TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Đoàn công tác của Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương khảo sát thực hiện nhiệm vụ xây dựng “Chiến lược phát triển ngành sữa giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

20/07/2023

Để có cơ sở và căn cứ cho công tác xây dựng “Chiến lược phát triển ngành sữa giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo Quyết định số 24/QĐ-CLCT ngày 03 tháng 01 năm 2023 của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương giao chủ nhiệm và phân công các thành viên thực hiện nhiệm vụ: “Chiến lược phát triển ngành sữa giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương đã thành lập đoàn khảo sát, trao đổi và làm việc với các doanh nghiệp liên quan trên địa bàn các tỉnh Tuyên Quang và Sơn La.

Đoàn công tác do TS. Nguyễn Quang Tuyển, Phó trưởng phòng Quản lý Khoa học và Đào tạo, chủ nhiệm nhiệm vụ làm trưởng đoàn. Đoàn đã có buổi làm việc và thu thập rất nhiều ý kiến đóng góp, tài liệu tham khảo phục vụ công tác xây dựng chiến lược với các doanh nghiệp sản xuất sữa trên địa bàn 2 tỉnh Tuyên Quang và Sơn La.

Qua trao đổi giữa Đoàn công tác và các doanh nghiệp sản xuất sữa trên địa bàn, có thể thấy rằng:

Ngành sữa Việt Nam còn rất nhiều cơ hội để phát triển: Khi xã hội càng ngày càng phát triển, nhu cầu về sữa của người tiêu dùng trên thế giới cũng như trong nước càng ngày càng cao vì thế thị trường sữa còn rất nhiều tiềm năng,  đặc biệt về sữa tươi ở trong nước. Trong khi đó trên thế giới, Mỹ, Canada đang trong tình trạng thiếu nghiêm trọng nguồn cung sữa công thức cho trẻ em.

Tình trạng đứt gãy chuỗi cung trong một số mặt hàng nông sản vừa qua càng cho thấy Việt Nam cần phải phát triển nhanh hơn, nhiều hơn về đàn bò sữa và sản lượng sữa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu trong nước.

Từ chỗ không có bò sữa, đến nay Việt Nam đã có trên 28.000 trang trại và hộ nông dân nuôi bò sữa với tổng đàn bò sữa gần 375.000 con, sản lượng sữa tươi sản xuất đạt trên 1,2 triệu tấn, đáp ứng trên 42% nhu cầu tiêu thụ sữa của người tiêu dùng, số còn lại, gần 60% phải nhập khẩu, tổng sản lượng sữa bò nguyên liệu sản xuất trong nước góp phần quan trọng đối với an ninh sản phẩm sữa cho cả tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Theo Hiệp hội sữa Việt Nam, tổng doanh thu ngành sữa năm 2021 đạt 119.385 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng khoảng 5% so với năm 2020.

Thời gian qua, chăn nuôi bò sữa của nước ta phát triển tốt và đang dần tiệm cận với các nước chăn nuôi bò sữa phát triển trên thế giới. Năng suất sữa trung bình của đàn bò vắt sữa trong cả nước năm 2020 đạt trên 5.300 kg/con/năm. Con số này khá cao so với các nước có điều kiện tương đương.

Một số trang trại áp dụng công nghệ cao của Công ty Vinamilk, Công ty TH milk, Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu, năng suất sữa trung của đàn bò sữa đạt từ 24,5-28,3 kg/con/ngày, tương ứng khoảng từ 7.500 -8.600 kg/chu kỳ tiết sữa; cá biệt có nhiều con đạt 11.000 kg/chu kỳ tiết sữa (305 ngày).

Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam đang đứng đầu khu vực Đông Nam Á về mức độ công nghiệp hóa ngành chăn nuôi, chế biến sữa. Tốc độ tăng về sản lượng luôn cao hơn tốc độ tăng quy mô đầu con, hiện năng suất bò sữa của Việt Nam đã vượt xa các nước trong khu vực.

Phương thức chăn nuôi đã có những thay đổi tích cực, hình thành nhiều chuỗi liên kết có hiệu quả trong sản xuất, các chuỗi liên kết trong chăn nuôi bò sữa hiện đang chiếm tỷ lệ liên kết gần 100% cao nhất trong khu vực sản xuất nông nghiệp hiện nay. Từng bước hình thành ngành công nghiệp chăn nuôi và chế biến sữa hiện đại so với khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, thị trường và giá cả sữa nhìn chung ổn định đảm bảo cho người chăn nuôi bò sữa có lãi. Chăn nuôi chuyển dịch theo hướng trang trại, tập trung chuyên nghiệp và công nghiệp hơn. Bên cạnh việc từng bước đảm bảo cho tiêu dùng trong nước, ngành hàng sữa cũng chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. 

Xuất khẩu sữa, sản phẩm sữa của Việt Nam ngày càng gia tăng về cả chủng loại, khối lượng và giá trị tới 48 nước trên thế giới, đạt kim ngạch xuất khẩu năm 2021 trên 300 triệu USD. Hiện nay, đã có 8 doanh nghiệp Việt Nam với 12 nhà máy sản xuất sữa đã được Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu sữa vào thị trường này.

Nhiều mô hình phát triển chăn nuôi bò sữa được hình thành trong thời gian qua. Trong số đó, Đoàn công tác đã làm viêc với Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk), một đơn vị có bề dày kinh nghiệm trong hơn 60 năm phát triển với mô hình phát triển bền vững từ chăn nuôi bò sữa đến sản xuất, phân phối các sản phẩm từ sữa tươi ra thị trường Việt Nam và nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp quý báu, tài liệu tham khảo phục vụ công tác xây dựng chiến lược.

Xuất phát từ sự đồng thuận, hợp tác cùng phát triển lớn mạnh, đồng hành của Vinamilk đã giúp Mộc Châu Milk có bước chuyển mình mạnh mẽ kể từ năm 2020. Với những định hướng chiến lược, Mộc Châu Milk đã và đang cho thấy sự quyết tâm và sẵn sàng cho một hành trình mới phát triển cao nguyên Mộc Châu thành vùng nguyên liệu sữa đạt chuẩn quốc tế. Trong tương lai, Vinamilk và Mộc Châu Milk sẽ tiếp tục phát huy những thành công của mô hình liên kết nông hộ, đồng thời hỗ trợ bà con ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sữa của đàn bò đưa Mộc Châu, Sơn La thành thủ phủ bò sữa công nghệ cao của Việt Nam góp phần phát triển kinh tế của địa phương, ngành nông nghiệp và người dân chăn nuôi bò sữa tỉnh Sơn La theo hướng bền vững.

Đi thăm quan, trải nghiệm quy trình sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất sữa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và Sơn La, đoàn công tác đã phần nào nắm bắt được tình hình phát triển của ngành, những điểm còn tồn tại, hạn chế và đề xuất kiến nghị từ phía doanh nghiệp đến cơ quan quản lý. Một số vấn đề Đoàn cần rà soát, điều chỉnh và cân nhắc khi tích hợp vào “Chiến lược phát triển ngành sữa giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trong thời gian tới./.

Một số hình ảnh của đoàn công tác:

Tin bài và ảnh: Lê Anh Tú

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

 

TIN KHÁC