TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Cán bộ công chức, viên chức Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương đấu tranh với các hành vi xuyên tạc tư tưởng của Đảng, chống phá nhà nước trên các nền tảng mạng xã hội

23/04/2024

Giải pháp cho cán bộ công chức, viên chức trong Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương đấu tranh với các hành vi xuyên tạc tư tưởng của Đảng, chống phá Nhà nước trên các nền tảng mạng xã hội hết sức quan trọng, vì hiện nay mạng xã hội rất phổ biến, sức lan tỏa nhanh trong khi đó cán bộ công chức, viên chức của Viện luôn phải truy cập mạng xã hội để tìm kiếm thông tin, tài liệu, nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền xuyên tạc tư tưởng của Đảng. Thông qua việc khái quát thực trạng sử dụng mạng xã hội hiện nay và nhận diện một số hành vi xuyên tạc tư tưởng của Đảng, chống phá Nhà nước trên các nền tảng mạng xã hội, bài viết đã đề xuất được một số giải pháp đấu tranh với các hành vi xuyên tạc tư tưởng của Đảng, chống phá Nhà nước trên các nền tảng mạng xã hội cho cán bộ công chức, viên chức của Viện.

Từ khóa: Công chức, viên chức, mạng xã hội, xuyên tạc tư tưởng của Đảng, chống phá nhà nước.

1. Đặt vấn đề

Trong thời đại 4.0 hiện nay, các nền tảng mạng xã hội không còn quá xa lạ với chúng ta. Các nền tảng mạng xã hội đã trở thành các kênh thông tin, kết nối không những bạn bè trong nước mà còn với quốc tế, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày đặc biệt đối với giới trẻ. Mặc dù chúng mang lại rất nhiều lợi ích trong cuộc sống nhưng cũng tồn tại nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến con người, thậm trí là an ninh, trật tự xã hội. Rất nhiều cá nhân và tổ chức đã lợi dụng sự phổ biến của các nền tảng mạng xã hội để truyền bá những thông tin sai lệch về đường lối của Đảng, chống phá Nhà nước.

Đặc thù công việc của cán bộ công chức, viên chức trong Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (gọi tắt là Viện) là nghiên cứu khoa học, thường xuyên phải truy cập các trang mạng xã hội để tìm kiếm thông tin, tài liệu. Vì vậy, giải pháp làm thế nào để đấu tranh chống lại các hành vi xuyên tạc tư tưởng Đảng, chống phá Nhà nước trên các nền tảng mạng xã hội cho các bộ công chức, viên chức đặc biệt là đội ngũ viên chức trẻ của Viện rất quan trọng.

2. Thực trạng sử dụng các nền tảng mạng xã hội hiện nay

Mạng xã hội được hiểu là một nền tảng trực tuyến với các mô hình, tính năng và các cách sử dụng khác nhau, nhìn chung là được xây dựng để nhằm chia sẻ các thông tin, hình ảnh, âm thanh, câu chuyện, xây dựng các mối quan hệ,…đến nhiều người dùng khác. Chúng ta có thể dễ dàng kết nối và truy cập vào các nền tảng mạng xã hội tại bất kì nơi đâu chỉ cần có internet thông qua các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, ipad,…

Thống kê trong báo cáo của Công ty giám sát truyền thông Meltwater và cơ quan truyền thông xã hội We are Social đến năm 2023 trên thế giới có hơn 5 tỷ người sử dụng mạng xã hội [1] con số này dự báo vẫn sẽ tiếp tục gia tăng trong các năm tới. Theo Hội Khoa học tâm lý – giáo dục Việt Nam cho biết tại Việt Nam có khoảng 70 triệu tài khoản mạng xã hội đã được kích hoạt con số này tương đương với 71% dân số của đất nước. Các con số thống kê cho thấy số lượng người tiếp cận mạng xã hội tại Việt Nam rất lớn, điều này có thể làm tăng khả năng rủi ro về các vấn đề an ninh mạng vì mạng xã hội là không biên giới. Các nền tảng mạng xã hội không chỉ phổ biến tại các khu vực thành thị nơi có chất lượng cuộc sống phát triển hơn mà những năm trở lại đây các khu vực kém phát triển hơn như vùng nông thôn hay vùng miền núi cũng đã được tiếp cận.

Các nền tảng mạng xã hội phổ biến hàng đầu ở Việt Nam hiện nay như: Facebook, YouTube, Zalo, Tiktok, Instagram…

Facebook

Facebook là một nền tảng mạng xã hội được sáng lập vào năm 2004 bởi Mark Zuckerberg và nhóm bạn sinh viên đại học Harvard của ông: Eduardo Saverin, Andrew McCollum, Dustin Moskovitz, Chris Hughes. Facebook cho phép người dùng có thể làm quen kết bạn với nhiều người khác nhau tại nhiều nơi khác nhau, từ nhiều quốc gia khác nhau. Trên trang cá nhân của mỗi tài khoản có thể chia sẻ tâm sự qua những dòng trạng thái, bày tỏ cảm xúc bản thân với bạn bè thông qua những bức ảnh, video, stories,…

Facebook đứng đầu danh sách các nền tảng mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất trên thế giới và tại Việt Nam. Thống kê đến năm 2023 trên thế giới facebook đã có 2,7 tỷ người dùng tích cực hàng tháng [2]; còn tại Việt Nam là 85,1 triệu người sử dụng mạng xã hội này tương đương hơn 84,1% dân số toàn quốc, trong đó phần lớn người dùng là phụ nữ chiếm 51%, nhóm người từ 25 đến 34 tuổi là nhóm người dùng lớn nhất là 24,6 triệu người [3].

YouTube

YouTube được sáng lập vào năm 2005 bởi 3 nhân viên cũ của PayPal là Chad Hurley, Steve Chen, Jawed Karim, tháng 6 năm 2006 Google đã mua lại YouTube. Đây là một trong những nền tảng video mạng xã hội phổ biến cho phép người dùng xây dựng các video ngắn từ 6 giây cho đến các bộ phim dài hơn hai tiếng đồng hồ theo nhiều chủ đề khác nhau trên điện thoại, máy tính, máy quay,…các chủ đề có thể về phim ảnh, các chương trình truyền hình, vlog cuộc sống thường ngày, âm nhạc, ẩm thực…

Theo khảo sát của Statista trên toàn thế giới đến tháng 1 năm 2023 đã có hơn 2,5 tỷ người truy cập hàng tháng vào ứng dụng này. Đất nước Ấn Độ là quốc gia có nhiều người dùng YouTube nhất với 467 triệu người dùng, tiếp đến là Hoa Kỳ với 246 triệu người dùng. Việt Nam đứng thứ 9 trong danh sách các quốc gia có lượng người dùng YouTube nhiều nhất thế giới với 63 triệu người, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á sau Indonesia. YouTube đã thu hút được hơn 50 triệu người trưởng thành truy cập ứng dụng trong tổng số 68 triệu người trưởng thành ở Việt Nam [4].

Instagram

So với Facebook và YouTube, Instagram ra đời muộn hơn khi đến tháng 10  năm 2010 mới được chính thức ra mắt, đây là nền tảng được sáng lập bởi Kavin Systrom và Mike Krieger, đến năm 2012 được Facebook mua lại. Instagram là ứng dụng cho phép người dùng chia sẻ hình ảnh và video với bạn bè hoặc ngươi xem một cách có chọn lọc. Tức là bài đăng có thể được công khai hoặc chỉ với nhóm bạn đã chọn lọc trước đó ứng dụng có nhiều nét tương đồng với ứng dụng Facebook.

Theo thống kê, trên toàn thế giới Instagram cũng đạt 2 tỉ người dùng tích cực hàng tháng [2]. Còn tại Việt Nam, con số được Meta (công ty mẹ của Facebook và Instagram) công bố vào đầu năm 2024 đã có 10,9 triệu lượt người dùng tương đương 11% dân số của cả nước [5].

TikTok

TikTok là một nền tảng mạng xã hội xuất phát từ Trung Quốc là là phiên bản tương tự của Douyin. Năm 2016, Douyin được ra mắt riêng cho thị trường của Trung Quốc, 1 năm sau đó năm 2017 TikTok cho ra mắt các quốc gia ngoài Trung Quốc. Năm 2018, TikTok mới chính thức được giới thiệu trên toàn cầu. Từ khi được ra mắt TikTok đã trở nên bùng nổ trở thành một trong những ứng dụng phổ biến trên toàn cầu, chỉ sau vài tháng ra mắt đã lọt vào top danh sách những nền tảng mạng xã hội hàng đầu ở nhiều quốc gia. Nền tảng này cho phép người dùng tạo những video ngắn có độ dài khoảng 15 giây đến 3 phút với đa dạng các xu hướng mới mỗi ngày. Hiện TikTok đã có mặt tại 158 quốc gia [6].

Tính đến tháng 10 năm 2023, TikTok đã có 1,22 tỷ người dùng vươn lên đứng thứ 6 các nền tảng mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất toàn cầu chỉ sau 5 năm cho ra mắt. Đứng đầu các quốc gia sử dụng nhiều nhất là Mỹ với 143 triệu người dùng, Indonesia với 110 triệu người dùng, Brazil với 82 triệu người dùng, Việt Nam đứng thứ 6 với 62 triệu người dùng [6].

3. Nhận diện các hành vi xuyên tạc tư tưởng của Đảng, chống phá nhà nước trên các nền tảng mạng xã hội

Mạng xã hội như một con dao hai lưỡi, nếu sử dụng đúng mục đích có thể trở thành nơi giải trí, học tập, trao đổi các thông tin hữu ích, kết bạn và trò truyện với nhiều người từ nhiều vùng và quốc gia trên thế giới. Các nền tảng mạng xã hội cũng sẽ trở thành kênh truyền thông đắc lực cho nhiều cá nhân, tổ chức, cơ quan từ cấp địa phương đến nhà nước và quốc tế để tuyên truyền thông tin kinh tế - chính sách pháp luật đến người dân vì mạng xã hội có mức độ ảnh hưởng rất lớn, sức lan tỏa nhanh và rộng. Các thông tin từ các quốc gia này đến các quốc gia khác được truyền tải nhanh chóng chỉ trong một bài đăng, bài chia sẻ, video,…ngay cả khi ở trong nhà vẫn có thể truy cập và nắm bắt qua các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, YouTube, Instagram, TikTok,...

Tuy nhiên không phải ai cũng biết tận dụng các nền tảng mạng xã hội này một các khôn ngoan và thông thái. Lợi dụng sự phổ biến sâu rộng của mạng xã hội, rất nhiều kẻ xấu đã lợi dụng điều đó để truyền bá những thông tin sai lệch không được kiểm chứng để kích động dư luận, phản động và những thông tin đi ngược đường lối chủ trương chính sách của Đảng, chống phá xã hội chủ nghĩa, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”.

Tính đến tháng 9 năm 2023, Facebook cũng đã chặn, gỡ bỏ hơn 364 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức; gỡ 1 group và 1 tài khoản giả mạo. Google đã gỡ 380 video vi phạm trên Youtube, xóa 7 kênh có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, chứa khoảng 23.733 video. Còn TikTok đã chặn, gỡ bỏ 33 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực, trong đó, ứng dụng này đã xóa 4 tài khoản livestream bình luận xuyên tạc về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, chia sẻ hình ảnh bản đồ có đường lưỡi bò, 10 tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước và 13 tài khoản bôi nhọ, xúc phạm lãnh tụ trên TikTok…[7]

  • Để thực hiện được âm mưu của mình, các cá nhân và tổ chức phản động đã tạo các tài khoản mạng xã hội trên các nền tảng thành một kênh truyền thông chống phá. Nhìn chung họ thường sẽ tập trung vào các nội dung sau:
  • +Lợi dụng các sự kiện nổi bật của đất nước để gây mâu thuẫn nội bộ, công kích, bôi nhọ và hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước bằng các thông tin bịa đặt sai lệch chưa được kiểm chứng, thông qua các kênh truyền thông đã xây dựng để kêu gọi, kích động người dân biểu tình, gây hoang mang dư luận và mất trật tự an toàn xã hội. Mục đích là làm giảm lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
  • +Chỉ trích Việt Nam vi phạm tự do dân chủ, nhân quyền khi chỉ có một Đảng cầm quyền. Các tổ chức, cá nhân phản động thường có trụ sở ở nước ngoài sử dụng mạng xã hội kích động một số đối tượng trong nước chống phá, và thực hiện trao các giải thưởng vinh danh cho các đối tượng này để các đối tượng chống phá quyết liệt hơn.
  • Các thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng để thực hiện âm mưu xuyên tạc phá hoại nền tảng tư tưởng, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước là:
  • +Thành lập các tài khoản mạng xã hội trên các nền tảng xuyên biên giới có liên kết với nhau như Facebook, TikTok, Instagram, kênh YouTube,…có nhiều lượt tương tác lớn thành kênh truyền thông phát tán thông tin. Sau đó thường xuyên đăng tải các bài viết, phóng sự với các quan điểm sai lệch, các thông tin này thường được dẫn nguồn từ các báo chính thống trong nước để tăng độ tin cậy. Sau đó pha trộn thông tin thật – giả để phân tích xuyên tạc tình hình chính trị trong nước. Có thể kể đến một số kênh lớn của tổ chức phản động thường xuyên đăng tải thông tin sai sự thật chống phá Nhà nước ta như: Tổ chức Việt Tân, Đài Á châu tự do, BBC Việt ngữ, thoibao.de…Khi Luật An ninh mạng của Việt Nam được thông qua, ngay lập tức các nền tảng mạng xã hội của các tổ chức phản động tại nước ngoài đã đưa tin bóp méo sự thật. Đài RFA, BBC Tiếng Việt đưa tin xuyên tạc cho rằng luật này của Việt Nam đặc biệt xâm phạm không gian riêng tư, vi phạm tự do ngôn luận. Khi Nhà nước triển khai ngăn chặn các thông tin sai trái bịa đặt làm hoang mang dư luận, các thế lực này ngay lập tức lại đưa tin cho rằng hành động kiểm duyệt thông tin này là vi phạm quyền tự do ngôn luận của con người, sau đó chúng sẽ kích động những người dân thiếu hiểu biết đứng lên phản kháng chống đối sự điều hành của Nhà nước.
  • +Thành lập các tài khoản mạng xã hội thành các kênh truyền thông sử dụng tiếng dân tộc thiểu số của Việt Nam (điển hình là tiếng H’Mông và Khmer,…) để tuyên truyền cho các đối tượng là nhóm người dân tộc thiểu số. Đồng bào dân tộc thiểu số của Việt Nam thường sống vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo có điều kiện kinh tế kém phát triển hơn, nhưng những năm trở lại đây với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước internet đã về rất nhiều nơi trên vùng cao, nhiều người đồng bào thiểu số cũng đã có cơ hội được tiếp cận các nền tảng mạng xã hội. Lợi dụng sự nhẹ dạ và sự thiếu thông tin của người dân nơi đây, các thế lực thù địch không ngừng tuyên truyền xuyên tạc chính sách tôn giáo, dân tộc của Việt Nam, cố tình đánh tráo khái niệm “quyền dân tộc tự quyết” với “quyền dân tộc thiểu số” để chống phá Đảng, Nhà nước cũng như khối đại đoàn kết dân tộc. Một ví dụ lớn là tại khu vực Tây Nam Bộ có nhiều người đồng bào Khmer đang sinh sống. Những năm qua, Tổ chức “Liên đoàn Khmer Kampuchea Krom” có trụ sở tại Mỹ vẫn luôn tìm mọi cách để tiếp cận các chính trị gia các nước và người dân Khmer khu vực này để vu cáo, cung cấp thông tin sai sự thật về vấn đề tự do tôn giáo, tự do dân chủ, nhân quyền và bịa đặt tình hình người dân Khmer hiện đang sinh sống tại Việt Nam. Tại “Diễn đàn nhân dân ASEAN 2015”, tổ chức này đã yêu cầu Việt Nam và Campucha chấm dứt phân biệt đối xử với người “Khmer Krom” [8].
  • +Thâm nhập vào các hội nhóm dành cho giới trẻ trên Facebook, phát hiện làm quen, tiếp cận, lôi kéo các cá nhân tham gia vào tổ chức phản động. Lấy danh nghĩa người đứng sau để chỉ đạo, xúi giục những người này có những bài viết, bình luận tiêu cực, hiểu sai về tư tưởng đường lối chính sách của Đảng núp dưới những bài viết hay tổ chức phản biện xã hội. Một số các bạn trẻ thiếu hiểu biết muốn có được nhiều sự chú ý, sẵn sàng chia sẻ thông tin khi chưa được kiểm chứng để “câu like”, “câu view” mà tiếp tay cho các đối tượng thù địch chống phá Nhà nước.
  • +Thành lập các tài khoản ẩn danh, không có thông tin và ảnh của bản thân để không bị phát hiện, lợi dụng khi đất nước có các sự kiện chính trị quan trọng, các vụ án kinh tế tham nhũng…để chia sẻ các bài báo phản động pha trộn tin thật – giả xuyên tạc tình hình. Giật tít các bài viết lên trang cá nhân tấn công vào sự hiếu kỳ của công chúng trước khi có kết luận của các cơ quan có thẩm quyền, phát tán ồ ạt điều hướng dư luận, bóp méo sự thật. Nắm bắt xu hướng quan tâm đến vấn đề chống tham nhũng của Đảng ta trong thời gian vừa qua, các tài khoản này đã đưa ra nhiều bài viết mang tính suy diễn, quy chụp mọi sai lầm, khuyết điểm, yếu kém cho đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ của Đảng và cho rằng những vấn đề đó là do hệ quả của chế độ mang lại.
  • +Cắt ghép nhào nặn ra các đoạn video từ các cuộc phỏng vấn, bài phát biểu để đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội cố tình gây hiểu lầm, bóp méo tình hình trong nước gây hoang mang trong dư luận. Từ đó mong muốn làm suy giảm niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước ta.
  • +Hầu hết các nền tảng mạng xã hội hiện nay đều có thêm mục Live stream để các tài khoản trò truyện trực tiếp đến nhiều người dùng khác. Các đối tượng thù địch, phản động lưu vong và phần tử cơ hội chính trị trong nước,…thực hiện Live stream (đây là hình thức phát trực tuyến truyền tải dữ liệu trực tiếp cho người xem theo thời gian thực mà không cần ghi lại hay lưu trữ) để tuyên truyền chống phá Đảng, xuyên tạc chủ quyền lãnh thổ của đất nước, kêu gọi cộng đồng mạng can thiệp vào nội bộ hoặc chia sẻ, bình luận thiếu tích cực trên mạng xã hội. Thông thường hình thức Livestream trên các nền tảng không hạn chế số lượng người vào xem nên thu hút được rất nhiều lượt xem và bình luận trực tiếp vì vậy rất nhiều đối tượng lợi dụng điều đó để tuyên truyền gây kích động.

    Theo số liệu thống kê của Bộ Công An, năm 2022 Bộ Công an đã khởi tố và điều tra 572 vụ án liên quan đến việc tung tin sai sự thật trên internet và các nền tảng mạng xã hội, đã khởi tố 63 vụ với 68 bị can, xử phạt hành chính 955 đối tượng, gọi, hỏi răn đe và 1.500 đối tượng [9]. Trong tương lai, mạng internet và các nền tảng xã hội vẫn sẽ tiếp tục phát triển với nhiều người truy cập hơn vì vậy các đối tượng thù địch, chống phá Đảng và Nhà nước sẽ càng có nhiều thủ đoạn tinh vi hơn. Chúng ta phải hết sức cảnh giác với các hành vi này và sớm có những biện pháp đấu tranh chống lại tránh gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.

    4. Giải pháp đấu tranh với các hành vi xuyên tạc tư tưởng của Đảng, chống phá Nhà nước trên các nền tảng mạng xã hội cho cán bộ công chức, viên chức Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương

    Ai trong  mỗi chúng ta đều có quyền tự do ngôn luận, đó là một trong những quyền cơ bản của con người cần được tôn trọng và đảm bảo. Mọi người đều có quyền được truy cập vào các nền tảng mạng xã hội để thực hành và hưởng các quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, tại bất kì một quốc gia nào trên thế giới, quyền tự do ngôn luận đó đều phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật. Không phải thực hiện quyền tự do ngôn luận là thích viết gì thì viết, thích đăng gì thì đăng và muốn xâm phạm đến các cá nhân tổ chức nào trên mạng xã hội cũng được, tránh cho kẻ xấu lợi dụng gây thiệt hại đến quyền và lợi ích cá nhân khác và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và đảm bảo quyền con người trong đó có quyền tự do ngôn luận, tuy nhiên mọi hành vi cổ xúy cho các luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng đều sẽ được xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

    Hiện nay, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương rất đông đặc biệt là đội ngũ cán bộ trẻ có tuổi đời từ 23 đến 35 tuổi, được lựa chọn thông qua tuyển dụng theo chuyên môn công tác được phân về các Phòng. Đội ngũ cán bộ trẻ của Viện luôn năng động, sáng tạo, nhạy bén với cái mới, nhu cầu và khả năng tiếp cận internet lớn đặc biệt là những vấn đề đang được xã hội quan tâm trên các nền tảng mạng xã hội.

    Trước những tình hình diễn biến các hành vi xuyên tạc tư tưởng của Đảng, chống phá Nhà nước ngày càng phức tạp đang xảy ra trên các trang mạng xã hội và thực tế trải nghiệm của cá nhân trong quá trình sử dụng các nền tảng mạng xã hội, tác giả có đề xuất một số giải pháp để đấu tranh chống lại các hành vi xuyên tạc tư tưởng của Đảng cho cán bộ công chức, viên chức của Viện như sau:

  • Bản thân mỗi công chức, viên chức đều phải là một chiến sĩ trên mặt trận đó, luôn tìm hiểu nắm bắt các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, tuân thủ Luật An ninh mạng, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Hãy là người dùng mạng xã hội thông thái, không được mơ hồ mất cảnh giác để kẻ xấu dụ dỗ, tuyên truyền thông tin sai lệch. Phải luôn luôn cảnh giác nhận thức rõ âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng xấu. Luôn tỉnh táo khi đọc và tiếp nhận thông tin qua các nền tảng mạng xã hội, tránh tin vào những thông tin sai trái, bịa đặt để kịp thời phát hiện và loại bỏ không tiếp tay chia sẻ cho những đối tượng xấu lan truyền thông tin trên các nền tảng mạng xã hội. Phát hiện, tố cáo đến các cơ quan chức năng khi phát hiện những đối tượng, bài viết, video có nội dung xấu, tuyên truyền chống phá, xuyên tạc tư tưởng của Đảng,…
  • Đảng ủy Viện, lãnh đạo Viện thường xuyên tổ chức các buổi quán triệt, nâng cao nhận thức về đấu tranh với các quan điểm sai trái trên không gian mạng cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của Viện. Thường xuyên cập nhật, hướng dẫn về việc sử dụng, khai thác thông tin trên các trang mạng xã hội theo quy định của Pháp luật như: Luật An ninh mạng 2018; Nghị định 73/2023/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 về “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng”…để cán bộ công chức, viên chức của Viện khai thác thông tin đúng theo quy định, tránh được những thông tin sai trái đi ngược đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong quá trình nghiên cứu các dự án, đề tài.
  • Đảng ủy Viện, lãnh đạo Viện, thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, cuộc thi về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cho cán bộ công chức, viên chức trong Viện để nâng cao nhận thức về các hành vi xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng.
  • Đảng ủy Viện, lãnh đạo Viện, Lãnh đạo các đơn vị cần phải quản lý chặt chẽ các tài khoản mạng xã hội của cán bộ, công chức, viên chức của Viện. Theo dõi thường xuyên việc sử dụng Internet và việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội, nhắc nhở kịp thời khi cán bộ công chức, viên chức Viện đăng tải, chia sẻ những thông tin sai lệch, thông tin chưa được kiểm chứng lên các nền tảng mạng xã hội.
  • Đảng ủy Viện, lãnh đạo Viện thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ công chức, viên chức trẻ của Viện để mỗi cán bộ trẻ đều trang bị đủ những kĩ năng, kĩ xảo nhận diện diện đúng sự vật, hiện tượng trong từng vị trí công tác chuyên môn của mình. Vì giới trẻ là đối tượng thường xuyên truy cập internet và các nền tảng mạng xã hội, là đối tượng nhắm đến để tuyên truyền của thế lực thù địch. Nếu không trang bị đủ các kĩ năng, thiếu kĩ năng nhận diện các quan điểm sai trái trên các nền tảng mạng xã hội sẽ rất dễ trở thành những người tiếp nhận thông tin sai và truyền bá thông tin sai một cách vô thức khi dùng mạng xã hội.
  • Cán bộ công chức, viên chức của Viện phải tuân thủ đúng các quy định trong Luật an ninh mạng 2018 và Quyết định 1847/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt đề án công vụ; Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội:cán bộ, công chức, viên chức không được đăng những vấn đề sau đây lên mạng xã hội:

+ Thứ nhất, không đăng thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận: Đây là quy định theo điều 8 luật an ninh mạng năm 2018, theo đó công chức, viên chức không được phép đăng tải các thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân khác.

+ Thứ hai, không đăng thông tin dâm ô, đồi trụy: công chức, viên chức, cán bộ cần lưu ý không được phép đăng tải những thông tin dâm ô, đồi trụy, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục…

+ Thứ ba, không được đăng tải thông tin phiến diện, một chiều: Nội dung này được thể hiện trong đề cương văn hóa công vụ. Cán bộ, công chức, viên chức không được sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền những thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều, đây là một trong những yếu tố gây ra những vấn đề sai sự thật, không khách quan.

+ Thứ tư, không được phép đăng bí mật công tác, bí mật Nhà nước: những bí mật công tác, bí mật về Nhà nước mà công chức biết không được phép đăng tải lên các trang mạng xã hội.

+ Thứ năm, không đăng thông tin tuyên truyền chống Nhà nước.

+ Thứ sáu, không đăng thông tin gây rối trật tự công cộng.

+ Thứ bảy, không đăng thông tin vu khống người khác.

+ Thứ tám, không đăng thông tin sai về sản phẩm hàng hóa.

5. Kết luận

Bài viết cung cấp các con số thống kê về thực trạng sử dụng mạng xã hội trên thế giới và tại Việt Nam hiện nay, theo đó mỗi tháng tại Việt Nam có hàng triệu lượt truy cập vào các nền tảng mạng xã hội. Điều này làm tăng nguy cơ gây mất an an toàn an ninh mạng vì mức độ ảnh hưởng của mạng xã hội rất lớn, sức lan tỏa thông tin nhanh và rộng. Bài viết cũng nhận diện một số hành vi xuyên tạc tư tưởng của Đảng, chống phá Nhà nước trên các nền tảng mạng xã hội, nội dung chính mà đối tượng thù địch thường sử dụng để tuyên truyền xuyên tạc tư tưởng của Đảng, chống phá Nhà nước là: bịa đặt thông tin để hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và chỉ trích Việt Nam vi phạm tự do dân chủ, nhân quyền. Để đấu tranh với các hành vi xuyên tạc tư tưởng đảng trên nền tảng mạng xã hội, tác giả đã đưa ra 6 giải pháp cho cán bộ công chức, viên chức trong Viện. Mỗi cá nhân cán bộ công chức, viên chức của Viện luôn cảnh giác với mọi thông tin trên mạng xã hội, luôn tuân thủ đúng quy định pháp luật, đồng thời Đảng ủy Viện, Lãnh đạo Viện cũng phải thường xuyên tập huấn, quán triệt nâng cao tư tưởng cho cán bộ công chức, viên chức trong Viện, quản lý chặt chẽ các tài khoản mạng xã hội của cán bộ công chức, viên chức.

Đảng ủy Viện, Lãnh đạo Viện và toàn thể cán bộ công chức, viên chức trong Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương luôn luôn cảnh giác với các hành vi xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng và luôn hưởng ứng tích cực trong phong trào bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng khi tham gia tích cực trong các cuộc thi viết về bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng./.

Trần Thị Hà My

Phòng Môi trường và phát triển bền vững - VIOIT

                                                                                           

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Báo Tuổi trẻ: “Hơn 5 tỉ người dùng mạng xã hội nhiều nhất vẫn là facebook”, tuoitre.vn, ngày 01/02/2024;
  2. Nhung Nguyễn: “Điểm danh 10 mạng xã hội có lượng người dùng lớn nhất thế giới”, beecomm.com.vn, ngày 19/05/2023;
  3. VNETWORK: “Internet Việt Nam năm 2023: số liệu mới nhất và xu hướng phát triển”, vnetwork.vn, truy cập ngày 14/04/2024;
  4. VNREVIEW: “Choáng với số lượng người trưởng thành sử dụng youtube ở Việt Nam”, vnreview.vn, ngày 05/10/2023;
  5. Publisher Support: “Thống kê dữ liệu social media và xu hướng quảng cáo năm 2024”, rentracks.com.vn, truy cập ngày 14/04/2024;
  6. [An Thanh: “Liệu TikTok có thể tăng tốc trong năm 2024”, kinhtedothi.vn, ngày 03/01/2024;
  7. Hùng Quân: “Bước tiến trong quản lý mạng xã hội xuyên biên giới”, cand.com.vn, ngày 13/11/2023;
  8. Đông Á, Hoàng Thu Trang: “Lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá đất nước”, tuyengiao.vn, ngày 17/11/2023;
  9. Đặng Quốc Hưng: “Đấu tranh phản bác hành vi lợi dụng internet mạng xã hội truyền bá những luận điệu xảo trá chống phá nhà nước cộng hòa”, hvlq.vn, ngày 18/05/2023.
TIN KHÁC