TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Huy động nguồn lực các nhà khoa học trong và ngoài nước phục vụ xây dựng, hoạch định chính sách phát triển ngành Công Thương góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

23/04/2024

Việc thu hút nguồn lực các nhà khoa học không chỉ trong nước và cả quốc tế phục vụ xây dựng, hoạch định chính sách phát triển ngành công thương là sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Các nhà khoa học với các hiểu biết của mình không chỉ ở các khía cạnh kiến thức chuyên môn của ngành công thương mà còn về nền tảng, tư tưởng của Đảng sẽ góp phần xây dựng các chính sách phát triển ngành công thương phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, thế giới, chống lại các âm mưu chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng.

Từ khóa: nguồn lực, nhà khoa học, ngành công thương

1. Vai trò của việc huy động nguồn lực các nhà khoa học trong và ngoài nước phục vụ xây dựng, hoạch định chính sách phát triển ngành công thương

Lĩnh vực công thương hiện nay chiếm khoảng gần 45% GDP của cả nước[1], việc xây dựng, hoạch định các chính sách phát triển ngành công thương có vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng một nền kinh tế vững mạnh trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bằng sự kết hợp hài hòa giữa lý tưởng xã hội chủ nghĩa và yếu tố thực tiễn, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều giải pháp trong việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển ngành công thương. Theo từ điển tiếng Việt, nhà khoa học là người học giả chuyên làm công tác nghiên cứu khoa học tự nhiên hay xã hội. Như vậy, các nhà khoa học trong lĩnh vực công thương là những người áp dụng các phương pháp khoa học để hệ thống, đánh giá, nghiên cứu các vấn đề thuộc lĩnh vực công nghiệp và thương mại nhằm đưa ra các giải pháp hiệu quả nhất để phát triển công nghiệp và thương mại của đất nước. Do đó, việc thu hút nguồn lực các nhà khoa học trong và ngoài nước phục vụ xây dựng, hoạch định chính sách phát triển ngành công thương có vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghiệp và thương mại nói riêng, phát triển kinh tế nói chung của một quốc gia.

Thứ nhất, tư vấn xây dựng, hoạch định chính sách hiệu quả. Khi thu hút được lực lượng các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia hoạch định chính sách nghĩa là Việt Nam đã tập hợp được một đội ngũ trí thức cao với kiến thức chuyên môn sâu rộng, có kinh nghiệm về phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Sự hiểu biết sâu sắc này giúp đưa ra các phân tích và đánh giá chính xác về các vấn đề phức tạp, từ đó các nhà khoa học sẽ đưa ra các chính sách có tính khả thi, hiệu quả, bền bững trong một lĩnh vực thuộc phạm vi chuyên môn. Hiện nay, các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực công thương như quản trị kinh doanh, kinh tế quốc tế, kinh tế phát triển, các ngành kỹ thuật công nghiệp là các ngành nghề được học sinh, sinh viên, nhà nghiên cứu Việt Nam lựa chọn nhiều nhất khi tham gia học tập nghiên cứu ở nhiều cấp trình độ từ sinh viên, thạc sĩ đến tiến sĩ và các bậc cao hơn ở trong nước cũng như nước ngoài. Do đó, nếu thu hút được nguồn lực các nhà khoa học này, ngành công thương sẽ có một lực lượng lớn các “nhân tài” tham gia vào quá trình xây dựng, phát triển ngành, trong đó có việc xây dựng, hoạch định chính sách.

Thứ hai, tuyên truyền, bảo vệ các nền tảng, tư tưởng của Đảng trong ngành công thương. Các nhà khoa học sau khi tham gia hoạch định chính sách có thể dễ dàng nghiên cứu, phân tích, đối chiếu các thông tin phản động và tiêu cực về các chính sách phát triển ngành công thương để hiểu rõ nguồn gốc, cơ sở và hậu quả của chúng. Điều này giúp xác định các phương pháp hiệu quả để đối phó và giảm thiểu sự lan truyền của thông tin này. Đồng thời, với uy tín khoa học của mình, các nhà khoa học có thể tham gia vào việc giáo dục cộng đồng về cách nhận biết và đánh giá thông tin, từ đó giúp người dân trở nên có khả năng phân biệt giữa thông tin đáng tin cậy và thông tin phản động.

Thứ ba, củng cố niềm tin của nhân dân với nền tảng, tư tưởng của Đảng: Các nhà khoa học thường có khả năng phân tích dữ liệu và thông tin một cách khoa học và logic. Sự tham gia của họ giúp đảm bảo rằng các quyết định chính sách được đưa ra dựa trên cơ sở khoa học và dữ liệu đáng tin cậy. Ngoài ra, sự tham gia của các nhà khoa học giúp tăng cường sự minh bạch và công bằng trong quá trình xây dựng chính sách, từ đó tạo ra sự tin cậy và sự ủng hộ từ phía nhân dân với các chính sách của Đảng và nhà nước trong phát triển ngành công thương.

Thứ tư, tránh sự can thiệp của các thế lực thù địch vào việc xây dựng chính sách. Sự tham gia của các nhà khoa học trong quá trình xây dựng chính sách ngành công thương đảm bảo tính khách quan và khoa học của các chính sách được ban hành, từ đó ngăn chặn sự can thiệp không lành mạnh vào quyết định chính sách và bảo vệ tư tưởng của Đảng khỏi các thách thức từ bên ngoài hay từ bên trong thông qua các hành vi chia rẽ nội bộ.

Thứ năm, tạo dựng uy tín của Đảng trên thế giới: Sự tham gia của các nhà khoa học nước ngoài giúp mở rộng mạng lưới quan hệ quốc tế trong lĩnh vực công thương. Điều này tạo ra cơ hội hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ thông tin, từ đó nâng cao vị thế của Đảng cũng như của Việt Nam trên thế giới.

Thứ sáu, Đào tạo và phát triển nhân lực: Sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài nước cũng đồng nghĩa với việc truyền đạt kiến thức và kỹ năng cho nhân lực trong ngành công thương. Điều này giúp nâng cao trình độ và năng lực của nhân viên, từ đó tạo ra nguồn nhân lực chất lượng và đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo, quản lý của Đảng, nhà nước trong lĩnh vực công thương.

2. Thực trạng việc huy động nguồn lực các nhà khoa học trong và ngoài nước phụ vụ xây dựng, hoạch định chính sách phát triển ngành công thương góp phần bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng

2.1. Nhận diện các hoạt động chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng trong việc xây dựng chính sách phát triển ngành công thương

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Như vậy, nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam được xác định là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều thế lực thù địch có nhiều hoạt động để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những thế lực này cố gắng phủ định và tấn công vào các giá trị, nguyên tắc, và lý tưởng của Đảng để đảo ngược hoặc làm suy yếu vị thế của Đảng trong xã hội Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, các tổ chức phản động trá hình thực hiện nhiều hoạt động chống phá, xuyên tạc, bôi nhọ các chính sách, quan điểm lãnh đạo nhằm phát triển đất nước của Đảng, nhà nước trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực công thương, cụ thể như:

  1. Tuyên truyền các thông tin phản động, tiêu cực: Các tổ chức hoặc cá nhân có thể sử dụng các phương tiện truyền thông để tung ra các thông điệp phỉ báng, chống đối Đảng, lợi dụng các vấn đề nhạy cảm hoặc sai lệch thông tin để tạo ra sự hoài nghi và phản đối đối với các chính sách và quyết định của Đảng trong lĩnh vực công thương.
  2. Tạo ra sự bất ổn và phản kháng trong cộng đồng kinh doanh: Các tổ chức hoặc cá nhân có thể tuyên truyền và kích động dân chúng trong cộng đồng kinh doanh để phản đối và chống lại các chính sách và quyết định của Đảng trong lĩnh vực công thương, gây ra sự bất ổn và mất ổn định trong môi trường kinh doanh.
  3. Thực hiện các hành vi gian lận và tham nhũng: Các thế lực phản động thông qua các biện pháp hòa bình tuyên truyền, tác động hoặc cài cắm một số cá nhân thiếu phẩm chất đạo đức cách mạng thực hiện các hành vi gian lận và tham nhũng trong ngành công thương, tác động vào quá trình xây dựng, hoạch định, thực thi chính sách nhằm tạo ra một số chính sách bất lợi cho sự phát triển chung của ngành công thương. Đây có thể được sử dụng như một cách để làm suy yếu và tác động đến uy tín và hình ảnh của Đảng, tạo ra sự bất bình từ phía dư luận và nhân dân.
  4. Can thiệp từ bên ngoài: Các thế lực phản động ngoại quốc có thể thực hiện các biện pháp can thiệp kinh tế hoặc chính trị nhằm tác động vào ngành công thương, gây sức ép, thách thức trong quá trình xây dựng, hoạch định, thực thi các chính sách phát triển ngành.
  5. Gây rối và chia rẽ nội bộ: Các tổ chức hoặc cá nhân có thể cố gắng thâm nhập và làm suy yếu hệ thống Đảng từ bên trong, tạo ra sự chia rẽ và mâu thuẫn trong các cấp lãnh đạo và đơn vị công thương, gây mâu thuẫn trong quá trình xây dựng, hoạch định, thực thi chính sách. Điều này có thể làm các chính sách chậm đưa vào thực tiễn hoặc làm suy giảm hiệu quả thực thi chính sách.

Việc huy động nguồn lực các nhà khoa học trong và ngoài nước để xây dựng, hoạch định chính sách phát triển ngành công thương không chỉ có ý nghĩa xây dựng, hoàn thiện chính sách hiệu quả mà còn góp phần ngăn chặn, bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng trước những hoạt động chống phá trên.

2.2. Thực trạng huy động các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia vào quá trình xây dựng, hoạch định chính sách ngành công thương

Để huy động các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia vào quá trình xây dựng, hoạch định chính sách ngành công thương, Đảng và nhà nước cũng như Bộ Công Thương đã xây dựng, ban hành nhiều chính sách có thể chia thành 02 nhóm gồm:

2.2.1. Nhóm các chính sách về thu hút và trọng dụng nhân tài

Trong thời gian qua, các chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài trong đó có các nhà khoa học trong và ngoài nước được nêu rõ trong nhiều văn kiện của Đảng như: Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 18/6/1997 của về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đặt ra nhiệm vụ: “Chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp từ Trung ương đến cơ sở; cán bộ khoa học đầu ngành; cán bộ quản lý kinh doanh các doanh nghiệp lớn”; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã yêu cầu: “Quy định khung cơ chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững. Xây dựng Chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài”.

Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà  nước đã ban hành nhiều chính sách cụ thể về tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài được thể hiện tại nội dung của các văn bản Luật và các văn bản dưới Luật liên quan như: Luật cán bộ, công chức; Luật Viên chức, Nghị định 138/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2023 phê duyệt chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu: “Xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài (cả trong và ngoài nước) đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như: Khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa; khoa học xã hội; y tế; thông tin và truyền thông, chuyển đổi số...”.

Xác định rõ vai trò của các nhân tài trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ các các cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm tăng cường việc thu hút nhân tài trong và ngoài nước như: xây dựng cơ chế thu hút nhân tài thông qua các Nghị quyết của Đảng bộ Bộ; thực hiện tuyển dụng, đãi ngộ các nhân tài theo các quy định của pháp luật. Triển khai Quyết định số số 899/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2023 của Thủ trướng Chính phủ, ngày 09 tháng 01 năm 2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành quyết định số 51/QĐ-BCT về việc: “Ban hành kế hoạch của Bộ Công Thương thực hiện chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Trong đó, Bộ Công Thương đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm thu hút nhân tài phát triển ngành công thương.

2.2.2. Nhóm các chính sách thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia các chương trình, dự án khoa học công nghệ, xây dựng chính sách phát triển ngành công thương

Trong thời gian vừa qua, Đảng và nhà nước đã triển khai nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, cấp quốc gia; đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khoa học, công nghệ, tạo điều kiện cho đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu, sáng tạo… Các nhiệm vụ khoa học này không chỉ được thực hiện theo hình thực giao việc từ cấp trên xuống cấp dưới mà còn thực hiện thông qua hình thức đấu thầu, lựa chọn các cơ sở khoa học chất lượng, uy tín trong và ngoài nước tham gia thực hiện các nhiệm vụ khoa học.

Tại Bộ Công thương, hàng năm Bộ đều giao, lựa chọn các cơ sở khoa học uy tín, phù hợp để thực hiện các Đề tài, Dự án nghiên cứu các chính sách, giải pháp phát triển ngành công thương. Ngày 30/10/2023, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 2795/QĐ-BCT ban hành Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành Công Thương đến năm 2030 xác định mục tiêu đến  năm 2030: “Nâng cao đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng chung của ngành, lĩnh vực công nghiệp và thương mại thông qua các hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới, làm chủ và nội địa hóa công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, nâng cao năng lực tổ chức, quản trị doanh nghiệp; góp phần xứng đáng vào việc thực hiện các mục tiêu chung của toàn ngành Công Thương. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghiên cứu hiện đại, tạo thuận lợi cho các nhà khoa học thực hiện công việc chuyên môn của mình. Hiện các tổ chức khoa học và công nghệ thuộc Bộ Công Thương có tổng số 36 phòng thí nghiệm chuyên ngành, trong đó có 3 Phòng thí nghiệm trọng điểm (gồm Phòng thí nghiệm trọng điểm Điện cao áp, Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ hàn và Xử lý bề mặt, và Trung tâm Phân tích và Giám định thực phẩm Quốc gia). Số lượng xưởng sản xuất, trung tâm thực nghiệm là 24 cơ sở, tập trung tại một số đơn vị như: Viện Công nghiệp Thực phẩm, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu… 

2.3. Đánh giá chung

Nhìn chung, với các chính sách trên, Đảng và Nhà nước đã thu hút được một đội ngũ các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia vào quá trình hoạch định, xây dựng chính sách ngành công thương tuy nhiên việc huy động và duy trì nguồn lực của các nhà khoa học trong nước vẫn còn hạn chế do nhiều nguyên nhân như:

  1.  Các chính sách tuyển dụng nhân tài hay thu hút lực lượng các nhà khoa học còn thiên về “tiêu chí bằng cấp” mà chưa đưa ra các tiêu chí toàn diện như đạo đức, phẩm chất chính trị, kỹ năng giải quyết công việc,…Điều  này dẫn đến việc lựa chọn thiếu chính xác các nhà khoa học với trình độ, năng lực phù hợp cho việc tư vấn, xây dựng, hoạch định chính sách.
  2.  Các chính sách đãi ngộ về vật chất, tài chính chưa cao bao gồm: các chính sách liên quan đến lương, thưởng cho các nhà khoa học khi làm việc tại các đơn vị nghiên cứu (theo chế độ lương của viên chức tại đơn vị sự nghiệp), các chính sách trả công cho các nhà khoa học tham gia các chương trình, dự án nghiên cứu, các chính sách đãi ngộ khác về nhà cửa, điều kiện sinh hoạt cho các nhà khoa học và gia đình,…
  3. Các cơ quan tại Bộ Công Thương nói riêng và các cơ quan nhà nước khác nói chung chưa chủ động trong việc xác định nhu cầu về đội ngũ các nhà khoa học cũng như các chương trình, dự án, đề án nghiên cứu khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực quản lý.
  4. Việc đánh giá, kiểm soát chất lượng nghiên cứu khoa học công nghệ tại Việt Nam cũng như Bộ Công Thương còn chưa hiệu quả. Điều này gây lãng phí nguồn lực quốc gia, thiếu công bằng trong việc huy động, đánh giá các nguồn lực tham gia thực hiện các dự án khoa học công nghệ trong và ngoài nước.
  5. Cơ sở vật chất, hạ tầng nghiên cứu khoa học tại Bộ Công Thương cũng như tại Việt Nam còn yếu kém, lạc hậu làm giảm sức cạnh tranh trong việc thu hút đội ngũ các nhà khoa học chất lượng cao trong và ngoài nước.
  6. Ở một số cơ quan, đơn vị nghiên cứu trong nước vẫn tồn tại một số cán bộ nghiên cứu khoa học có trình độ chuyên môn chênh lệch so với các nhà khoa học nước ngoài, từ đó gây ra tâm lý e ngại hợp tác với các nhà khoa học ở ngoài nước.
  7. Các chuyên gia, nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài chưa được cập nhật đầy đủ và kịp thời các thông tin về dự án, đề tài khoa học công nghệ trong nước đang triển khai cần có hoặc phù hợp với sự tham gia của họ.

3. Giải pháp huy động các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia vào quá trình xây dựng, hoạch định chính sách ngành công thương

Thứ nhất, cần xây dựng các tiêu chí xác định đối tượng các nhà khoa học tham gia vào quá trình xây dựng, hoạch định chính sách. Đối với ngành công thương, các tiêu chí có thể bao gồm năng lực nghiên cứu về các lĩnh vực của ngành (như: công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng, xuất nhập khẩu, thương mại nội địa,…), các phẩm chất đạo đức cống hiến, xây dựng đất nước, bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng. Trên cơ sở các tiêu chí đặt ra, Bộ Công Thương xác định được chính xác hơn nguồn lực các nhà khoa học phù hợp tham gia vào quá trình xây dựng, hoạch định chính sách ngành Công Thương.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới chính sách ưu đãi về tài chính cho các nhà khoa học như: xác định mức, lương thưởng phù hợp theo vị trí việc làm của các nhà khoa học trong các đơn vị nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương, đảm bảo các ưu đãi, mức trả thù lao cho các nhà khoa học trong và ngoài nước khi tham gia vào các Dự án nghiên cứu thuộc lĩnh vực công thương. Bên cạnh đó Bộ Công Thương cần tăng cường đầu tư vào các Dự án nghiên cứu khoa học, trong đó có các dự án nghiên cứu xây dựng, hoạch định chính sách phát triển ngành công thương.

Thứ ba, Bộ Công Thương cần tiếp đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cứng (viên nghiên cứu, trung tâm thí nghiệm, cơ sử vật chất thiết bị) và hạ tầng mềm (cơ sở dữ liệu lớn liên quan đến ngành công thương trong và ngoài nước) nhằm tạo điều kiện và thu hút các nhà khoa học làm việc, nghiên cứu.

Thứ tư, các bộ, ngành liên quan phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, hệ thống hoá theo từng lĩnh vực chuyên ngành cụ thể, thường xuyên cập nhật quá trình công tác và các thành tựu trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ hoặc các lĩnh vực sáng tạo tri thức khác của đội ngũ này. Đây là nguồn cơ sở dữ liệu mở có khả năng liên kết mạng lưới cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam trên khắp thế giới, cập nhật hồ sơ của các cá nhân và chia sẻ thông tin về khoa học và công nghệ, đồng thời thuận lợi cho quá trình lựa chọn, liên hệ với các nhà khoa học phù hợp khi cần thiết.

Thứ năm, Bộ Công Thương cần tăng cường phổ biến thông tin trên các phương tiện truyền thông về các chương trình, dự án khoa học và công nghệ bao gồm các thông tin về đối tượng thực hiện nghiên cứu tạo cơ hội cho các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia.

Thứ sáu, Xây dựng các cơ chế đánh giá và thưởng cho các nhà khoa học tham gia vào việc hoạch định chính sách công thương, như việc công nhận và tôn vinh những đóng góp xuất sắc của họ đối với sự phát triển của ngành. Đồng thời, Bộ Công Thương cần hoàn thiện các chính sách đánh giá chất lượng các dự án khoa học công nghệ như: cần tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng thực hiện các Dự án khoa học công nghệ, áp dụng các tiêu chuẩn đánh giá các tổ chức thực hiện Dự án khoa học công nghệ, từ đó lựa chọn minh bạch, chính xác các nguồn lực nhà khoa học tham gia thực hiện dự án khoa học do Bộ đầu tư.

Thứ bảy, Phát triển mạng lưới liên kết và hợp tác giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước với các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức xã hội để tạo ra một cộng đồng mạnh mẽ và đa dạng trong việc hoạch định, xây dựng chính sách ngành công thương./.

ThS. Nguyễn Thị Trà Giang

Phòng Quản lý khoa học - VIOIT

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Công Hải, 2016, “Thực trạng và kiến nghị về chính sách thu hút, sử dụng nhân tài ở Việt Nam”, truy truy cập lúc 10h ngày 18/04/2024 tại đường linkhttps://tcnn.vn/news/detail/32028/Thuc_trang_va_kien_nghi_ve_chinh_sach_ thu_hut_su_dung_nhan_tai_o_Viet_Namall.html
  2. Niên giám thống kê năm 2022;
  3. Ninh Thị Huy Hoàng, 2023, “Thu hút, tập hợp đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực khoa học công nghệ”, truy cập lúc 10h ngày 18/04/2024 tại đường link: https://www.tuyengiao.vn/thu-hut-tap-hop-doi-ngu-tri-thuc-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-trong-linh-vuc-khoa-hoc-cong-nghe-151241;
  4. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 88

[1] Tính toán của tác giả dựa theo số liệu của niên giám thống kê năm 2022

TIN KHÁC