Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu số 455/BC - UBND ngày 16 tháng 8 năm 2023 về tình hình phát triển kinh tế- xã hội năm 2023 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại đã giữ một vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong năm vừa qua. Cụ thể như sau:
I.Tình hình phát triển Công nghiệp - Thương mại năm 2023
1) Về sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu khí tăng 8,1% (NQ 9,24%). Sản xuất công nghiệp dần phục hồi nhưng hoạt động sản xuất chưa đạt kỳ vọng do bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn nên số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng sụt giảm, nhất là nhóm ngành dệt may; các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu lượng hàng tồn kho nhiều do nhu cầu thị trường nước ngoài giảm. Thị trường bất động sản suy giảm ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành sản xuất có liên quan như: Ngành thép, vật liệu xây dựng, cơ khí,... Ngoài ra, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn về tài chính như việc vốn vay ngân hàng lãi suất cao, chính sách miễn, giảm, gia hạn các thuế, phí, tiền thuê đất còn triển khai chậm,
Hạ tầng kỹ thuật trong các khu công nghiệp tiếp tục được cải thiện, trong các khu công nghiệp đã cấp mới 09 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký quy đổi tương đương 56,94 triệu USD, tổng diện tích đất sử dụng là 15,39 ha. Có 555 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng diện tích đất thuê là 3.366 ha, đạt tỉ lệ lấp đầy là 55,45% trên tổng số 15 KCN và 65,48% trên 13 KCN đã hoàn thiện xây dựng hạ tầng. Tổng giá trị đầu tư hạ tầng kỹ thuật lũy kế ước thực hiện khoảng 20.291 tỷ đồng, đạt 76,29% so với vốn đầu tư đăng ký thành lập và điều chỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 06/9 cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư đã đi vào hoạt động”, thu hút được 31 dự án thứ cấp với tổng vốn đăng ký là 4.895 tỷ đồng, diện tích đất cho thuê 102,51/156,84 ha; tỷ lệ lấp đầy khoảng 65,36% trên tổng diện tích của 06 CCN đã đi vào hoạt động. Hiện nay, trong 06 cụm công nghiệp đang hoạt động, có 20 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh với khoảng 7.741 lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, nhìn chung các doanh nghiệp đã dần phục hồi sản xuất và đi vào hoạt động ổn định.
Đã phê duyệt và triển khai Chương trình Phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2023; triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 theo Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
2) Về thương mại - dịch vụ
Các hoạt động thương mại tiếp tục phát triển, sức mua của người dân có xu hướng tăng, hàng hóa dồi dào đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Tình hình giá cả trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2023 tăng bình quân khoảng 4%.
Dịch vụ vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải gặp nhiều khó khăn do bối cảnh tình hình thế giới có nhiều chuyển biến phức tạp, lạm phát cao và gia tăng ở nhiều quốc gia cùng với suy thoái toàn cầu đã ảnh hưởng tới sức mua hàng hoá; nhu cầu vận tải hàng hoá giảm do sản xuất giảm, sức tiêu thụ của thị trường thế giới giảm... dẫn đến sản lượng hàng hóa vận chuyển thấp.
Tỉnh đã tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng trung chuyển quốc tế theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các chương trình kích cầu, xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh; đồng thời tỉnh cũng đã tăng cường hợp tác, liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ nhằm đẩy nhanh, phục hồi và tăng tốc phát triển du lịch trên địa bàn. Ước cả năm 2023 lượng khách lưu trú khoảng 4,3 triệu lượt, tăng 11,71% so với năm 2022, trong đó khách quốc tế khoảng 172,5 ngàn lượt, tăng 10,09% so với năm 2022. Tỉnh đang hoàn thiện Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, nhiều nước như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt đã khiến nhu cầu suy giảm, thị trường xuất khẩu các mặt hàng sụt giảm. Kim ngạch nhập khẩu ước cả năm 2023 đạt 8.193 triệu USD, giảm 3,42% so với năm 2022; các sản phẩm nhập khẩu hầu hết đều giảm so với cùng kỳ do giá cả nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới ở mức cao (như xăng dầu, sắt thép, nhựa, phân bón, thức ăn chăn nuôi...); nhu cầu trong nước suy giảm, dẫn đến nhập khẩu giảm.
II. Kế hoạch phát triển Công nghiệp - Thương mại năm 2024
1. Dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu
- Tốc độ tăng trưởng GRDP trừ dầu thô và khí đốt đạt 8,81%.
- GRDP trừ dầu thô và khí đốt bình quân đầu người ước đạt 8.949 USD.
- Giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu thô và khí đốt tăng 12,63%.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 16,97%.
- Kim ngạch xuất khẩu trừ dầu thô và khí đốt đạt 7.683 triệu USD, tăng 42,69%.
2. Các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện
2.1. Phát triển công nghiệp
Triển khai Chương trình hành động số 27-CTr/TU ngày 15/03/2023 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đẩy mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030. Thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường; công nghiệp công nghệ cao. Thu hút đầu tư các ngành công nghiệp như: (i) công nghiệp hóa dầu, sản phẩm hạ nguồn của ngành công nghiệp hóa dầu, chế biến sản phẩm từ dầu, hoá chất; (ii) điện - điện tử; (iii) công nghiệp cơ khí chế tạo (vi) công nghiệp sản xuất kim loại và sản phẩm từ kim loại; (v) sản xuất phương tiện vận tải; (vi) công nghiệp hỗ trợ khai thác dầu khí và các ngành dịch vụ dầu khí...;
Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh (sản phẩm thép, cấu kiện kim loại, điện, vật liệu xây dựng cơ bản,...) như: Nắm bắt những khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để có biện pháp giải quyết kịp thời hoặc kiến nghị xuất Chính phủ giải quyết; hỗ trợ nhà đầu tư tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ nhà đầu tư sớm hoàn thành, đưa vào hoạt động các dự án công nghiệp nhằm tăng thêm năng lực mới, đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo tinh thần Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn các dự án đầu tư công;...
Đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp nông thôn theo Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 19/02/2021 của Bộ Công Thương; triển khai thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp, Chương trình khuyến công địa phương giai đoạn 2024 - 2025 và dự án “Phát triển Kinh tế dựa trên tiềm năng, lợi thế của tỉnh - PBEG” của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) để hình thành Khu công nghiệp kiểu mẫu.
Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về miễn, giảm, gia hạn các thuế, phí, tiền thuê đất, tiếp cận các nguồn vốn tín dụng cho vay tại các ngân hàng thông qua các tổ chức tín dụng, các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về tài chính, có thêm nguồn lực đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
2.2. Phát triển thương mại - dịch vụ
Triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác cảng biển; khai thác vai trò hệ thống cảng đặc biệt quốc gia, phát triển và hiện đại hoá cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn có tầm cỡ khu vực Châu Á và quốc tế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp như: (i) Phối hợp, thúc đẩy dự án Trung tâm Chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật và cơ sở nuôi động vật sạch bệnh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư; (ii) tiếp tục đề xuất Chính phủ xem xét nghiên cứu giảm phí và lệ phí hàng hải đối với các phương tiện ra vào khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải; (iii) tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hải quan, rút ngắn thời gian thông quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của cộng đồng doanh nghiệp; (iv) tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp đang hoạt động, kêu gọi doanh nghiệp xuất nhập khẩu đầu tư vào các khu công nghiệp để tạo nguồn hàng tại chỗ, gia tăng lượng hàng xuất nhập khẩu qua hệ thống cảng; (v) tăng cường kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất để hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp.
Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hiệp định thương mại tự do; triển khai kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Triển khai thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030; Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025; Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 2025. Thực hiện các giải pháp bảo đảm dự trữ và cung cấp hàng hóa nhằm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, nhất là các hàng hóa thiết yếu./.
Từ Quỳnh Châu
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT