TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại tỉnh Hà Tĩnh 5 tháng đầu năm 2024

07/06/2024

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2024 trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu và trong nước tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức, nhiều mặt hàng đang phải đối mặt với việc tìm kiếm thị trường mới, một số sản phẩm sản lượng thấp do nhà máy sửa chữa, thay mới dây chuyền. Thị phần bán nội địa giảm, thị trường quốc tế gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp Formosa Hà Tĩnh trong thời gian qua. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển ngành công nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế tỉnh Hà Tĩnh nói chung.

1. Sản xuất công nghiệp

Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Tĩnh, hoạt động sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có nhiều dấu hiệu tích cực, khi có 3/4 nhóm ngành công nghiệp cấp 1 đều ghi nhận mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, nửa đầu tháng 4 năm 2024, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh khi mà xưởng cán nóng đại tu sửa, dây chuyển sản xuất thép dừng sản xuất, do đó sản lượng thép sản xuất giảm mạnh so cùng kỳ. Vì vậy, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh ước tính 5 tháng đầu năm 2024 giảm 2,06% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP)

Ước tính tháng 5/2024: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 46,95% so với tháng trước và tăng 4,77% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng ước tăng 4,75% so với tháng trước và tăng 19,38% so với cùng kỳ; ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tăng 63,46% so với tháng trước và giảm 1,26% so với cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện dự tính tăng 110,06% so với tháng trước và tăng 36,24% so với cùng kỳ; ngành cung cấp nước và xả lý rác thải dự ước tăng 9,87% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước tăng 10,78%. Nguyên nhân chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2024 tăng mạnh so với tháng trước chủ yếu do chịu tác động từ ngành sản xuất kim loại (tăng 91,07% so với tháng trước). Đại tu sửa xưởng cán nóng đã hoàn tất trong tháng, dây chuyền cán thép đã hoạt động trở lại, do đó sản lượng thép tháng 5/2024 dự ước tăng hơn 230.000 tấn thép thành phẩm. Bên cạnh đó, Công ty điện lực dầu khí Hà Tĩnh chạy tối đa công suất với 2 tổ máy, dự ước sản lượng điện trong tháng 5 đạt 713 triệu Kwh, tăng 78,76% so với cùng kỳ. Dự ước tháng 5, sản lượng quặng do Tổng công ty khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh khai thác tăng 40,69% so với tháng 5/2023. Đây là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 4,77% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024: Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh giảm 2,06% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 21,69% đóng góp 0,28 điểm vào mức tăng chung toàn ngành; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 9,03% làm giảm 7,41 điểm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 37,29% đóng góp 4,73 điểm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 16,56% đóng góp 0,34 điểm phần trăm vào mức tăng chung toàn ngành công nghiệp Hà Tĩnh.

Nhìn chung, do chịu tác động từ sụt giảm sản lượng thép do yếu tố thị trường cũng như đại tu sữa chữa dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Vì vậy, Chỉ số sản xuất công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh 5 tháng đầu năm 2024 đã không đạt được như kỳ vọng.

Một số sản phẩm chủ yếu

Trong số 20 nhóm sản phẩm chủ yếu được tổng hợp, có 13 nhóm sản phẩm cộng dồn 5 tháng đầu năm 2024 tăng so cùng kỳ và có 6 nhóm sản phẩm có chỉ số giảm trong tổng số sản phẩm công nghiệp chủ yếu.

- Một số sản phẩm công nghiệp 5 tháng đầu năm 2024 tăng so với năm trước bao gồm: Vỏ bào, dăm gỗ tăng 80,74%; quặng zircon và tinh quặng zircon tăng 89,71%; bia đóng lon tăng 38,87%; điện sản xuất tăng 39,24%; nước không uống được tăng 17,91%; ...

- Một số sản phẩm công nghiệp 5 tháng đầu năm 2024 giảm so với cùng kỳ năm trước bao gồm: Mực đông lạnh giảm 90,15%, nguyên nhân do khách hàng Nhật bản ngừng đơn hàng, hiện tại doanh nghiệp chưa tìm kiếm được khách hàng mới, thị trường trong nước cũng hạn hẹp; chè (trà) nguyên chất (như: chè (trà) xanh, chè (trà) đen) giảm 10,91%, nguyên nhân do 2 tháng đầu năm chè chưa vào vụ thu hoạch, chưa có nguyên liệu sản xuất; gạch xây dựng bằng đất sét nung giảm 45,68%. Một số doanh nghiệp đang tạm ngừng để đầu tư lại máy móc, đồng thời nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này đang bị thu hẹp, thay tế bằng sản phẩm khác, nên chủ yếu là bán khối lượng tồn kho, sản lượng sản xuất gạch 5 tháng đầu năm giảm mạnh; thép không gỉ ở dạng bán thành phẩm giảm 14,77%

Tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 5/2024 giảm 1,58% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước giảm 4,89%. Cộng dồn đến cuối tháng 5 năm 2024, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tăng 9,83% so với cùng kỳ. Trong đó, chỉ số sử dụng lao động 5 tháng đầu năm 2024 của ngành khai khoáng tăng 4,38% so với năm trước. Hiện nay, một số doanh nghiệp khai khoáng mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm vì vậy nguồn nhân lực tăng so với cùng kỳ. Chỉ số sử dụng lao động ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 13,04% so với cùng kỳ. Chỉ số sử dụng lao động ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,02%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 7,15% so với cùng kỳ năm 2023.

2. Thương mại, xuất nhập khẩu

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024, hoạt động bán lẻ vẫn chiếm tỷ trọng lớn và tăng trưởng khá ổn định. Các hoạt động kích cầu du lịch diễn ra khá sôi động đã thu hút được lượng khách lớn đổ về trên địa bàn giúp cho ngành dịch vụ ăn uống, lữ hành, lưu trú có thêm điều kiện để phục hồi, phát triển. Các sự kiện chào mừng ngày lễ và hoạt động chào mừng lễ khai trương du lịch biển tại Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, huyện Kỳ Anh … đã lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của du khách bốn phương, đã thu hút hàng ngàn lượt khách, hầu hết các phòng nghỉ của các khách sạn và nhà nghỉ đã được khách du lịch đặt chỗ hết từ trước đó. Dịch vụ khác trong tháng bắt đầu có xu hướng tăng hơn so với các tháng đầu năm.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa: Tháng 5/2024 ước đạt 5.757,94 tỷ đồng, tăng 1,97% so với tháng trước, tăng 19,56% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó chỉ có 2 nhóm hàng là may mặc và xăng dầu là giảm so với tháng trước, còn lại các nhóm hàng đều có doanh thu tăng so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do: Thứ nhất, do ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ, sau chuyển mùa tháng 4, hàng may mặc đã ổn định và nhu cầu tiêu dùng đã chững lại trong những tháng tiếp theo; tháng 5 đang trong thời gian cao điểm mùa du lịch biển thực phẩm hải sản, đồ uống, hàng lưu niệm các loại tăng mạnh, đồng thời cũng là thời điểm cuối năm học và mùa thi cử của các sĩ tử vì vậy tác động đến các nhóm mặt hàng giáo dục, nhiều cửa hàng đã bắt đầu bán bộ sách giáo khoa phục vụ cho năm học mới, đặc biệt có chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa lớp 5,9,12 được thay đổi hoàn toàn; Thứ hai, do ảnh hưởng của các chính sách điều hành từ Chính phủ về giá nhiên liệu xăng, dầu các loại giảm so với tháng trước; Thứ ba, trong tháng tại các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu người tiêu dùng, đây là yếu tố quan trọng để ngành bán lẻ sôi động và tăng trưởng mạnh mẽ.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa dự tính đạt 28.618,48 tỷ đồng, tăng 21,40% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Nhóm lương thực, thực phẩm ước đạt 13.802,21 tỷ đồng, tăng 27,49%; hàng may mặc ước đạt 1.852,51 tỷ đồng, tăng 49,53%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình ước đạt 3.693,8 tỷ đồng, tăng 49,79%; vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 17,11%; gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 1.204,18 tỷ đồng, giảm 8,16%; phương tiện đi lại giảm 31,68%.... Có thể thấy vì là những nhóm hàng thiết yếu nên tốc độ tiêu dùng nội địa vẫn rất ổn định và tăng trưởng khá đều, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sẽ tiếp tục có xu hướng tăng cao, đặc biệt là các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng. Nhóm vật liệu xây dựng giảm so với cùng kỳ do giá cả vật liệu đã hạ nhiệt so với năm trước, chỉ có nhóm phương tiện đi lại vẫn đang gặp khó khăn từ năm trước đến nay do những khó khăn chung của nền kinh tế.

Hoạt động xuất nhập khẩu

Tháng 5 kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu tăng so với tháng trước nhưng so với cùng kỳ vẫn đang giảm mạnh. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu trong tháng 5 ước đạt 538,0 triệu USD, giảm 1,66% so với tháng trước và giảm 12,91% so với cùng kỳ, giảm mạnh ở xuất khẩu do sự khó khăn của thị trường thế giới. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn đạt 2.727,77 triệu USD, tăng nhẹ 1,62% so với cùng kỳ chủ yếu do kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng phục vụ dịp Tết cũng như việc nhập nguyên liệu đầu vào từ Formosa do giá quặng thép biến động giảm.

- Kim ngạch xuất khẩu: Tháng 5/2024 ước đạt 177,50 triệu USD, tăng 18,02% so với tháng trước nhưng so với cùng kỳ giảm đến 41,88% (giảm 127,9 triệu USD). Nguyên nhân chủ yếu ở việc mặt hàng xuất khẩu thép, phôi thép ước đạt 149,70 triệu USD, tăng 13,68% so với tháng trước và giảm đến 48,50% so với cùng kỳ do tháng trước có thời gian 2 tuần tạm ngừng bảo dưỡng dây chuyền, vì vậy tháng này có tăng so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ lượng hàng xuất khẩu giảm xuống khá sâu do diễn biến giá khó lường cũng như nhu cầu tiêu thụ thế giới phục hồi chậm hơn so với kỳ vọng. Bên cạnh mặt hàng thép thì các mặt hàng khác cũng giảm khá sâu so với cùng kỳ, mặt hàng dăm gỗ vẫn chưa tìm ra giải pháp tiêu thụ khi so với cùng kỳ năm trước có nhỉnh hơn nhưng so với tháng trước lại giảm.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 952,11 triệu USD, giảm 15,50% (tương ứng giảm 174,61 triệu USD) so với cùng kỳ. Trong đó: Xuất khẩu thép, phôi thép ước đạt 843,40 triệu USD (chiếm 88,58% tổng kim ngạch) giảm 19,19% (giảm 200,27 triệu USD) so với cùng kỳ, các nhóm hàng xuất khẩu khác cũng giảm khá sâu, chỉ có duy nhất nhóm ngành Chè có tăng trưởng trong xuất khẩu nhưng giá trị xuất khẩu chỉ đạt 1,51 triệu USD.

- Kim ngạch nhập khẩu: Trong tháng 5 ước đạt 360,50 triệu USD, giảm 9,12% so với tháng trước nhưng so với cùng kỳ vẫn tăng 15,42%. Nguyên nhân chủ yếu do việc Formosa hạn chế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sản xuất vì việc thị trường đầu ra đang gặp khó khăn, cũng do thời tiết chuyển nắng nóng vì vậy sản lượng sản xuất giảm so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.775,66 triệu USD, tăng 14,01% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2024, tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD. Với kết quả đến 5 tháng còn cách mục tiêu rất xa vì vậy để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng hoạt động xuất khẩu, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết một số chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024 - 2025, với nhiều chính sách hấp dẫn như: hỗ trợ phương tiện vận tải biển bằng container qua cảng Vũng Áng; hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ, các đoàn xúc tiến thương mại, khảo sát tìm hiểu thị trường xuất khẩu; hỗ trợ xây dựng gian hàng hóa để quảng bá, xuất khẩu trên sàn thương mại điện tử. Kỳ vọng những tín hiệu tích cực trong năm 2024 đối với hoạt động này./.

Nguyễn Kiều Ly

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

TIN KHÁC