Kinh tế Việt Nam trong 11 tháng năm 2023 tiếp tục quá trình phục hồi, tạo nền tảng cho sự phát triển tới đây. Sản xuất nông nghiệp vẫn duy trì đà khởi sắc, công nghiệp từng bước phục hồi, thu hút đầu tư trực tiếp nước nước ngoài (FDI) tăng, hoạt động xuất nhập khẩu duy trì hiệu quả. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam trong 11 tháng qua cũng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức….
Tình hình thị trường nguyên liệu sản xuất thép:
Quặng sắt loại 62%Fe: giá quặng sắt loại (62% Fe) ngày 6/12/2023 giao dịch ở mức 134USD/Tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, tăng 9 USD so với thời điểm đầu tháng 11/2023.
Than mỡ luyện cốc: Giá than cốc FOB Úc đầu tháng 12/2023 giao dịch ở mức khoảng 279 USD/tấn FOB, tăng 7USD so với mức giá giao dịch đầu tháng 11/2023.
Thép phế liệu: Trong tháng 11/2023: Giá thép phế nội địa tăng nhẹ khoảng từ 300-400 đồng/kg, giữ mức 9.100 đến 9.700 VNĐ/Kg. Giá thép phế nhập khẩu cuối tháng 11/2023 tăng 15USD/tấn giữ mức 388 USD/tấn so với tháng trước. Giá thép phế liệu giao dịch cảng Đông Á ngày 6/12/2023 nhích nhẹ ở mức 391 USD/tấn, tăng 18USD so với đầu tháng 11/2023.
Điện cực graphite: Thị trường than điện cực graphite dự kiến sẽ ghi nhận các xu hướng tăng trưởng trong dài hạn, giá cho các điện cực giữ ở mức ổn định, có xu hướng tăng ở thị trường Trung Quốc. Trong Quý II/2023, giá than điện cực loại UHP600 dao động khoảng 6.000 $/t FOB xuất khẩu của Trung Quốc.
Cuộn cán nóng HRC: Giá HRC ngày 6/12/2023 ở mức 558 USD/Tấn, CFR Việt Nam, tăng 26USD/tấn so với giá giao dịch đầu tháng 11/2023.
Tình hình sản xuất – bán hàng các sản phẩm thép:
Tháng 11/2023:
Sản xuất thép thành phẩm đạt 2,452 triệu tấn, tăng 2,8% so với tháng 10/2023 và tăng 34,3% so với cùng kỳ 2022;
Bán hàng thép các loại đạt 2,528 triệu tấn, tăng 13,1% so với tháng trước và tăng 30,1% so vớicùng kỳ 2022;
Tính chung 11 tháng đầu năm 2023:
Sản xuất thép thành phẩm đạt 25,014 triệu tấn, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Bán hàng thép thành phẩm đạt 23,699 triệu tấn, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 7,436 triệu tấn, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tình hình xuất nhập khẩu các sản phẩm thép:
Tình hình nhập khẩu:
Tháng 10/2023, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 1,279 triệu tấn thép giảm 8,94% so với tháng 9/2023 và tăng 53,96% so với cùng kỳ năm trước về lượng nhập khẩu. Giá trị nhập khẩu đạt hơn 957 triệu USD giảm 3,94% so với tháng trước và tăng 30,96% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 10,61 triệu tấn với trị giá hơn 8,491 tỷ USD, tăng 8,61% về lượng nhưng giảm 17,56% về giá trị so với cùng kỳ 2022.
Các quốc gia cung cấp thép chính cho Việt Nam bao gồm: Trung Quốc (59,99%), Nhật Bản (15,3%), Hàn Quốc (8,61%), Đài Loan (5,72%) và ASEAN (5,58%).
Tình hình xuất khẩu:
Tháng 10/2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 908 ngàn tấn thép tăng 5,06% so với tháng 9/2023 và tăng 71,47% so với cùng kỳ năm trước về lượng xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 656 triệu USD tăng 7,46% so với tháng trước và tăng 51,82% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 9,137 triệu tấn thép tăng 30,74% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 6,95 tỷ USD ngang mức cùng kỳ năm 2022.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2023 là: khu vực ASEAN (31,46%), Khu vực EU (24,12%), Hoa Kỳ (9,13%), Ấn Độ (8,03%) và Đài Loan (3,44%).
(Theo Bản tin Hiệp hội Thép tháng 12/2024)
Đánh giá chung về tình hình thị trường thép 11 tháng đầu năm 2023 cho thấy tình hình cuối năm cũng được cải thiện về số lượng và giá trị thép xuất khẩu. Tuy nhiên trong 11 tháng năm 2023 ngành thép Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khó khăn. Ngành thép Việt Nam rất cần các chính sách, biện pháp hỗ trợ của nhà nước và chính phủ.
Ths.Lương Thanh Hải
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT