn công tác:

Chủ nhiệm Nhiệm vụ: ThS. Đặng Hoàng Mai

Văn phòng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương - VIOIT

TIN KHÁC