TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Tình hình thực hiện kế hoạch năm 2023, ​xây dựng nhiệm vụ năm 2024 của ngành Công Thương tỉnh Lạng Sơn

11/12/2023

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn số 166/BC-SCT ngày 7 tháng 8 năm 2023, tình hình thực hiện kế hoạch năm 2023 và xây dựng Kế hoạch năm 2024 của ngành Công Thương như sau:

I. Tình hình thực hiện kế hoạch công nghiệp - thương mại năm 2023

1. Về lĩnh vực công nghiệp

Dự kiến các tháng cuối năm 2023, hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục
từng bước phục hồi, ổn định. Một số sản phẩm dự kiến tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022 gồm: Điện sản xuất 893 triệu Kwh, tăng 1,5% so với cùng kỳ; điện thương phẩm 853 triệu Kwh, tăng 3,8% so với cùng kỳ; than 565 nghìn tấn, tăng 5,2 % so với cùng kỳ; gạch các loại 253 triệu viên, tăng 1,0% so với cùng kỳ; muối công nghiệp 620 tấn, tăng 19% so với cùng kỳ; ván bóc và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng 134 nghìn m3, tăng 1,9% so với cùng kỳ;...

2. Về hoạt động thương mại

Dự ước tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn trong năm 2023 đạt 5.380 triệu USD, tăng 75,8% so với cùng kỳ. Trong đó: Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.880 triệu USD, tăng 182,4% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2.500 triệu USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ. Kim ngạch hàng địa phương xuất khẩu năm 2023 ước đạt 154 triệu USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ.

II. Hạn chế, tồn tại và nguyên nhân

1. Trong 6 tháng đầu năm, mới tham mưu UBND tỉnh thành lập được 01 CCN (mục tiêu thành lập 05 CCN), do gặp một số khó khăn vướng mắc như: chồng chéo quy định của pháp luật giữa Luật Đầu tư và Pháp luật chuyên ngành về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; theo đó dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay phải thực hiện đồng thời 02 thủ tục là chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư và Thủ tục thành lập cụm công nghiệp; làm kéo dài thời gian thực hiện dự án. Còn có cụm công nghiệp trong quá trình thực hiện vướng mắc về số liệu đất đai, phải rà soát, điều chỉnh lại nhiều lần, nhất là chỉ tiêu đất lúa, đất rừng sản xuất thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh/Thủ tướng Chính phủ. Vướng các quy hoạch liên quan trong quá trình thẩm định như Quy hoạch 3 loại rừng, Quy hoạch chung xây dựng xã, phải đợi kỳ điều chỉnh làm kéo dài thời gian thực hiện các quy trình thủ tục.

2. Cơ cấu công nghiệp chuyển dịch còn chậm, ít sản phẩm mới. Hầu hết các cơ sở công nghiệp hiện có quy mô nhỏ, chủ yếu là lắp ráp và chế biến thô, việc đầu tư đổi mới công nghệ và ứng dụng khoa học công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp với xu thế phát triển hiện nay.

3. Hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn hết sức khó khăn; chính sách thương mại biên giới của Trung Quốc ngày càng chặt chẽ, hiệu suất thông quan chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp cả hai phía. Một số cửa khẩu phụ mở trên địa bàn vẫn chưa được khôi phục thông quan.

4.Đối với dự án thủy điện, điện gió trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: theo quy định pháp luật, công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải được thực hiện chi tiết đến từng thửa đất, đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vẫn còn bị chồng chéo và mâu thuẫn với các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và quy hoạch xây dựng. Hiện nay, các dự án điện gió hay các công trình năng lượng khác mới đang ở bước nghiên cứu đánh giá tiềm năng, để xác định nhu cầu sử dụng đất, chuyển đổi mục đích đất rừng cho dự án cần phải có quá trình nghiên cứu, đánh giá kỹ thuật; trong thời gian đó chưa thể xác định chính xác toạ độ, hướng tuyến, phạm vi ranh giới thực hiện dự án; vì vậy, chưa thể xác định rõ ranh giới, phạm vi sử dụng đất để triển khai dự án; trong khi đó quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch lâm nghiệp và các quy hoạch khác yêu cầu phải xác định rõ ràng; làm cho việc xây dựng phương án phát triển năng lượng không khớp với các quy hoạch khác, gây nhiều khó khăn cho việc triển khai các dự án trên thực tế.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn còn khoảng 611 hộ dân chưa có điện, không thể đầu tư từ lưới điện quốc gia do các hộ dân sống phân tán ở các khu vực có địa hình khó khăn, phức tạp, hiện nay dự án chưa được bố trí vốn để triển khai thực hiện.

III. Kế hoạch phát triển công nghiệp- thương mại năm 2024

1. Dự báo tình hình năm 2024

1.1. Thuận lợị

Môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh tiếp tục được cải thiện, chính trị, xã hội ổn định. Hệ thống cơ chế, chính sách từng bước hoàn thiện, đồng bộ. Chính phủ và các bộ ngành, tỉnh quan tâm, chỉ đạo về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, triển khai thực hiện các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Công tác cải cách hành chính, chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh, trách nhiệm các cấp, ngành, công chức trong thực thi nhiệm vụ được nâng lên,... Các nhân tố trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển công nghiệp, thương mại năm 2023.

1.2. Khó khăn

Quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé, sức cạnh tranh yếu; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, phụ thuộc nhiều vào cơ chế, chính sách điều hành, điều tiết của Trung ương và các yếu tố khách quan khác. Tình hình thời tiết diễn biến bất thường, thiên tai, dịch bệnh... ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp thương mại.

Các doanh nghiệp có giá trị sản xuất lớn đã phát huy công suất thiết kế, tiến độ xây dựng các dự án công nghiệp mới còn chậm chưa đảm bảo tiến độ, đầu tư công còn hạn chế, các cơ sở sản xuất công nghiệp hầu hết quy mô nhỏ, ít có dự án đổi mới công nghệ. Hoạt động xuất khẩu qua địa bàn còn phụ thuộc vào cơ chế, chính sách và điều hành của phíaTrung Quốc, việc thay đổi chính sách quản lý, tăng cường các chính sách quản lý tiêu chuẩn kỹ thuật mặt hàng XNK của phía Trung Quốc... sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn.

2. Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2024

2.1.Mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu

Mục tiêu tổng quát: Thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, duy trì ổn định và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Phát huy những thành tích đã đạt được, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; hoạt động Thương mại - xuất nhập khẩu, phát triển thị trường nội địa; tích cực góp phần thực hiện hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế số, đặc biệt là phát triển thương mại điện tử; nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao hiệu quả công tác khuyến công và xúc tiến thương mại, đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường công tác tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tích cực tạo điều kiện thu hút đầu tư  phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

2.2. Dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2024

a) Về sản xuất công nghiệp

Dự báo năm 2024 các cơ sở sản xuất công nghiệp lớn trên địa bàn tiếp tục sản xuất ổn định và tăng trưởng; dự kiến Nhà máy thủy điện Bản Nhùng, Bản Lải hoạt động và phát điện đóng góp cho sự tăng trưởng sản lượng điện sản xuất trên địa bàn. Phấn đấu các sản phẩm công nghiệp chủ yếu: điện sản xuất 980 Triệu kwh, tăng 9,8% so với năm 2023; điện thương phẩm 912 Triệu kwh, tăng 7,0% so với năm 2023; xi măng 990 nghìn tấn, tăng 1,0 so với năm 2023; than sạch 570 nghìn tấn, tăng 0,9% so với năm 2023; gạch các loại 254 Trviên, tăng 0,4% so với năm 2023; đá các loại 4.100 nghìn m3, tăng 0,2% so với năm 2023; nước máy 9.500 nghìn m3, tăng 0,5% so với năm 2023; bột đá mài 6.500 tấn, tăng 3,2%; ván bóc và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng 145 nghìn m3, tăng 8,1% so với năm 2023; muối công nghiệp 627 tấn, tăng 1,2% so với năm 2022; hợp kim và hợp chất kim loại 720 tấn, tăng 20,0% so với năm 2023; nhựa thông và các sản phẩm chế biến từ nhựa thông 24 nghìn tấn, tăng 1,2% so với năm 2023...

b) Về hoạt động thương mại

- Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu qua địa bàn đạt 3.100 triệu USD, tăng 7,6% so với năm 2023.

- Phấn đấu các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của địa phương đạt 168 triệu USD, tăng 8,8% so với năm 2023.

3. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

3.1. Phát triển công nghiệp

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển công nghiệp tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Hợp Thành 1, 2 (huyện Cao Lộc). Thu hút, lựa chọn nhà đầu tư, triển khai thành lập, xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Na Dương, huyện Lộc Bình; các cụm công nghiệp tại huyện Hữu Lũng, Đình Lập, Chi Lăng... Phối hợp xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp và các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Na Dương giai đoạn 2 công suất 100 MW; thực hiện đầu tư các nhà máy thuỷ điện nhỏ thuộc bậc thang sông Kỳ Cùng (thủy điện Đèo Khách, Tràng Định 2,..), tạo điều kiện thuận lợi, thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo (đặc biệt là điện gió) ở những nơi đủ điều kiện theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Tủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023.

3.2. Phát triển thương mại

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TU ngày 25/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển thương mại, dịch vụ tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” từng bước thực hiện tốt công tác văn minh thương mại. Phát triển thương mại điện tử, các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hóa.

Đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư, khai thác hệ thống chợ, chợ đầu mối, trung tâm thương mại... tại các đô thị và khu vực nông thôn theo quy hoạch; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển chợ trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh với các hình thức thanh toán linh hoạt. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và thực thi phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn, phù hợp với Quy hoạch tỉnh để bảo đảm tính định hướng và phù hợp với tình hình thực tiễn. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện và phối hợp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong việc chuyển giao chợ cho doanh nghiệp, HTX đối với các chợ đã giao cho doanh nghiệp, HTX để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng mới và cải tạo nâng cấp chợ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Đôn đốc Công ty Cổ phần chợ Lạng Sơn đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng mới chợ Chi Lăng.

Tạo mọi thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn; chú trọng phát triển sản xuất các hàng hóa có thế mạnh của tỉnh để tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu hàng địa phương; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất hàng hoá xuất khẩu, cung ứng cho xuất khẩu với các mặt hàng chủ lực của địa phương như: hoa hồi, nhựa thông, thạch đen, ván ép, ván bóc ... Chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng hàng hoá có giá trị gia tăng cao, giảm dần tỷ trọng hàng thô và sơ chế. Xây dựng chiến lược phát triển các loại hình dịch vụ logistics, thu hút đầu tư vào kinh doanh dịch vụ logistics, giảm chi phí logistics để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả “Đề án Phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 607/QĐ-UBND ngày 29/3/2019.

Đẩy mạnh và mở rộng các hoạt động đối ngoại, công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng cường công tác phối hợp với Chính quyền, các ngành chức năng của Quảng Tây, Trung Quốc trong quản lý XNK, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong XNK hàng hoá của hai bên.

3.3. Phát huy hiệu quả hoạt động Khuyến công và Xúc tiến thương mại

Tổ chức tốt hệ thống cung cấp thông tin về tình hình thị trường trong và ngoài tỉnh, cũng như thị trường nước ngoài; đa dạng hóa và mở rộng các hình thức xúc tiến thương mại. Tập trung nguồn lực xúc tiến thương mại vào các thị trường lớn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển thương mại điện tử và áp dụng các mô hình phân phối, giao dịch hiện đại vào hoạt động thương mại nhằm phát triển nhanh thị trường.

Tăng cường các hoạt động trình bày giới thiệu sản phẩm chủ lực của địa phương ở các tỉnh trong nước và nước ngoài. Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức,  thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm thế mạnh của tỉnh; triển khai chương trình xúc tiến thương mại đưa sản phẩm nông sản lên cửa hàng số để tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố trong nước. Hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường; hỗ trợ dự báo tình hình thị trường, thông tin, định hướng phát triển sản xuất và thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm, phát triển thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, các hộ nông dân, các hợp tác xã,... trong hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quảng bá các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của địa phương. Phối hợp định hướng phát triển sản xuất và thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Tổ chức và triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án khuyến công, ưu tiên hỗ trợ các mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp; hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư ứng dụng  máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xử lý ô nhiễm môi trường. Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiếp cận các chính sách: ưu đãi đầu tư, đất đai, khoa học - công nghệ, tài chính, tín dụng...

Trần Thị Thúy Hằng

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

TIN KHÁC