TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Đoàn công tác của Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương khảo sát thực hiện nhiệm vụ “Phát triển chuỗi liên kết công nghiệp giữa Việt Nam và Lào đến năm 2030”

30/06/2023

Triển khai thực hiện nhiệm vụ “Phát triển chuỗi liên kết công nghiệp giữa Việt Nam và Lào đến năm 2030”, từ ngày 23 - 28/6/2023, đoàn công tác của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương đã tiến hành khảo sát, trao đổi và làm việc với  Sở Công Thương, doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh có hoạt động giao thương và biên giới với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, bao gồm: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa.

Đoàn công tác do Ông Tạ Đức Tuân, Giám đốc Trung tấm tham vấn WTO, Chủ nhiệm nhiệm vụ làm trưởng đoàn. Nội dung làm việc với các tỉnh nhằm thu thập số liệu về các lĩnh vực công nghiệp và thương mại; trao đổi về tình hình phát triển công nghiệp và thương mại của tỉnh giai đoạn 2016-2022; tình hình hoạt động xuất nhập khẩu và khả năng phát triển thương mại biên giới giữa hai nước Việt - Lào.

Qua trao đổi và thu thập tài liệu, Đoàn đã thu được một số kết quả như sau:

1. Tình hình chung thương mại biên giới Việt Nam - Lào:

Trong giai đoạn 2011-2020, thương mại biên giới giữa hai nước Việt Nam - Lào có sự tăng trưởng đáng kể, một số mặt hàng xuất khẩu sang Lào chủ yếu là: Vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, tro bay, thiết bị, dây điện, cáp điện, hàng thủy sản,…; Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: Gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hàng nông sản và quặng..; ngoài ra còn hàng trăm nghìn lượt người và phương tiện qua lại để thăm thân, làm việc, trao đổi và mua bán hàng hóa, thăm quan du lịch. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giữa hai bên tăng không đồng đều qua các năm, đặc biệt là những năm gần đây, do thay đổi chính sách của hai bên, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và chiến sự Nga và Ukraine.

Quan hệ giữa Bộ Công Thương Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Lào và Sở Công Thương các Tỉnh biên giới với Lào thường xuyên phối hợp, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tham dự Diễn đàn doanh nghiệp hai nước do cấp Bộ trưởng chủ trì; Hội nghị kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam – Lào trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng; Hội chợ thương mại Việt Nam - Lào tổ chức tại Viêng Chăn, Lào tháng 8/2022 với quy mô 250 gian hàng tiêu chuẩn với sự tham gia của 128 doanh nghiệp hai nước; Hôi nghị hợp tác phát triển ngành công thương năng lượng và mỏ Việt Nam - Lào do cấp Bộ trưởng chủ trì,…

2. Đánh giá chung

* Thành tựu:

Kể từ Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại biên giới giữa hai nước lần thứ XI vào năm 2018 đến nay, quan hệ thương mại nói chung và thương mại biên giới giữa hai nước nói riêng đã có những bước phát triển mới. Thể hiện rõ trên các mặt sau:

- Các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước mang tính bổ sung, không cạnh tranh trực tiếp đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như cho sản xuất của hai bên.

- Hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ tại các cửa khẩu, chợ biên giới đã nhộn nhịp hơn, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực vùng biên giới.

- Cùng với làn sóng đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu mặt hàng như sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị dụng cụ, phân bón, thức ăn gia súc.

* Hạn chế:

Tuy nhiên, xuất nhập khẩu Việt Nam và Lào chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước thiếu đa dạng. Hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Lào vẫn tồn tại nhiều khó khăn, chưa đóng góp nhiều vào việc thực hiện mục tiêu trao đổi thương mại hai chiều. Kết quả hợp tác cụ thể còn có những hạn chế nhất định, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của hai nước. Các dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu hàng hóa, kết nối giao thông hai nước chưa phát triển. Các khu kinh tế cửa khẩu còn thiếu vốn đầu tư, các công trình, dự án dở dang nên không thể đi vào hoạt động được. Công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, thị trường, quảng bá sản phẩm còn nhiều khó khăn, việc thu hút đầu tư vào các địa bàn thuộc các tỉnh dọc biên giới, khu kinh tế cửa khẩu chưa nhiều; các chính sách áp dụng cho khu kinh tế cửa khẩu vẫn chưa phát huy được những ưu thế đặc thù, dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển thương mại biên giới giữa các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa với các tỉnh của nước bạn Lào vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Lào còn nhiều bất cập, chưa thấy tính bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế hai bên. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Lào có tỷ trọng nhỏ, hạ tầng kỹ thuật khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới giữa các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa - Lào còn yếu kém, lạc hậu. Thương nhân tham gia hoạt động thương mại biên giới chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô lô hàng nhỏ, mang tính chất thương vụ, chưa có chiến lược phát triển lâu dài. Tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại diễn biến phức tạp trong khi địa bàn rộng lớn, lực lượng hai bên còn mỏng...

* Đề xuất kiến nghị chính sách, giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa sang Lào:

Một số đề xuất, kiến nghị trong việc phát triển thương mại biên giới các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa với các tỉnh của nước bạn Lào:

- Nghiên cứu, rà soát cơ chế chính sách phát triển thương mại biên giới và đề xuất chính phủ hai nước có chính sách ưu đãi đầu tư đặc thù vào phát triển hạ tầng biên giới, trong đó chú trọng chính sách phát triển hạ tầng thuơng mại biên giới đất liền của Tỉnh; Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư và xây dựng hạ tầng thương mại biên giới.

- Tǎng cường công tác hội đàm, trao đổi song phương các vấn đề phát sinh về quản lý, xây dựng cửa khẩu, lối mở, vận tải hàng hóa... Đầu tư xây dựng các trạm thu phát sóng viễn thông, internet cho khu vực biên giới, miền núi, đặc biêt là tại các cửa khẩu, lối mở, thị tứ... nhằm xóa các “vùng trũng” cho việc phủ sóng di động, internet; từng bước đưa dịch vụ ngân hàng hoạt động trức tiếp tại cửa khẩu; đầu tư điện lưới quốc gia đến các cửa khẩu, lối mở, thị tứ kết hợp thực hiện Chương trình phát triển năng lượng tái tạo cho đồng bào tại khu vực biên giới chưa có điện luới thắp sáng.

- Tích cực tìm kiếm nguồn vốn đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chǎn như cửa khẩu như: Của khẩu Thanh Thủy và các tuyến đường quốc lộ kết nối các cửa khẩu như: Cửa khẩu Cha Lo (tỉnh Quảng Bình); Cửa khẩu Nậm Cắn (tỉnh Nghệ An); Cửa khẩu Kẹo Nưa (Hà Tĩnh);…

Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương Lào đề xuất Chính phủ sớm công bố cửa khẩu Nậm On (tỉnh Bô Ly Khǎm Xay) thành cửa khẩu chính, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh thuận lợi. Quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư, nâng cấp xây dựng hệ thống chợ, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật thương mại cho các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào nói chung và các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa nói riêng, đặc biệt là cơ sở ha tầng kỹ thuật tại các cửa khẩu Thanh Thủy, Thông Thụ, Cao Vều, Tam Họp,...

Thông qua làm việc trao đổi với các Sở Công Thương, Đoàn công tác của Viện đã nắm bắt tình hình phát triển thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào, thế mạnh và các vấn đề còn tồn tại; đề xuất, kiến nghị của Sở Công Thương và ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn để từ đó làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả giao thương hàng hóa giữa hai nước, hoàn thiện đề án “Phát triển chuỗi liên kết công nghiệp giữa Việt Nam và Lào đến năm 2030”.

Một số hình ảnh Đoàn công tác:

Tin bài và ảnh: Lê Anh Tú

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

TIN KHÁC