TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Giải pháp bảo vệ nền tư tưởng của đảng và đảm bảo an toàn thông tin cho công chức, viên chức của Ngành Công Thương trước các quan điểm sai trái, thù địch trên các nền tảng mạng xã hội

23/04/2024
 

1. Mở đầu

Ngày 22-10-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. Để quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết trên Chi bộ Kinh tế số xây dựng báo cáo chuyên đề “Giải pháp bảo vệ nền tư tưởng của Đảng và đảm bảo an toàn thông tin cho công chức, viên chức của ngành Công Thương trước các quan điểm sai trái, thù địch trên các nền tảng mạng xã hội”.

Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới đều đang khai thác và phát huy hiệu quả truyền thông xã hội thông qua mạng xã hội, đồng thời cũng đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực khó kiểm soát của những tin xấu, độc từ dạng thức truyền thông mới này. Ngày nay, tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội gia tăng đáng báo động và diễn biến rất phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi được hỗ trợ bởi công nghệ, các thế lực thù địch, cơ hội, phản động dùng các luận điệu sai trái, thù địch, tập trung chống phá nền tảng tư tưởng, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, gieo rắc tư tưởng cực đoan, tạo bất đồng, xung đột trong nội bộ Đảng và nhân dân. Chúng cường điệu những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý để khoét sâu vào xung đột lợi ích, làm chia rẽ xã hội, suy giảm lòng tin, thực hiện “diễn biến hòa bình”.

Các thế lực thù địch, phản động hư cấu, cắt ghép, thêm thắt, xuyên tạc, bịa đặt nhiều tin xấu, độc với các phương thức như lập các tài khoản cá nhân mạo danh mang tên các nhà lãnh đạo, Nhà nước, người đứng đầu cấp ủy chính quyền các cấp, mạo danh người nổi tiếng hoặc các cơ quan ban, ngành. Lập các tài khoản lấy tên giống như cơ quan báo chí  hoặc các tổ chức gây hiểu nhầm là cơ quan báo chí hoặc tổ chức yêu nước... Các thế lực thù địch chỉnh sửa các thông số kỹ thuật của tập tin thời gian để đăng tải tin giả, tin sai sự thật nhằm dẫn dắt dư luận; lợi dụng các sự kiện “nóng”, các “vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội” để tạo dựng thông tin giả mạo, livestream trực tiếp đánh lừa dư luận, kích động, dẫn dắt biểu tình, phá hoại, bạo động... Tạo hiệu ứng đám đông trên không gian mạng bằng cách huy động một số lượng lớn các tài khoản mạng xã hội (đa số là tài khoản ảo) gắn các biểu ngữ phản đối Đảng, Nhà nước. Đáng lưu ý, có nhiều tài khoản được các thế lực thù địch mạo danh các nhân vật nổi tiếng, có ảnh hưởng đến cộng đồng để phát huy tối đa khả năng lan truyền thông tin gây hoang mang dư luận trong quần chúng nhân dân.

Việc các thế lực thù địch, cơ hội, phản động đẩy mạnh gieo rắc những luận điệu sai trái trên nhiều phương tiện truyền thông xã hội có tác hại rất lớn đến việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, gây ra những hệ lụy khó lường đối với dư luận xã hội và trật tự an toàn xã hội làm hoang mang, dao động, hoài nghi, suy giảm niềm tin của nhân dân, cán bộ, đảng viên vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, làm mất uy tín của Đảng, tiến tới lật đổ và loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, gây căng thẳng chính trị, gia tăng bạo lực, bất ổn, tổn hại uy tín, hình ảnh của cơ quan, tổ chức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định tình hình chính trị - xã hội và sự phát triển của quốc gia. Do đó vấn đề cấp bách hiện nay là chúng ta cần phải phát hiện, nhận diện đúng thông tin xấu, độc để có những giải pháp ngăn ngừa, không để tác động tiêu cực. Qua đó, góp phần ổn định chính trị xã hội của đất nước và xây dựng một môi trường sống an toàn.

2. Nhận diện các thông tin xấu, độc trên nền tảng mạng xã hội

Khái niệm: Tin xấu, độc phát tán trên internet và mạng xã hội được hiểu là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng, thay đen”, làm lẫn lộn đúng sai, thật giả; hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu sai trái, thù địch.    

- Thông tin xấu độc là những thông tin có nội dung sai trái, bịa đặt, bóp méo, xuyên tạc sự thật, lẫn lộn đúng sai, thật giả hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, chưa được kiểm chứng gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức. Có ngôn từ thô tục, nội dung phản cảm, soi mói, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân. Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chống phá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Bịa đặt, vu cáo, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Công an và gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, đoàn kết dân tộc, tôn giáo, đe dọa an ninh quốc gia.

- Những thông tin xấu độc trên Internet và mạng xã hội do các thế lực phản động, các phần tử chống đối cơ hội chính trị và cả những cá nhân thiếu hiểu biết tung ra có tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, gây nghi ngờ, gieo rắc sự hoang mang, dao động, làm giảm sút lòng tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Âm mưu của các thế lực thù địch tán phát thông tin xấu, độc nhằm kích động biểu tình, phá rối an ninh trật tự; vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục, kích động đồi trụy, bạo lực, lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu, tán phát vi rút. Gây nhiễu loạn thông tin, tạo tâm lý hoài nghi, hoang mang trong Nhân dân. 

Do vậy, cần có kỹ năng nhận diện và đấu tranh vô hiệu hóa, vạch trần những phương thức thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu lợi dụng không gian mạng đưa thông tin xấu độc, giả mạo. Một số kỹ năng khi tiếp cận thông tin trên không gian mạng cần chú ý kiểm tra, đánh giá thông tin đó là:

Thứ nhất, cần xem xét kỹ các tiêu đề: Những thông tin xấu độc thường có tiêu đề hấp dẫn, đặc biệt là những thông tin trong tiêu đề giật title, gây sốc.

Thứ hai, kiểm chứng tên miền (đường dẫn liên kết): Đây là dấu hiệu cảnh báo về tin giả khi đường dẫn tới trang web giả mạo hoặc trông gần giống với địa chỉ/đường dẫn của một trang web chính thống. Cácdấu hiệu như: Lỗi chính tả, sai khác (lấy đường dẫn khác, nhưng tên website giống hệt), thiếu hoặc thừa một vài ký tự, hoặc thay thế một vài ký tự với ký tự khác gần giống (như “l” thay bằng “1”). Đồng thời kiểm tra tên miền của trang mạng đăng tải thông tin, thường nguồn phát của thông tin xấu độc là những trang mạng có tên miền nước ngoài (.com, .org), không có đuôi tên miền Việt Nam “.vn”.

Ví dụ: Website giả mạo này sử dụng tên, giao diện dễ gây nhầm lẫn với Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an với mục đích lừa đảo. Được biết, Cổng thông tin điện tử chính thức của Bộ Công an là website tại tên miền https://bocongan.gov.vn. Theo đó, website có tên “Cổng thông tin điện tử Bộ Công an” tại tên miền https://11384vn.com có hình ảnh giao diện giống hệt.

Thứ ba, kiểm chứng cơ sở nguồn tin, xem thông tin đó đến từ nguồn nào, nếu đến từ một người lạ, thông tin không rõ ràng cần cảnh giác, có thể xem mục giới thiệu để kiểm tra. Sử dụng các công cụ tìm kiếm để tìm các bài viết trên các trang mạng chính thống (Thông tin chính phủ, Báo Nhân dân...) có nội dung tương tự để đối chiếu hoặc xin tham vấn của các chuyên gia trên từng lĩnh vực.

Thứ tư, xác định đối tượng tán phát: Các thông tin bắt nguồn từ các đối tượng phản động chống đối, cá nhân thiếu hiểu biết.

Thứ năm, đánh giá về hình thức, nội dung: Tin tức xấu, độc hay bị lỗi chính tả hoặc có bố cục lộn xộn, các hình ảnh, video trong tin xấu, độc thường bị chỉnh sửa, cắt ghép, thay đổi nội dung, ngày tháng của sự kiện thường bị thay đổi. Nội dung chứa lỗi chính tả. Nguyên nhân là do các trang web giả mạo thường không kiểm duyệt kỹ nội dung. Hoặc, các trang này được tạo bởi kẻ xấu ở nước ngoài mà họ không thành thạo ngôn ngữ được sử dụng để lừa đảo.

Thứ sáu, kiểm tra hình ảnh: Những thông tin xấu độc thường chứa hình ảnh hoặc video bị chỉnh sửa. Do vậy, chúng ta cần sử dụng tính năng tìm kiếm ảnh, đối chiếu với nguồn ảnh gốc (nếu có), xác định thời gian khởi tạo, dung lượng, kích thước.. để đối chiếu với các thông tin đối tượng đưa ra.

 3. Quan điểm của Đảng, Nhà nước

Xử lý tin xấu, độc trên không gian mạng nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống các luận điệu sai trái, thù địch luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt coi trọng. Trong Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng (năm 2016) chỉ rõ: “Các thế lực thù địch với những thủ đoạn mới nhất là triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông trên mạng internet để chống phá… Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình “ của các thế lực thù địch, chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch”. Trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) chỉ rõ một số nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đấu tranh ngăn chặn tin giả, tin xấu, độc, phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị: “Công tác thông tin, tuyên truyền một số chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa phong phú, thường xuyên, kịp thời, chưa đáp ứng được sự mong đợi của nhân dân. Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao”.

Từ nhận định về các yếu kém trong quản lý thông tin, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục chỉ rõ các nguyên tắc chủ động đấu tranh phòng, chống tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới: “Dự báo sát, chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng, kịp thời xử lý thông tin, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận trong xã hội. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cương quyết và thường xuyên đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, đúng định hướng, để phòng chống “diễn biến hòa bình”, thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội”.

4. Giải pháp

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong phòng, chống thông tin xấu độc trên mạng xã hội

Trong lãnh đạo, chỉ đạo cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức đúng, đầy đủ: không ngừng đổi mới tư duy lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên internet. Các cấp ủy đảng cần tiếp tục chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch. Các cấp ủy đảng cần thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình, chỉ đạo xử lý hoặc phối hợp cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trang thông tin giả mạo, xấu, độc, xuyên tạc, phối hợp chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ trong việc quản lý internet; Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm khắc các sai phạm trên mạng xã hội, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm với các phần tử cơ hội chính trị.

Hai là, tăng cường tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên trong phòng, chống tin giả, tin xấu, độc trên không gian mạng xã hội

 Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc cho cán bộ, đảng viên về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Thực hiện nghiêm, hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Tăng cường các hình thức tuyên truyền phù hợp, giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong sử dụng internet, mạng xã hội, như Quy định số 69-QÐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm liên quan đến mạng xã hội; Quy định số 85-QĐ/TW ngày 07/10/2022 của Ban Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội; Luật An ninh mạng năm 2018; Quyết định số 874/QĐ-BTTTT, ngày 17/6/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.

Tăng cường giáo dục, định hướng để cán bộ, đảng viên có nhận thức đúng đắn về đặc điểm, dạng thức, nguồn gốc tin xấu, độc trên không gian mạng, kiên quyết đấu tranh, phản bác quan điểm, luận điệu sai trái thù địch, ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin sai lệch, xấu, độc của thế lực phản động, không để bị lôi kéo, kích động, lợi dụng. Có kỹ năng sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, “miễn dịch” với những thông tin giả mạo làm nhiễu loạn môi trường xã hội; báo cáo cơ quan chức năng để vô hiệu hóa các nguồn phát tán tin giả, có năng lực đánh giá độ tin cậy của thông tin trên truyền thông xã hội.

Ba là, nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước đối với mạng xã hội

Rà soát việc cấp phép hoạt động đối với các mạng xã hội; yêu cầu tính chính danh trong việc sử dụng mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân; kiểm soát chặt chẽ đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet, mạng xã hội. Cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh việc xây dựng, triển khai và hoàn thiện cơ sở dữ liệu, sử dụng căn cước công dân, mã định danh để quản lý thông tin và người sử dụng trên internet. Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, loại bỏ, xử lý theo pháp luật đối với các nhà mạng, cơ quan chủ quản đơn vị báo chí, các cá nhân cung cấp, đăng tải, phát tán thông tin giả mạo, xuyên tạc, vu khống, kích động, chống phá trên mạng xã hội. Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng công nghệ để đấu tranh, phản bác quan điểm sai tráithù địch trên không gian mạng. Tích cực triển khai thực hiện Luật An ninh mạng năm 2018 với chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý những hành vi vi phạm, gây hại, như lưu trữ, cung cấp, đăng tải, phát tán tin giả, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, nói xấu, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước trên internet, mạng xã hội…

Bốn là, tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong xử lý thông tin xấu, độc trên không gian mạng

Thông tin xấu, độc lan truyền trên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia, tổ chức, cá nhân. Xử lý tội phạm công nghệ cao trong tình hình mới bằng việc triển khai ứng dụng công nghệ, kịp thời trang bị phần mềm, phương tiện kỹ thuật chuyên dụng phục vụ công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; thiết lập hệ thống phòng vệ để chủ động và nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm; khuyến khích mạng xã hội có nền tảng công nghệ trong nước phát triển, khuyến khích các cơ quan, tổ chức trong nước xây dựng mạng xã hội nội bộ; tăng cường ứng dụng công nghệ để phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các thông tin sai sự thật, xấu, độc ảnh hưởng đến ổn định chính trị, xã hội.

Năm là, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan báo chí trong kiểm soát và giảm thiểu tác hại của tin xấu, độc trên không gian mạng

Để phòng, chống tin giả hiệu quả, cần tăng cường bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, phát huy sứ mệnh người làm báo; kiên quyết chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Có kỹ năng nhận biết, phân tích, phát hiện, sàng lọc, xử lý kịp thời tin giả, nhận rõ bản chất, quan điểm sai trái, thù địch, nêu cao trách nhiệm trong quản lý, kiểm tra, xét duyệt chặt chẽ các thông tin trước khi đăng tải. Phát huy vai trò phản biện xã hội của báo chí trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Các cơ quan báo chí cần tiếp tục nêu bật những thành quả của đất nước trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng, chỉnh đốn Đảng...

Phát huy vai trò của của thông tin và tạp chí của Viện trong xây dựng môi trường thông tin lành mạnh, tích cực. Tăng cường các chuyên trang, chuyên mục, đổi mới hình thức đấu tranh, thực hiện phương châm “xây” và “chống”; “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”; lấy thông tin tích cực đẩy lùi thông tin tiêu cực, tránh xảy ra những sai sót để các thế lực thù địch lợi dụng phát tán tin giả.

Sáu là, là công chức, viên chức đảng viên cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước các thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Phải luôn chủ động nâng cao kiến thức xã hội về mọi mặt, nhằm xây dựng cho mình nhận thức chính trị đúng đắn để xem xét, tiếp cận thông tin một cách khách quan, đầy đủ, chính xác từ những nguồn thông tin chính thống, tránh tiếp cận thông tin phiến diện, một chiều. Cảnh giác trước các nguồn thông tin sai trái, thù địch, trái với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh đó phải có ý thức tự giác, phát huy tính kỷ luật của người cán bộ, đảng viên trong quá trình tiếp xúc thông tin. Đẩy mạnh tuyên truyền đội ngũ viên chức, đảng viên chia sẻ những thông tin chính thống để cùng tuyên truyền vận động bạn bè, người thân, đồng nghiệp, cộng đồng hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp.

 5. Kết luận

Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, mạng xã hội đã trở thành một thuật ngữ phổ biến với những tính năng đa dạng cho phép người dùng kết nối, chia sẻ, tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả. Tuy nhiên mạng xã hội đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực khó kiểm soát của những tin xấu, độc do đó là công chức, viên chức của ngành Công Thương, đặc biệt là viên chức và người lao động của Viện phải là những người tiên phong trong việc phòng, ngừa và chống tin xấu độc./.

ThS. Đỗ Văn Long

Phòng nghiên cứu kinh tế số và đổi mới sáng tạo - VIOIT

Tài liệu tham khảo:

  1. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đáu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới
  2. Luật số 24/2018/QH14 ngày 12/6/2018 của Quốc hội ban hành luật An ninh mạng
  3. Nghị định số 53/2022/NĐ-CP ngày 15/8/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng.
  4. Quyết định số 874/QĐ-BTTTT, ngày 17/6/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.
  5. Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị khu vực II: https://hcma2.hcma.vn/nghiencuukhoahoc/Pages/bao-ve-nen-tang-tu-tuong.aspx?ItemID=12634&CateID=272
TIN KHÁC